27/04/2018, 15:32

Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi SBT Ngữ Văn 12 tập 2

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 20 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2 Về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi, có thể có các định hướng nghị luận sau: - Tự lựa chọn một vấn đề nổi bật của tác phẩm (đoạn trích) để nghị luận : ...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 20 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2

Về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi, có thể có các định hướng nghị luận sau:

- Tự lựa chọn một vấn đề nổi bật của tác phẩm (đoạn trích) để nghị luận : vấn đề được lựa chọn phải thực sự có giá trị, có vai trò quan trọng trong tác phẩm, đồng thời bản thân anh (chị) nắm vững và có suy nghĩ về vấn đề đó.

- Nghị luận về một vấn đề theo yêu cầu cụ thể của đề bài, thựờng có các dạng sau :

+ Nghị luận về một đặc điểm nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm (đoạn trích):

● Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo : trong Chí Phèo (Nam Cao), Vợ nhặt (Kim Lân), Hạnh phúc của một tang gia (trích số đỏ - Vũ Trọng Phụng),...

● Tình huống truyện : trong Hạnh phúc của một tang gia (trích số đỏ - Vũ Trọng Phụng), “Vi hành” (Nguyễn Ái Quốc), Vợ nhặt (Kim Lân),…

 ● Nghệ thuật xây dựng nhân vật: trong Chí Phèo (Nam Cao), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài),…

● Nghệ thuật sử dụng ngôn từ : trong Hạnh phúc của một tang gia (trích số đỏ - Vũ Trọng Phụng), Chí Phèo (Nam Cao), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài),...

+ Nghị luận về một hình tượng, một chi tiết nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm (đoạn trích) :

● Hình tượng nhân vật : Chí Phèo, thị Nở, Mị, A Phủ, Tnú, cụ Mết,…

● Hình tượng thiên nhiên : con sông Đà, mùa xuân, rừng xà nu,...

● Chi tiết hoặc hệ thống chi tiết nổi bật : bát cháo hành của thị Nở, Mị cắt dây trói cho A Phủ, lá cờ đỏ trong tâm trí Tràng,...

Sau đây là một số định hướng cho từng đề bài cụ thể :

Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết cho các đề văn sau :

1. Về một truyện ngắn gợi cho anh (chị) những ấn tượng, cảm nghĩ sâu sắc.

Đây là kiểu đề yêu cầu tự lựa chọn một vấn đề nổi bật trong tác phẩm để nghị luận. Để thực hiện tốt yêu cầu của đề bài, cần lưu ý những điểm sau :

- Lựa chọn một truyện ngắn trong chương trình đã học hoặc ngoài chương trình mà anh (chị) đã đọc và thực sự yêu thích.

- Trình bày ngắn gọn một số nét chính về tác giả, xuất xứ tác phẩm, đặc điểm nghệ thuật, nội dung của truyện ngắn.

- Lựa chọn một vấn đề nổi bật, gây ấn tượng nhất của tác phẩm : nghệ thuật xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn từ, tạo tình huống, sử dụng chi tiết độc đáo,... để tập trung phân tích, bình luận.

Cần tránh viết lan man, dàn trải về mọi vấn đề của tác phẩm. Tránh tình trạng lựa chọn một vấn đề không xác đáng, không thực sự có giá trị.

2. Tình huống truyện trong Vợ nhặt (Kim Lân).

Trả lời:

Đây là kiểu đề yêu cầu nghị luận về một đặc điểm nghệ thuật nổi bật của tác phẩm. Để thực hiện tốt yêu cầu của đề bài, cần lưu ý những điểm sau :

- Vấn đề chính của bài viết là tình huống truyện chứ không phải là toàn bộ đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn Vợ nhặt, cần làm nổi bật đề tài này ngay từ phần mở đầu, tránh viết lan man, rườm rà.

- Các luận điểm chính :

+ Tóm tắt ngắn gọn đặc điểm của tình huống truyện.

+ Phân tích vai trò của tình huống truyện đối với sự thể hiện số phận, tính cách nhân vật.

+ Phân tích vai trò của tình huống truyện đối với sự thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

Trả lời:

Đề bài yêu cầu nghị luận về một đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm. Để thực hiện yêu cầu của đề bài này, cần chú ý những điểm sau :

- Nắm vững những điểm cơ bản nhất về giá trị nghệ thuật và nội dung của tác phẩm.

- Nắm vững đặc điểm hệ thống nhân vật trong tác phẩm, mối quan hệ về chức năng nghệ thuật của hệ thống nhân vật này : Trong Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng một tập thể nhân vật biểu hiện sức mạnh của cộng đồng. Nhân vật trong Rừng xà nu là những nhân vật mang tính sử thi rõ rệt.  Hệ thống nhân vật trong tác phẩm này có thể xem như một quần thể tượng đài về những người anh hùng. Mỗi nhân vật đều được tạc nên với tầm vóc, vẻ đẹp phi thường.

- Nắm vững những khía cạnh chủ yếu trong nghệ thuật xây dựng nhân vật : ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, tâm lí.

- Xác định những thủ pháp chủ yếu trong nghệ thuật xây dựng nhân vật: đặc tả, ẩn dụ, tượng trưng, phóng đại.

- Xác định rõ các nhân vật chủ đạo, những điểm nhấn thể hiện rõ nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác phẩm : cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng. So sánh, đối chiếu để có thể chỉ ra nét chung và nét riêng trong cách xây dựng hệ thống nhân vật anh hùng này.

4. Hình tượng con sông Đà trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).

Trả lời:

Đề bài yêu cầu nghị luận về một hình tượng chủ đạo trong tác phẩm. Để thực hiện tốt yêu cầu của đề bài này, cần xác định rõ :

- Những điểm cơ bản nhất về giá trị nghệ thuật và nội dung của tác phẩm.

- Vai trò của hình tượng con sông Đà trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

- Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng để biểu hiện hình tượng.

- Các đặc điểm cơ bản của hình tượng.

5. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).

Trả lời:

Đề bài yêu cầu nghị luận về một đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm. Để thực hiện tốt yêu cầu của đề bài này, cần lưu ý những điểm sau:

- Nắm vững những đặc điểm cơ bản nhất về giá trị nghệ thuật, nội dung của tác phẩm.

- Nắm vững những phương diện biểu hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong tác phẩm văn xuôi : đặc điểm của ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật (đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm).

- Nắm vững những phương tiện, những thủ pháp chủ yếu để tạo phong cách trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ: tiếng địa phương, cách tạo giọng điệu kể chuyện.

- Nắm vững vai trò của nghệ thuật sử dụng ngôn từ đối với việc xây dựng tính cách nhân vật, biểu hiện hiện thực đời sống trong tác phẩm.

Sachbaitap.com

0