27/04/2018, 15:32

Soạn bài Rừng xà nu (trích) SBT Ngữ Văn 12 tập 2

Giải câu 1, 2, 3 trang 23 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2 1. Những yếu tố nghệ thuật nào đã giúp Nguyên Ngọc làm nên “chất Tây Nguyên”, “không khí Tây Nguyên”, “hương sắc Tây Nguyên” đầy ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 23 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2

1. Những yếu tố nghệ thuật nào đã giúp Nguyên Ngọc làm nên “chất Tây Nguyên”, “không khí Tây Nguyên”, “hương sắc Tây Nguyên” đầy ắp, nồng nàn trong tác phẩm Rừng xà nu ?

Trả lời:

Có thể kể đến những yếu tố sau đây:

- Phong cảnh đặc trưng cho miền đất Tây Nguyên, đặc biệt là hình ảnh cây xà nu và những cánh rừng xà nu. Theo tác giả, đó là “một loại cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng. Nệm lá dưới mặt đất ngả lưng êm ru...”.

- Những bức tranh sinh hoạt mang nét đặc trưng của Tây Nguyên : “Các bà cụ già lụm cụm bò từ trên thang nhà sàn xuống, các cô gái lấy nước ở vòi nước đầu làng thân yêu và thẹn thùng đứng tránh ra một bên […], cả đến tiếng nước lanh canh trong đêm khuya, cả đến lùn khói quyện lên từ chiếc ống điếu vồ [...]”

- Cách đặt tên các nhân vật trong tác phẩm. Có khi tác giả giữ lại những cái tên đúng như nguyên mẫu, nếu những tên đó tự nó đã gợi ra được một ấn tượng rất Tây Nguyên, như cụ Mết, chị Dít. “Tôi được biết ông cụ Mết (nhân vật sau này của Rừng xà nu) cùng thời gian tôi quen biết anh Núp, nghĩa là từ hồi chiến tranh chống Pháp”. “Hình như quãng cuối năm 1963, tôi đi dự một cuộc họp gì đó tôi không còn nhớ rõ, […] chỉ nhớ có một điều : ở đó, tôi đã gặp và làm quen với một cô gái người Dẽ: chị Dít. Chị vừa là cán bộ phụ nữ, vừa là du kích”.

Cũng có khi tác giả cho nhân vật mang một tên khác với nguyên mẫu, để làm cho màu sắc Tây Nguyên đậm đà hơn. Như trường hợp cái tên Tnú : “Tôi sẽ viết chuyện cuộc khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận anh Đề.

Tôi có ngay cảm giác phải tìm một tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó [...] người Kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy Nó “không khí” hơn nhiều”.

2. Viết một bài văn ngắn phân tích hình tượng những cánh rừng, những ngọn đồi xà nu được tác giả miêu tả trong thiên truyện ngắn.

Trả lời:

a) Bài văn cần làm rõ được các ý:

- Những cánh rừng, ngọn đồi xà nu hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn Trung Thành như một bức tranh thiên nhiên đẹp hiếm có.

- Nhưng đó là một thiên nhiên dưới tầm đại bác , vì thế, nó còn là hiện thân của một chốn núi rừng, một đất nước đang phải chịu quá nhiều nỗi đau thương.

- Tuy nhiên, đại bác của kẻ thù, dẫu có hung bạo đến đâu cũng không tiêu diệt nổi niềm khao khát sống mãnh liệt của loài cây ấy.

- Trong thiên truyện của Nguyễn Trung Thành, cây xà nu được nói đến như những con người, gợi nghĩ đến những con người quyết sống ngay trong mất mát và đau khổ.

- Và hình ảnh những ngọn đồi, những cánh rừng xà nu nối tiếp nhau, chạy đến hút tầm mắt, tới tận chân trời cho phép ta nghĩ : Cây xà nu không chỉ tượng trưng cho một làng Xô Man bé nhỏ hay cho một vùng rừng núi Tây Nguyên.

Có thể đó còn là biểu tượng của cả miền Nam, của cả dân tộc Việt Nam trong những tháng năm chống đế quốc Mĩ.

b) Có thể tham khảo đoạn trích sau đây :

Phải nhận rằng nền văn xuôi của chúng ta đang còn hiếm những câu tả cảnh thiên nhiên hay đến như trong đoạn văn này. Có thể thấy tác giả của nó đã thật kì công trên từng dòng chữ, để làm cho cảnh vật được chạm nổi lên dưới một ngòi bút biết tạo hình khối, biết tạo hương, biết tạo ánh sáng và sức nóng. Hãy thử lấy ra đây một câu văn như thế. “Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Này đây nữa, thứ nắng rừng “rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”. Và khi khép trang sách lại, trong trí chúng ta hẳn vẫn chưa thể hết lung linh những vóc dáng xà nu đầy sức lực, tràn trề mùi nhựa thơm nồng ; chúng cứ ngời ngợi xanh dưới nắng hè nóng gắt, trong suốt và quý giá tựa vàng mười.

Đọc Rừng xà nu, cứ cảm giác như tác giả đã không hề muốn dè sẻn chất vàng son của ngôn từ để quyết làm cho bức tranh thiên nhiên phải trở nên một tấm sơn mài lộng lẫy. Song vẫn cần phải trở về với câu mở đầu thiên truyện để thấy : thiên nhiên trong Rừng xà nu là một thứ thiên nhiên dưới tầm đại bác. Nó là đối tượng của tàn phá và huỷ diệt. Nó đau đón, bởi cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Nhưng nó hào hùng ngay cả trong đau đớn. Nên khi tả “những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình”, tác giả mới phải dùng đến so sánh : chúng “đổ ào ào như một trận bão”.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là : Làng ở trong tầm đại bác. Nhưng sẽ không có thứ đại bác nào xoá nổi sự tồn tại bền bỉ và kiêu hãnh của làng. Cũng tương tự thế, có thể nhiều cây xà nu bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi. Nhưng rừng xà nu, dù thế, vẫn sinh sôi, vẫn sống. Có loại xà nu mà đạn đại bác chỉ có thể để lại trên thân thể cường tráng những vết thương chóng lành. Cũng có cây gục ngã. Song “cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời". Bản năng tự bảo tồn, sự thèm khát vươn tới bầu trời và ánh sáng đã khiến rừng cây ấy chiến thắng tàn phá của đạn thù. Tại một nơi như thế này, sự sống vẫn mạnh hơn cái chết, sự sống vẫn luôn luôn bất diệt ngay trong huỷ diệt.

Nguyễn Trung Thành đã sử dụng nhân hoá như phép tu từ chủ đạo trên suốt trang văn đặc tả xà nu. Thực tế đó cho phép ta được nghĩ - đoạn mở đầu rất đẹp này không chỉ là một khúc tiền tấu phóng túng đầy ngẫu hứng, được nhà văn cho dạo lên trước khi bắt đầu câu chuyện về những con người. Rừng xà nu, đó còn là một kiểu ẩn dụ về chính những con người sống dưới tầm đại bác. Cũng như xà nu, thân thể và trái tim họ đầy thương tích. Nhưng cũng như xà nu, con người Xô Man, con người Tây Nguyên, con người Việt Nam, trong những ngày đánh giặc, vẫn sống bền bỉ, kiêu hùng, đầy khao khát, trong niềm ham muốn mãnh liệt ánh sáng mặt trời và tư thế phóng lên để tiếp lấy nguồn sinh lực trong ánh nắng. Như xà nu, dân tộc Việt Nam, sức tồn sinh mạnh mẽ của đất nước Việt Nam sẽ không thế bị huỷ diệt trong lò lửa chiến tranh khốc liệt nhất, tàn bạo nhất trên Trái Đất vào những năm tháng ấy. Có lẽ nên hiểu như thế về cái cảm hứng bi tráng, nó giống như một thứ động mạch chủ chảy miết bên trong cơ thể nghệ thuật được sáng tạo dưới tay Nguyễn Trung Thành.

(Theo Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, 1997)

3. Có ý kiến cho rằng : “Rừng xà nu là truyện của một đời, và được kể trong một đêm”. Không gian nghệ thuật của tác phẩm cũng được giới hạn trong phạm vi một làng heo hút, ở một vùng dân tộc ít người. Nhưng tất cả những cái nhỏ kia không ngăn trở được nhà văn sáng tạo cho thiên truyện của mình những giá trị không hề nhỏ. Thì ai đã dám quả quyết rằng, từ mỏm đá cao hẻo lánh kia sẽ không thể vẫy lên đôi cánh đại bàng?

Anh (chị) có tán thành ý kiến trên không ? Vì sao ? Hãy viết một đoạn hoặc một bài vãn ngắn trình bày rõ quan điểm của mình.

Trả lời:

Bài làm có thể nêu lên những ý sau :

a) Quả là Nguyễn Trung Thành đã nén chặt câu chuyện của mình vào một khoảng nhỏ hẹp của thời gian ("truyện [...] được kể trong một đêm”), và của không gian (ở một làng hẻo lánh của một miền đất xa xôi).

b) Nhưng cũng đúng là những cái nhỏ ấy đã không ngăn trở nhà văn, thậm chí còn tạo điều kiện cho ông sáng tạo cho thiên truyện của mình nhiều giá trị không hề nhỏ. Bởi lẽ, thông qua những cái nhỏ đó, Nguyễn Trung Thành đã:

- Vẽ lên, bằng ngôn từ, những bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt đẹp đẽ, tráng lệ, nồng nàn hương sắc Tây Nguyên.

- Xây dựng nên những mẫu người anh hùng của một thời kì lịch sử mới. Họ đã có, ngay từ đầu, nhiều phẩm chất cách mạng cơ bản, mà thế hệ của những A Phủ chỉ có trong phần cuối câu chuyện của đời mình. Họ không phải tìm đường hoặc nhận đường. Trái lại, họ đến với cách mạng và người cách mạng, giác ngộ lí tưởng và tri thức cách mạng, chiến đấu vì cách mạng,... như một lẽ tất nhiên, như một điều không thể khác. Từ đó, không một ai trong họ lại không bất khuất, dũng cảm, trung thành, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ sự sống của đất nước, cách mạng và kháng chiến...

- Nêu cao một chân lí lớn, giải đáp một câu hỏi bức xúc đang đặt ra cho thời đại; qua đó, xác định con đường duy nhất đúng mà chúng ta phải đi trong lúc bấy giờ: phát động bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của quân thù. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo !”. Rừng xà nu, đó là Đường chúng ta đi dưới hình thức một thiên truyện ngắn.

- Đem lại một niềm tin, niềm lạc quan tươi sáng : Khi đã đi theo con đường đó, sự sống của quê hương đất nước sẽ bất diệt, cũng như cánh rừng xà nu kia mãi mãi xanh bất tận và chạy tít tắp đến chân trời.

 Sachbaitap.com

0