Soạn bài Cảnh ngày hè: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 84 Tìm những hình ảnh mang đặc trưng của mùa hè...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 84 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Tìm những hình ảnh mang đặc trưng của mùa hè được gợi tả trong bài thơ.. Soạn bài Cảnh ngày hè SBT Ngữ văn 10 tập 1 – Soạn bài Cảnh ngày hè 1. Tìm những hình ảnh mang đặc trưng của mùa hè được gợi tả trong bài thơ. Trả lời: Từ những ...
1. Tìm những hình ảnh mang đặc trưng của mùa hè được gợi tả trong bài thơ.
Trả lời:
Từ những cảm nhận, những trải nghiệm về mùa hè của bản thân, HS tìm ra những hình ảnh mang đặc trưng của mùa hè được thể hiện trong bài thơ:
– Những loài cây xanh tốt, nở hoa trong mùa hè: cây hoè lá xanh “tán rợp giương”, cây lựu hoa “phun thức đỏ” bên hiên nhà, hoa sen hồng trong ao ngát mùi hương.
– Hình ảnh gợi âm thanh mang đặc trưng của mùa hè: tiếng ve kêu inh ỏi bên lầu lúc mặt trời sắp lặn, tiếng chợ cá làng chài “lao xao” trong chiều muộn khi những con thuyền về bến.
– So sánh mở rộng: khi nói về mùa hè, Nguyễn Du cũng gợi tả những loài cây, loài hoa quen thuộc, mang đặc trưng của mùa hè. Ví dụ, cảnh mùa hè đến: “Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông” (Truyện Kiều), cảnh mùa hè qua, mùa thu tới: “Sen tàn cúc lại nở hoa” (Truyện Kiều).
2. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè ?
Trả lời:
Qua bài Cảnh ngày hè, có thể thấy vẻ đẹp của tâm hồn Ức Trai: tình yêu thiên nhiên ; yêu đời, yêu cuộc sống ; yêu nhân dân, đất nước.
– Với tình yêu thiên nhiên nồng nàn mà tinh tế, tác giả cảm nhận thiên nhiên bằng nhiều giác quan :
+ Bằng thị giác, nhà thơ ngắm nhìn màu lục của lá hoè làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu và ánh mặt trời buổi chiều như đính vàng lên những tán hoè xanh.
+ Bằng thính giác, thi sĩ lắng nghe tiếng ve ngân – âm thanh đặc trưng của mùa hè, hoà cùng tiếng “lao xao chợ cá” – âm thanh đặc trưng của làng chài.
+ Bằng khứu giác, Ức Trai cảm nhận những đoá sen hồng trong ao đang ngát mùi hương.
Thiên nhiên qua cảm nhận của nhà thơ trở thành một bức tranh ngày hè thật sống động, có sự hài hoà giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật.
– Tình yêu thiên nhiên có cội nguồn sâu xa là lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của tác giả. Cảnh vật đang ở vào lúc cuối ngày (“lầu tịch dương” – mặt trời sắp lặn), nhưng sự sống thì không dừng lại (lưu ý các động từ: đùn đùn, giương, phun). Có một cái gì thôi thúc tự bên trong, đang ứa căng, đang tràn đầy, không kìm lại được, phải giương lên, phải phun ra, hết lớp này đến lớp khác. So sánh câu thơ tả cảnh cuối hè của Nguyễn Trãi: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ” với câu thơ tả cảnh mùa hè của Nguyễn Du : “Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông” (Truyện Kiều), ta thấy cả hai thi sĩ tài ba đều có cái nhìn tinh tế đối với cảnh vật: với từ lập loè, Nguyễn Du thiên về tạo hình sắc ; với từ phun, Nguyễn Trãi lại thiên về tả sức sống.
– Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống, gắn liền với tấm lòng thiết tha với dân, với nước.
+ Thật hiếm hoi khi thấy Nguyễn Trãi có được những phút giây thanh thản. Ở đây, Ức Trai tự dành cho mình quyền “rồi hóng mát thuở ngày trường” bởi niềm mơ ước, bởi mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện : dân ấm no, hạnh phúc.
+ Nguyễn Trãi ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ca ngợi cảnh “dân giàu đủ khắp đòi phương”.
+ Cảnh vật thanh bình, yên vui bởi sự thanh thản đang xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Âm thanh “lao xao chợ cá” dội tới từ phía làng chài hay chính tác giả đang rộn rã niềm vui trước cảnh “dân giàu đủ” ? Và tiếng “cầm ve dắng dỏi” phải chăng là khúc nhạc lòng đang được tấu lên ?
Với Nguyễn Trãi, vui hay buồn, lo âu hay thanh thản, tất cả đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân.
3. Câu thơ lục ngôn (sáu chữ) có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện tình cảm của tác giả ?
Trả lời:
Thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Trãi thường có hiện tượng đan xen câu thơ lục ngôn (sáu chữ) vào bài thơ thất ngôn (bảy chữ). Về hình thức, những câu thơ lục ngôn do bớt đi một chữ nên ngắn gọn ; về nội dung, câu lục ngôn thường hàm súc, cô đọng ý tình của bài thơ. Có thể thấy điều này trong bài Cảnh ngày hè.
Câu kết : “Dân giàu đủ khắp đòi phương” là một câu lục ngôn tuy ngắn gọn nhưng thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở người dân. Nhà thơ có cả một “ngày trường” thư thái để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng tấm lòng thì vẫn ở nơi người dân. Nguyễn Trãi mong cho dân được ấm no, hạnh phúc : “dân giàu đủ”, nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nơi: “khắp đòi phương”.
4. Bài Cảnh ngày hè có điểm nào giống và khác so với bài thơ viết đúng theo thể thất ngôn bát cú Đường luật ? Sự giống và khác nhau đó nói lên điều gì ?
Trả lời:
Có thể lập bảng so sánh như sau :
Giống |
– Về số lượng câu thơ: 8 câu (bát cú). – Về luật thơ: luật trắc (chữ thứ hai câu đầu thanh trắc). – Về niêm: bảo đảm luật về niêm (chữ thứ hai các câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 cùng thanh điệu). – Về đối: bốn câu giữa bài thơ theo đúng quy định của luật đối ngẫu (các câu 3 và 4, 5 và 6 đối nhau). – Về vần: vần bằng và đều đặt ở vị trí cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8 (vần chân – vần ở cuối câu thơ). |
|
Khác nhau |
Thơ Đường luật |
Cảnh ngày hè |
– Toàn bài đều là câu 7 chữ (thất ngôn). – Câu 7 chữ ngắt nhịp 4 /3. |
– Đan xen câu 6 chữ (lục ngôn): các câu 1 và 8 là câu thơ sáu chữ. – Có những câu 7 chữ ngắt theo nhịp 3 / 4 (Thạch lựu hiên / còn phun thức đỏ – Hồng liên trì / đã tiễn mùi hương). |
Sự giống và khác nhau nói trên cho thấy Nguyễn Trãi đã tiếp thu thơ Đường luật Trung Quốc để “xây dựng một lối thơ Việt Nam” (Đặng Thai Mai) là thơ Nôm Đường luật.
Sachbaitap.com