Sông nước Cà Mau lớp 6
Sông nước Cà Mau trích trong tác phẩm Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi là một bài văn tả cảnh đặc sắc. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh làm nổi bật vẻ đẹp mênh mông, bao la, hùng vĩ, hoang dã, dào dạt sức sống của cảnh sắc thiên nhiên sông nước Cà Mau. I. ĐỀ LUYỆN TẬP ...
Sông nước Cà Mau trích trong tác phẩm Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi là một bài văn tả cảnh đặc sắc. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh làm nổi bật vẻ đẹp mênh mông, bao la, hùng vĩ, hoang dã, dào dạt sức sống của cảnh sắc thiên nhiên sông nước Cà Mau.
I. ĐỀ LUYỆN TẬP
Đề 1. Qua bài "Sông nước Cà Mau" trích trong tác phẩm "Đất rừng Phương Nam" của Đoàn Giỏi. Hãy trích dần một vài câu văn có hình ảnh so sánh mà em yêu thích.
Đề 2. Phân tích và nêu cảm nghĩ của em về cảnh sắc độc đáo, sự ồn ào, đông vui, tấp nập của chợ Năm Căn "một thị trấn anh chị rừng xanh" qua trang văn "Sông nước Cà Mau" của Đoàn Giỏi.
Đề 3. Phân tích vẻ đẹp hùng vĩ hoang dã và dào dạt sức sống của miền "Sông nước Cà Mau" qua trang văn của Đoàn Giỏi.
II. BÀI VĂN TỰ LUẬN
Đề 1. Qua bài "Sông nước Cà Mau" trích trong tác phẩm "Đất rừng Phương Nam" của Đoàn Giỏi. Hãy trích dần một vài câu văn có hình ảnh so sánh mà em yêu thích.
“Sông nước Cà Mau”trích trong tác phẩm “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi là một bài văn tả cảnh đặc sắc. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh làm nổi bật vẻ đẹp mênh mông, bao la, hùng vĩ, hoang dã, dào dạt sức sống của cảnh sắc thiên nhiên sông nước Cà Mau. Bài văn có nhiều hình ảnh so sánh mà em yêu thích.
- Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện.
- Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.
- Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.
- Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sông...
Đề 2. Phân tích và nêu cảm nghĩ của em về cảnh sắc độc đáo, sự ồn ào, đông vui, tấp nập của chợ Năm Căn "một thị trấn anh chị rừng xanh" qua trang văn "Sông nước Cà Mau" của Đoàn Giỏi.
Một vẻ đẹp nữa của Cà Mau là chợ Năm Căn. Là hình ảnh độc đáo của "xóm chợ vùng rừng cận biển" với "những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa...", những ngôi nhà gạch "văn minh hai tầng", "những đống gỗ cao như núi", "những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn...". Tất cả tạo nên sự "ồn ào, đông vui, tấp nập".
Năm Căn là một thị trấn "anh chị rừng xanh" rất trù phú nơi vùng đất cuối cùng Tổ Quốc. Đoàn Giỏi vừa liệt kê vừa miêu tả làm nổi bật sức sống và vẻ đẹp độc đáo của Năm Căn. Đây là một câu văn sử dụng rất đắt ẩn dụ, nhân hóa thể hiện cách nghĩ, cách nói của người nông dân Nam Bộ: "Nhưng Năm Căn còn có cái bề thế của một thị trấn anh chị rừng xanh" đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên một vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Cảnh vật và cuộc sống đa dạng, phong phú, sôi nổi. Có những hầm than gỗ đước... Có cảnh buôn bán rất độc đáo mà ở miền Bắc không có. Những ngôi nhà bè - những khu phố nổi - ban đêm đèn măng xông chiếu rực trên mặt nước. Người đi mua "có thể cập thuyền lại, bước sang...", hoặc gọi một món xào, một món nấu Trung Quốc, hoặc mua một đĩa thịt rừng nướng ướp kèm theo vài cút rượu. Cũng có thể mua cây kim cuộn chỉ, một bộ quần áo may sẵn, một món nữ trang đắt giá "mà không cần phải bước khỏi thuyền". Thật dân dã mà thuận tiện, sông nước mà văn minh. Người bán hàng, hoặc là những người con gái Hoa kiều "xởi lởi", hoặc những người Chà Châu Giang "bán vải", hoặc những bà cụ già người Miên "bán rượu". "Những khu phố nổi" với cảnh mua bán tấp nập, với đủ các giọng nói "líu lô", đủ kiểu ăn vận "sặc sỡ", đã tô điểm cho Năm Căn "một màu sắc độc đáo"... Có yêu mến Năm Căn mới viết hay và đậm đà thế!
Trang văn "Sông nước Cà Mau" cho thấy bút pháp nghệ thuật miêu tả đặc sắc của Đoàn Giỏi. Cảnh vật biến hóa, màu sắc biến hoá. Bầu trời, biển đông, dòng sông, kênh, rạch, rừng đước, chợ Năm Căn vừa hoang dã hùng vĩ, vừa dào dạt sức sống, xa lạ mà mến thương. Thiên nhiên bao la, hào phóng; con người thì mộc mạc, hồn hậu.
Trang văn của Đoàn Giỏi như đưa ta đi thăm thú sông nước Cà Mau, tận hưởng hương rừng Cà Mau, tưởng như được đến chơi chợ Năm Căn, bước lên ngôi nhà bè mua một món hàng lưu niệm...
Đề 3. Phân tích vẻ đẹp hùng vĩ hoang dã và dào dạt sức sống của miền "Sông nước Cà Mau" qua trang văn của Đoàn Giỏi.
Đoàn Giỏi (1925-1989) là nhà văn Nam Bộ, tên tuổi và sự nghiệp văn chương sáng chói với tác phẩm "Đất rừng phương Nam", một kiệt tác trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Chương 18 mở ra một không gian nghệ thuật hoành tráng về sông nước Cà Mau, một thiên nhiên hùng vĩ, bao la, giàu đẹp, hoang dã, dào dạt sức sống. Rừng tiếp sông rạch, biển tiếp trời, rừng đước Cà Mau và chợ Năm Căn... như mở ra trong tâm hồn chúng ta biết bao kì thú và khát khao. Ngòi bút của Đoàn Giỏi như đang vẫy vùng, tung hoành cùng sông nước Cà Mau.
Càng xuôi dòng về hướng mũi Cà Mau, du khách như lạc vào thế giới mênh mông sông nước: "Sông ngòi kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện".Cảnh sắc thiên nhiên bát ngát một màu xanh vô tận. Có "trời xanh", "nước xanh" và "chỉ toàn một sắc xanh cây lá". Tất cả "quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu" của rừng tiếp trời, sông tiếp biển. Giữa màu xanh baola ấy là "tiếng rì rào bất tận" của rừng xanh, là "tiếng sóng rì rào" của biển Đông, của vịnh Thái Lan vọng về trong "hơi gió muối".
Một thế giới hoang sơ, hoang dã mở ra bao địa danh xa lạ ở vùng cực nam của Tổ quốc. Tên con kênh, con rạch, tên làng, xã... đều gợi lên một nét riêng về sinh thái, phản ánh một lối sống thuần phác, mộc mạc, hồn hậu của bà con vùng sông nước Cà Mau. Là Chà Là, Cái Keo, sông Bảy Háp. Là rạch Mái Giầm, đôi bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm "chỉxòa ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ".Là kênh Bọ Mắt, nơi tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, bay theo thuyền như những đám mây nhỏ, đốt vào da thịt "ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên". Ai đã một lần qua kênh Bọ Mắt chắc đã nhớ đời? Là kênh Ba Khía, hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, loại còng biển lai cuạ, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon. Là xã Năm Căn xa xưa chỉ độc có một cái lán năm gian của những người đốn củi hầm than dựng nên. Cà Mau, tiếng Miên nói trại đi thành "Tức khơ mâu", có nghĩa là "Nước đen". Đúng là trang văn Đoàn Giỏi mở rộng tầm mắt ta, làm phong phú tâm hồn ta, trí tuệ ta, để ta yêu thêm miền Nam nước Việt.
"Chèo thoát qua"kênh Bọ Mắt là không còn bị bọ mắt đốt nữa, là "đổra"sông Cửa Lớn mênh mông hơn, rồi "xuôi về" Năm Căn, êm ả hơn. Con thuyền xuôi dòng, vượt qua bao kênh, rạch, dòng sông. Thế giới Năm Căn mênh mông, hùng vĩ, giàu có và dào dạt sức sống: Sông mênh mông, "nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác", cá nước bơi hàng đàn "đen trũi"... Rừng đước là biểu tượng cho vẻ đẹp hoang dã, sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của Cà Mau. Rừng đước “ngọn bằng tăm tắp”, "dựng lên rao ngất như hai dãy trường thành vô tận". Màu xanh của đước là vẻ đẹp, là sức sống Cà Mau: "Màu xanh lá mạ", "màu xanh rêu", "màu xanh chai lọ",... Cách so sánh và cảm nhận của Đoàn Giỏi thật phong phú và đầy chất thơ. Rừng đước Cà Mau như đưa hồn ta vào cõi mộng của màu xanh vô tận "lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóngban mai".Cây đước trong văn Đoàn Giỏi cũng như trong thơ Xuân Diệu đều sâu nặng tình yêu đất nước:
"Những dòng sông lớn hơn ngàn thước
Trùng điệp một màu xanh lá đước
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổxuống nghìn tay, ôm đất nước".
(Mũi Cà Mau)
III. BÀI ĐỌC THAM KHẢO
1. Cá sấu cặp
Chiếc thuyền trườn mũi trên cát, để lại những đám bọt sóng trắng nháo nhào chạy lùi ra sau lái. Người trên truyền chưa kịp quang dây xuống thì bọn con nít đã trèo phốc lên be rồi.
Ôi chao, con cá sấu to quá! Mình dài có hơn năm mét. Chỗ quãng bụng giữa, ước chừng một vòng rưỡi tay người lớn ôm mới giáp. Cái mõm dài sọc, đầy răng chơm chởm của nó đã bị khớp chặt lại bằng một sợi dây thép.
Hơn hai tháng nay, riêng tía nuôi tôi đã bắt được mười hai con rồi. Thường thì da cá sấu màu xanh rêu pha bùn mốc, dưới lườn bụng hơi trắng. Khắp mình trên mọc gai, có chỗ vằn hoa lốm đốm. Con cá sấu này, màu da xám ngoét như day cây bần, gai lưng mọc chừng ba đốt tay, trông rất dễ sợ. Cá đuôi dài - bộ phận khoẻ nhất của con vật kinh khủng dùng để tấn công - đã bị trói vít cong lên phía đầu. Bốn chân cũng bị thít chặt vào cái đuôi hoàn toàn mất tác dụng ấy. Con cá sấu hung tợn nằm im như chết giữa lòng thuyền.
Mọi người xúm lại, dùng đòn buộc dây da trâu khiêng con cá sấu vừa đánh được, đưa lên bãi. Phải có đến mười hai người đàn ông lực lưỡng mới khiêng nổi nó và đưa vào tới bờ. Má nuôi tôi cũng đi theo tốp người khiêng. Những người đàn bà lăng xăng ngã giá mua nguyên cả con cá sấu cứ bám sát bên má nuôi tôi. Mấy chị phụ nữ tre trẻ trong xóm cũng xoắn theo chân má nuôi tôi, người nào người nấy đều sẵn sàng dao rổ, chia phần thịt mang đi bán.
Thằng Cò dắt con chó đi mua rượu về, thấy bố còn ngồi trong bóng thuyền dựa bãi với các ông bạn phường săn, bèn chạy vù đến vứt chai rượu xuống cát cái phịch rồi quày quả chạy đuổi theo đám người nhốn nháo đằng kia.
- Khi tôi phóng mũi lao trúng con cá sấu này, thì tôi nghe đằng xa nước động dữ dội. Chắc còn một con nữa, to hơn. Nhất định là cá sấu cặp! - Tía nuôi tôi nói xong, còn tặc lưỡi mấy tiếng ra bộ tiếc rẻ lắm.
Trích "Đất rừng phương Nam” - Đoàn Giỏi