27/04/2018, 16:24

Soạn bài Trả bài tập làm văn số 5 SB Ngữ văn 6 tập 2

Giải câu 1, 2 trang 47 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. Câu 1. Đây là đoạn văn của một bạn học sinh lớp 6 tả đêm trung thu Bài tập 1. Đây là đoạn văn của một bạn học sinh lớp 6 tả đêm trung thu : Trăng lên, mâm cỗ ...

Giải câu 1, 2 trang 47 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. Câu 1. Đây là đoạn văn của một bạn học sinh lớp 6 tả đêm trung thu

Bài tập

1. Đây là đoạn văn của một bạn học sinh lớp 6 tả đêm trung thu :

Trăng lên, mâm cỗ bừng sáng lên và đẹp hơn bao giờ hết. Trăng mới đầu còn thấp lè tè ngang ngọn tre giờ đã bay bổng, cánh diều theo gió lượn theo trăng âm u tiếng sáo. Luỹ tre làng phảng phất trong tiếng vui cười. Hương cốm thoang thoảng đâu đây với gió mát ùa vào mặt vừa thơm vừa mát. Ở quê không có đèn thoi đèn bướm, chỉ có đèn sao và đèn cá thôi. Những chiếc đèn đưa lên dưa xuống, chao chao lúc lắc như bay. Tiếng trống tưng bừng hoà vào tiếng hát vang mãi trong đêm.

a) Đoạn văn trên phạm lỗi dùng từ chưa chính xác mấy lần :

A - Ba

B - Bốn

C - Năm

D - Sáu

b) Hãy liệt kê các từ em cho là bạn đã dùng sai.

c) Có thể thay từ dùng sai đó bằng những từ nào ?

d) Trong những từ có thể thay đó, theo em, từ đúng nhất là từ nào ?

2. Đọc bài viết của một bạn học sinh lớp 6 dưới đây, sau đó :

a) Lập dàn ý cho bài viết này.

b) Thử nêu đề bài cho bài viết.

c) Nêu nhận xét của em về bài viết.

d) Đặt tiêu đề cho bài viết và chọn một đoạn văn trong bài mà em cho là hay.

Nói đến học trò là nói đến màu áo trắng, màu mực tím và hoa phượng đỏ.

Ngôi trường nào cũng trồng ít nhất một cây phượng. Mùa hoa phượng nở báo hiệu cho khoảng thời gian tuyệt vời nhất của học sinh : mùa hè. Sao màu hoa phượng, màu lá phượng, màu thân cây phượng với sắc hè lại hoà hợp đến thế !

Cái sắc đỏ rực rỡ, tươi rói,mịn màng một màu đỏ, gần về cuống cánh hoa có vài dòng sắc trắng. Khung cửa sổ phía tôi ngồi trong lớp 6B nhìn ra là một tán phượng xanh rì. Tôi chưa qua một mùa hè nào ở trường Trung học cơ sở nên chưa từng thấy phượng ở Trường Thăng long rực rỡ đến nhường nào. Nhưng vào những mùa hè hồi còn học Tiểu học, chưa đến kì nghỉ hè mà bằng lăng và phượng vĩ đã đua nhau nở. Cứ giờ ra chơi, tôi thường chạy ra phía sân trường Trung học, nhặt hoa phượng rơi về chơi. Tôi ôm cả đống hoa phượng, ngồi xuống tán cây bàng yêu quý và bắt đầu ngắm nghía. Mỗi hoa có năm cánh, bốn cánh màu đỏ cam mang những chấm gạch phấn đều, thưa và nhạt dần, về đầu cánh màu đỏ đậm. Cánh thứ năm đem lại cho hoa một dáng vẻ kiêu sa, mềm mại với màu trắng mượt điểm những vệt đỏ hài hoà. Cuống cánh hoa thứ năm loang nhẹ màu vàng ngọt đậm hơn nắng mà nhẹ hơn màu mật ong. Một vài bông khác lại có bốn cánh đỏ cam nhưng đầu cánh loang nhẹ màu vàng đặc hơn màu rơm, ướt hơn màu cát. Cánh thứ năm lại đỏ tuyền một màu độc lập. Đài hoa đỡ phía dưới năm cánh hoa nom như cô Sao biển mặt đỏ sẫm, lưng xanh màu chanh đang túm gọn năm cánh quạt duyên dáng vào chính giữa. Nhị hoa gồm khoảng từ năm đến mười chỉ nhị chấm bao phấn sáng vàng rung rinh, tua tủa, cong cong như mi mắt của một cô bé mơ màng. Chỉ nhị trông như những tia màu tự nhiên được bắn lên bầu trời và nở xoè ở xa tít vì những đốm phấn bé xíu khiến ta nghĩ nó đang ở rất xa.

Đấy là hoa phượng đang cười. Hoa phượng khi đang khép nép thì hệt như cây trâm cài tóc, có điều tự nhiên hơn, thân trâm thanh mảnh hơn và đầu trâm đơn giản mà uyển chuyển hơn. Đung đinh, đung đinh như cây bút với thân bút chỉ như một sợi nước màu lục và đầu bút lông mềm, mượt mà vẽ vào không gian...

Lá phượng là loại lá kép. Tàu lá phượng xanh hệt cây kèn hác-mô-ni-ca màu cốm, trông ngộ mà dập dềnh, nhẹ nhàng hết sức. Lá nhìn xa đan xen vào từng chùm phượng như mâm xôi gấc rải cốm vòng. Hàng chục hạt lá to hơn hạt cốm xanh một tẹo, kẹp lại thành một tệp lá, to bằng ba phần tư bàn tay tôi, rồi vài chục tệp lá kép thế, ba bốn lần lá kép, nhấp lên, hạ xuống theo chiều gió. Sắc xanh lục, xanh cốm, xanh mướp, xanh sẫm của lá phượng hoà với sắc đỏ cam, vàng mật, vàng rơm, vàng cát ướt, đỏ rực, đỏ sẫm, trắng,... lãng mạn, thơ mộng và thật êm đềm, xao động khó tả.

Cây phượng cũng lạ lùng, sắc xanh lá phượng kép, sắc đỏ hoa rực rỡ, tươi tắn, sinh động thế mà dáng cây lại đượm vẻ âu sầu. Có lẽ màu đỏ hoà sắc xanh lá tượng trưng cho trẻ con với niềm vui khi mùa hè đến. Dù hè có nóng, có oi một tẹo, nhưng được nghỉ ngơi, được đi thăm thú đây đó, được làm mọi việc mình thích thì oi nóng có hề gì đâu !

Nhưng buồn sầu vì hè đến, tạm xa mái trường yêu dấu, tạm xa bè bạn - bọn nhóc nghịch ngợm, ngổ ngáo, lắm chiêu ; các thầy cô giáo - người nghiêm khắc, người dễ tính, người công bằng, thậm chí người hơi thiếu công bằng chút xíu, tôi cũng cảm thấy nhớ. Ngôi trường, cái cổng sắt màu kem, cái phòng bác bảo vệ, các lớp học, hàng cây, quầy căng tin bán đồ lặt vặt - tôi sẽ nhớ lắm khi phải chia tay chúng. Có lẽ vì thế mà phượng vĩ dù đẹp rực rỡ, huy hoàng mà vẫn đượm buồn. Vẻ buồn hiện ra ngay từ cái tên phượng vĩ : kiêu sa mà lặng lẽ. Hoa phượng đúng là người bạn ân tình của mọi thế hệ học trò chúng tôi.

(Lê Hạnh Nguyên - Lớp 6B, Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội)

Gợi ý làm bài

1. Một trong số các từ dùng sai ở đoạn văn của bài tập này là từ âm u trong cụm từ âm u tiếng sáo. Tiếng diều sáo gặp gió trong đêm trung thu đẹp thế không thể là âm u mà chỉ có thể là : mênh mang, véo von, du dương, trong trẻo, réo rắt âm vang,...

Trong số các từ có thể dùng để miêu tả tiếng diều sáo vừa nêu, từ du dương là đúng hơn cả.

2. a) Bài văn được bố cục theo các phần lớn như sau :

- Mở bài : giới thiệu khái quát về cây phượng - hoa phượng.

- Thân bài : lần lượt tả cây phượng từ các đặc điểm của hoa, lá phượng.

- Kết bài : nêu nét đặc sắc của cây phượng và cảm nghĩ về loài hoa này. 

Em hãy đối chiếu bố cục vừa nêu với nội dung cụ thể của bài viết để thấy các phần trong bài văn.

Trong bài văn, phần miêu tả hoa phượng rất tỉ mỉ và dài nhất, em thấy như thế có hợp lí không ? Vì sao ?

Phần cuối bài, người viết có nhận xét gì độc đáo ?

Nếu cần bổ sung, em sẽ thêm vào bài viết chi tiết nào ?

Sachbaitap.com

0