04/06/2017, 08:48

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Thơ Hai-Kư của Ba-sô

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Thơ Hai-Kư của Ba-sô (Đọc thêm). Ở lớp 10, trong phần văn học nước ngoài, ngoài sử thi Hi Lạp và Ấn Độ, thơ Đường và tiểu thuyết Trung Quốc, các em còn được tiếp xúc với văn học Nhật Bản qua thơ hai-kư của Ba-sô. Mặc dù chỉ được học 1 tiết bằng hình thức đọc thêm, ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Thơ Hai-Kư của Ba-sô (Đọc thêm).

Ở lớp 10, trong phần văn học nước ngoài, ngoài sử thi Hi Lạp và Ấn Độ, thơ Đường và tiểu thuyết Trung Quốc, các em còn được tiếp xúc với văn học Nhật Bản qua thơ hai-kư của Ba-sô.
 
Mặc dù chỉ được học 1 tiết bằng hình thức đọc thêm, nhưng đây là tiết học duy nhất về văn học Nhật Bản không chỉ ở lớp 10 mà cả bậc trung học phổ thông, vì vậy các em cần coi trọng và tận dụng tiết học này để bước đầu hiểu được một thể loại thơ độc đáo của Nhật Bản.
 
I. Ở phần Tiểu dẫn, cần đọc kĩ để nắm được hai điểm:
1. Tác giả: Ba-sô (1644-1694), nhà thơ hàng đầu của Nhật Bản với những tác phẩm tiêu biểu của ông. Ngoài Ba-sô, ở Nhật Bản còn có nhiều nhà thơ hai-kư nổi tiếng khác như Bu-son, ít-sa, Si-ki,...
 
2. Thơ hai-kư: Là một thể loại thơ độc đáo của Nhật Bản với những đặc điểm nổi bật sau đây:
- Có số từ vào loại ngắn nhất, chỉ gồm 17 âm tiết hay hơn một chút (tuyệt cú của thơ Đường là loại thơ cô đúc cũng có đến 20 chữ với thể ngũ ngôn và 28 chữ với thể thất ngôn), được ngắt ra làm 3 đoạn theo thứ tự thường là 5 âm - 7 âm - 5 âm (tuyệt cú có 4 câu - 4 phần).
 
- Các bài thơ đều không có nhan đề. Mỗi bài thơ đều có một tứ thơ nhất định, thường chỉ ghi lại một phong cảnh với vài sự vật cụ thể, trong một thời điểm nhất định để từ đó khơi gợi lên một xúc cảm, một suy tư nào đó. Thời điểm trong thơ được xác định theo mùa qua quy tắc sử dụng “quý ngữ” (từ chỉ mùa).
 
- Thơ hai-kư thấm đẫm tinh thần Thiền tông và tinh thần văn hóa phương Đông nói chung. Cảm thức thẩm mĩ của hai-kư có những nét rất riêng, rất cao và rất tinh tế: đề cao cái vắng lặng, Đơn sơ, u huyền, Mềm mại, Nhẹ nhàng,...
 
- Bài thơ hai-kư giống như một bức tranh thủy mặc, thường chỉ dùng những nét chấm phá để gợi chứ không tả, dành rất nhiều khoảng trống cho trí tưởng tượng của người đọc.
 
II. Tìm hiểu 8 bài thơ hai-kư của Ba-sô:
- Các em đọc nhiều lần 8 bài thơ này để có cảm nhận chung về thơ hai-kư của Ba-sô.
- Đọc kĩ các chú thích để hiểu rõ hơn các bài thơ.
 
- Trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn đọc thêm:
 
+ Tự trả lời câu hỏi 1, 2 về các bài thơ 1, 2, 3, 4.
+ Trao đổi trong nhóm, tổ để tìm lời giải đáp cho các câu hỏi 3, 4, 5, 6 về các bài thơ 5, 6, 7, 8.

 
 
0