Soạn bài Uy - lít - xơ trở về SBT Ngữ văn 10 tập 1
Giải câu 1, 2, 3 trang 32 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Bình luận vẻ đẹp của Pê-nê-lốp trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về. ...
Giải câu 1, 2, 3 trang 32 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Bình luận vẻ đẹp của Pê-nê-lốp trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về.
1. Bình luận vẻ đẹp của Pê-nê-lốp trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về.
Trả lời:
Yêu cầu của đề là bình luận vẻ đẹp của Pê-nê-lốp. Xét về bản chất, vẻ đẹp của Pê-nê-lốp ở đây là sự hoà trộn giữa vẻ đẹp của tâm hồn và trí tuệ, làm nổi bật vẻ đẹp kiên trinh, vẻ đẹp ấy thể hiện qua nhiều hành vi, thái độ, tư thế. Cụ thể :
a) Thái độ thận trọng trong ứng xử :
- Trước đó (phần này không có trong đoạn trích) khi nghe nhũ mẫu Ơ-ri-clê lên gác báo tin chồng đã trở về, Pê-nê-lốp “bỗng mừng rỡ cuống cuồng”. Điều này thể hiện sự khát khao chờ đợi, sự mong mỏi hạnh phúc tình yêu và hạnh phúc gia đình của Pê-nê-lốp. Ở đoạn trích, Pê-nê-lốp có một thái độ hoàn toàn khác : thái độ thận trọng. Tại sao lại có sự thay đổi thái độ đột ngột như vậy ? Vì Pê-nê-lốp nghĩ rằng :
+ Cuộc đối đầu quá chênh lệch, chỉ có thần mới đủ sức để tiêu diệt 108 kẻ cầu hôn.
+ “Chính chàng (Uy-lít-xơ) cũng chết rồi”.
- Phân tích thái độ của Pê-nê-lốp khi ngồi đối diện với chồng qua các biểu hiện cụ thể.
- Pê-nê-lốp đã giãi bày tâm trạng của mình như thế nào khi con trai trách cứ ? Lời giãi bày đó có phải chỉ dành cho con trai không ? Lời giãi bày đó hé mở điều gì ?
b) Tư thế ung dung, bình tĩnh :
- Vẻ đẹp kiên trinh của Pê-nê-lốp còn thể hiện qua tư thế ung dung, bình tĩnh của một chủ nhà tiếp một người khách lạ, một người đặc biệt (vì ông ta đã đánh đuổi được bọn cầu hôn). Sự ung dung ấy thể hiện năng lực gì của Pê-nê-lốp ?
- Sự bình tĩnh, thanh thản của Pê-nê-lốp đã tạo ra vị thế chủ nhân. Từ đó, Pê-nê-lốp đã hoàn toàn làm chủ tình thế, làm chủ bản thân, không thất lễ trước khách lạ, cũng không làm mất lòng kẻ ở người ăn. Tư thế ung dung đó được thể hiện như thế nào ?
c) Vẻ đẹp trí tuệ :
- Đối với một người quen (ở đây là người chồng) có thể nhận dạng qua :
+ Đặc điểm ngoại hình (khuôn mặt, dáng đi, động tác, cử chỉ,...)
+ Giọng nói (âm thanh, ngữ điệu, cách nói,...)
Hai phương diện này không tạo ra niềm tin vững chắc cho Pê-nê-lốp. Vì thế hình thức nhận dạng thứ ba xuất hiện. Đó là nhận dạng bằng kỉ niệm thiêng liêng gắn kết bền vững hai vợ chồng.
Vẻ đẹp trí tuệ của Pê-nê-lốp hiện ra trọn vẹn với đỉnh cao là phép thử bí mật của chiếc giường.
Sự thận trọng được đẩy lên cao với bí mật về chiếc giường của hai vợ chồng. Vì sao bí mật về chiếc giường lại là một thử thách thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của Pê-nê-lốp ?
- Khi đã gạt bỏ được mọi nghi ngờ, đã nhận ra đúng là chồng mình, Pê-nê-lốp mới thể hiện tình cảm của mình bằng những hành động yêu thương được dồn nén bởi nỗi khát vọng chờ mong và hạnh phúc tột độ trong giây phút gặp gỡ. Hành động đó của Pê-nê-lốp có ý nghĩa gì và gợi mở điều gì về thời đại đó không ?
Pê-nê-lốp hiện lên qua đoạn trích với một vẻ đẹp kiên trinh, và khát vọng bình yên về một gia đình hạnh phúc, mà ở đó có sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
2. Phân tích diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ trong buổi đoàn viên sau hai mươi năm xa cách.
Trả lời:
Diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ trong buổi đoàn viên thể hiện qua các bước :
a) Kiên nhẫn đợi chờ
- Sau khi đánh đuổi bọn cầu hôn, vẫn khoác trên mình bộ quần áo rách rưới, bẩn thỉu đầy máu me, Uy-lít-xơ kiên nhẫn ngồi đợi những hành vi âu yếm, tình cảm của Pê-nê-lốp. Tại sao Uy-lít-xơ lại kiên nhẫn đợi chờ hành vi tình cảm của Pê-nê-lốp ?
- Sự kiên nhẫn này còn được đối sánh với các hành vi giục giã của nhũ mẫu Ơ-ri-clê và con trai Tê-lê-mác. Họ càng giục Pê-nê-lốp bao nhiêu thì Pê-nê-lốp càng tỏ ra thản nhiên bấy nhiêu và Uy-lít-xơ cũng không kém phần kiên nhẫn chờ đợi, không nản lòng. Uy-lít-xơ hi vọng vào những tác động từ bên ngoài đó.
- Uy-lít-xơ tiếp tục nghe mọi người đối thoại, thể hiện một phong thái “cao quý và nhẫn nại”, một phẩm chất quan trọng của người anh hùng. Khi Pê-nê-lốp chưa chịu thừa nhận mình, Uy-lít-xơ đã giải thích lí do cho con trai biết như thế nào ?
b) Giận dỗi, lo âu
Sau khi tắm rửa xong, thay bộ quần áo mới, trông Uy-lít-xơ “đẹp như một vị thần”, nhưng mọi băn khoăn của Uy-lít-xơ vẫn chưa được giải toả.
- Uy-lít-xơ đã tỏ thái độ như thế nào khi Pê-nê-lốp không nhận chồng chỉ qua hình thức bề ngoài ?
- Tâm trạng của Uy-lít-xơ như thế nào khi nghe vợ yêu cầu nhũ mẫu mang chiếc “giường kiên cố” do chính tay mình tạo ra? Các lí do mà Uy-lít-xơ đưa ra để chứng minh sự chắc chắn, kiên cố của chiếc giường là gì ?
- Tâm trạng giận dỗi chuyển sang tâm trạng lo âu bởi vì dời chiếc giường đi là một vấn đề hoàn toàn khác, có nghĩa là Pê-nê-lốp không còn thuỷ chung và cũng có nghĩa là Uy-lít-xơ đã mất tất cả. Trong hoàn cảnh đó, đòi hỏi của Uy-lít-xơ mang tính cấp bách và hợp lí.
c) Cảm thông trân trọng
- Khi nghe Uy-lít-xơ nói được bí mật về chiếc giường thì Pê-nê-lốp đã hành động như thế nào ? Hành động đó đã mang lại hiệu quả gì ?
- Đây là lúc những dòng nước mắt sung sướng và hạnh phúc của Pê-nê-lốp tuôn trào ra. Nàng lên tiếng thanh minh về sự âu yếm chậm trễ của mình. Hành vi nói trong nước mắt mang một giá trị biểu cảm cao, góp phần gạt bỏ hoàn toàn mọi sự hiểu lầm, nghi ngại và mở đường cho một sự cảm thông toàn diện, dẫn tới một niềm hạnh phúc bất ngờ song mĩ mãn. Do đó, sự cảm thông xuất hiện : "Uy-lít-xơ càng thêm muốn khóc”, "ôm lấy người vợ xiết bao thân yêu, người bạn đời chung thuỷ của mình mà khóc dầm dề”. Tiếng khóc của hai vợ chồng cho thấy điều gì ?
Chỉ trong một trích đoạn ngắn, tâm trạng của Uy-lít-xơ được bộc lộ trên những bình diện khác nhau, tạo thành những cung bậc khác nhau nhằm diễn tả một tình huống khác thường mà Hô-me-rơ đã tái hiện. Những trạng thái ấy đều phản ánh "tính chất người” và tạo ra sự đồng cảm giữa người đọc và nhân vật. Sự thay đổi các trạng thái cho thấy diễn biến tâm lí của nhân vật góp phần tạo ra tầm vóc cho nhân vật qua sự khắc hoạ cụ thể, cảm tính và chân thực.
Bức tranh tâm trạng của Uy-lít-xơ được tái hiện trong buổi gặp mặt cho thấy tài năng miêu tả tâm lí của tác giả Hô-me-rơ; đồng thời cho thấy vẻ đẹp của các nhân vật Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ.
3. Bài tập 2, trang 52, SGK.
Trả lời:
Đề bài yêu cầu tái hiện nội dung câu chuyện được kể trong đoạn trích. Đề này nhằm rèn luyện kĩ năng tái hiện văn bản và kĩ năng kể chuyện.
a) Mở bài : Nhân vật tự giới thiệu về mình như là người kể chuyện.
Ví dụ : Thế là tôi đã trở về sau hai mươi năm cách trở xa xôi, sau hai mươi năm trông đợi ngóng chờ. Tôi cứ hình dung cảnh tượng lúc ấy Pê-nê-lốp của tôi sung sượng biết bao nhiêu.
b) Thân bài : Nhân vật kể lại toàn bộ diễn biến câu chuyện.
- Gặp con và nhũ mẫu Ơ-ri-clê : Bỡ ngỡ vì khi ra đi Tê-lê-mác mới lên ba, mà giờ đây đã là một trang thanh niên tuấn tú. Sau phút bỡ ngỡ ban đầu, tình cha con dạt dào thắm thiết. Tê-lê-mác cũng muốn cha mẹ mình gặp nhau càng sớm càng tốt và nghĩ rằng mẹ sẽ rất đỗi mừng vui vì hạnh phúc bất ngờ. Nhũ mẫu Ơ-ri-clê cũng không giấu nổi sự mừng vui; vui vì chủ đã về, vui vì lũ cầu hôn đã bị tiêu diệt.
- Gặp vợ sau khi chiến thắng bọn cầu hôn : Nêu rõ sự trái ngược giữa hai thái độ.
Ví dụ : Tôi càng nôn nóng bao nhiêu thì vợ tôi - Pê-nê-lốp - càng tỏ ra thờ ơ bấy nhiêu. Tôi cũng không hiểu được nàng đang có sự e ngại gì. Tôi thực sự không hiểù vì sao nàng lại xử sự như thế. Tôi đoán già đoán non, và đi tới niềm tin chắc chắn là nàng đang nghi ngại, nàng sợ có kẻ giả dạng tôi để trêu chọc nàng. Do đó, tuy nôn nóng nhưng tôi cũng cứ làm ra vẻ bình thản đợi chờ. Tôi đi thay quần áo, mặc bộ quần áo đẹp nhất trước đây khi còn ở nhà tôi vẫn thường dùng. Chắc chắn dưới bộ quần áo quen thuộc ấy nàng sẽ nhận ra tôi. Tôi yên lặng đợi chờ.
- Bất ngờ xảy ra : Trình bày được diễn biến trong tâm tư nhân vật, qua hình thức tự vấn.
Ví dụ : Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì khi thấy tôi trong bộ quần áo mới, nàng cũng tỏ thái độ chẳng khác gì khi tôi khoác bộ quần áo rách rưới đóng giả làm người hành khất. Tôi thực sự không hiểu. Phải chăng Thần Dớt đã ban cho nàng một trái tim sắt đá ? Lí do gì khiến một người vợ xa chồng hai mươi hăm mà lại tỏ ra hờ hững như thế khi chồng trở về ? Có uẩn khúc gì chăng ? Tôi giận dỗi và lên tiếng trách móc. Tôi đòi dọn cho mình một chiếc giường để ngủ riêng. Chỉ chờ có thế, nàng ra lệnh cho kẻ hầu người hạ khiêng ra chiếc giường do tay tôi làm. Tôi chột dạ. Tôi lớn tiếng chất vấn nàng về chiếc giường. Tôi biết rất rõ chiếc giường ấy, nó rất kiên cố, rất nặng và hiển nhiên chỉ có thần linh mới di chuyển nó được. Chẳng lẽ nó đã được chuyển đi chỗ khác rồi ư ? Ai đã chuyển nó vậy ? Tôi nôn nóng muốn biết rõ việc gì đã xảy ra với chiếc giường. Tôi nói với nàng tất cả về điều đó. Nàng bỗng ôm chầm lấy tôi và oà lên khóc nức nở. Rồi vừa thổn thức nàng vừa nói cho tôi biết là nàng sợ bị kẻ xấu lừa dối nên chưa dám nhận tôi. Tôi cũng cảm động không kém”.
c) Kết bài : Nhân vật nêu cảm nghĩ, thể hiện cách nhìn của mình về sự kiện đó. Ví dụ : “Thế là mọi việc đã rõ. Tôi thở phào sung sướng. Cả Pê-nê-lốp cũng vậy”.
Sachbaitap.com