Sự cần thiết phải đổi mới máy móc thiết bị công nghệ và các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư
Nền kinh tế thị trường đã tạo cho các doanh nghiệp nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, gắn chặt với nó là một hệ thống các quy luật kinh tế trong đó quy luật cạnh tranh giữ một vị trí chủ chốt. Mỗi doanh nghiệp khi hoạt động ...
Nền kinh tế thị trường đã tạo cho các doanh nghiệp nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, gắn chặt với nó là một hệ thống các quy luật kinh tế trong đó quy luật cạnh tranh giữ một vị trí chủ chốt. Mỗi doanh nghiệp khi hoạt động đều phải chấp nhận cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nếu doanh nghiệp nào chiến thắng được trong cạnh tranh thì sẽ tiếp tục phát triển, còn nếu không thua lỗ phá sản là khó tránh khỏi. Do đó, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm các giải pháp nhằm chiếm lợi thế trong cạnh tranh. Trong số rất nhiều giải pháp thường được áp dụng thì đầu tư đổi mới máy móc thiết bị , hiện đại hoá công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng. Bởi nếu doanh nghiệp thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị công nghệ sản xuất, thường xuyên trang bị mới những TSCĐ hiện đại thì sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí sản xuất,... Sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra vừa có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm cũng như hình thức mẫu mã, tiết kiệm được chi phí sản xuất sẽ giảm được giá bán sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong điều kiện kinh tế hạn hẹp của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, điều này còn có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có nhưng thay đổi theo chiều hướng hội nhập dần với kinh tế khu vực và thế giới.
Hiện nay, việc đổi mới máy móc thiết bị công nghệ đặt ra như một yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp bởi máy móc thiết bị của các doanh nghiệp đã cũ và lạc hậu. Điều này được thể hiện qua các mặt sau:
+ Trang thiết bị hầu hết đã cũ nát, chắp vá không thể sản xuất được những sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao , không thể đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Trước đây nước ta nhập máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau: 25% từ Liên Xô( Cũ), 21% từ các nước Đông Âu, 20% từ các nước ASEAN, ... nên tính đồng bộ kém, khi sử dụng năng lực thiết bị chỉ đạt 50% công suất, thiết bị lạc hậu từ 3-5 thế hệ,...
+ Do đầu tư thiếu đồng bộ nên thiếu nhiều phụ tùng thay thế, suất tiêu hao vật liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm còn quá lớn, nhiều tiêu chuẩn, qui phạm, định mức đã lỗi thời nhưng chưa sửa đổi. Máy móc thiết bị cũ làm cho số giờ chết máy cao, ... những nguyên nhân trên làm cho cho giá thành sản phẩm lên cao . Theo điều tra mới đây, trong số gần 5000 DNNN có đến hơn một nửa sử dụng máy móc thiết bị có hệ số hao mòn lớn hơn 50%, gần 70% máy móc thiết bị được sản xuất từ những năm 1960-1970. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều máy móc thiết bị phải nằm “ đắp chăn” không thể sử dụng được nữa. Theo tính toán chung, số hàng hoá trong nước hiện bị ứ đọng thì 40% là do giá thành cao và chất lượng kém, 20% đã lạc hậu lỗi mốt, 30% do không cạnh tranh nổi với hàng ngoại. Công nghệ cũ còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng tại nhiều khu vực khác nhau.
Tóm lại, việc đổi mới máy móc thiết bị là đòi hỏi khách quan đối với các doanh nghiệp nếu muốn chiến thắng trong cạnh tranh, củng cố và mở rộng chỗ đứng của mình trên thị trường cả trong hiện tại và tương lai.
Đổi mới máy móc thiết bị là cần thiết đối với các doanh nghiệp song việc đổi mới hoàn toàn không đơn giản, nó phải đảm bảo được một loạt các yêu cầu sau:
Đổi mới phải bắt kịp tiến bộ khoa học công nghệ: Mục đích của việc đổi mới thiết bị công nghệ trong doanh nghiệp là thay thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công nghệ cũ bằng những công nghệ mới tiên tiến hơn, ưu việt hơn, có khả năng tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì thế, khi thực hiện hoạt động đầu tư đổi mới doanh nghiệp cần tiến hành điều tra, nghiên cứu kỹ tính năng kỹ thuật cũng như mức độ tối tân của công nghệ sắp đầu tư. Việc điều tra, nghiên cứu này sẽ giúp doanh nghiệp tránh việc đầu tư vào những công nghệ lạc hậu, làm giảm sút hiệu quả của hoạt động đầu tư.
Đổi mới phải đồng bộ , có trọng điểm: Tính đồng bộ trong đổi mới là rất quan trọng bởi một sản phẩm tạo ra nếu muốn được thị trường chấp nhận thì cần phải đáp ứng được nhiều mặt như chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã,.. nếu đổi mới một cách“ khập khiễng ” chẳng hạn như sản phẩm vẫn giữ nguyên kiểu dáng, mẫu mã, chỉ thay đổi chất lượng, chất liệu cấu thành sản phẩm thì rất khó cho người tiêu dùng nhận ra được những ưu điểm mới của sản phẩm này. Do đó, sẽ làm giảm hiệu quả của công tác đổi mới tài sản. Tuy nhiên, đổi mới đồng bộ đòi hỏi doanh nghiệp phải có một lượng vốn lớn, đây là một trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp .Do đó, nếu thiếu vốn để đầu tư, thì doanh nghiệp nên thực hiện giải pháp tình thế là đổi mới có trọng điểm. Tính trọng điểm của hoạt động đầu tư thể hiện ở chỗ: chỉ đổi mới đối với những công nghệ chủ chốt mang tính sống còn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã thiếu vốn lại đầu tư một cách giàn trải chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại trong hoạt động đầu tư.
Đổi mới phải đón trước được yêu cầu và thị hiếu của thị trường: Những đòi hỏi của thị trường về một loại sản phẩm nào đó có thể thay đổi rất nhanh. Nếu doanh nghiệp không điều tra, nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện hoạt động đầu tư đổi mới chắc chắn sẽ làm giảm sút hiệu quả của hoạt động đầu tư thậm chí công tác đổi mới sẽ hoàn toàn vô nghĩa.
Việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị là đòi hỏi khách quan nhưng nếu xét trên giác độ quản lý tài chính thì hoạt động đầu tư này chính là các quyết định đầu tư dài hạn, đầu tư không chỉ cho hiện tại mà phải đón đầu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tương lai và cần có một nguồn vốn lớn. Vì vậy, để đi đến một quyết định đầu tư đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng hàng loạt các vấn đề- những yếu tố chi phối trực tiếp đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Một là: Tính hiệu quả của dự án đầu tư: Hoạt động đầu tư dài hạn luôn chứa đựng trong nó rất nhiều rủi ro. Mỗi doanh nghiệp phải xác định được độ tin cậy của dự án đầu tư, phải dự đoán được sự biến động trong tương lai về chi phí đầu tư bỏ ra, thu nhập nhận được từ dự án đầu tư, lãi suất vay vốn, khả năng tiêu thụ sản phẩm ,.. Vì vậy, phân tích tính khả thi của dự án đầu tư là công việc phải được tiến hành rất kỹ lưỡng, tỷ mỉ, khoa học trước khi thực hiện dự án đầu tư.
Hai là: Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ: Khoa học và công nghệ luôn luôn thay đổi, nó có thể là thời cơ cũng có thể là nguy cơ đe doạ đối với tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trước khi thực hiện dự án đầu tư cần phải tính đến những tiến bộ trong tương lai của khoa học công nghệ đối với những thiết bị mình sẽ đầu tư, từ đó có thể xác định chính xác trọng tâm cũng như cách thức đầu tư đổi mới trang thiết bị. Nếu thiết bị máy móc luôn tiên tiến, ít nhất ngang bằng với công nghệ của các doanh nghiệp cùng ngành trong nước cũng như khu vực thì doanh nghiệp mới có khả năng sản xuất ra những sản phẩm có lợi thế trên thị trường, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Ba là: Thị trường và sự cạnh tranh: Một dự án đầu tư chỉ có thể được chấp nhận khi nó có khả năng tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp trong cạnh tranh, có khả năng sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng phong phú và khắt khe của thị trường. Vì vậy , khi đưa ra một quyết định đầu tư không thể thiếu được sự phân tích kỹ tình hình hiện tại của bản thân doanh nghiệp, tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như dự đoán diễn biến tình hình thị trường trong tương lai.
Bốn là: Khả năng tài chính của doanh nghiệp: doanh nghiệp không thể tiến hành các dự án đầu tư nằm ngoài khả năng tài chính của mình. Hoạt động đầu tư đổi mới máy móc thiết bị luôn mang tính hai mặt. Một mặt, nó đem lại diện mạo mới, tạo ra lợi thế trong cạnh tranh và uy tín cho doanh nghiệp. Mặt khác, đó là hoạt động đầu tư cho tương lai, luôn chứa đựng những rủi ro và mạo hiểm. Một cơ cấu tài chính vững chắc sẽ là điều kiện tiên quyết đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Chính vì vậy công tác đầu tư đổi mới máy móc thiết bị phải quan tâm tới tình hình tài chính tại thời điểm đầu tư, trong quá trình đầu tư, hiệu quả của hoạt động đầu tư. Có như vậy doanh nghiệp mới tránh được những cú sốc về tài chính do hậu quả của hoạt động đầu tư sai lầm gây ra.
Nhu cầu về vốn cho hoạt động đầu tư là rất lớn, nó phát sinh liên tục. Tình trạng chung tại các doanh nghiệp hiện nay là nguồn vốn tự có rất hạn hẹp và thường không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Vì vậy, để có đủ vốn thực hiện hoạt động đầu tư thì doanh nghiệp phải huy động thêm dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi huy động các nguồn vốn doanh nghiệp cần chú ý đến một số vấn đề sau:
+ Số vốn cần phải huy động: Việc đa dạng hoá các hình thức huy động vốn là cần thiết nhưng phải đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc tài chính như: không huy động vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, lượng vốn vay vượt quá xa so với lượng vốn tự có dẫn tới hệ số nợ lên cao và có thể mất khả năng thanh toán,..
+ Chi phí huy động vốn: Để hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao thì nhất thiết doanh nghiệp cần quan tâm đến chi phí sử dụng vốn và thời gian huy động vốn. Nếu như vốn vay là một loại hàng hoá được mua bán trên thị trường, nó cũng chịu sự tác động của quy luật cung- cầu thì lãi vay phải trả chính là số tiền doanh nghiệp phải chi ra để có quyền sử dụng số vốn vay đó. Doanh nghiệp khi vay vốn cần so sánh giữa chi phí sử dụng vốn và kết quả thu được do sử dụng vốn vay đó. Mặt khác, thời gian vay phải phù hợp với thời gian khấu hao, với chu kỳ luân chuyển của TSCĐ được hình thành từ vốn vay.
Ngoài ra, còn có một số nhân tố khác cũng có ảnh hưởng tới quyết định đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp như: các chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước, tính rủi ro của hoạt động đầu tư, ....
Như vậy, để việc huy động vốn đổi mới máy móc thiết bị công nghệ đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì trước khi thực hiện các dự án đầu tư doanh nghiệp cần nghên cứu kỹ các vấn đề đã được đề cập ở phần trên. Đó chính là các cơ sở quan trọng để đưa ra những quyết định đầu tư đúng hướng, đảm bảo sự thành công của hoạt động đầu tư.