Soạn bài Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy SBT Ngữ văn 6 tập 1...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 5 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 1. 1. Dựa vào chú thích (★) về định nghĩa truyền thuyết ở trang 7, SGK, hãy trình bày ngắn gọn những đặc điểm tiêu biểu của thể loại này.. Soạn bài Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy SBT Ngữ văn 6 tập 1 – Bài tập ...
Bài tập
1. Dựa vào chú thích (★) về định nghĩa truyền thuyết ở trang 7, SGK, hãy trình bày ngắn gọn những đặc điểm tiêu biểu của thể loại này.
2. Hãy tìm những chi tiết trong truyện Con Rồng cháu Tiên thể hiện tính chất kì lạ, cao quý về nguồn gốc, hình dạng và sự nghiệp của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
3. Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất cộng đồng của người Việt ở mọi miền đất nước. Theo em, nhận xét đó có đúng không ? Vì sao ?
4. Câu 3, trang 8, SGK.
5. Hãy nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.
6. Câu 3, trang 12, SGK.
7. Hãy viết một đoạn văn trong đó bánh chưng, bánh giầy tự kể về sự tích của mình.
8. Em biết ở những vùng nào, trong ngày Tết cổ truyền, nhân dân không nấu bánh chưng mà nấu bánh tét (có nơi gọi là bánh tày). Hãy tìm hiểu, miêu tả hình dạng, nguyên liệu, cách nấu bánh tét (hoặc bánh tày).
Gợi ý làm bài
1. Từ chú thích (★) về định nghĩa truyền thuyết trong SGK, có thể thấy một số đặc điểm tiêu biểu sau đây của thể loại này :
– Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ ;
– Thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo ;
– Thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể ;
– Nhiều truyền thuyết, nhất là những truyền thuyết về thời đại các vua Hùng, có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại.
2. Để làm bài tập này, em cần chú ý :
– Tìm hiểu nghĩa của các từ kì lạ, cao quý (có thể tra Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2002) để biết nghĩa của chúng).
– Tìm những chi tiết thể hiện tính chất kì lạ, cao quý về nguồn gốc, hình dạng của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
– Tìm những chi tiết thể hiện tính chất kì lạ, cao quý về sự nghiệp của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
– Chỉ ra mối quan hệ giữa tính chất kì lạ và tính chất cao quý trong từng chi tiết về hai nhân vật chính trong truyện.
– Lưu ý : Em có thể trả lời câu hỏi này theo từng nhân vật, nhưng cách làm ấy không hay vì dễ sa vào kể lại truyện.
3. Đó là nhận xét đúng. Bởi vì :
– Người Việt coi mình là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ – những nhân vật linh thiêng, cao quý, đẹp đẽ về nguồn gốc và hình dạng, đồng thời cũng là những nhân vật thực hiện sự nghiệp mở nước vĩ đại.
– Người Việt, dù ở miền xuôi hav miền ngược, dù ở đồng bằng, miền núi hay ven biển, đều cùng chung cội nguồn, đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, khi có việc gì đều giúp đỡ lẫn nhau.
4. – Khái niệm chi tiết tưởng tượng kì ảo có nhiều nghĩa nhưng ở đây được hiểu là chi tiết không có thật, được tác giả dân gian sáng tạo ra nhằm mục đích nhất định.
Một số chi tiết tưởng tượng kì ảo trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên : những chi tiết về nguồn gốc kì lạ, khả năng phi thường của Lạc Long Quân và Âu Cơ ; về bọc trăm trứng nở ra một trăm người con ; đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, khoẻ mạnh như thần ; …
– Vai trò, ý nghĩa của các chi tiết tưởng tượng kì ảo này :
+ Tô đậm tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ của các nhân vật, sự kiện ;
+ Thần kì hoá, linh thiêng hoá nguồn gốc giống nòi để chúng ta thêm tự hào, tôn kính tổ tiên ;
+ Làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm.
5. Khi nêu cảm nghĩ, cần chú ý :
a) Cảm nghĩ phải gắn với cuộc đời, phẩm chất của nhân vật. Cần nêu cảm nghĩ về các chi tiết sau :
– Trong các con vua, Lang Liêu là người “thiệt thòi nhất”.
– Lang Liêu có tài đức hơn hẳn các lang khác. Tuy là con vua nhưng chàng sống như một dân thường, “chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai”. Chàng lo có được lễ vật xứng đáng để lễ Tiên vương hơn là để tranh ngôi báu. Đặc biệt, chàng là người duy nhất hiểu được ý vua cha khi vua mở cuộc đua tài dâng lễ vật nhân ngày lễ Tiên vương. Chàng cũng là người thực hiện được ý thần để các lễ vật làm ra thật giàu ý nghĩa.
– Hình ảnh Lang Liêu gắn với nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy, thể hiện rõ sự đề cao nghề nông và việc thờ kính Trời, Đất, tổ tiên của nhân dân ta. Sâu xa hơn, hình ảnh Lang Liêu phản ánh sự tìm tòi sáng tạo và những thành quả của nhân dân trong quá trình xây dựng nền văn hoá dân tộc.
b) Những cảm nghĩ về nhân vật phải chân thực, tránh sáo rỗng, chung chung.
6. Để thực hiện bài tập này, em phải trả lời hai câu hỏi sau :
a) Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời, Đất, Tiên vương ?
Việc tìm hiểu ý nghĩa của hai loại bánh sẽ giúp em trả lời câu hỏi này.
b) Vì sao Lang Liêu được chọn nối ngôi vua ?
Câu trả lời của em cần thể hiện được các ý sau :
– Lang Liêu là người có tài năng, thông minh, hiếu thảo, trân trọng những người sinh thành ra mình, trân trọng những gì đã nuôi con người, nuôi mình và do chính con người, chính mình làm ra.
– Lang Liêu chứng tỏ được tài, đức của con người có thể nối nghiệp vua.
7. Để làm bài tập này, em hãy “nhập vai” thành bánh chưng, bánh giầy. Bánh chưng, bánh giầy xưng tôi, chúng tôi để tự kể về sự tích của mình.
Khi kể, không nhất thiết phải theo trình tự câu chuyện như trong SGK, song những chi tiết chính của truyện thì không được bỏ sót
8. Em có thể hỏi người thân hoặc tìm hiểu trên in-tơ-nét (vào trang http://vi.wikipedia.org, đánh từ bánh tét để biết thông tin) để trả lời câu hỏi này.