Soạn bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Mao ốc vị thu phong sở phá canh) SBT Ngữ Văn 7 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 92 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Trong ba phần đầu của bài thơ, tác giả đã sử dụng phương thức biểu đạt tự sự và miêu tả một cách phổ biến. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 92 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Trong ba phần đầu của bài thơ, tác giả đã sử dụng phương thức biểu đạt tự sự và miêu tả một cách phổ biến.
Bài tập
1. Đọc bài thơ một cách diễn cảm ít nhất hai lần.
2. Trong ba phần đầu của bài thơ, tác giả đã sử dụng phương thức biểu đạt tự sự và miêu tả một cách phổ biến. Hãy chỉ ra đặc điểm của việc sử dụng các phương thức biểu đạt ấy và tác dụng của những câu thơ tự sự và miêu tả đối với việc thể hiện tình cảm của nhà thơ.
3. Câu 3, trang 134, SGK.
4. Chiếc áo lông mới may là một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Bạch Cư Dị (772 - 846) ở đời Đường. Phần đầu bài thơ nói lên niềm vui sướng của tác giả khi được khoác chiếc áo ấy trong những ngày đông giá lạnh. Tuy nhiên, tiếp liền đó, ở phần cuối, tác giả lại viết :
Nửa đêm bỗng trăn trở
Dậy vỗ áo bồi hồi.
Sao chỉ lo độc thiện ?
Trượng phu cốt cứu đời !
Ước có áo vạn dặm,
Che phủ cho muôn nhà.
Chẳng còn ai rét mướt,
Thảy ấm áp dường ta !
Hãy so sánh phần kết trên đây với phần cuối của bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ.
5.* Trong bài Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe của nhà thơ Phùng Quán, có một khổ thơ như sau :
Em ơi nếu Tử Mĩ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc.
( Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, Hà Nội, 2003, trang 96-100)
Với những kiến thức văn học đã có, sau khi học xong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá em hãy phát biểu cảm nghĩ của mình về khổ thơ nói trên.
Gợi ý làm bài
1. Muốn đọc bài thơ thật diễn cảm, cần lưu ý mấy điểm sau :
- Bản dịch thơ của Khương Hữu Dụng đã trung thành gần như tuyệt đối với nguyên bản xét về mặt âm điệu. Do đó, âm điệu của bản dịch thơ, cũng như của nguyên bản, đã góp phần thể hiện một cách sinh động nội dung, tư tưởng, tình cảm của bài thơ.
- Đây không phải là một bài thơ Đường luật mà là một bài thơ cổ thể. Ở một bài thơ cổ thể, số câu có thể không hạn định, số chữ trong một câu không hạn định (thường là 5 hoặc 7 chữ), số vần không hạn định (có thể gieo nhiều vần, có thể gieo vần trắc).
- Bài thơ gồm bốn phần, trong đó phần đầu và phần cuối đều có số câu lẻ là 5. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong thơ ca cổ Trung Quốc, cần ngừng giọng lâu hơn sau câu cuối mỗi phần.
- Bài thơ có 23 câu thì 12 câu đã gieo vần trắc, chủ yếu nằm ở phần thứ hai và thứ ba. Việc gieo vần trắc một cách đậm đặc đó đã thể hiện sinh động nỗi dằn vặt, bực bội của nhà thơ trước cảnh ngộ bi đát. Ngược lại, ở ba câu đầu của phần cuối, tác giả lại đều gieo vần bằng (gian, hoan, bàn). Điều đó góp phần nói lên tình cảm hân hoan đang dâng lên mãnh liệt trong lòng nhà thơ khi nghĩ tới ngôi nhà lí tưởng. ,
- Cả bốn câu cuối bài đã phá vỡ khuôn khổ bảy từ. Cảnh tượng hùng vĩ tươi đẹp, dù là trong mơ ước, cùng tình cảm tuôn trào dường như không chịu nổi sự gò bó của thông lệ !
2. - Trong ba phần đầu, tác giả đã nghiêm nhặt tuân theo trình tự thời gian để kể lại sự việc diễn ra (chiều - tối - khuya). Trong từng phần một, trình tự sự việc cũng được trình bày chặt chẽ, hợp lí (tranh bay sang sông- mảnh cao - mảnh thấp ; gió lặng- mây tối mực- mưa)…
- Hiếm thấy một bài thơ cổ Trung Quốc miêu tả sự vật chi tiết, cụ thể như ở bài thơ này ( treo tót, quay lộn, cắp tranh, môi khô miệng cháy, mây tối mực, đêm đen đặc mền vải lạnh tựa sắt, con nằm đạp lót nát,...). Xen kẽ những nét tả thực là những hình ảnh so sánh sinh động.
- Tác giả đã dùng ngôi thứ nhất để tường thuật, miêu tả (trong sáu câu đầu, tác giả đã dùng hai chữ ngã - tôi). Tác giả là nạn nhân chính ở đây nên sử dụng điểm nhìn trần thuật và miêu tả như vậy là phù hợp. Hơn nữa. như vậy mới lồng được yếu tố trữ tình vào một cách tự nhiên (ở các câu thứ 2, 6, 7,9,10, 17, 18) và đặt cơ sở hợp lí, vững chắc cho việc thổ lộ tình cảm một cách trực tiếp ở phần cuối. Ngữ điệu ở ba phần trên càng bị dồn nén, bi phẫn bao nhiêu thì ngữ điệu ở phần cuối càng có điều kiện bung ra một cách mãnh liệt bấy nhiêu. Tình cảm tác giả đã thăng hoa, bao ấm ức đã được giải toả ! (Cần tham khảo phần gợi ý câu 4 để làm rõ thêm.)
3. - Bài tập này có hai yêu cầu : nêu những nỗi khổ được nhà thơ đề cập và chỉ rõ những nỗi khổ ấy đã được miêu tả và thể hiện sinh động ra sao. Hai yêu cầu này có tầm quan trọng ngang nhau, không được lệch về yêu cầu nào.
- Những nỗi khổ đã được đề cập :
+ Chủ yếu là những nỗi khổ do việc gió thu đã phá nát mái nhà tranh của Đỗ Phủ. Có thể nêu lần lượt nỗi khổ ấy qua ba thời điểm ứng với ba phần đầu của bài thơ, đặc biệt là nồi khổ suốt cả đêm trường sau khi gió lặng, mưa ập tới.
+ Ở đây không chỉ có nỗi khổ về vật chất mà còn có nỗi đau về tinh thần của nhà thơ khi thấy các em bé bất nhẫn cướp tranh của mình và khi nghĩ tới cảnh loạn lạc triền miên. Những nỗi đau về tinh thần này làm cho nỗi khổ về vật chất càng thêm nặng nề, thấm thía.
+ Đọc chú thích (★) (SGK, trang 132) để nhấn mạnh ý này : Đỗ Phủ còn khốn đốn như vậy thì dân chúng còn cơ cực đến mức nào ! Đọc thêm đoạn văn tham khảo của Hoắc Tùng Lâm (SGK, trang 134-135) để thấy rõ hơn ý nghĩa của vấn đề đang phân tích.
Từ ba điểm trên, khái quát thành giá trị hiện thực to lớn, một trong hai giá trị cơ bản của tác phẩm.
- Những nỗi khổ đã được miêu tả và thể hiện một cách sinh động, khúc chiết:
+ Cần lần lượt phân tích việc miêu tả những nỗi khổ đó sinh động, khúc chiết qua ba phần đầu của tác phẩm như thế nào. Sinh động vì ta như thấy hiện lên trước mắt ta không chỉ sức tàn phá của gió thu, mưa thu mà còn cả sự đối phó bất lực, yếu ớt của “ông già” Đỗ Phủ, sự đau khổ đến quằn quại của bố con Đỗ Phủ... Sinh động nhờ những chi tiết chân thực, cụ thể, điều rất hiếm thấy trong những vần thơ tả cảnh thời trung đại. Khúc chiết vì trình tự miêu tả hết sức chặt chẽ, rành mạch, gãy gọn. Có thể chứng minh rằng không thể đảo lộn được trình tự một chi tiết nào trong cả ba phần này.
+ Những nỗi khổ đã được thể hiện một cách sinh động, khúc chiết còn vì đã khéo kết hợp những yếu tố của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau. Miêu tả được khúc chiết vì đã đặt sự vật, sự việc trong sự tiến triển của thời gian nên giàu tính tự sự. Điểm nhìn ở đây là “tôi” (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất), hơn thế, “tôi” không chỉ tường thuật, miêu tả mà còn than thở, ấm ức, nên hình tượng của chủ thể trữ tình cũng rất đậm nét.
4. Cả hai bài thơ đều thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của hai nhà thơ lớn đời Đường, tuy nhiên, tình thần nhân đạo ở bài thơ của Đỗ Phủ sâu sắc, thấm thía hơn. Sự thông cảm của Bạch Cư Dị với mọi người không phải là sự thông cảm giữa những người cùng cảnh ngộ như ở Đỗ Phủ.
Từ chuyện nhà bị mưa gió phá nát nghĩ tới chuyện có ngôi nhà vững chắc không bao giờ bị gió mưa rung chuyển, từ bất hạnh cá nhân nghĩ tới hạnh phúc của mọi nhà, từ việc khổ vì rét tới ý nghĩ sẵn sàng chịu chết rét cho muôn người được sống ấm cúng, đó là mạch cảm xúc của bài thơ, đó cũng là biểu hiện của tính chất chặt chẽ trong kết cấu của bài thơ.
5.* - Đây là một đề mở, cả về phương diện cảm cũng như nghĩ.
- Tất nhiên cảm cũng như nghĩ đều phải chân thực, phải căn cứ vào những điều đã học và vừa học.
Cần nêu rõ thái độ của mình về điểm mà Phùng Quán đã nêu, đại ý là : Nếu Tử Mĩ (tức Đỗ Phủ) giàu sang thì nhất định không thể làm được bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá.
- Cần nêu được 2 ý chính : Nếu Đỗ Phủ không trực tiếp chịu đựng, trực tiếp thể nghiệm những nỗi khổ do mái nhà của chính mình bị phá nát thì không thể miêu tả và thể hiện những nỗi khổ đó một cách sinh động như thế ; song quan trọng hơn, nếu không khổ đến cùng cực như vậy thì, trong điều kiện xã hội cũ, Đỗ Phủ cũng không thể thông cảm với những nỗi đau khổ của dân và không thể viết được những, vần thơ tràn đầy tinh thần nhân đạo như ở phần cuối.
- Có thể bàn luận thêm : Đối với ngày nay, không nhất thiết là tác giả phải sống cùng cực đã mới có thể viết nên những vần thơ hay, giàu ý nghĩa hiện thực và giá trị nhân đạo, cũng như ngày xưa, cũng không nhất thiết là sống trong cảnh giàu sang thì không thể làm thơ hay. Nói như Bạch Cư Dị, với thơ thì “tình là gốc”. Đỗ Phủ làm thơ hay không phải chỉ vì khổ mà vì cái khổ đã làm cho tình cảm Đỗ Phủ chuyển biến ngày càng hướng về những người nghèo khổ. Như ở bài tập 4 chỉ rõ, Bạch Cư Dị ngay trong lúc làm quan vẫn có thể viết được nhiều bài thơ hay, vì do nhiều nguyên nhân, bấy giờ Bạch Cư Dị đã có tư tưởng tình cảm tiến bộ. Dĩ nhiên, Phùng Quán cũng rất có lí vì vốn sống rất quan trọng. Vốn sống Bạch Cư Dị không thể bằng Đỗ Phủ, nên như ta thấy, thơ Bạch Cư Dị (Chiếc áo lông mới may) cũng hay song không sâu sắc, thấm thía bằng thơ Đỗ Phủ.
Sachbaitap.com