24/05/2018, 22:17

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng bao bì trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại

Bao bì là một loại sản phẩm đặc biệt luôn gắn liền với sản phẩm hàng hoá. Sản phẩm mà nhà kinh doanh đem đến cho khách hàng là một sản phẩm hoàn thiện. Bao bì hàng hoá được sử dụng trong kinh doanh thương mại là một tất yếu khách quan và cũng là một tất ...

Bao bì là một loại sản phẩm đặc biệt luôn gắn liền với sản phẩm hàng hoá. Sản phẩm mà nhà kinh doanh đem đến cho khách hàng là một sản phẩm hoàn thiện. Bao bì hàng hoá được sử dụng trong kinh doanh thương mại là một tất yếu khách quan và cũng là một tất yếu kinh tế. Tuy nhiên, mức độ, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng các loại bao bì như thế nào ở các DNTM phụ thuộc vào nhiều nhân tố.

Sản phẩm hàng hoá là một dạng vật chất cụ thể, nó có những đặc tính cơ, lý, hoá khác nhau, do đó đòi hỏi phải có những loại bao bì phù hợp mới đảm bảo được việc bao gói, bảo quản và lưu thông chúng một cách an toàn. Tính chất vật liệu bao bì phải phù hợp với tính chất của hàng hoá. Có thể nói tính chất của hàng hoá, đặc biệt là các tính chất về cơ, lý, hoá học của hàng hoá quyết định đến chất lượng, tính chất vật liệu sản xuất bao bì. Bao bì hàng hoá phải đảm bảo được một số yêu cầu quan trọng sau: Đảm bảo độ bền vững; không có phản ứng cơ, lý, hoá học đối với sản phẩm mà nó chứa đựng; phù hợp với hình dạng, kích thước của hàng hoá.

Những yêu cầu này đảm bảo cho bao bì giữ gìn được nguyên vẹn giá trị sử dụng hàng hoá trong quá trình bảo quản, vận chuyển, tránh được rơi vãi, mất mát, giảm được sự tác động có hại của môi trường đến chất lượng hàng hoá mà nó chứa đựng.

Với những sản phẩm có độ bốc hơi cao, dễ bốc cháy, sản phẩm độc hại, sản phẩm ở dạng hơi, khí nén, lỏng... Nói chung là những sản phẩm có yêu cầu cao trong bảo quản, vận chuyển (xăng, dầu, ga, khí nén, thực phẩm dễ hư hỏng, các loại hoá chất độc hại, thuốc trừ sâu, sơn…) thì sử dụng bao bì được chế tạo từ vật liệu kim loại là phù hợp nhất. Loại bao bì này không thấm nước, có độ bền vật lý, cơ học cao, không sợ cháy, ánh sáng và không khí không thấm qua được, chống được sâu bọ và các vật gặm nhấm phá hoại... Bao bì thường ở dạng hộp, thùng phuy…

Với những sản phẩm dạng hạt, rời có thể chịu được sự va chạm, cọ xát với nhau có thể sử dụng các loại bao bì mềm. Bao bì này được sản xuất từ các loại sợi đay, gai, vải, sợi bông dưới dạng các bao, túi. Bao bì này thích hợp với các sản phẩm như nhựa hạt, lương thực, ngô, lúa, gạo, đường, phân bón, cà phê hạt...

Các sản phẩm thuộc ngành dược, rượu, bia, hoá chất, nước giải khát, một số hàng thực phẩm thì sử dụng bao bì thuỷ tinh, đồ gốm sứ trở nên thông dụng hơn. Bao bì thuỷ tinh, gốm thường được sản xuất dưới các dạng chai, lọ, bình, ống, chum, vại... Loại bao bì này có nhiều ưu điểm như: khách hàng có thể thấy được lượng hàng, chất lượng hàng hoá mà họ mong muốn, đảm bảo hàng hoá được bảo vệ, không bị nhiễm bẩn, không ảnh hưởng đến mùi vị của hàng hoá (không phản ứng hoá học, lý học với sản phẩm chứa đựng...), không thấm nước... Những loại bao bì được sản xuất từ các loại vật liệu khác như giấy, bìa carton, gỗ, nhựa, các chất tổng hợp... cũng được sử dụng tuỳ thuộc vào tính chất hàng hoá kinh doanh.

Như vậy có thể kết luận rằng thích ứng với mỗi đặc điểm kỹ thuật, tính chất cơ, lý, hoá học của sản phẩm cần có một loại bao bì thích hợp nhằm thực hiện tốt chức năng chứa đựng, bảo vệ, bảo quản hàng hoá. Tuy nhiên, việc lựa chọn chất liệu của bao bì, dạng kiểu bao bì không phải duy nhất dựa vào tính chất của hàng hoá, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Sự phát triển nhu cầu tiêu dùng được xem xét ở các góc độ: quy mô cơ cấu và trình độ tiêu dùng. Do đó sự phát triển ngày càng cao của nhu cầu tiêu dùng ảnh hưởng rất lớn đến quy mô bao bì (số lượng), cơ cấu, chủng loại bao bì và trình độ thẩm mỹ, độ tiện dụng của bao bì trong kinh doanh.

- Trước hết nói về quy mô nhu cầu: Nhu cầu bao bì trong kinh doanh thương mại phụ thuộc vào quy mô hàng hoá lưu thông trên thị trường để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Có thể nói quy mô bao bì tỷ lệ thuận với quy mô tiêu dùng - nhu cầu của thị truờng. Theo tính toán của Tổ chức Bao bì thế giới cho thấy số lượng bao bì tiêu thụ hàng năm rất lớn: kinh doanh bao bì đạt khoảng 350 tỷ USD/năm và chúng ta có khoảng 5 tỷ người trên toàn thế giới, như vậy mỗi năm một người tiêu dùng trung bình 70 USD/năm. ở các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật, chỉ số này còn cao hơn. Chẳng hạn, mỗi người dân Mỹ tiêu dùng cho bao bì là 400USD/năm, cả nước Mỹ hàng năm tiêu dùng khoảng 100 tỷ USD cho bao bì. Các nước phát triển khác cũng có mức tiêu dùng bao bì tương tự. Các nước đang phát triển và chậm phát triển (trong đó có Việt Nam) thì chỉ số này rất thấp, khoảng 20 USD/người/năm [48, tr 6]

- Về cơ cấu bao bì sử dụng trong kinh doanh phụ thuộc vào cơ cấu tiêu dùng. Trong đó có các nhân tố: mục đích tiêu dùng (cho sản xuất hay tiêu dùng cá nhân); cơ cấu tiêu dùng và tập quán tiêu dùng; các tiêu chuẩn nâng cao mức tiêu thụ.

Đối với tiêu dùng cho sản xuất (hàng hoá tư liệu sản xuất) thường được hình thành các gói hàng lớn, hàng hoá không hoặc ít bị xé lẻ phù hợp với tính chất tiêu dùng có quy mô lớn, ổn định, bao bì đơn giản.

Đối với hàng hoá tiêu dùng cá nhân, cơ cấu bao bì (chủng loại - kiểu dáng) vô cùng phong phú. Sự phát triển dân số, sự phát triển các hộ gia đình nhỏ, cơ cấu dân cư, thói quen tiêu dùng và các đòi hỏi về thuận tiện trong sử dụng, chẳng hạn: là các yếu tố rất quan trọng tác động đến việc lựa chọn các hình thức bao gói và bao bì trong kinh doanh, ít có hình thức ăn uống tại nhà, nhiều người ăn uống trước tivi và ăn nhiều thức ăn phân định sẵn: các thức ăn chín, bánh kẹo và thức ăn nhanh, các sản phẩm được bao gói kiểu mới [22]. Do vậy, kích cỡ bao bì đặc biệt về bao bì thực phẩm phải phục vụ cho lối sống thay đổi hàng ngày. Thói quen tiêu dùng cũng quyết định đến việc lựa chọn bao bì trong kinh doanh. Theo các chuyên gia tiếp thị về bao bì cho thấy: sức mua hàng phụ thuộc vào màu sắc bao bì: cà phê nên sử dụng bao bì màu nâu sẫm vì người tiêu dùng ai cũng nghĩ rằng cà phê bọc trong bao bì màu nâu sẽ ngon hơn, lâu nay người ta đã quen với màu sắc đó của bao bì cà phê. Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, công nghệ sản xuất bao bì ngày càng phát triển, các hãng sản xuất kinh doanh cùng mặt hàng đều tìm cách cải tiến bao bì của mình phù hợp với trình độ của tiêu dùng. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm chất lượng hàng hoá mà bao bì chứa đựng, mà còn quan tâm đến độ tiện lợi và an toàn trong bảo quản. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thông qua bao bì với mức độ thoả mãn tốt hơn nhu cầu của họ. Đó chính là sự ưa thích của khách hàng. Sự lựa chọn này làm thay đổi cơ cấu bao bì sử dụng trong kinh doanh. Chẳng hạn, trước kia người ta thường đựng các loại cà phê uống liền (cà phê tan) trong các hộp sắt tây. Nhưng khi xuất hiện bao bì đựng cà phê bằng các lọ thuỷ tinh, người ta thấy thuận tiện hơn trong sử dụng (dễ dàng mở ra, đóng lại). Và nhờ đó mà loại bao bì cà phê bằng thuỷ tinh được sử dụng nhiều hơn. Ngày nay, sản phẩm này được đựng trong các túi mỏng, trong các hộp carton song người tiêu dùng vẫn không ưa chuộng bằng các lọ đựng cà phê do tính không thuận tiện, không an toàn của túi, hộp đó.

Việc sử dụng các loại bao bì dạng hộp dung lượng nhỏ bằng các chất liệu thích hợp với các loại sản phẩm thực phẩm chế biến tỏ ra được sử dụng nhiều hơn, bởi tính tiện dụng của nó. "Những hộp này làm cho việc bán lẻ dễ dàng thuận tiện hơn. Chúng đặc biệt hữu ích ở các cửa hàng bán lẻ tự phục vụ, bởi vì trên mỗi hộp đều ghi rõ cấp loại và giá cả. Chúng được ưa chuộng ở những nơi mà người ta quan tâm đến mặt ưu việt của chúng hơn là phải trả thêm giá" [21,tr 47]. Hộp carton đựng sẵn được sử dụng trong một số ngành như:Kẹo bánh:16%, Tĩnh vật: 15%; Dược phẩm: 13%; Trang sức: 8%; Quần áo: 5%; lương thực: 5%; Sản phẩm ảnh: 4%; Mỹ phẩm: 4%; Máy móc:3%; Hàng tạp phẩm: 18%; kho hàng:9%. [34]

Thói quen, thị hiếu và yêu cầu nâng cao trình độ và mức độ sử dụng hàng hoá đã làm thay đổi cơ cấu nhu cầu bao bì trong kinh doanh.

ở các quốc gia châu á, bao bì giấy và bìa carton chiếm tới 70%, bao bì thuỷ tinh chiếm 10% thị trường. Bao bì kim loại được dùng nhiều trong công nghiệp thực phẩm (dạng hộp thực phẩm chế biến, đồ uống) chiếm 70% tổng nhu cầu, còn 30% [37, tr 12] dùng cho các ngành công nghiệp khác như sơn, hoá chất. Như vậy, cơ cấu bao bì sử dụng trong kinh doanh thương mại phụ thuộc vào cơ cấu các loại sản phẩm hàng hoá kinh doanh, sự thay đổi cơ cấu hộ tiêu dùng và dẫn đến thay đổi định mức tiêu dùng, sự đòi hỏi về tính thuận tiện, hữu hiệu trong mua sắm, sử dụng hàng hoá, độ an toàn trong sử dụng, bảo quản và cả vào thị hiếu tiêu dùng. Nhà kinh doanh cần phải nhanh nhạy với những biến động đó, phải dự báo được các biến động đó để có chiến lược sử dụng bao bì thích hợp và có hiệu quả.

- Trình độ thẩm mỹ trong tiêu dùng có ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ bao bì hàng hoá sử dụng trong kinh doanh. Khách hàng mua hàng không chỉ dựa vào giá trị sử dụng của hàng hoá, vào sự thuận tiện của bao bì mà còn bởi tính hấp dẫn của các bao bì chứa đựng sản phẩm đó. Kiểu dáng bao bì kết hợp với cách trang trí, màu sắc biểu hiện của bao bì không những thể hiện trình độ kỹ thuật của ngành sản xuất bao bì mà còn thể hiện sức cuốn hút, hấp dẫn người mua. Ngày nay, bên cạnh các kiểu dáng của bao bì phong phú, đa dạng, người sản xuất và kinh doanh đặc biệt quan tâm đến trình độ mỹ thuật của bao bì. Tính mỹ thuật trong trang trí bao bì được hình thành trên cơ sở thẩm mỹ của nhu cầu. Tính thẩm mỹ của bao bì thường được sử dụng trong các loại hàng hoá lưu niệm, các sản phẩm mỹ phẩm, các loại rượu. Nhiều khi sức hấp dẫn của hàng hoá không chỉ ở giá trị sử dụng đích thực của nó mà còn do chính bao bì chứa đựng hàng hoá đó. Những bao bì truyền thống với chức năng chủ yếu là chứa đựng bảo quản hàng hoá dần được thay thế bằng các bao bì hiện đại, bổ sung nhiều chức năng quan trọng khác trong đó có chức năng quảng cáo của bao bì. Chìa khoá thẩm mỹ của bao bì có thể mở mang nhận thức của người tiêu dùng và kích thích thị hiếu của họ. Trong các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh, chúng ta dễ bị “loá mắt” bởi vô số kiểu dáng, màu sắc bao bì. Khách mua hàng hoá ngoài thói quen, còn có cả tính dẫn dụ của màu sắc bao bì. Đã có nhiều nghiên cứu, thử nghiệm về thẩm mỹ của nhu cầu thông qua màu sắc của bao bì, người ta đã đi đến kết luận: Sức mua hàng theo màu bao bì. Điều đó cho thấy trình độ thẩm mỹ trong tiêu dùng có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn bao bì trong kinh doanh thương mại.

Sự phát triển sản xuất thể hiện ở quy mô sản phẩm ngày càng lớn. Cơ cấu chủng loại, kiểu dáng và các yêu cầu thẩm mỹ, kỹ thuật của sản phẩm vô cùng phong phú. Tương ứng với điều kiện bảo quản, lưu thông các sản phẩm đó là quy mô, cơ cấu của bao bì được sử dụng ngày càng đa dạng. Sự chuyên môn hoá sâu của các ngành sản xuất làm cho số lượng các chi tiết sản phẩm được sản xuất ra ở nhiều đơn vị kinh tế. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng cũng tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều loại sản phẩm mới, khác với sản phẩm cạnh tranh. Ví dụ: bánh kẹo có hàng trăm loại, vật liệu xây dựng (xi măng, gạch ốp lát..) có hàng chục loại, hàng thực phẩm chế biến...cũng xuất hiện rất nhiều chủng loại. Các doanh nghiệp sản xuất đều cố gắng tạo ra nét đặc thù của sản phẩm của mình để thực hiện tiêu thụ một cách tốt hơn. Người ta nhận thức rằng bao bì là một bộ phận không thể tách rời của sản phẩm, được thể hiện ngay ở dạng vật chất cụ thể, đồng thời cũng chính là phương tiện để chuyển đổi sản phẩm thành hàng hoá, là phương tiện chuyển giao hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Với mỗi loại sản phẩm cần có những loại bao bì thích hợp để thực hiện việc chứa đựng và bảo quản hàng hoá. Vậy là quy mô, cơ cấu sản phẩm được sản xuất quyết định đến lượng, quy cách chủng loại bao bì trong kinh doanh.

Sự phát triển của lưu thông hàng hoá có thể xem xét ở nhiều góc độ: chẳng hạn về quy mô, cơ cấu hàng hoá, phạm vi lưu thông hàng hoá. Quy mô, cơ cấu hàng hoá lưu thông do quy mô, cơ cấu hàng hoá của các doanh nghiệp sản xuất quyết định. Trong nền kinh tế hàng hoá thì quan hệ giữa sản xuất với lưu thông là tỷ lệ thuận, chính sản xuất quyết định mối quan hệ này.

ở đây nghiên cứu sự phát triển của lưu thông về mặt phạm vi để xem xét ảnh hưởng của sự phát triển đó đến việc sử dụng bao bì trong kinh doanh như thế nào. Trong một quốc gia, lưu thông xem xét về mặt phạm vi được chia thành lưu thông trong nước (kinh doanh nội địa) và xuất nhập khẩu (kinh doanh thương mại quốc tế). Dù phạm vi kinh doanh như thế nào thì đối với mỗi sản phẩm trên mỗi khu vực thị trường cũng cần phải có loại bao bì thích hợp. Thông thường thì không có loại bao bì nào lại tốt với tất cả các loại hàng hoá với mọi thị trường. Giống như bất kỳ công cụ marketing nào, bao bì không phải là một yếu tố tự nhiên, đa dạng. Một bao bì hợp lý và chỉ được xem xét là tốt khi nó tốt, hợp lý trong một phạm vi nhất định và có liên quan mật thiết đến hai yếu tố chủ yếu của lưu thông, đó là sản phẩm được chứa trong bao bì và thị trường mà sản phẩm đó được đưa đến. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở một phạm vi thị trường chỉ tồn tại một loại bao bì duy nhất phù hợp với một loại sản phẩm nhất định, mà phải có nhiều loại để người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt là trong điều kiện người cung cấp thì nhiều, thị trường thì có hạn. Tình huống này được giải quyết bởi bao bì với kỹ xảo tinh vi của nó. ở các thị trường khác nhau, tính thẩm mỹ (kiểu dáng, cách trang trí, màu sắc, nhãn mác, chủng loại vật liệu bao bì) được xem là phương tiện mở mang nhận thức của người tiêu dùng, gợi mở, kích thích tính tò mò, thị hiếu của họ.

Đặc biệt, trong thương mại quốc tế (xuất nhập khẩu), việc sử dụng bao bì không chỉ liên quan đến các quy định lưu thông hàng hoá của quốc gia mà còn phải được quy định theo các thông lệ, hiệp ước, sắc lệnh của đối tác. Xuất nhập khẩu phát triển không chỉ làm tăng khối lượng bao bì hàng hoá trong kinh doanh mà còn làm tăng sự phức tạp về cơ cấu các loại bao bì. Sự phức tạp đó của bao bì do chính đặc điểm của kinh doanh xuất nhập khẩu quy định. Bao bì xuất nhập khẩu bắt buộc phải được sản xuất, kinh doanh, trình bày theo các tiêu chuẩn hoá về mã số, mã vạch, quy định các thông tin ký hiệu về hàng hoá, ký hiệu xếp dỡ vận chuyển, các ký hiệu cấm kỵ (thông qua hình vẽ màu sắc) đặc biệt với các hàng độc hại nguy hiểm.

Bộ Thương mại Việt Nam đã ban hành: “Quy chế về nhãn sản phẩm đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường” (ban hành kèm theo quyết định số 636 ngày 26/7/1996 của Bộ Thương mại). Các sắc luật, quy chế về bao bì lưu thông trên thị trường cùng với sự phát triển của lưu thông hàng hoá có ảnh hưởng quyết định đến việc lựa chọn bao bì trong kinh doanh thương mại. Một cách khôn khéo hơn, các doanh nghiệp thương mại cần thực hiện tốt kế hoạch marketing vì đó là “nơi tốt nhất để bắt đầu sự phù hợp của bao bì đối với thị trường”

Trình độ phát triển sản xuất - lưu thông hàng hoá có ảnh hưởng đến mức tiêu dùng bao bì, chẳng hạn ở một số quốc gia châu á, mức tiêu thụ về bao bì chất dẻo rất khác nhau: Inđônêsia: 5,2 kg/đầu người; Malaysia: 31kg/đầu người; Philippin: 5,2 kg/đầu người; Singapore: 105,5 kg/đầu người; Thái Lan: 20,3 kg/đầu người; Việt Nam: 3,5 kg/đầu người; Các nước ASEAN: 10,1%; Nhật: 108,5 kg/đầu người; Mỹ: 79,5 kg/đầu người; Hàn Quốc: 144 kg/đầu người.[32]

Phát triển kinh tế (cả lĩnh vực sản xuất, lưu thông) là nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp bao bì phát triển, ngành công nghiệp bao bì quyết định đến quy mô, cơ cấu, chủng loại bao bì trong các hoạt động kinh doanh thương mại. Kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nhân đã tổng kết rằng: ứng với mỗi loại sản phẩm ở mỗi khu vực thị trường cần có loại bao bì thích hợp mới đảm bảo được sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Công nghiệp bao bì thực sự được bắt đầu từ thế kỷ 19 khi hệ thống sản xuất hiện đại bắt đầu thay thế phương pháp sản xuất thủ công. Việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất bao bì làm cho khối lượng bao bì sản xuất ngày càng lớn. Sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, ngành hoá chất làm cho nguồn vật liệu bao bì ngày càng dồi dào và do đó các loại bao bì xét về vật liệu vô cùng phong phú để đáp ứng yêu cầu phát triển của sản xuất. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi các nhà sản xuất không những chỉ quan tâm đến chất lượng bao bì về mặt vật liệu mà còn phải quan tâm đến tính thẩm mỹ của bao bì. Công nghiệp bao bì bắt đầu quan tâm đặc biệt đến các kiểu dáng, màu sắc, cách trang trí trình bày bao bì, tính tiện dụng của chúng trong sử dụng, từ khi nhận thức được bao bì hàng hoá là tác nhân thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Những điều đó làm cho bao bì được sử dụng trong nền kinh tế quốc dân nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh thương mại nói riêng to lớn về số lượng, vô cùng phong phú, đa dạng, có sức cuốn hút mạnh mẽ trên thị trường. Sự khởi sắc trong công nghiệp bao bì làm cho bao bì trong kinh doanh thương mại được sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp tốt nhất với các loại sản phẩm và các khu vực thị trường.

ở các nước cũng như ở Việt Nam công nghiệp bao bì đã, đang và sẽ được đầu tư, phát triển với quy mô và trình độ ngày càng cao. Trung Quốc tăng cường đầu tư máy móc thiết bị cho công nghiệp bao bì. Giá trị máy móc đầu tư cho bao bì hàng năm rất lớn. Năm 1994: 653352 ngàn USD; năm 1995: 1064123 ngàn USD; năm 1996: 1419136 ngàn USD; năm 1997: 1183414 ngàn USD [35]. Còn nhu cầu vật liệu giấy làm bao bì ở các nước châu á tăng bình quân mỗi năm là 5,4% trong thời gian từ 1993 - 2010. Công nghiệp chế tạo hòm hộp carton sóng dập đinh ổn định (sóng đơn và sóng kép) đáp ứng được 60-70% nhu cầu thị trường châu á. Bình quân nhu cầu chất dẻo cho sản xuất bao bì tăng 10% mỗi năm trong khoản 10 năm trở lại đây ở các nước châu á. [32]

Việt Nam đã có trên 500 đơn vị sản xuất, kinh doanh bao bì, vật liệu bao bì, trong đó hơn 50 đơn vị tham gia Hiệp hội bao bì Việt Nam với rất nhiều loại hình sản xuất (bao bì giấy, nhựa, đay, thuỷ tinh, bao bì PP), chưa kể các bộ phận sản xuất bao bì tiêu thụ thực hiện sản xuất các bao bì dùng cho các loại sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Với đội ngũ các nhà sản xuất, kinh doanh bao bì ở Việt Nam hiện nay và với sự đầu tư phát triển cho lĩnh vực này của mỗi doanh nghiệp và Nhà nước, chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến hiệu quả sử dụng bao bì trong kinh doanh thương mại nước ta hiện nay cũng như trong tương lai.

Trong kinh doanh thương mại, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi doanh nghiệp lựa chọn cho mình những phương thức kinh doanh phù hợp. Thông thường có thể sử dụng phương thức bán buôn, bán lẻ, bán tại nơi tiếp nhận, kho của DNTM hoặc tại nơi khách hàng yêu cầu... Mỗi một phương thức kinh doanh đều có tác động đến việc sử dụng bao bì hàng hoá.

Với phương thức bán buôn (khối lượng lớn), thông thường phải sử dụng các bao bì ngoài/trung gian/bao bì vận chuyển. Khối lượng, sức chứa, các thông tin ghi ngoài bao bì (thông tin về vận chuyển, xếp dỡ, nơi sản xuất, nơi đi, nơi đến..) đều được quy định rõ ràng. Hoặc có thể sử dụng bao bì ngoài chứa nhiều bao bì trong.

Bao bì trong là loại bao bì để đóng gói hàng hoá, gắn liền trực tiếp với sản phẩm. Giá trị của bao bì này thường tính ngay vào giá trị sản phẩm. Những bao bì này phải thực hiện được chức năng chứa đựng, bảo quản tốt sản phẩm, phải có các thông tin đầy đủ về sản phẩm (tên sản phẩm, công dụng, tính chất kỹ thuật, cách thức sử dụng và một số chỉ dẫn khác kèm theo tính chất của hàng hoá. Các loại bao bì trong được dùng phổ biến ở các quầy hàng bán lẻ. Các bao bì này hàm chứa các chỉ dẫn cho sự lựa chọn của khách hàng. Do đó, giúp cho việc bán hàng được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Với các sản phẩm tiêu dùng (thực phẩm chế biến, dược phẩm, công nghệ phẩm…) xu hướng bán lẻ thông qua các cửa hàng, siêu thị ngày càng gia tăng. Do đó các loại bao bì trong đang ngày càng được chú ý, sử dụng rộng rãi.

Hình thức bán tận nơi người tiêu dùng thường sử dụng nhiều các loại bao bì vận chuyển. Loại bao bì này giúp cho việc giao nhận hàng hoá được nhanh chóng, chính xác cả về lượng, chất; đảm bảo cho hàng hoá được an toàn trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ tại nơi đi, nơi đến. Trong điều kiện cạnh tranh các nhà kinh doanh đang áp dụng phương thức hàng từ kho đến kho. Việc sử dụng các thùng chứa lớn, các khay để hàng, các bao container, container mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh thương mại. Các loại phương tiện thiết bị xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại yêu cầu sức chứa, độ bền vững của bao bì phải được đảm bảo. Yêu cầu đó làm phát sinh nhiều loại bao bì bằng các chất liệu có độ chịu nén, ép, chịu va đập tốt và có sức chứa thích hợp. Chính các kiểu bao bì như vậy tạo điều kiện tốt cho việc cơ giới hoá các khâu xếp dỡ vận chuyển, nâng cao năng suất lao động trong kinh doanh và đảm bảo an toàn cho hàng hoá.

Trong kinh doanh xuất nhập khẩu việc sử dụng đồng bộ các loại bao bì là một yêu cầu quan trọng. Các nhà xuất nhập khẩu thường sử dụng các container để chứa đựng các bao bì ngoài (đựng nhiều sản phẩm trong các bao bì trong) để đảm bảo yêu cầu vận chuyển, bảo quản trong thời gian dài. Các bao bì ngoài phải đảm bảo được các quy định trong kinh doanh của các đối tác (quy chế mác, nhãn, hình thức bao gói, trọng lượng/số lượng... các ký hiệu khác...).

Việc đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh, sự tiến bộ trong lĩnh vực giao nhận, vận chuyển, xếp dỡ, các quy định, thói quen thương mại quốc tế quyết định việc lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các loại bao bì trong kinh doanh thương mại. Mọi sự trì trệ, bảo thủ trong lĩnh vực bao bì đều có thể dẫn đến các tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của các DNTM.

Như đã phân tích ở mục 1.3.1, quan niệm hiệu quả trong sử dụng bao bì ở các DNTM cần được xem xét không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn ở khía cạnh xã hội (nếp sống văn hoá, môi trường...)

Mỗi DNTM với đặc điểm hoạt động của mình đều mong muốn thực hiện được các mục tiêu kinh doanh, trong đó mục tiêu lợi nhuận là cơ bản, lâu dài, là động lực phát triển, là cơ sở thực hiện các mục tiêu tiếp theo.

Lợi nhuận thu được nhiều hay ít phụ thuộc vào yếu tố doanh thu và chi phí. Mức chênh lệch càng cao (lợi nhuận càng nhiều), cũng tức là hiệu quả xét về mặt kinh tế của doanh nghiệp càng lớn. Trong chi phí kinh doanh có phần chi phí của bao bì hàng hoá. Theo một tài liệu của Liên xô cũ (Nga) thì giá trị của bao bì chiếm trung bình không dưới 5% giá trị của hàng hoá là tư liệu sản xuất [11]. Đối với hàng tư liệu tiêu dùng trung bình là 10%. ở Philippin, chi phí bao bì của những loại nước hoa quả đóng hộp chiếm tới 50% chi phí sản xuất. Chi phí bao bì cho sản phẩm bánh kẹo của liên doanh Haiha Kotobuky chiếm 30 - 75 giá thành. Tính trung bình giá trị bao bì chiếm từ 5 - 50% giá trị hàng hoá. Theo tài liệu của Packexport thì trị giá của bao bì chiếm khoảng 2% GNP. [43]

Để tăng lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của mình, trước hết DNTM phải bán được hàng hoá (có doanh thu). Hàng hoá bán càng nhiều thì doanh thu càng lớn. Mặt khác, phải giảm chi phí trong đó có chi phí bao bì. Vậy là doanh nghiệp phải lựa chọn bao bì cho sản phẩm nào đó để vừa có doanh thu cao (có khả năng bán hàng nhanh, nhiều), vừa giảm chi phí bao bì. Cần tính toán giữa việc giảm chi phí bao bì với sức cạnh tranh sản phẩm của mình. Hơn nữa chi phí vận chuyển, xếp dỡ, bảo quản... đều có phần liên quan đến việc sử dụng loại bao bì này hay loại khác. Tính đặc biệt của sản phẩm bao bì liên quan trực tiếp đến giá mua, đến các chi phí dịch vụ khác trong kinh doanh thương mại. Hiệu quả kinh tế trong kinh doanh được xem là yếu tố đầu tiên, quan trọng cho việc lựa chọn các loại bao bì của mỗi DNTM.

Hiệu quả xét về mặt xã hội: là vấn đề môi trường, là sự ảnh hưởng của bao bì đến lối sống của người tiêu dùng. Các vấn đề rác thải bao bì ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, tính thẩm mỹ, tính văn hoá, tính dân tộc, tính thuận tiện cần được cân nhắc, tính toán khi lựa chọn sử dụng bao bì trong kinh doanh của các doanh nghiệp “bao bì nhãn mác sản phẩm là vấn đề rất quan trọng gắn liền với những giá trị văn hoá” [6] 1998. Cần nhận thức rằng hai khía cạnh (kinh tế và xã hội) của hiệu quả trong kinh doanh thương mại không mâu thuẫn với nhau, trái lại hỗ trợ nhau, liên quan mật thiết với nhau. Yếu tố bao bì cần được xem xét đánh giá một cách toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu tỷ mỷ, sâu sắc tính đặc biệt của bao bì và các chức năng của nó.

ở các nước đang phát triển và phát triển, việc lựa chọn các loại bao bì trong kinh doanh (nội thương - ngoại thương) cũng đều dựa trên sự quan hệ chặt chẽ giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội. Điều đó thể hiện ở các dạng bao bì khác nhau, các loại chất liệu sản xuất khác nhau, các quy định về ký mã hiệu khác nhau, các quy định của sắc lệnh bao bì về trách nhiệm thu hồi bao bì thải loại. Các nhà sản xuất kinh doanh ở nước ta còn chưa coi trọng hiệu quả xã hội trong lĩnh vực sử dụng bao bì, đặc biệt là vấn đề phế thải bao bì. Điều đó cần được tiếp tục nghiên cứu ở cả lĩnh vực sản xuất bao bì, kinh doanh thương mại, người tiêu dùng và quan trọng là lĩnh vực pháp chế về bao bì của nhà nước.

0