Sự cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
a) Xuất phát từ vai trò to lớn của đạo đức Đạo đức là một dạng ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ xã hội. Ý thức đạo đức xây dựng ...
a) Xuất phát từ vai trò to lớn của đạo đức
Đạo đức là một dạng ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ xã hội.
Ý thức đạo đức xây dựng cho mỗi con người những quan niệm đúng về cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu, lương tâm và trách nhiệm. Hành vi đạo đức làm cho con người có ứng xử đúng với chính mình, trong quan hệ đạo đức giữa các cá nhân với nhau và cá nhân với tập thể…
Đạo đức là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội; góp phần quan trọng ổn định xã hội.
b) Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực, sáng ngời, tiêu biểu nhất cho truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam
Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; là Chủ tịch nước đầu tiên; Người sáng lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều đoàn thể chính trị xã hội lớn ở nước ta.
Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng thương yêu con người; mẫu mực của tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có tinh thần quốc tế trong sáng Người là tấm gương mẫu mực cho sự tự rèn luyện, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn.
Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại. Người nói báo chí có trách nhiệm là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức và lãnh đạo chung. Người nói nhà báo viết phải rõ mục đích là viết cho ai? Viết để làm gì và viết như thế nào?
Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn, “Mỗi vần thơ Bác, vần thơ thép, Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình” (Hoàng Trung Thông). Hồ Chí Minh là nhà giáo, là người mở đầu nền sử học mácxit ở Việt Nam.
Người là điển hình cho phong cách lãnh đạo quần chúng, dân chủ, nêu gương, phong cách làm việc khoa học, phong cách ứng xử chân tình, dễ gần, dễ mến; phong cách diễn đạt ngắn gọn, trong sáng, giản dị; phong cách sống đời riêng trong sáng.
c) Thực trạng đạo đức hiện nay đòi hỏi "nhân cái đẹp, dẹp cái xẩu”
Hiện nay bên cạnh những tấm gương đạo đức tốt, còn một bộ phận trong xã hội suy thoái về đạo đức lối sống; sống thực dụng, nặng về chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, bản vị cục bộ. Tệ quan liêu, nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí, quan liêu… chưa được ngăn chặn; một bộ phận thanh niên nghiện hút, cờ bạc, đua đòi sống thực dụng, buông thả, thờ ơ với chính trị… Đó thực sự là nguy cơ, thách thức lớn, ảnh hưởng đến chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Trong khi đó, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh rất nặng nề.
Giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống tốt đẹp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, khởi dậy, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nhằm khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; hình thành và phát triển các giá trị đạo đức mới, xây dựng con người Việt Nam có đạo đức cách mạng là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, cấp bách hiện nay.
d) Đảng ta khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức Hồ Chí Minh
Trong Điếu văn vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969), chúng ta đã thề: "Suốt đời học tập đạo đức tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến, bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (bổ sung, sửa đổi năm 2011) khẳng định: “Cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, quyết tâm phấn đấu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hiện nay. Đảng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với mục đích làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tường, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh.
e) Học sinh trung cấp chuyên nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tu dưỡng và rèn luyện trở thành người công dân tốt, người lao động tốt là nghĩa vụ và trách nhiệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của học là để phục vụ Tô quốc, phục vụ nhân dân, không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hình thành những con người vừa hồng vừa chuyên, kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm, hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh”
Lứa tuổi thanh niên có những biến đổi quan trọng về tâm, sinh lý. Tâm lý thanh niên và người trưởng thành dần hình thành ở bậc trung học. Môi trường sinh hoạt, học tập mới đòi hỏi mỗi cá nhân phải chuẩn bị vững vàng. Đây là nguyện vọng của mỗi người, đồng thời cũng là mong mỏi của các bậc cha mẹ, ông bà của mỗi học sinh…
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được vận dụng cho phù hợp với điều kiện sống và làm việc của mỗi người, trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập và làm việc hàng ngày của mỗi người.