27/04/2018, 15:32

Soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca SBT Ngữ Văn 12 tập 1

Giải câu 1, 2, 3 trang 112 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Bài tập trang 166, SGK. Cảm nhận của anh (chị) về hình Ph.G. Lor-ca được thể hiện qua bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca? Trả lời: Hiện lên nổi bật ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 112 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Bài tập trang 166, SGK.

Cảm nhận của anh (chị) về hình Ph.G. Lor-ca được thể hiện qua bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca?

Trả lời:

Hiện lên nổi bật trong bài thơ là hình ảnh của Ph.G. Lor-ca, người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX. Trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha thời ấy - một nền chính trị độc tài, một nền nghệ thuật già nua - Lor-ca với tấm áo choàng đỏ gắt như một võ sĩ trên đấu trường. Màu áo choàng đỏ gắt là lời tuyên chiến, lời thách đấu mạnh mẽ, cho dù Lor-ca thật mong manh, đơn độc trên con đường của mình với vầng trăng chếnh choáng - trên yên ngựa mỏi mòn. Chế độ độc tài hoảng sợ trước sức mạnh tinh thần phản kháng của Lor-ca đã vội vã giết chết người chiến sĩ của tự do, người nghệ sĩ của cái mới. Lor-ca bị hành hình và bây giờ áo choàng bê bết đỏ, chàng kinh hoàng, đi như người mộng du vì không ngờ cái chết lại đến với mình sớm như thế, nhanh như thế, khi mọi ý tưởng, dự định, hành động cho tương lai của đất nước, của nghệ thuật mới chỉ bắt đầu. Tiếng đàn ghi ta như nỗi lòng của Lor-ca lúc ấy, tiếng ghi ta nâu trầm tĩnh nghĩ suy, tiếng ghi ta lá xanh thiết tha hỉ vọng, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan bàng hoàng, tức tưởi, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy đau đớn, nghẹn ngào,... Lor-ca còn đau đớn hơn khi người ta không hiểu thông điệp tư tưởng của ông “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" - hãy dũng cảm vượt qua những cái cũ, kể cả những thần tượng cũ, để làm nên cái mói. Vì người ta không chôn cất tiếng đàn nghệ thuật (cũ) nên tiếng đàn tràn lan như cỏ mọc hoang. Vậy thì Lor-ca phải vĩnh viễn giã từ, phải giải thoát cho người ta khỏi cái bóng của mình, để họ mạnh bước trên con đường của nghệ thuật và tự do. Vì thế Lor-ca đi sang cõi khác, chàng bơi sang ngang trên chiếc ghi-ta màu bạc, chàng ném lá bùa vào xoáy nước, ném trái tim mình vào lặng yên. Bằng hành động ấy, Lor-ca sống mãi với hình ảnh một chiến sĩ dũng cảm của tinh thần tự do, một nghệ sĩ dũng cảm của tinh thần cách tân.

2. Nên hiểu như thế nào về câu thơ đề từ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" ?

Trả lời:

Thanh Thảo đã lấy câu thơ được coi là di chúc của Ph.G. Lor-ca để làm đề từ cho bài thơ của mình. Với Lor-ca, cây đàn là biểu tượng cho nghệ thuật; với Lor-ca, nghệ thuật là tình yêu, là lẽ sống, Lor-ca không thể rời xa nghệ thuật, ngay cả khi đã từ giã cõi đời. Tây Ban Nha là quê hương của cây đàn ghi ta nên người ta còn gọi đàn ghi ta là Tây Ban cầm; đàn ghi ta là biểu tượng đặc trưng cho đất nước Tây Ban Nha, vì thế câu thơ di chúc còn biểu hiện tình yêu thiết tha của người nghệ sĩ Lor-ca với xứ sở quê hương. Nhưng Lor-ca được sinh ra không phải để nói những điều đơn giản. Lor-ca là nhà cách tân nghệ thuật, Lor-ca biết thi ca của mình một ngày nào đó có thể sẽ án ngữ, ngăn cản những người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật nên đã di chúc dặn lại cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để đi tới. Đạo đức của con người sáng tạo là khi đã làm xong việc của mình, sức sáng tạo đã hết, thì phải biết lui vào quá khứ để những thế hệ sau được tự do làm cái mới. Đấy mới là tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của Lor-ca và Thanh Thảo đã lấy câu thơ ấy làm đề từ ngầm hướng người đọc hiểu thông điệp thực sự của bài thơ.

3. Phân tích nét đặc sắc của ngôn từ nghệ thuật trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca.

Trả lời:

Ph.G. Lor-ca là một nhà cách tân nghệ thuật hiện đại. Tạo dựng hình ảnh Lor-ca, chuyển tải thông điệp tư tưởng - nghệ thuật của Lor-ca, Thanh Tháo đã sử dụng một hệ thống ngôn từ nghệ thuật rất mới mẻ, hiện đại.

-  Bài thơ như giai điệu một bản nhạc, có phần nhạc đệm của ghi ta. Các chuỗi âm li-la li-la li-la luyến láy sau hai câu thơ đầu gợi liên tưởng tiếng vang của chùm hợp âm sau tấu khúc mở đầu. Chuỗi âm li-la li-la kết thúc bài thơ gợi lên tiếng vang của chùm hợp âm vĩ thanh, sau khi phần chính của bản nhạc đã diễn tấu xong.

- Ngôn ngữ diễn tả âm thanh theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, âm thanh vỡ ra thành màu sắc : tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh, thành hình khối: tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, thành hình ảnh động : tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy.

- Màu sắc gắn với cảm xúc và suy tưởng : áo choàng đỏ gắt, áo choàng bê bết đỏ, chiếc ghi ta màu bạc.

- Hình ảnh đẹp và buồn : giọt nước mắt vầng trăng - long lanh trong đáy giếng; hình ảnh giàu sắc thái tượng trưng : ném lá bùa vào xoáy nước, ném trái tim mình vào lặng yên (tượng trưng cho sự giã từ và giải thoát, chia tay thực sự với những ràng buộc và hệ luỵ trần gian).

- Hệ thống ngôn ngữ giàu sắc thái tu từ: so sánh (chàng đi như người mộng du, tiếng đàn như cỏ mọc hoang), nhân hoá (vầng trăng chếnh choáng), ngoa dụ (ai chôn cất tiếng đàn), ẩn dụ (đường chỉ tay đã đứt - dòng sông rộng vô cùng)

Sachbaitap.com

0