Soạn bài Phương pháp tả người SBT Ngữ văn 6 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 34 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. Câu 3. Để miêu tả sinh động, người ta thường ví von, so sánh. Nếu miêu tả người lực sĩ thì những chi tiết sau đây em sẽ liên tưởng, so sánh như thế nào ? Bài tập ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 34 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. Câu 3. Để miêu tả sinh động, người ta thường ví von, so sánh. Nếu miêu tả người lực sĩ thì những chi tiết sau đây em sẽ liên tưởng, so sánh như thế nào ?
Bài tập
1. Đây là một đoạn văn tả người của Vũ Trọng Phụng :
Chị Doãn là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời ! Răng trắng nữa trời ạ ! Cái áo dài lượt thượt màu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhẩy, với mẩu khăn vành rây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mĩ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm. Đã thế, trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng Tây, ra ý khoe khoang rằng mình vốn là nữ học sinh. Tôi bỗng có cái cảm tưởng man mác rằng, người đàn bà này, những lúc vắng nhà, hẳn đã huýt còi như một ông lính Tây say rượu.
(Lấy vợ xấu, trong Đông Dương tạp chí, ngày 19 - 8 - 1937)
a) Thái độ của tác giả đối với nhân vật chị Doãn qua đoạn văn trên là thái độ như thế nào ?
b) Căn cứ vào đâu mà em thấy được thái độ đó của tác giả ?
2. Đọc đoạn văn sau đây :
Ông Nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát nước canh húp đánh soạt. Rồi ông vừa nhai vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy tăm. Ông bà Nghị, mỗi người nhúng ba ngón tay vào chậu, vuốt qua hai mép một lượt, rồi cùng uống nước xỉa răng... Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tách nước uống một hớp lớn, súc miệng òng ọc mấy cái rồi nhổ toẹt xuống nền nhà...
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
a) Qua cách miêu tả của Ngô Tất Tố ở đoạn văn trên, nhân vật ông Nghị hiện lên là người thế nào ? Hãy lựa chọn một trong bốn nhận xét sau :
A - Đó là một người giàu sang, phú quý.
B - Đó là một người cục cằn, thô lỗ.
C - Đó là một người thâm hiểm, tàn bạo.
D - Đó là một người lịch sự, nhàn nhã.
b) Căn cứ vào đâu mà em có thể nhận xét như vậy ?
c) Thái độ và tình cảm của tác giả đối với hai nhân vật ông bà Nghị Quế qua đoạn văn là thái độ như thế nào ? Hãy lựa chọn một trong bốn nhận xét sau :
A - Căm ghét và khinh bỉ
B - Đề cao và ca ngợi
C - Căm thù và tố cáo
D - Thông cảm và tán thành
d) Tại sao em biết được điều đó ?
3. Để miêu tả sinh động, người ta thường ví von, so sánh. Nếu miêu tả người lực sĩ thì những chi tiết sau đây em sẽ liên tưởng, so sánh như thế nào ?
- Hai vai...
- Hai cánh tay...
- Đôi chân...
- Những bắp thịt...
- Nước da...
4. Bài tập 1, trang 62, SGK.
Gợi ý làm bài
1. Khi viết văn miêu tả, bao giờ người viết cũng thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với sự vật hay con người được miêu tả. Thái độ và tình cảm ấy được thể hiện qua cách miêu tả (lựa chọn từ ngữ, giọng văn và những nhận xét, lời bình phẩm...). Bài tập này vừa nhằm kiểm tra trình độ cảm nhận tác phẩm văn xuôi, cụ thể là xem học sinh có nhận ra được thái độ của tác giả qua lời văn và cách miêu tả nhân vật hay không, vừa giúp các em nhận ra và ôn lại đặc điểm của văn miêu tả.
Với bài tập này, HS cần chú ý một số điểm sau đây :
a) Qua đoạn văn, người đọc thấy được thái độ giễu cợt, mỉa mai của Vũ Trọng Phụng đối với loại người vừa xấu lại vừa đỏng đảnh, đua đòi, bắt chước, làm dáng không phải kiểu, tạo nên sự nhố nhăng, kệch cỡm. Thực tế trong cuộc sống có những người phụ nữ không đẹp. Không đẹp không phải lỗi tại người ấy. Nhưng đã xấu mà lại đua đòi, đỏng đảnh, kệch cỡm,... mới là đối tượng để Vũ Trọng Phụng châm biếm.
b) Có thể căn cứ vào cách miêu tả, giọng văn và những lời bình luận thêm để biết được thái độ của tác giả. Đoạn từ đầu đến chuối ngự, tác giả tả cái xấu khách quan, xấu do trời sinh ra và bắt người phải chịu. Điều đó chị Doãn không có lỗi. Nhưng từ đoạn hai trở đi là cái xấu, cái kệch cỡm, cái ngố,... do chính chị Doãn đua đòi, vơ lấy mà đắp vào mình. Cho nên tác giả rất có ý thức dùng các từ ngữ : như vậy mà lại, đã thế, trai lơ, gái nhẩy, mẩu khăn, mĩ miều, thô tục, choáng lộn, kệch cỡm,... Dường như không chịu nổi, ông phải thốt lên, van trời: Răng trắng nữa trời ạ ! Phụ nữ thời ấy vẫn theo truyền thống nhuộm răng đen. (Cho đến tận ngày kháng chiến chống thực dân Pháp ta vẫn gặp Những cô hàng xén răng đen - Cười như mùa thu toả nắng trong thơ Hoàng Cầm). Ấy thế mà những năm ba mươi chị Doãn lại đua đòi cạo răng trắng cho ra vẻ tân thời; lại hay nói thêm tiếng Tây để khoe khoang,...
3. Để miêu tả sinh động về người lực sĩ, em hãy đưa ra những chi tiết so sánh, ví von cho phù hợp. Ví dụ :
Khuôn mặt: vuông vức, cương nghị giống như những tráng sĩ trong những câu chuyện cổ.
4. Bài tập này yêu cầu tả các đối tượng khác nhau. Mỗi đối tượng cần nêu lên được một số chi tiết tiêu biểu. Đó là các chi tiết mà chỉ có ở đối tượng đó, nhằm giúp người đọc nhận ra ngay đối tượng được miêu tả. Chẳng hạn :
- Một em bé chừng 4 - 5 tuổi:
+ Khuôn mặt tròn trĩnh, bụ bẫm
+ Đôi mắt tròn to, trong sáng, lâp lánh
+ Đôi môi hồng tươi
+ Dáng vẻ hiếu động, tinh nghịch,...
- Một cụ già cao tuổi:
+ Khuôn mặt phúc hậu, có nhiều nếp nhăn
+ Mái tóc bạc trắng như cước
+ Lưng còng
+ Dáng đi chậm chạp,...
- Cô giáo của em đang say sưa giảng bài trên lớp :
+ Dáng người nhỏ nhắn, duyên dáng
+ Mái tóc đen dày, dài ngang vai
+ Bước đi nhẹ nhàng
+ Giọng nói dịu dàng, truyền cảm,...
Khi miêu tả cô giáo của em, cần chú ý : bên cạnh việc tả chân dung cần tả thêm hành động cô đang say sưa giảng bài. Hành động đó thể hiện qua những chi tiết nào ?
Sachbaitap.com