04/06/2017, 22:44

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Tuyên ngôn độc lập (Tiếp theo)

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Tuyên ngôn độc lập (Tiếp theo) của Hồ Chí Minh. PHẦN HAI: TÁC PHẨM I. TÌM HIỂU PHẦN TIỂU DẪN Phần Tiểu dẫn trong SGK được viết sáng rõ mà đầy đủ. Anh (chị) cần đọc kỹ để nắm được những ý cơ bản sau đây giúp cho việc đọc- hiểu văn bản: - Đoạn 1 là hoàn ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Tuyên ngôn độc lập (Tiếp theo) của Hồ Chí Minh.

PHẦN HAI: TÁC PHẨM
I. TÌM HIỂU PHẦN TIỂU DẪN
Phần Tiểu dẫn trong SGK được viết sáng rõ mà đầy đủ. Anh (chị) cần đọc kỹ để nắm được những ý cơ bản sau đây giúp cho việc đọc- hiểu văn bản:
 
- Đoạn 1 là hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: Tuyên ngôn Độc lập đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử thật đáng ghi nhớ: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
- Bốn đoạn sau là những ý cơ bản cần nhớ để đi vào tìm hiểu bản Tuyên ngôn:
 
+ Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn.

+ Đối tượng hướng tới của bản Tuyên ngôn Độc lập: đồng bào trong nước và cả thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm tái nô dịch đất nước ta (cần chú ý đến đối tượng thứ hai này của bản Tuyên ngôn).
 
+ Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm chính luận đặc sắc.
 
+ Tuyên ngôn Độc lập còn là một áng văn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
A. Đọc văn bản
 
Văn bản không dài, cần chú ý tập đọc nhiều lần để bước đầu tiếp xúc với tác phẩm. Có thể tiến hành cách đọc như sau:
 
- Đầu tiên, đọc thầm bằng mắt: đọc chậm, kĩ để bao quát nội dung toàn tác phẩm.
- Sau đó, đọc to thành tiếng, và cố gắng đọc diễn cảm theo nội dung, cách viết từng đoạn:
 
+ Đoạn mở đầu: đọc với giọng trang trọng, nhấn mạnh các ý khẳng định của tác giả.
 
+ Đoạn giữa:
 
- Phần tố cáo tội ác của thực dân Pháp đọc với giọng dồn dập, căm thù;
- Phần nhân dân ta giành chính quyền đọc với giọng tự hào, khoan dung đối với kẻ thù.
 
+ Đoạn cuối (phần tuyên ngôn): đọc với giọng trang trọng, hùng hồn, tự hào, quyết tâm.
 
B. Tìm hiểu văn bản
1. Bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập
Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố cục chặt chẽ theo cách bố cục của một bài văn nghị luận, gồm 3 phần ứng với loại văn tuyên ngôn như sau:
 
a) Mở đầu (từ đầu đến “không ai chối cãi được”)
Nêu nguyên lí làm cơ sở lí luận và tư tưởng cho bản Tuyên ngôn: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
 
b) Đoạn giữa (từ “Thế mà” đến “chứ không phải từ tay Pháp”) Chứng minh nguyên lí: Thực dân Pháp là kẻ làm trái nguyên lí
(tố cáo tội ác về mọi mặt của chúng); nhân dân ta là người thực hiện đúng nguyên lí (đã tự đứng lên để giành lại chính quyền).

 
c) Đoạn cuối (phần còn lại)
Lời tuyên bố độc lập của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới và ý chí quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam.
 
2. Việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1793) của cách mạng Pháp trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập là một cách viết rất cao tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại những ý nghĩa sâu sắc cho bản Tuyên ngôn được viết ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ.
Như chúng ta đã biết, đối tượng hướng tới của Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là đồng bào trong nước mà cả với thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm tái nô dịch đất nước ta. (Xem thêm trong Tiểu dẫn). Trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp trong phần nêu nguyên lí mở đầu tác phẩm, một mặt, Bác đề cao truyền thống bình đẳng, nhân đạo, tư tưởng dân chủ tiến bộ của nhân dân hai nước Mĩ và Pháp lúc bấy giờ, mặt khác, lại có tác dụng ngăn chặn âm mưu xâm lược của chúng (Xem Tiểu dẫn) đồng thời, như thế cũng là cách Bác đặt cuộc cách mạng của nhân dân ta năm 1945 ngang hàng với cuộc cách mạng của Pháp và Mĩ, đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngang hàng với hai bản Tuyên ngôn của hai nước lớn đó, khẳng định về quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới. Đây là nghệ thuật dùng “gậy ông đập lưng ông” - ngón võ dân gian rất hiệu nghiệm của nhân dân ta mà Bác đã sử dụng thật tài tình trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn.
 
3. Trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn Độc lập, tác giả tập trung tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ nước ta. Đó là do mối liên hệ giữa phương châm sáng tác của Hồ Chí Minh với tác phẩm: bao giờ Người cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Đối tượng mà Người hướng tới khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là đồng bào trong nước mà còn với cả thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm một lần nữa nô dịch đất nước ta, trong đó có thực dân Pháp. Phải bằng mọi cách để ngăn chặn âm mưu xâm lược của chúng. Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn, Người đã trích dẫn bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để ngăn chặn một cách gián tiếp, thì ở đây, Người tập trung tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp chính là một cách ngăn chặn trực tiếp hơn, có hiệu quả hơn.
 
Tác giả đã lật tẩy bộ mặt xảo quyệt, tàn bạo của thực dân Pháp bằng những lí lẽ xác đáng và những sự thật lịch sử không chối cãi được, phơi bày tất cả tội ác của chúng đối với nhân dân ta:
 
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
(...) Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
 
(...) Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu (...)”. 14 điệp từ “chúng” vang  lên, dằn mạnh trong đoạn văn tố cáo cùng với cách nêu liên tiếp, dồn dập những tội ác của thực dân Pháp bằng lối viết khẳng định của tác giả, đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân Pháp trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử này.
 
4. Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm tràn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khát vọng độc lập tự do của dân tộc, về vị thế bình đẳng của đất nước ta trên toàn thế giới.
Trước hết cần thấy rằng khi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử này, Người không chỉ dựng lên một văn bản tuyên ngôn đầy đủ, mẫu mực với tính lôgic và tính pháp lý chặt chẽ của nó, mà còn viết ra bằng tất cả tâm huyết của một người con yêu nước đối với đất nước và dân tộc mình. Tấm lòng đó đã làm nên chất văn cho tác phẩm, khiến Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một bài văn chính luận hùng hồn, đanh thép, có sức thuyết phục cao, mà còn là một áng văn xúc động lòng người. Tâm huyết của Người được bộc lộ sâu sắc qua các mặt sau đây:
 
a) Nói lên khát vọng độc lập, tự do của dân tộc: Đây cũng chính là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con yêu nước số một của dân tộc Việt Nam, từng ra đi tìm hình cho nước (tức là đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc) nên Người đã thấu hiểu khát vọng đó của dân tộc và tin tưởng sắt đá vào ý "chí quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của nhân dân ta. ở đây, khát vọng của Bác cũng là khát vọng của nhân dân, và Người đã nói lên khát vọng và ý chí ấy của nhân dân ta một cách hào hùng, mãnh liệt, đầy niềm tin trong bản Tuyên ngôn mở nước này. Khát vọng ấy, ý chí ấy như mạch cảm hứng nồng nàn, như hào quang tư tưởng xuyên suốt bản Tuyên ngôn, càng lúc càng dâng trào và tỏa sáng trong phần tuyên ngôn ở cuối tác phẩm:
 
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
 
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
 
b) Vị thế bình đẳng của đất nước ta trên toàn thế giới
Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập bằng một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Ngay phần mở đầu, Người đã nêu lên nguyên lí: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp, như phân tích trong mục 2 trên đây, cũng là cách để Người đề cao vị thế của cách mạng Việt Nam, của Tuyên ngôn Độc lập nước ta trên toàn thế giới (cũng ngang hàng như các nước lớn), ở đoạn giữa, Người đề cao thái độ khoan hồng và nhân đạo của nhân dân ta đối với người Pháp khi họ đã thất bại trước quân Nhật. Và sau đó, bản Tuyên ngôn đã khẳng định vị thế mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên toàn thế giới - một đất nước đã đánh đổ cả thực dân, phong kiến để có độc lập, tự do thực sự cho nhân dân. Từ đó mà có một niềm tin chắc chắn vào vị thế của đất nước ta: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê- răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
 
5. Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn chính luận ở những điểm chủ yếu sau đây:

Dựa vào những gợi ý trên đây, anh (chị) tự phân tích qua văn bản để làm sáng tỏ.
 
Cuối cùng, đọc kĩ phần Ghi nhớ trong SGK để nắm vững bài học.
 
 III. LUYỆN TẬP
 Gợi ý làm bài:
 
- Do chất văn của tác phẩm đem lại, mà chất văn đó có được là do tấm lòng, tâm huyết của người viết từ lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của dân tộc.
 
- Ở đây có sự đồng cảm sâu sắc giữa người viết và người đọc (nghe). Lời Bác là ý dân, lãnh tụ đã nói lên đúng khát vọng thiêng liêng của quần chúng trong cái thời khắc lịch sử sang trang, mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước, khiến cho Tuyên ngôn Độc lập trở thành một áng văn xúc động lòng người.

0