Soạn bài: Mẹ tôi - Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi - Bài 2 - 5 bài soạn "Mẹ tôi" hay nhất
Đọc hiểu văn bản: Câu 1: Văn bản là một thư của người bố gửi cho con, nhưng tại sao tác giả lại lấy nhan đề “Mẹ tôi”. Hình thức của văn bản là bức thư của người bố gửi cho con nhưng nội dung mà bức thư đề cập đến lại là người mẹ. Người mẹ là nhân vật chính của câu ...
Đọc hiểu văn bản:
Câu 1: Văn bản là một thư của người bố gửi cho con, nhưng tại sao tác giả lại lấy nhan đề “Mẹ tôi”.
Hình thức của văn bản là bức thư của người bố gửi cho con nhưng nội dung mà bức thư đề cập đến lại là người mẹ. Người mẹ là nhân vật chính của câu chuyện.
Người bố viết thư vì thái độ vô lệ của con đối với mẹ, mục đích giáo dục con cần phải lễ độ và kính yêu mẹ. Vì vậy nhan đề “Mẹ tôi” là hoàn toàn chính xác.
Có ý kiến cho rằng có thể thay thế nhan đề khác như: “Hối hận”, “Một lỗi lầm”. Hai nhan đề này cũng phản ánh được nội dung sự việc, nhưng nó là nghiêng về thể hiện nhân vật tôi hơn là người mẹ. Thứ nữa nó làm mất đi giá trị biểu cảm.
Câu 2: Qua bức thư, có thể nhận thấy người bố rất buồn bã và tức giận trước thái độ và cách ứng xử của En-ri-cô (khi cô giáo đến thăm nhà, En-ri-cô đã thốt ra một lời thiếu lễ độ với mẹ).
Những câu văn thể hiện thái độ của người bố:
“… việc như thế không bao giờ con được tái phạm nữa”.
“Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy”.
“bố không thể nén được cơn tức giận đối với con”.
“Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ”.
“…thà rằng bố không có con, còn hơn thấy con bội bạc với mẹ”.
Câu 3: Những chi tiết, hình ảnh nói về người mẹ của En-ri-cô:
“Mẹ đã thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở vì nghĩ rằng có thể mất con”.
“Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn”.
“Người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”.
Qua đó giúp ta hiểu rằng mẹ của En-ri-cô là người có tình thương con vô cùng mãnh liệt, hết lòng vì con hi sinh tất cả vì con. Đó là hình ảnh về một người mẹ thiêng liêng, biểu tượng đẹp của tình mẫu tử.
Câu 4: En-ri-cô “xúc động vô cùng” khi đọc thư của bố vì:
Bố gợi lại những kỉ niệm thiêng niêng giữa mẹ và En-ri-cô.
Thái độ nghiêm khắc, kiên quyết của bố
Những lời nói rất chân tình và sâu sắc của bố.
En-ri-cô thấy hối lỗi, xấu hổ trước sự sai phạm của mình.
Câu 5: Người bố không nhắc nhở En-ri-cô trực tiếp mà lựa chọn cách viết thư, vì:
Nhắc nhở trực tiếp thường rất khó kiềm giữ được sự nóng giận.
Nhắc nhở trực tiếp khó có thể bày tỏ được những tình cảm sâu sắc và tế nhị.
Nhắc nhở trực tiếp có thể khiến người mắc lỗi cảm thấy bị xúc phạm quá lớn vào lòng tự trọng. Từ đó có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực ở đứa trẻ, khiến cho những lời nhắc nhở không phát huy được mục đích giáo dục như mong muốn.
Câu 6: Sưu tầm một số bài thơ, đoạn thơ viết về người mẹ.
"Lau nước mắt vì con lam lũ,
Thấm mồ hôi bởi số nhọc nhằn.
Hàng nghìn, hàng vạn gian truân
Quê nghèo vất vả, phong trần gió sương.
Dù khốn khổ luôn nhường hạnh phúc,
Dẫu gian lao vẫn chúc yên bình.
Đời bạc bẽo, kiếp lênh đênh,
Thơ nào viết đủ nghĩa tình mẹ tôi.
Thiên thu sống không rời tay mẹ,
Tuế nguyệt cười chẳng rẽ đường duyên.
Ân sâu, nghĩa nặng chưa đền,
Vần thơ dang dở con xin tặng người."
II. LUYỆN TẬP:
1. Chọn 1 đoạn thể hiện vai trò to lớn của người mẹ đối với con và học thuộc.
2. Kể lại một sự việc em lỡ gây ra khiến bố, mẹ em phiền lòng: Nói dối, cãi mẹ, mải chơi, nói tục...