04/06/2017, 08:47

Soạn bài Ngữ văn lớp 10: Nhưng nó phải bằng hai mày (Truyện cười)

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI1. Phân tích tính kịch trong đoạn truyện “Cải vội xòe năm ngón tay... đến hết”. Tính kịch ở đoạn truyện này thể hiện ở mâu thuẫn xuất hiện giữa hai nhân vật Cải và thầy lí được bộc lộ bằng những hành động và lời nói có nhiều ẩn ý mà chỉ hai người trong cuộc mới hiểu được nhau. ...

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI1. Phân tích tính kịch trong đoạn truyện “Cải vội xòe năm ngón tay... đến hết”.

Tính kịch ở đoạn truyện này thể hiện ở mâu thuẫn xuất hiện giữa hai nhân vật Cải và thầy lí được bộc lộ bằng những hành động và lời nói có nhiều ẩn ý mà chỉ hai người trong cuộc mới hiểu được nhau. (Cải ở đây là người hối lộ, còn thầy lí là người ăn hối lộ).
 
Trước đó, Cải đã lót trước cho thầy lí năm đồng, nhưng Ngô lại biện chè lá những mười đồng (điều này chắc Cải không biết nên mới xuất hiện màn kịch).

Mâu thuẫn xuất hiện ở chỗ Cải chắc chắn phần thắng sẽ về mình, nhưng khi nghe thầy lí tuyên bố bị “phạt một chục roi”, ngỡ thầy quên, nên vội nhắc lại cho thầy nhớ. Anh ta nhắc lại một cách thật khôn khéo, đầy ẩn ý, bằng cả hành động “vội xòe năm ngón tay” (ý nói mình đã lót trước cho thầy năm đồng), cả cái “ngẩng mặt nhìn thầy” thật ý tứ, và nhất là lời “khẽ bẩm”, nhưng lại nhấn mạnh cái ý quan trọng: “lẽ phải về con mà!” (ý nói: con đã lót thầy rồi thì chắc chắn lẽ phải thuộc về con). Từ hành động đến lời nói đều gây cười, đều đáng cười vì nó lột trần chân tướng của một con người hối lộ để được xử thắng trong vụ kiện.
 
Tưởng nhắc khéo và rõ đến thế thì thầy lí phải nhớ, phải xử cho mình được kiện, ai ngờ thầy lí lại là người “cao thủ” hơn, khôn ngoan hơn. Cái nút đã thắt, thì phải cởi, nhưng thật bất ngờ, nó không cởi theo yêu cầu của Cải, theo hướng có lợi cho Cải, mà ngược lại. Ngược lại bằng cách lặp lại hai chi tiết nói trên: hành động và lời nói của Cải. Nếu Cải “xòe năm ngón tay” thì ở đây thầy lí “cũng xòe năm ngón tay” nhưng là “năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt” (ý nói là Ngô đã biện cho thầy những mười đồng). Nếu Cải nói “lẽ phải về con mà!” thì thầy lí cũng không phủ nhận, cũng lặp lại như thế “Tao biết mày phải...”, nhưng lại thêm vào “cái phải” quan trọng hơn, quyết định hơn: “nhưng nó lại phải ... bằng hai mày” Nó ở đây là Ngô đã biện cho thầy những mười đồng nên nó mới phải bằng hai mày. Dưới con mắt của kẻ ăn hối lộ, thì phải, trái được đo bằng số tiền đút lót nhiều hay ít (!?) Chi tiết này đã lột trần bản chất ăn tiền, tham nhũng một cách xấu xa, bỉ ổi, đáng lên án của thầy lí (ăn tiền cùng một lúc cả hai người đi kiện, đã ăn tiền Cải lại còn xử phạt Cải,...).
 
2. Phân tích nghệ thuật gây cười trong lời nói của thầy lí ở cuối truyện.
Như đã phân tích trong câu 1. trên đây, có thể thấy đây là chi tiết đặc sắc nhất để tiếng cười bật ra sảng khoái khi bản chất nhân vật thầy lí được bộc lộ hoàn toàn trong câu nói. Nghệ thuật gây cười được thể hiện ở những mặt sau đây:
 
- Sự phối hợp khéo léo giữa hành động đầy ẩn ý và lời nói tinh quái, ráo hoảnh của nhân vật.

- Lối chơi chữ độc đáo: “Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!”

- Cách kết thúc truyện bất ngờ khiến cho tiếng cười “òa” ra trước bộ mặt đáng cười của thầy lí.
 
3. Đánh giá hai nhân vật Ngô và Cải
Đây là hai người nông dân trong xã hội phong kiến xưa. Vì muốn được kiện, nên cả hai đều tìm cách đút lót thầy lí. Ngô biện nhiều hơn mười đồng nên được kiện. Cải lót trước cho thầy lí, nhưng chỉ lót có năm đồng nên bị “phạt một chục roi”. Thật đáng cười, vì cả hai đều mất tiền, và người được “ăn không” ở đây chính là thầy lí. Tính chất bi hài của màn kịch này là ở chỗ: đã đút lót tiền rồi, ngỡ được kiện, cuối cùng lại bị phạt (thể hiện ở nhân vật Cải). Người lao động trong truyện cười này, do còn giữ thói xấu là hối lộ (để được việc cho mình) nên đã lâm vào tình trạng vừa bi vừa hài, vừa đáng thương vừa đáng trách. Bên cạnh việc phê phán giai cấp thống trị tham nhũng (thầy lí), truyện còn có tác dụng giáo dục trong nội bộ nhân dân một cách sâu sắc, thấm thía.
 
II. LUYỆN TẬP
Để làm bài tập này, các em cần tiến hành theo hai bước:
- Nêu lên hai đặc trưng cơ bản của truyện cười (theo phần Tiểu dẫn trên đây).
- Xem các đặc trưng đó đã được thể hiện trong từng truyện cười như thế nào?
 

0