27/04/2018, 15:35

Soạn bài Chiến thắng Mtao Mxây SBT Ngữ văn 10 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 22, 23 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Trong đoạn kể và tả cảnh giao chiến giữa hai tù trưởng, tác giả sử thi đã sử dụng phép so sánh. Hãy liệt kê và phân tích những câu nói và những hành động, cử chỉ của từng tù trưởng. ...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 22, 23 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Trong đoạn kể và tả cảnh giao chiến giữa hai tù trưởng, tác giả sử thi đã sử dụng phép so sánh. Hãy liệt kê và phân tích những câu nói và những hành động, cử chỉ của từng tù trưởng.

1. Trong đoạn kể và tả cảnh giao chiến giữa hai tù trưởng, tác giả sử thi đã sử dụng phép so sánh. Hãy liệt kê và phân tích những câu nói và những hành động, cử chỉ của từng tù trưởng và của chính tác giả sử thi nhằm :

a) Thấy rõ sự hơn, kém giữa hai tù trưởng về các mặt : tài năng, phẩm chất (với Mtao Mxây, cần lưu ý thêm sự miêu tả vẻ ngoài của hắn).

b) Thấy rõ tình cảm, thái độ của tác giả dân gian đối với mỗi tù trưởng.

Trả lời:

Phép so sánh (so sánh tương phản) được dùng nhằm làm nổi bật những tài năng, phẩm chất hơn hẳn kẻ thù của Đăm Săn. Việc so sánh được thể hiện lần lượt qua các chặng trong diễn biến của cuộc đấu tay đôi giữa hai tù trưởng :

- Đăm Săn khiêu chiến và thái độ ngạo nghễ của Mtao Mxây.

- Hiệp đấu thứ nhất:

+ Mtao Mxây múa khiên trước và tỏ ra kém cỏi.

+ Đăm Săn múa ngay tiếp đó và tỏ ra tài giỏi hơn hẳn.

- Hiệp đấu thứ hai:

+ Đăm Săn lại múa khiên, đâm Mtao Mxây nhưng không trúng.

+ Đăm Săn ngủ (thực ra là nằm thiếp đi vì mệt) và trong mơ được ông Trời bày cách đánh thắng kẻ thù.

- Hiệp đấu thứ ba :

+ Tỉnh dậy, Đăm Săn đuổi đánh kẻ thù, dồn hắn lăn quay ra đất.

+ Mtao Mxây vẫn ngoan cố "mặc cả" với Đăm Săn hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của chàng.

- Kết thúc : Đăm Săn kết thúc số phận kẻ thù và cuộc đấu chấm dứt.

Có thể nhận thấy rằng đoạn kể này sử dụng hai loại lời : lời đối thoại giữa hai nhân vật và lời kể của nghệ nhân: Lời đối thoại giữa hai nhân vật là nơi nghệ nhân bộc lộ gián tiếp tình cảm, thái độ của mình đối với mỗi nhân vật, nhưng đồng thời là nơi mỗi nhân vật bộc lộ trực tiếp con người mình. Còn lời kể của nghệ nhân hoàn toàn chỉ là nơi nghệ nhân bộc lộ trực tiếp tình cảm, thái độ đối với nhân vật.

Vì thế, anh (chị) cần tách riêng từng loại lời khi liệt kê và phân tích. Mỗi loại lời sẽ có chức năng riêng (do vậy có ý nghĩa riêng, giá trị riêng) trong việc thể hiện sự hơn, kém của mỗi bên giao đấu cũng như trong việc nói lên thái độ, tình cảm của người kể đối với nhân vật. Ví dụ :

a) Trước lúc bước xuống thang, Mtao Mxây đã có câu nói ngăn ngừa Đăm Săn thừa cơ đâm lén ("Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó, nghe !"). Lời đáp của Đăm Săn (một cách nói có hàm ý khinh bỉ qua một sự so sánh đầy giễu cợt) đã rõ ràng đến thế, vậy mà Mtao Mxây vẫn không hết sợ ("Ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm"). Đăm Săn phải một lần nữa nhắc lại, khẳng định cách hành xử đàng hoàng của mình, Mtao Mxây mới dám bước xuống đất.

Ở đây, ta vừa “đọc” được nhân cách kém cỏi của Mtao Mxây và đối lập lại là phong thái đàng hoàng, tính cách trung thực của Đăm Săn, vừa “đọc” được thái độ, tình cảm của người kể đối với mỗi nhân vật.

b) Lời người kể chuyện không hề vô tư mà bộc lộ một cách nhìn nhận, một thái độ đánh giá rõ ràng. Qua lời nghệ nhân, ta thấy lộ ra một sự trái ngược hết sức "đáng ngạc nhiên" của Mtao Mxây giữa vẻ ngoài hung tợn (dữ như một vị thần ác) với sự hèn hạ, yếu đuối trong thực chất (tần ngần do dự đi đi lại lại từ nhà trong ra nhà ngoài, lòng đầy đắn đo, lo âu).

Đoạn lời thoại này cho ta hiểu vì sao sau đó Mtao Mxây cứ muốn "nhường" đối thủ múa khiên trước.

Anh (chị) có thể theo gợi ý trên để tiếp tục liệt kê và phân tích những dẫn chứng rút ra từ văn bản.

Lưu ý:

- Diễn xướng sử thi Tây Nguyên là một lối kể chuyện bằng một vở diễn độc đáo cho đến nay mới chỉ thấy có ở Tây Nguyên : vở diễn dành cho "một sân khấu một diễn viên" (Nhi-cu-lin). Bởi vậy ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật nhiều khi cũng là hành động của họ. Lí luận văn học gọi đây là tính hành động của ngôn ngữ kịch.

- Trong văn bản khan, lời kể của nghệ nhân không chỉ có chức năng dẫn truyện (như trong văn bản kịch hiện đại) mà còn có chức năng bộc lộ thái độ của người kể và chức năng giao lưu giữa người kể với người nghe bởi khan là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, qua đó người kể và người nghe cùng tìm đến sự nhất trí trong cách đánh giá, nhìn nhận các nhân vật.

Chính do đặc điểm này mà việc phân tích lời kể của nghệ nhân giúp ta hiểu được thái độ và tình cảm của toàn thể cộng đồng Ê-đê đối với những gì được văn bản khan thuật lại.

2. Phần cuối đoạn trích có miêu tả Đăm Săn trong bữa tiệc mừng chiến thắng. Anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về hai nhận định sau :

a) " [...] Cách miêu tả nhân vật đã thể hiện quan niệm lí tưởng về vẻ đẹp của người đàn ông của nhân dân Ê-đê”.

b) "Sử thi Đăm Săn là câu chuyện thơ về cuộc đời của người dũng sĩ và những chiến công của chàng. Những người diễn xướng không chỉ ca ngợi thủ lĩnh của bộ lạc là Đăm Săn mà còn cất lời ca ngợi tất cả những người của cộng đồng - tất cả người làng".

(Nhi-cu-lin, Trường ca dân tộc Tây Nguyên, bản dịch của Viện Văn học)

Trả lời:

a) Nhận định thứ nhất muốn nhấn mạnh quan niệm thẩm mĩ của tập thể bộ lạc Ê-đê thời đại Đăm Săn về "một người đàn ông đẹp":

- Đó là một người đàn ông đẹp về hình thể, sức vóc.

- Đó còn là một người đàn ông có đủ mọi phẩm chất mà toàn thể tộc người đang mơ ước có được (cao thượng, dũng cảm, ngoan cường, lao động và chiến đấu đều phải giỏi, hết mình vì sự thịnh vượng, giàu có, hùng mạnh của bộ lạc).

- Cao hơn nữa, một người đàn ông đẹp là phải có sự thống nhất, sự trùng khít giữa sự tự đánh giá vói sự đánh giá của cộng đồng về anh ta ; danh tiếng của anh ta là danh tiếng của cộng đồng.

Anh (chị) có thể tìm trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây những dẫn chứng sinh động cho một quan niệm về vẻ đẹp hoàn chỉnh, hoàn mĩ của người đàn ông Ê-đê được biểu hiện ở Đăm Săn - người tù trưởng anh hùng và phân tích để thấy đó vừa là vẻ đẹp cần có ở mỗi người đàn ông, vừa là vẻ đẹp cần có ở mọi người đàn ông nói chung trong xã hội thời Đăm Săn.

b) Nhận định thứ hai muốn nói về thái độ, động cơ tình cảm của nghệ nhân kể khan (và qua đó là thái độ, động cơ tình cảm của toàn thể tộc người Ê-đê - những người sáng tạo, lưu hành và thưởng thức bản khan trong môi trường sinh hoạt văn hoá mà chính họ tham gia trực tiếp) đối với "cuộc đời của người dũng sĩ và những chiến công của chàng". Nghĩa là qua việc ca ngợi Đăm Săn và bằng việc ca ngợi Đăm Săn, nghệ nhân Ê-đê muốn ca ngợi toàn thể bộ lạc mình - từ người tù trưởng đến tất thảy những người dân thường, từ vị thủ lĩnh oai hùng, "ngang tàng từ trong bụng mẹ" cho đến "nghìn chim sẻ, vạn chim ngói". Nói khác đi, Nhi-cu-lin mụốn nhấn mạnh đến tính chất toàn dân của hình tượng Đăm Săn.

3. Vì vợ là Hơ Nhị bị Mtao Mxây bắt cóc nên Đăm Săn tìm đánh hắn để đòi lại nàng. Thế nhưng sau khi đã giết được kẻ thù thì "Đăm Săn không nhớ gì đến vợ nữa. Bây giờ cái chính đối với chàng là chiến lợi phẩm - của cải thu được và nô lệ" (Nhi-cu-lin).

Anh (chị) hãy lựa chọn câu trả lời đúng trong hai phương án sau và lí giải sự lựa chọn của mình.

A - Cuối cùng Đăm Săn đã hành động trái với động cơ, mục đích mà chàng nói ra trước đó.

B - Hành động của Đăm Săn không hề mâu thuẫn, mà trái lại vẫn thống nhất với những lời nói ra trước đó.

Trả lời:

A là phương án đúng.

Ở đây không hề có mâu thuẫn. Đây là điểm đặc trưng cho kiểu nhân vật anh hùng sử thi : mọi hành động của nhân vật có vẻ ngoài như là chỉ xuất phát từ mục đích cá nhân, nhưng thực chất sâu xa bên trong lại hoàn toàn phù hợp với khát vọng, nhu cầu, tính cách của toàn thể cộng đồng.

Dựa vào gợi ý trên, anh (chị) cần phân tích sao cho nổi bật được sự thống nhất giữa động cơ ban đầu "thúc ép" Đăm Săn đi đánh Mtao Mxây với cái động cơ khiến cho khi đã chiến thắng kẻ thù rồi, chàng lại "quay ra" chỉ biết say sưa với bao của cải và nô lệ vừa giành được, với viễn tưởng về oai danh lừng lẫy của mình và về sự hùng mạnh của bộ lạc, "dường như" quên hẳn động cơ ban đầu.

Lí giải được điều này có nghĩa là anh (chị) đã hiểu sâu sắc bản chất của hình tượng anh hùng sử thi và điều gì đã tạo nên vẻ đẹp một đi không trở lại mà đời sau "không thể bắt chước" (Mác) của kiểu hình tượng anh hùng đó.

4. Kết thúc đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây có đoạn :

Cả miền Ê-đê Ê-ga ca ngợi Đăm Săn là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước. Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu tên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc : Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ.

Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả nhân vật ? Hãy phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các biện pháp đó.

Trả lời:

Các biện pháp nghệ thuật sau đã được sử dụng : so sánh, phóng đại, so sánh trùng điệp, liên tiếp nhiều vế, từ mô tả từng phần đến mô tả bằng một nhận xét bao trùm, khái quát (với một từ rất Ê-đê có giá trị khái quát cao).

Anh (chị) cần thực hiện hai yêu cầu :

- Thống kê và phân loại các biện pháp nghệ thuật (với dẫn chứng cụ thể) đã được sử dụng.

- Phân tích giá trị của từng biện pháp đó trong việc mô tả hình tượng người anh hùng sử thi vừa chân thực vừa có phần hư cấu hết sức độc đáo ; phân tích giá trị của những biện pháp đó trong việc bộc lộ tình cảm của nghệ nhân kể khan (qua đó, của toàn thể nhân dân) đối với nhân vật anh hùng sử thi.

5. Trong đoạn trích ở SGK, ông Trời đã bày cách cho Đăm Săn đánh thắng Mtao Mxây.

a) Chứng minh rằng việc ông Tròi xuất hiện trong vai trò người trợ giúp là một biện pháp nghệ thuật phổ biến trong nhiều thể loại tự sự dân gian.

b) Việc sử dụng biện pháp nghệ thuật đó giúp ta hiểu được những gì về quan niệm, thái độ của nhân dân đối với người anh hùng ?

c) Việc thần linh giúp đỡ người anh hùng nói chung, Đăm Săn nói riêng, có làm lu mờ vai trò của người anh hùng trong diễn biến cốt truyện không ? Điều đó có ý nghĩa như thế nào ?

Trả lời:

Bài làm cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau :

a) Chứng minh rằng việc sử dụng lực lượng thần kì (ông Trời, Bụt,...) phù trợ cho nhân vật chính là một biện pháp nghệ thuật phổ biến trong nhiều thể loại tự sự dân gian.

Để chứng minh điều đó, anh (chị) cần tìm thêm những dẫn chứng cùng loại ở một số truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam, ví dụ : Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm,... (truyền thuyết); Thạch Sanh, Tấm Cám,... (truyện cổ tích) ;...

b) Nêu lên ý nghĩa của việc sử dụng biện pháp nghệ thuật đó :

- Nhằm giúp nhân vật chính vượt qua thử thách.

- Giúp cho cốt truyện phát triển đến khi nào mục đích của người dựng truyện được thể hiện trọn vẹn.

- Nói lên thái độ, tình cảm của nhân dân đối với nhân vật chính.

Chú ý:

- Vì sao chỉ có người anh hùng (truyền thuyết) hoặc người lương thiện (truyện cổ tích) mới được lực lượng thần kì trợ giúp?

- Để các thế lực thần linh trợ giúp như vậy, nhân dân bộc lộ tình cảm, thái độ gì đối với nhân vật ?

c) Về mặt nghệ thuật, sự phù trợ của thần linh có tác dụng như thế nào đối với việc lí tưởng hoá nhân vật anh hùng ?

 Sachbaitap.com

0