Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng – SBT Văn 10 tập 1 (Câu 1, 2, 3 trang 111)...
Giải câu 1, 2, 3 trang 111 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Anh (chị) hãy phân tích mối quan hệ giữa không gian – thời gian – con người trong bài thơ này để làm nổi bật nỗi buồn chia li của Lí Bạch. Soạn bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng 1. Anh (chị) hãy phân tích mối quan hệ giữa ...
1. Anh (chị) hãy phân tích mối quan hệ giữa không gian – thời gian – con người trong bài thơ này để làm nổi bật nỗi buồn chia li của Lí Bạch.
Trả lời:
Cần chú ý các điểm sau đây:
a) Về không gian :
– Tên bài thơ cũng là một bộ phận không tách rời nội dung bài thơ. Như vậy, bài thơ này có tổng cộng 38 chữ gồm 10 chữ của tiêu đề và 28 chữ của bốn câu thơ. Tên bài thơ cho thấy các không gian cụ thể : điểm xuất phát – điểm chia li là lầu Hoàng Hạc, điểm phải tới – điểm không gặp lại là Quảng Lăng. Các địa điểm được đặt trong quan hệ như vậy có gợi cảm giác buồn không ?
– Nối hai địa điểm này là một không gian đặc biệt – không gian con đường – không gian khoảng cách, nhưng đặc biệt hơn đây là không gian của sự vận động vĩnh hằng (sông “Trường Giang”) và cũng chỉ có một chiều vận động duy nhất không đảo ngược được (chỉ có đi mà không có trở về). Điều này có gợi mở nỗi buồn tâm trạng của Lí Bạch không ?
– Hoàng Hạc lâu và Quảng Lăng là hai địa điểm cụ thể. Lầu Hoàng Hạc còn gắn với truyền thuyết nên trở thành một danh thắng – nhưng trong bài thơ, danh thắng này không phải để thưởng ngoạn, gặp gỡ, hội tụ mà là nơi giã biệt, chia phôi. Quảng Lăng là một địa điểm trong thành Dương Châu rộng lớn, địa danh Quảng Lăng trong tiêu đề bài thơ bị hoà tan vào cái rộng lớn của Dương Châu. Như vậy, điểm đến vừa cụ thể vừa không cụ thể, có cho thấy nỗi buồn mất mát của nhà thơ không ?
b) Về thời gian : Thời gian ở đây là mùa xuân (“yên hoa tam nguyệt”) – tháng ba. Mùa xuân tươi đẹp cũng trở thành mùa xuân của biệt li. Vì thế, có phải nỗi buồn càng được nhân lên, nỗi mất mát cũng lớn hơn không ?
c) Về con người:
– Con người ở đây là Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên. Họ là bạn thơ – bạn văn, là bạn tâm giao tri kỉ. Nhưng vào thời điểm ấy, Mạnh Hạo Nhiên chỉ còn là “cố nhân”, và hiển nhiên, khi ấy Lí Bạch cũng là “cố nhân”. Hai người chia tay nhau nhưng cả hai đều hiểu một điều sâu sắc : họ vừa là “cố nhân” của nhau, vừa là người tri kỉ tri âm đang đứng trước mặt nhau, đang chia tay với nhau, nhưng đều đã là người trong mộng của nhau. Khoảng cách giữa Hoàng Hạc lâu và Quảng Lăng (Dương Châu) trở nên vời vợi, tạo thành sự ngăn cách lớn lao, không vượt qua được (“thiên tế lưu”). Nỗi buồn xuất phát từ đâu ?
– Hoàng Hạc lâu chỉ còn lại mỗi người đưa tiễn, đó là Lý Bạch. Còn người đi cũng chỉ một, hiện hình trong cái “cô phàm”, để rồi cái “cô phàm” ấy cũng bị hoà tan vào “bích không tận”, tương tự như Quảng Lăng bị hoà tan vào thành Dương Châu. Đó có phải là nỗi buồn, cảm giác đau đớn về cuộc chia li mãi mãi không ?
Mối quan hệ không gian – thời gian – con người trong bài thơ cho thấy nỗi buồn sâu sắc khi phải chia tay người bạn vong niên Mạnh Hạo Nhiên của Lí Bạch.
2. Bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng giúp anh chị hiểu rõ “ý tại ngôn ngoại” trong thơ Đường như thế nào ?
Trả lời:
Một trong những nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn của thơ Đường là ở chỗ nó thường nói ít gợi nhiều, tức là nó có được những “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), nó gợi được cảm hứng đồng sáng tạo ở người đọc, tạo ra một “hiệu quả thẩm mĩ” đặc thù. Bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lí Bạch có “ý tại ngôn ngoại” không ?
– Người Trung Quốc xưa cho “giai thì, mĩ cảnh, thắng sự, lương bằng” (thời tiết đẹp, cảnh-đẹp, chuyện hay, bạn hiền) là “tứ thú” (bốn điều thú vị), ở bài thơ này có điều gì và thiếu mất điều gì ? Chỉ thiếu một “lương bằng” mà khiến cho tất cả chẳng những không thú vị mà còn buồn thương, tiếc nuối.
– Khi nào thì người ta dùng từ “cố nhân” ?
– Bao nhiêu thuyền bè xuôi ngược, sao chỉ thấy một cánh buồm đơn chiếc (“cô phàm”) ?
– Cánh buồm đơn chiếc dần xa, thấp thoáng rồi mất hút, sao thi nhân còn mãi đứng trông theo ?
– Ta nghiệm ra điều gì qua những cảnh ấy ?
3. Anh (chị) hiểu gì về tình bằng hữu trong thơ Đường và trong thơ Lí Bạch ?
Trả lời:
Để làm được bài tập này, cần tham khảo một số tư liệu sau :
– Nội dung thơ Đường rất phong phú, trong đó thơ về đề tài tình bằng hữu chiếm tỉ lệ rất cao.
– Các nhà thơ Đường đều rất trân trọng tình bằng hữu. Họ cho rằng :
Hoàng kim vạn lạng dưng dị đắc
Nhân sinh tri kỉ tối nan tầm.
(Vạn lạng hoàng kim còn dễ kiếm,
Thế gian tri kỉ thật khó tìm.)
Hầu như nhà thơ nào cũng có những bài thơ viết về tình bạn.
– Có thể nói Lí Bạch là nhà thơ của tình bằng hữu. Trong cuộc đời ngao du phiêu lãng của mình, Lí Bạch kết giao với rất nhiều người bạn trên cơ sở quan niệm đạo nghĩa:
Nhân sinh quý tương tri,
Hà tất kim dữ tiền.
(Ở đời biết nhau quý,
Cần chi bạc với tiền.)
(Tặng hữu nhân)
Ông đem tấm lòng “quý tương tri” ấy kết giao bằng hữu với những người thuộc mọi giai tầng trong xã hội.
Bạn bè ông có người là vương công, đại thần (như Lí Tấn, Vương Duy, Hạ Tri Chương…), có bậc ẩn sĩ (như Nguyên Đan Khâu, Khổng Sào Phủ, Bùi Miện…), có người nước ngoài (như sứ thần Nhật Bản…), có “bác nông dân Thu Phố”, có ông già nấu rượu ở Tuyên Thành, có người đánh cá ở đầm Đào Hoa… Bạn là bạn, không phân biệt địa vị, tuổi tác.
– Ông đặc biệt yêu quý những người bạn văn chương như Hạ Tri Chương, Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích, Vương Xương Linh… đặc biệt là Đỗ Phủ, và làm nhiều bài thơ để tặng bạn bè. Bạn bè cũng yêu quý ông một cách tự nhiên, chân thành. Chỉ riêng Đỗ Phủ đã viết 15 bài thơ “gửi”, “tặng”, “mộng”, “nhớ” Lí Bạch.
Sachbaitap.com