Diễn văn khai mạc đêm hội trăng rằm (số 6) - 6 Bài diễn văn khai mạc đêm hội trăng rằm hay nhất và ý nghĩa nhất
Kính thưa các quí vị đại biểu! Kính thưa quí thầy cô giáo cùng các em học sinh yêu quí! Hôm nay hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của thiếu nhi cả nước đón tết trung thu, BGH trường tiểu học XX phối hợp cùng ... tổ chức vui tết trung thu năm 20XX cho các em thiếu ...
Kính thưa các quí vị đại biểu!
Kính thưa quí thầy cô giáo cùng các em học sinh yêu quí!
Hôm nay hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của thiếu nhi cả nước đón tết trung thu, BGH trường tiểu học XX phối hợp cùng ... tổ chức vui tết trung thu năm 20XX cho các em thiếu nhi. Về dự tết trung thu hôm nay, thay mặt cho BGH nhà trường và chính quyền địa phương tôi xin kính chúc các vị đại biểu, cùng toàn thể các cháu thiếu nhi luôn mạnh khỏe, vui tươi, hạnh phúc và tận hưởng một đêm trung thu đầy ý nghĩa.
Kính thưa các quí vị đại biểu!
Kính thưa quí thầy cô giáo cùng các em học sinh yêu quí!
Đã thành thông lệ, hàng năm, sau ngày hội ” Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em lại náo nức, hồi hộp đón chào ngày tết của riêng mình – Tết Trung Thu – Rằm tháng Tám với trăng tròn vành vặc, dịu nhẹ hơi sương, náo nức tiếng cười vui trong rộn ràng tiếng trống múa Lân, Sư, Rồng…”Thơm hương trái chính ngọt lành, dẻo thơm hương cốm với nhành lá sen”…
Tết trung thu – tết của trẻ em có từ bao giờ nhỉ? Đó là câu hỏi không chỉ có 1 cách trả lời. Bởi mỗi dân tộc, mỗi quốc gia… thậm chí mỗi người lại có câu trả lời riêng cho mình.
Chỉ biết rằng, từ ngàn xưa, trăng với người – vừa dịu hiền, vừa gắn bó, gần gũi, thân thuộc lại vừa xa vời, huyền bí với biết bao truyền thuyết. Người Trung Hoa có truyền thuyết về chàng Hậu Nghệ với cây cung “Huyền Thiên Bát Tiễn” đã bắn rụng 9 mặt trời và nàng Hằng Nga xinh đẹp đã uống thuốc bất tử thành Tiên và bay lên cung trăng… Rồi trong Cung Quế làm bạn với Hằng Nga còn có chú Thỏ Ngọc với bộ chày cối luyện giã thuốc tiên. Người Việt có truyền thuyết về chú Cuội, chú bé chăn trâu thông minh, lanh lợi nhưng cũng rất tinh quái nghịch ngợm với cây đa thần “Trường Sinh Bất Lão” trên cung trăng và chị Hằng Nga xinh đẹp. Như vậy, dù là người Việt hay người Hoa đều có gặp nhau ở quan niệm ở vầng Thái Âm – Mặt Trăng với những truyền thuyết đã đi vào tiềm thức tuổi thơ nói riêng và con người nói chung. Mặt trăng trở thành biểu tượng viên mãn, tròn đầy, của ước mơ, hoài bão, khát khao ấm no, hạnh phúc, bình yên, vĩnh hằng, bất tử…
Chỉ biết rằng, cứ đến Rằm Tháng Tám, chúng ta lại được đón một cái tết trung thu vui vẻ, thanh bình trong niềm vui và hạnh phúc của tuổi thơ. Có niềm vui của những đêm hội Trăng Rằm, rồng rắn cùng nhau đi rước các loại lồng đèn. Từ đèn Ông Sao 5 cánh tươi màu đến đèn Lí Ngư (cá chép vàng) rực rỡ. Rồi đến đèn kéo quân xoay tròn quyến rũ…Được đeo những chiếc mặt nạ hóa trang ngộ nghĩnh, vui nhộn để náo nức trong tiếng múa Lân, Sư, Rồng…tứ linh huyền thoại. Có ông Địa bụng phệ, mặt tròn, khệnh khạng, vui nhộn, hài hước… Có bà mụ chít khăn mỏ quạ vừa bí hiểm vừa hỉ hả. Có chú khỉ vàng, con cháu của lão “Tôn” tinh quái, nhịch ngợm… Và đặc biệt là chàng tráng sĩ lẫm liệt, oai phong đầy chất thượng võ với khát vọng chinh phục thiên nhiên, bảo vệ loài người… Dù là Kỳ Lân, Sư Tử hay Rồng Vàng huyền thoại, đều là khát vọng hóa thân thành những con vật thiêng liêng đem lại niềm vui, sự may mắn, bình yên, hạnh phúc cho con người…
Chỉ biết rằng, đến Rằm Tháng Tám, chúng ta được đón 1 cái tết Trung Thu thật ngọt ngào. Nào hồng ngâm vàng ruộm, nào cốm nếp xanh tươi làm từ gạo mùa chiêm mới gặt, nào chuối chín thơm lừng vườn sau, bưởi mọng nước ngọt thanh hái từ trên cây trước sân nhà, nào na chín mắt mở to ngọt ngậy, nào lựu ương vàng mát mắt trảy ở trước hiên... Tất cả làm nên một mâm cỗ Trung thu thơm nồng hương quê, đậm đà vị Tết.
Đó là trung thu của những miền quê còn ở phố thị thì trung hiện lên bởi hình ảnh những mâm ngũ quả cổ truyền, những gánh hồng, thúng bưởi, những nghệ nhân nặn tò he, những món ăn được sản xuất ngay tại chỗ dưới bàn tay của những đầu bếp nổi tiếng, nào bánh dẻo, bánh nướng thơm lừng. Trẻ em háo hức xắn tay áo tập làm bánh nướng, rồi tung tăng phá cỗ, rước đèn.
Không chỉ vậy, Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu còn nhắc nhở chúng ta nhớ về Trung Thu độc lập đầu tiên cuẩ đất nước, nhớ về Bác Hồ kính yêu với câu thơ:
Trung Thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng,
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.
Bác đã đi xa, nhưng muôn vàn tình yêu thương của Bác vẫn ở lại mãi với non sông đất nước, với lớp lớp cháu con, lớp lớp TNNĐ, HS – lớp măng non kế cận – nhữn chủ nhân tương lai của đất nước ngày mai. Bởi vậy, Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu còn có chủ đề là “Trung Thu nhớ Bác” của chúng ta.
Thay mặt BTC, tôi xin tuyên bố khai mạc đêm hội trăng răm năm 201X. Chúc các em, các cháu TNNĐ, học sinh yêu quý đón tết trung thu tràn đầy niềm vui, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội. Xin chân thành cảm ơn sự có mặt, động viên, chung vui của các quý vị đại biểu!