27/04/2018, 15:31

Soạn bài Người lái đò Sông Đà (trích) SBT Ngữ Văn 12 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 124 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Nhà văn Nguyễn Tuân muốn nói lên điều gì khi khắc hoạ hình tượng ông lái đò sông Đà như một người lao động thầm lặng, hoàn toàn vô danh và thoạt nhìn thì quá ...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 124 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Nhà văn Nguyễn Tuân muốn nói lên điều gì khi khắc hoạ hình tượng ông lái đò sông Đà như một người lao động thầm lặng, hoàn toàn vô danh và thoạt nhìn thì quá bé nhỏ, yếu ớt trước một thiên nhiên đang giận dữ ?

Trả lời:

Có thể tìm ý để làm bài trên cơ sở tham khảo đoạn trích dưới đây :

Thoạt đầu tưởng như cuộc chiến giữa ông lái với dòng sông rất không cân sức. Nào là, quanh con người đơn độc, “mặt nước hò la vang dậy [...], ùa vào mà bẻ gãy cán chèo". Nào là "sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền", để đội thuyền lên, để lật ngửa mình thuyền giữa vang trời thác réo. Các luồng sóng thì thi nhau ‘‘đánh hồi lùng, đánh đòn tia, đánh đòn âm" vào chỗ dễ tổn thương nhất của con người.

Vậy mà, để đối địch lại, ông đò có những gì ? Một chiếc thuyền mỏng mảnh, trên đó, con người thật nhỏ bé biết bao giữa luồng thác đang giận dữ, hai tay ghì níu lấy mái chèo, đôi chân kẹp chặt vào cuống lái, mặt méo bệch hẳn đi do "cố nén vết thương”.

Thế nhưng ba lớp trùng vi của một thạch trận đầy cửa tử đã không sao ăn chết được một con thuyền đơn độc hết chỗ lùi. Các dũng tướng phá trận ngày xưa, nếu xông vào đúng cửa sinh và lại đánh thốc ra đúng cửa sinh là đối phương tan tành thế trận. Ông đò của Nguyễn Tuân cũng thế. Nhà văn như muốn, qua trường hợp của ông, cùng chúng ta nghiền ngẫm điều triết lí: giữa cái thế giới của độc dữ và nham hiểm, cái thế giới đầy sức mạnh man dại và lập lờ cạm bẫy, con người vẫn đủ khả năng tìm thấy luồng sinh. Người lái đò của Nguyễn Tuân không có phép màu. Ông đâu có đôi cánh tay Héc-quyn nào để sánh được với sức lực của Thuỷ Tinh. Nhưng ông đã “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”. Và ông đã có cái kinh nghiệm đò giang sông nước, lên thác xuống ghềnh. Chính cái trí tuệ của con người lao động ấy đã khiến cho ông lái, dù trong tay chỉ có cây chèo (cái que nhỏ giữa nguy nga sóng thác!) vẫn có thể phá thành vượt ải chẳng khác nào một chiến tướng bách thắng trong sự nghiệp đấu tranh chống thiên nhiên. Niềm cảm hứng hào hùng đã khiến ngòi bút Nguyễn Tuân tả cuộc vượt thác sông Đà vẫn diễn ra thường nhật thành một trận đánh biến ảo, hấp dẫn, thành khúc hát ca ngợi những chiến công.

Đừng vội nghĩ Nguyễn Tuân chỉ ca ngợi một người. Ông đò ấy vô danh. Nhưng chính sự vô danh lại khiến ông đò có thể trở thành hình tượng của những Con -Người - Lao - Động âm thầm, bình dị. Và Nguyễn Tuân cũng có thể qua ông đò ấy mà ca ngợi Lao Động, ca ngợi Con Người. Theo cách của mình, ông làm cho “hai tiếng Con Người vang lên kiêu hãnh biết bao !”. Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, bởi thế, xứng đáng là sự thể hiện tư thế ngự trị của Con Người trước Thiên Nhiên thần thánh.

(Theo Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, 1997)

2. Chứng minh rằng, ở tuỳ bút Người lái đò Sông Đà, sự uyên bác và sự tài hoa của Nguyễn Tuân luôn luôn hoà quyện với nhau, bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau, để làm nên nhiều câu văn (đoạn văn) vào loại hay nhất trong tác phẩm.

Trả lời:

a) Khi phân tích các dẫn chứng để chứng minh, cần chú ý làm rõ :

- Văn Nguyễn Tuân luôn lộ rõ vẻ tài hoa, thể hiện ở khả năng sáng tạo những vẻ đẹp tuyệt vời và biến ảo khôn lường, khiến rất nhiều người đọc phải ngạc nhiên và cảm phục.

- Nhưng đó là vẻ tài hoa được làm nên bởi một nghệ sĩ uyên bác, có vốn hiểu biết sâu rộng lạ thường về cả nghệ thuật lẫn cuộc đời, và không ngại tốn công phu để tìm hiểu đến tận cùng những gì mình đang nói tới.

- Hai phẩm chất uyên bác và tài hoa đó không tồn tại tách rời nhau, mà trái lại, luôn ỉuôn hoà quyện với nhau và hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

b) Dưới đây là một vài ví dụ :

- Chỉ để viết mấy dòng văn về sắc nước Đà giang mà Nguyễn Tuân đã phải mấy lần bay qua bay lại dọc ngang trên miền sông ấy. Phải tới khi đó, nhà văn mới chịu hạ xuống trang văn những lời quả quyết chắc chắn như đinh đóng cột rằng, nước sông Đà không hề đen, mà xanh vào mùa xuân và đỏ lừ lừ mỗi độ thu về. Nhưng ngoài Nguyễn Tuân, khó có một cây bút nào khác viết được rằng, màu xanh kia tuyệt nhiên không phải xanh canh hến, mà là màu của ngọc bích dưới trời xuân. Còn sắc đỏ nọ, hẳn ít ai ngờ lại được nhà văn so sánh vói cái sắc chín đỏ ở “da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Những câu văn kì lạ ấy không chỉ bộc lộ sự uyên bác, hiểu nhiều biết rộng, mà còn cho ta phần nào nhận ra diện mạo của một nghệ sĩ rất đỗi tài hoa.

- Hoặc những câu văn viết về cái hút nước ở ngay phần đầu đoạn trích. Không biết đã có bao nhiêu người đọc phải giật mình kinh ngạc trước sức tưởng tượng phi thường của Nguyễn Tuân, khi nhà văn táo bạo nghĩ ra tình huống: “một anh bạn quay phim táo tợn [...] dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà. [...] Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thuỷ tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem”.

Như thế vẫn còn chưa hết. Hình như những chữ “người đang xem” lại giúp Nguyễn Tuân tiếp tục mở ra thêm một miền tưởng tượng lạ kì: “Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền cảm lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn”.

Cứ thế, tưởng tượng kéo thêm tưởng tượng, tài hoa vẫy gọi tài hoa, những dòng văn của Nguyễn Tuân mỗi lúc một thêm kì thú. Thế nhưng, những sản phẩm của tài hoa này sẽ không thể có, nếu Nguyễn Tuân không am hiểu thứ nghệ thuật lúc bấy giờ còn xa lạ với nhiều người là phim màu, để có thể biết nhìn thế giới qua con mắt “rất xi-nê” của người làm điện ảnh. Vậy là ở đây, tài hoa đã bừng nở trên mảnh đất mỡ màu của uyên bác.

3. Có người cho rằng Ngưòi lái đò Sông Đà tuy là một áng văn xuôi nhưng lại có nhiều dòng viết du dương, đẹp đẽ không kém gì thơ. Anh (chị) có tán thành ý kiến đó không ? Vì sao ? Hãy phân tích một vài đoạn trong thiên tuỳ bút ấy để làm rõ ý kiến của anh (chị).

Trả lời:

a) Để bài làm đạt được thành công, cần chú ý:

- Muốn làm rõ được sự du dương của những dòng văn, không thể không khai thác, phân tích nhạc điệu của lời văn, khiến cho người đọc nghe thấy sự nhẹ nhàng, êm ái, mơ màng, được Nguyễn Tuân tạo nên từ thanh điệu, âm điệu, và cả nhịp điệu nữa, của ngôn từ.

- Mặt khác, để có chất thơ của những dòng viết, nhà văn phải tìm được cách đưa hồn của người đọc lạc vào thế giới của cái đẹp, của sự mộng mơ. Về phương diện này, Nguyễn Tuân đã tỏ rõ ông là một tài năng xuất chúng, cần làm rõ sự kì tài ấy của nhà văn, qua cách tạo hình ảnh, cách cảm nhận đời sống, qua liên tưởng và tưởng tượng, để đưa lại cho con người cảm giác như được sống trong một thế giói lung linh thực ảo, như tỉnh như mơ...

- Muốn có chất thơ thì điều chủ yếu là tâm hồn của nhà văn phải thật đẹp, thật nên thơ. Văn xuôi của Nguyễn Tuân đẹp như thơ chính là vì tâm hồn ông tràn ngập vẻ đẹp, tràn ngập chất thơ của một tình yêu man mác, sâu xa mà vẫn thanh xuân, tươi trẻ đối với con người và cuộc sống của Tổ quốc mình. Đấy là điều cần được nhấn mạnh ở bài làm.

b) Có thể hình dung rõ hơn những điều nói trên đây qua đoạn trích sau :

Cực trữ tình mềm mại và thấm đươm một thứ "mĩ học hoài cựu" độc đáo (trong văn của Nguyễn Tuân - NBS) được thể hiện rất rõ trong đoạn văn từ câu “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà" đến câu “khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.

Nội dung của đoạn văn là nói về vẻ thơ mộng của sông Đà ở quãng trung lưu. Thuyền được trôi êm và câu văn mở đầu cũng vì thế mà trở nên lâng lâng, mơ màng, không vướng víu với một thanh trắc nào : “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà”. Cái ý “lặng tờ” được nhắc lại mấy lần theo một kiểu trùng điệp rất đặc thù của thơ .“Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”, nghĩa là không thể lặng tờ hơn được nữa ! Thiên nhiên thật hài hoà và mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, dành riêng cho con mắt nhìn xanh non của tác giả những hình ảnh kì thú . “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Cảnh đã làm cho vị tình nhân của non nước Đà giang hết sức xúc động. Ông thấy cần phải nói thêm nữa để diễn tả cho cùng kiệt đặc tính của đối tượng : “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Nhà văn đã đi ngược thói quen, đem giải thích một đặc tính vốn đã khá trừu tượng bằng những khái niệm trừu tượng hơn nữa, khiến cho cảm giác trực tiếp bỗng mở ra những liên tưởng trùng trùng; bát ngát. Đi từ “hoang dại", “hồn nhiên" là cái còn có thể cảm nhận được, đến “tiền sử” và “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa ”, câu văn đã cập bờ siêu cảm giác.

Người mơ cảnh cũng mơ, và cái thời điểm “ông khách Sông Đà” bỗng nghe ra tiếng chú hươu gọi hỏi chính là đỉnh điểm của giấc mơ đó. Tác giá đã khéo tạo được giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó như sực tỉnh với tiếng động của “Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến". Cảnh tĩnh lặng đến mức chỉ tiếng cá quẫy cũng khiến ta phải giật mình. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn luôn hàm chứa sự bất ngờ. Có vẻ như ông muốn học cách nhìn của "con hươu thơ ngộ", “vểnh tai", nhìn “không chớp mắt" những sự vật như hiện lên từ thế giới cổ tích, sau đó truyền sự bỡ ngỡ lại cho độc giả qua những từ dừng độc đáo, sáng tạo, kích thích rất mạnh giác quan và vốn ngôn ngữ của chúng ta - “thơ ngộ”, "đầu nhung”, “áng cỏ sương”, “tiếng còi sương... ”. Có lúc Nguyễn Tuân như vượt qua lề luật của phép diễn đạt thông thường để viết . “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi". Trước một nét miêu tả rất cô đọng như thế, ta không chỉ thấy mà còn nghe - thấy cái lấp lánh ánh bạc của bụng cá và nghe tiếng quẫy nước rộn ràng vang ngân.

Nguyễn Tuân là người hết sức nặng tình với non sông đất nước. Trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Đà, trong ông dậy lên bao mối liên tưởng về lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân. Nhưng trước vẻ “hoang dại" của bờ sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới. “Tiếng còi sương ở đây ngân xa như một khát vọng, nó hài hoà với cảm giác lịch sử, tạo cho đoạn văn một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại.

(Theo Phan Huy Dũng, Người lái đò Sông Đà, trong Giảng văn chọn lọc - Văn học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003)

Sachbaitap.com

0