24/04/2018, 07:49

Soạn bài Ôn tập phần văn học - Ngữ văn 12 tập 2

Câu 1: Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) và Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Phân tích nét đặc sắc tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm - Vợ nhặt (Kim Lân): + Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào bối cảnh nạn đói năm 1945. Mở ...

Câu 1: Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) và Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Phân tích nét đặc sắc tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm

- Vợ nhặt (Kim Lân):

+ Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào bối cảnh nạn đói năm 1945. Mở đầu truyện, tác giả đã dựng lên không khí tối tăm ảm đạm bao trùm xóm ngụ cư. Ngòi bút của tác giả đi sâu lí giải, phân tích hiện thực bằng cái nhìn vừa đau xót vừa căm giận.

+ Các nhân vật trong truyện đều là những người nông dân nghèo khổ, thậm chí là dân ngụ cư: Tràng, bà cụ Tứ, người vợ Tràng. Nhưng tất cả gặp nhau trong tình huống truyện oái oăm “vợ nhặt”. Chọn một hoàn cảnh như vậy, đặt nhân vật  vào một tình huống truyện như vậy, Kim Lân đã thể hiện được tất cả sự nghèo hèn và tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, đồng thời cũng thể hiện thành công niềm khao khát hạnh phúc của con người.

+ Giá trị nhân đạo của tác phẩm:

           ● Tố cáo sâu sắc tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai vì chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945.

           ● Trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người.

           ● Niềm tin của tác giả đặt vào những khát vọng bình dị mà chân chính những con người vẫn muốn sống, vẫn khát khao tình thương và sự gắn bó, việc nương tựa vào nhau đã cho họ niềm tin để sống.

- Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):

+ Tô Hoài đã khắc họa rõ nét hình ảnh những kiếp người đau khổ trong xã hội cũ. Dù bị vùi dập tưởng chừng không thể nào ngẩng đầu lên được, hai người nô lệ Mị và A Phủ vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Họ gặp nhau, cảm thông với nỗi khổ của nhau rồi tự giải thoát cho nhau và đưa nhau đến một miền đất mới có tương lai tốt đẹp hơn.

+ Tô Hoài lựa chọn nhân vật là những người dân tộc Mông ở miền Tây Bắc xa xôi trong thời kì thực dân Pháp còn nô dịch nhân dân. Đồng bào miền núi một cổ đôi ba tròng: thực dân Pháp, chế độ phong kiến (thống lí Pá Tra), những quan niệm mê tín dị đoan và những hủ tục xa xưa.

+ Giá trị nhân đạo:

           ● Sự cảm thông với số phận của những con người bất hạnh.

           ● Phát hiện, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, nhất là tình yêu tự do và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người dân miên núi.

           ● Phê phán sâu sắc bọn quan lại phong kiến miền núi, thể hiện thái độ căm giận trước những thế lực chà đạp con người. 

Câu 2. Các tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi đều viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của từng tác phẩm trong việc thể hiện của chủ đề chung đó.

a. Những khám phá, sáng tạo của Nguyễn Trung Thành trong Rừng xà nu.

- Chọn một loại cây rất gần gũi với đời sống của đồng bào Tây Nguyên và xây dựng hình ảnh ấy thành biểu tượng đẹp đẽ, đặc sắc, tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường, bất khuất của đồng bào Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước - hình tượng rừng xà nu. Miêu tả rừng xà nu thành một nền cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ cho cuộc chiến đấu anh hùng của dân làng Xô man chống Mĩ, tô đậm chất sử thi hào hùng cho câu chuyện.

- Chọn cách thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua hình ảnh một tập thể nhân dân anh hùng, đó là dân làng Xô man. Phát hiện ra vẻ đẹp riêng của từng con người trong thời kì chống Mĩ gắn với số phận, tính cách và phẩm chất của họ: cụ Mết (già làng), Dít (bí thư chi bộ), đặc biệt là Tnú.

- Chủ đề của truyện là chân lí của thời đại cách mạng: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo".

b. Những khám phá, sáng tạo của Nguyễn Thi trong Những đứa con trong gia đình.

- Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tác phẩm được thể hiện sắc nét trong truyền thống anh dũng, đáng tự hào của một gia đình. Tiêu biểu cho ý tưởng đó của tác giả là hình ảnh hai chị em Chiến và Việt.

- Chọn một gia đình để viết truyện, ý tưởng của nhà văn chính là để nói lên điều sâu xa: gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình bình thường đã lần lượt như thế, thì cả miền Nam, cả nước sẽ như thế nào? Đó chính là sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi nó đã thấm sâu đến từng người dân, đặc biệt nó đầy ắp trong tim thế hệ trẻ.

- Nguyễn Thi rất hiểu con người miền Nam, đặc biệt là "kiểu người út Tịch", sinh ra là để đánh giặc cứu nước, mà đã đánh giặc thì dũng cảm, gan góc không ai bằng. Vì thế, ông đã xây dựng rất thành công kiểu nhân vật đánh Mĩ trong gia đình, đặc biệt là Chiến và Việt. 

Câu 3.  Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

     Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã tạo ra tình huống truyện hết sức độc đáo: Anh phóng viên Phùng đang làm công việc đi săn ảnh nghệ thuật và phong cảnh để làm lịch. Một buổi sáng sớm anh đi trên bãi hiển, anh bỗng phát hiện ra một bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên, đó hình ảnh một chiếc thuyền ngoài xa thấp thoáng trong màng sương sớm, lúc ẩn lúc hiện. Cảnh vật hiện lên trước mặt anh phóng viên Phùng là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe ..” bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào “Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích" đã khiến Phùng bối rối và trong trái tim Phùng “như có gì bóp thắt vào", và trong cái giây phút bối rối ấy Phùng "tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái không khí trong ngần của tâm hồn". Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh đã mang lại “khoảnh khắc hạnh phúc tràm ngập tâm hồn Phùng” và Phùng đã bấm máy liên tục để thu hết vẻ đẹp tuyệt đỉnh của cảnh vật vào trong ống kính của mình.

     Thế nhưng, khi chiếc thuyền vào tới bờ thì một sự thật trần trụi phơi bày trước Phùng, một sự thực bi thương, đó là hình ảnh những con người lao động nghèo khổ, xơ xác, như không hề có chút niềm vui, hạnh phúc nào cả. Phùng nghe tiếng anh hàng chài quát vợ "Cứ ngồi  nguyên đấy. Động đậy tạo giết cả mày đi bây giờ” rồi nhìn cảnh anh hàng chài “mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa... quật tới tấp vào lưng người đàn bà, hắn vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!"trong khi đỏ thì người đàn bà nhẫn nhục cam chịu tất cả những sự việc ấy diễn ra làm cho Phùng “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn...". Điều làm cho Phùng càng kinh ngạc sững sờ hơn khi nhìn cảnh thằng Phác lao vun vút đến chỗ bố nó, giằng lấy cái thắt lưng trong tay bố nó “liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vờ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên" của bố nó để bảo vệ mẹ nó. Tình huống truyện này đã đưa ra những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực. Nghịch lí giữa người vợ tốt bị hành hạ nhưng vẫn không bỏ chồng, nghịch lí giữa sự vũ phu tàn bạo của anh hàng chài với vợ nhưng không bỏ vợ. Với tình huống của truyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thụật là một cái gì xa vời như chiếc thuyền ngoài xa trong màng sương sớm mờ ảo, còn cuộc sống thì rất cần như con thuyền khi đã vào tới bờ. Hay nói một cách khác, Nguyễn Minh Châu cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống, phải phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

     Một tình huống truyện khá độc đáo nữa mà Nguyễn Minh Châu đã tạo ra trong truyện ngắn này đó là khi người đàn bà được Đẩu (Bao Công của cái chuyện ven biển này) mời đến huyện để khuyên người đàn bà li hôn với chồng. Sau khi dùng các biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không có kết quả, Đẩu với tư cách là thẩm phán huyện - đã khuyên người vợ nên li hôn với chồng để khỏi bị hành hạ, ngược đãi, để sống một cuộc sống cho ra con người. Đẩu tin giải pháp của mình là hợp lí, đúng đắn, thể hiện lòng tốt của mình. Nhưng sau buổi nói chuyện với người đàn bà thì mọi lí lẽ, mọi suy nghĩ của anh đều bị người đàn bà chất phác, lam lũ từ chối, không chấp nhận. Người đàn ấy đã nhìn thấu suốt cả cuộc đời mình, những điều mà Đẩu và cả Phùng chưa bao giờ nhìn thấy được: “lòng chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có thể hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhục...”, “ là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...", “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!”.

     Những lời lẽ của người đàn bà khiến "Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện miền biển". Đẩu chợt nhận ra rằng lòng tốt của anh hóa ra phi thực tế. Anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu sách vở nhưng trước thực tế đa dạng, muôn nỗi, anh trở thành kẻ ngây thơ.

     Những lời lẽ của người đàn bà đã giúp Đẩu nhận ra những nghịch lí của đời sống - những nghịch lí buộc con người phải chấp nhận một cách chua chát “trên thuyền phải có một người đàn ông dù hắn man rợ, tàn bạo”. Từ đây, Đẩu có thể đã bắt đầu hiểu ra rằng muốn con người thoát ra khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, man rợ cần phải có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là lòng tốt, thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tế.

     Tình huống này cùng với tình huống trên của truyện, Phùng đã nhận ra rằng để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn một cách đơn giản, phải đi sâu vào thực tế cuộc sống để hiểu được thực tế cuộc sống.

     Tóm lại, trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống và đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng của xã hội là khi nhìn cuộc sống chúng ta phải có cái nhìn đa chiều, chúng ta mới hiểu cuộc sống sâu sắc hơn. Nếu nhìn cuộc sống một cách hời hợt, theo cảm tính, theo sách vở... thì chúng ta chưa thể hiểu hết được những nghịch lí nhưng có lí của thực tế cuộc sống. 

Câu 4. Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của tác giả Lưu Quang Vũ.

- Đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt phản ánh cuộc đấu tranh giữa hồn và xác, sự tìm lại chính mình, đề cao cái sống đích thực của con người.

- Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ trước hết thể hiện ở sự phê phán một số biểu hiện tiêu cực của lối sống đương thời.

- Mâu thuẫn giữa linh hồn và thể xác, giữa đạo đức và tội lỗi.

- Bi kịch của Trương Ba là bi kịch con người không được sống đúng là mình, sống thật với mình. Từ sự phê phán nói trên, tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt gửi gắm một triết lí sâu sắc về lẽ sống, lẽ làm người: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Con người phải luôn đấu tranh với bản thân đế vươn tới sự thống nhất, hài hoà giữa linh hồn và thể xác, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách.

Câu 5. Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Số phận con người của Sô-lô-khốp.

*Ý nghĩa tư tưởng:

– Khẳng định sức mạnh tiềm ẩn và những cống hiến của nhân dân Nga nói chung trong sự nghiệp bảo vệ xây dựng tổ quốc, đồng thời thể hện lòng khâm phục và tin tưởng vào tính cách Nga kiên cường và nhân hậu, đồng cảm trước vô vàn khó khăn trở ngại mà con người phải vượt qua trên con đường vươn tới tương lai và hạnh phúc.

– Tác giả biểu dương, ca ngợi khí phách anh hùng của nhân dân, vừa tố cáo chiến tranh phát xít mạnh mẽ.

– Thông qua tác phẩm, Sô- lô- khốp muốn nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đối với cá nhân con người. Ông khẳng định nhân dân tạo nên lịch sử, song cũng nhấn mạnh lịch sử phải có trách nhiệm trước mỗi cá nhân…

– Tác phẩm ca ngợi tính cách Nga, ngợi ca con người yêu nước có ý chí kiên cường, có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống

* Đặc sắc nghệ thuật:

– Nhân vật trung tâm là người lính dũng cảm trong chiến đấu trước kẻ thù, một người lao động có trách nhiệm cao cả và nghị lực phi thường trong cuộc sống đời thường.

– Đặt nhân vật vào nhiều mối quan hệ qua lại với dân tộc, nhân dân, thời đại, gia đình… nhà văn nâng nhân vật lên tầm vóc sử thi. Nhân vật chính vừa là biểu tượng của nhân Liên Xô, vừa là một số phận cá nhân với những cảnh ngộ, những sự từng trải và bước đường đời riêng.

– Tác phẩm được kể theo ngôi thứ nhất, kết cấu theo trình tự thời gian. Truyện viết theo kiểu truyện lồng trong truyện. Tác phẩm có hai người kể chuyện: Người kể chuyện – tác giả và người kể chuyện – nhân vật; Điểm nhìn của Xô- cô -lốp về cơ bản trùng với điểm nhìn của tác giả. Sô- lô- khốp tạo được nhiều tình huống nghệ thuật đặc sắc để thử thách, khám phá chiều sâu tính cách Nga, con người Nga. Nhiều đoạn trữ tình ngoại đề bộc lộ cái tôi nhân hậu, lạc quan tin tưởng.

Câu 6. Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn phê phán phê bệnh gì của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm?

- Thuốc là một nhan đề đa nghĩa. Trước hết nó được hiểu đúng theo nghĩa đen, ấy là thứ thuốc chữa bệnh lao của những người Trung Quốc lạc hậu, u mê. Một cách chữa bệnh đầy mê tín – lấy máu người để chữa bệnh lao. Rốt cuộc, con bệnh vẫn chết. Chết trong cái không khí ẩm mốc, hôi tanh mùi máu của nước Trung Hoa lạc hậu.

     Nhưng không chỉ có vậy. Thuốc đề cập đến một vấn đề khác sâu xa hơn và khái quát hơn, đó là sự u mê, đớn hèn, mông muội về chính trị xã hội của quần chúng và bi kịch không được hiểu, không được ủng hộ của những người cách mạng tiên phong.

- Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm

+ Khắc họa các hình ảnh, nhân vật: tác giả triển khai nhiều điểm nhìn về phía nhân vật Hạ Du, nhân vật Hạ Du được miêu tả gián tiếp qua suy tư, lời đối thoại của nhiều nhân vật. Để thể hiện căn bệnh tinh thần của người Trung Quốc, Lỗ Tấn đã dựng lên bối cảnh một quán trà nghèo nàn, gần gũi cuộc sống đời thường. Không chỉ trong tác phẩm mới có nhiều hình ảnh tượng trưng (hình ảnh con đường mòn nhỏ, hình ảnh “chiếc bánh bao”, hoặc hình ảnh “vòng hoa trên mộ Hạ Du”…) mà ngay tên tác phẩm cũng có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.

+ Về nghệ thuật trần thuật: truyện được kể theo ngôi thứ ba. Thuốc là tác phẩm hiện thực phê phán nhưng lại có yếu tố lãng mạn tích cực.

Câu 7: Ý nghĩa biểu tượng của đoạn trích Ông già và biển cả:

- Ông lão và con cá kiếm: Hai hình tượng mang một vẻ đẹp song song tương đồng trong một tình huống căng thẳng đối lập.

- Ông lão tượng trưng cho vẻ đẹp của con người trong việc theo đuổi ước mơ giản dị nhưng rất to lớn của đời mình:

   + Ông lão ngư phủ lành nghề, một mình đơn độc trong cuộc chiến dũng cảm và mưu trí thực hiện ước mơ bắt bằng được con cá lớn của đời mình.

   + Cảm nhận của ông lão về "đối thủ" - con cá kiếm - không hề thù hằn mà ngược lại, ông gần như cảm kích và chiêm ngưỡng, thậm chí pha lẫn niềm tiếc nuối nếu phải giết nó. Đây cũng là điểm làm nên vẻ đẹp hình tượng của ông lão.

- Con cá kiếm là đại diện cho tính chất kiêu hùng, vĩ đại của tự nhiên:

   + Khi bị mắc phải lưỡi câu của ông lão, nó không lặn xuống để nhấn chìm con thuyền, không vùng vẫy để thoát ra mà kéo ông lão ra khơi, chấp nhận một cuộc đấu sức với ông lão.

   + Những vòng lượn của nó, những cố gắng cuối cùng nhưng hết sức mãnh liệt của con cá đó chứng tỏ sự dũng cảm kiên cường không kém gì đối thủ của nó.

   + Con cá kiếm chính là hình ảnh lí tưởng, của ước mơ mà mỗi người theo đuổi trong cuộc đời.

   + Sự khác biệt giữa hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng của con cá khi chưa bị chiếm lĩnh mang một ý nghĩa riêng, phải chăng đó là hình ảnh chuyển từ ước mơ sang hiện thực - nó không còn xa với và khó nắm bắt và cũng chính vì nó không còn đẹp đẽ, huy hoàng như trước nữa.

- Trong mối quan hệ phức tạp của thiên nhiên với con người không phải lúc nào thiên nhiên cũng là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn, vừa là đối thủ. Con cá kiếm là biểu tượng của ước mơ vừa bình thường giản dị nhưng đồng thời cũng rất khác thường, cao cả mà con người ít nhất từng theo đuổi một lần trong đời.

Zaidap.com

0