Soạn bài Bắc Sơn (trích hồi bốn) SBT Ngữ Văn 9 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 102 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Phân tích nhân vật Ngọc. Bằng cách gì tác giả đã bộc lộ bản chất nhân vật này ? Bản chất ấy như thế nào ? ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 102 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Phân tích nhân vật Ngọc. Bằng cách gì tác giả đã bộc lộ bản chất nhân vật này ? Bản chất ấy như thế nào ?
1. Xung đột cơ bản trong vở kịch Bắc Sơn và hồi kịch này là gì ? Ở đoạn trích hồi bốn (trong SGK) tác giả đã xây dựng tình huống kịch như thế nào ? Vai trò của tình huống ấy trong việc bộc lộ xung đột và thể hiện tính cách nhân vật ?
Trả lời:
- Kịch là loại hình nghệ thuật thể hiện đời sống qua những xung đột và chủ yếu bằng ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Xung đột cơ bản trong vở kịch Bắc Sơn và hồi kịch này là xung đột giữa cách mạng và thế lực thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai. Xung đột ấy nổ ra gay gắt trong hoàn cảnh lực lượng cách mạng làm cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn. Trong vở kịch, xung đột ấy được thể hiện ra ở hai lực lượng đối lập và cũng tác động đến những nhân vật trung gian (mẹ Thơm và Thơm), tạo nên sự chuyển biến ở họ.
- Tình huống mả tác giả tạo dựng trong hồi bốn là : cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Thái và Cửu - hai người cách mạng đang bị giặc truy lùng ráo riết - lại chạy nhầm vào chính nhà của Thơm - Ngọc, đúng lúc ấy Ngọc bất ngờ quay về nhà. Trong tình huống ấy, các nhân vật đã bộc lộ rõ tính cách - nhất là Thơm đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, dứt khoát đứng về phía cách mạng.
2. Nhân vật Thơm trong các lớp kịch này có mâu thuẫn gì trong nội tâm ? Vì sao Thơm lại giúp Thái và Cửu trong hoàn cảnh nguy cấp ?
Trả lời:
Để thấy được mâu thuẫn nội tâm của nhân vật Thơm, cần chú ý tìm hiểu : xuất thân và hoàn cảnh của nhân vật (trước và trong hồi kịch này), quan hệ của Thơm với chồng, với cha mẹ và em trai ; sự day dứt, ân hận của Thơm trước cái chết của bố và em trai, trước việc bà mẹ bỏ đi, nhưng Thơm vẫn chưa dễ gì dứt bỏ được cuộc sống an nhàn, sung túc do Ngọc mang lại. Mâu thuẫn ở nhân vật Thơm là mâu thuẫn giữa hai mặt trong cùng một con người : bản chất lương thiện của một người xuất thân trong một gia đình lao động, cha và em hăng hái tham gia phong trào cách mạng, nhưng mặt khác, Thơm là vợ Ngọc - một viên chức trong bộ máy cai trị đã cam tâm làm tay sai cho thực dân đàn áp cách mạng, nhưng Ngọc yêu và hết lòng chiều chuộng Thơm, đem lại cho cô cuộc sống sung túc, nhàn hạ.
Để giải thích được hành động của Thơm cứu nguy cho Thái và Cửu, em cần chỉ ra bản chất của nhân vật này và tâm trạng đang có nhiều day dứt, hối hận về thái độ đứng ngoài cuộc đấu tranh trước đó của cô.
3. Phân tích đoạn đối thoại và hành động giữa Thơm với Ngọc khi Ngọc bất ngờ trở lại nhà để thấy được sự khôn khéo, bình tĩnh của cô trong việc cứu giúp hai người cách mạng.
Trả lời:
Đọc kĩ lại đoạn đối thoại giữa Thơm và Ngọc ở lớp III để thấy được sự bình tĩnh và khôn khéo của Thơm khi Ngọc bất ngờ về nhà, lúc Thái và Cửu còn ở đó. Khi thấy tiếng Ngọc, Thơm đã bình tĩnh, nhanh trí đưa hai người vào nấp trong buồng, rồi với một tư thế tự nhiên như đã ngồi thiếp đi bên thúng khâu từ lâu để Ngọc hoàn toàn không thể nghi ngờ lúc bước vào nhà. Chú ý những lời đối thoại của Thơm với Ngọc sau đó, vừa giữ được vẻ tự nhiên, để Ngọc không nghi ngờ lại vừa thúc giục Ngọc rời nhà. Đây là một lớp kịch có kịch tính căng thẳng nhưng vẫn tự nhiên.
4. Phân tích nhân vật Ngọc. Bằng cách gì tác giả đã bộc lộ bản chất nhân vật này ? Bản chất ấy như thế nào ?
Trả lời:
Vốn là một nho lại, với địa vị thấp kém trong bộ máy cai trị của thực dân, Ngọc nuôi tham vọng ngoi lên để thoả mãn lòng ham muốn địa vị, quyền lực và tiền tài. Ngọc đã dẫn quân Pháp vào đánh chiếm Vũ Lăng. Ở hồi bốn, Ngọc càng thể hiện bản chất Việt gian, y ra sức truy lùng những người cách mạng đang lẩn trốn trong vùng, đặc biệt là Thái và Cửu. Bản chất của nhân vật đã bộc lộ qua hành động và lời lẽ giả dối để đánh lừa Thơm, lại có lúc trực tiếp thể hiện lòng khát thèm tiền bạc, địa vị và sự đố kị tầm thường.
5. Qua đoạn trích vở kịch Bắc Sơn và những tác phẩm kịch khác mà em đã học, hãy nêu những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai thể loại: kịch và tự sự.
Trả lời:
Điểm giống nhau giữa kịch và các thể loại tự sự là cùng có các biến cố, sự kiện tạo thành cốt truyện, có nhân vật và lời nhân vật. Nhưng chỗ khác nhau cơ bản là : các thể tự sự đều phải có người trần thuật (dù xuất hiện trực tiếp hay vô hình), tức là câu chuyện được kể qua lời một ai đó ; còn ở thể kịch thì các nhân vật trực tiếp thể hiện trước mắt người xem, người đọc, bằng ngôn ngữ và hành động. Thêm nữa, kịch tập trung vào các xung đột và chỉ có thể diễn ra trong một không gian có giới hạn (để phù hợp với việc diễn trên sân khấu).
Sachbaitap.com