Sách giáo khoa phải giúp lịch sử tồn tại trong lòng dân
"Họa phúc hữu môi phi nhất nhật"! (Nguyễn Trãi). Nếu xem tình trạng không biết, không nhớ lịch sử dân tộc là cái "họa", thì cái "họa" này đâu phải có nguyên do từ một ngày, một bữa mà nó đã đến từ mấy thập niên qua - đến từ những khiếm khuyết về nội dung, ...
"Họa phúc hữu môi phi nhất nhật"! (Nguyễn Trãi). Nếu xem tình trạng không biết, không nhớ lịch sử dân tộc là cái "họa", thì cái "họa" này đâu phải có nguyên do từ một ngày, một bữa mà nó đã đến từ mấy thập niên qua - đến từ những khiếm khuyết về nội dung, phương pháp giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường, nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Lịch sử dân tộc "đổi thay đã hơn bốn nghìn niên" với bao thăng trầm chứ không chỉ là thắng lợi đi liền thắng lợi, chiến công nối tiếp chiến công. Đắm mình trong một kiểu tư duy, một dạng cảm xúc - dù tư duy, cảm xúc đó có tích cực mấy - rồi cũng sẽ gây sự đơn điệu nhàm chán nơi người dạy và người học.
Chúng ta dạy lịch sử như vốn có hay dạy một thứ lịch sử đã được quan niệm, được hình dung theo những khuôn mẫu, công thức? Bên cạnh những võ công hiển hách có lẽ rất cần làm cho thế hệ trẻ thấm thía rằng trong lịch sử dân tộc còn có những trang bi hùng đầy máu và nước mắt của cha ông: Trần Bình Trọng "thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc", Lê Lai "hi sinh vì đại nghĩa", Đặng Dung "thù nhà chưa trả đầu đà điểm sương", Hoàng Diệu "tuẫn tiết giữ thành", Nguyễn Tri Phương "nhịn đói mà chết"...
Lịch sử dân tộc đâu chỉ là sợi dây xâu chuỗi các sự kiện và vấn đề mà còn là lịch sử "địa linh nhân kiệt" - lịch sử của những vùng đất thiêng liêng, của những tâm hồn cao khiết.
Thay vì dạy về các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid cho học sinh tiểu học, chúng ta hãy giới thiệu cho các em biết đất nước mình có những địa danh bất tử: Cổ Loa, Hoa Lư, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Tam Điệp...; dân tộc mình có những nhân cách phi phàm: Phạm Ngũ Lão "ngồi đan sọt mà lo việc nước", Chu Văn An "dâng sớ chém đầu bảy nịnh thần", Lê Phụng Hiểu "nhổ cây đánh quân giặc", "ông Trạng thanh liêm" Lương Thế Vinh... Giảng dạy lịch sử một cách nào đó cũng là giảng dạy về đạo đức và thiên lương.
Lịch sử dân tộc qua sách giáo khoa hiện nay phần lớn đều khô khan, duy lý; chi tiết số liệu nhiều mà thần thái, khí cốt lịch sử lại quá nhợt nhạt, mỏng manh. Những nhan đề như Chùa thời Lý, Nhà Trần và việc đắp đê, Nhà Lê và việc quản lý đất nước... nghe vừa hiện đại vừa vô hồn, không thể sánh bằng những nhan đề đầy âm vang mà trước đây nhiều người từng được học: Lý Thường Kiệt phạt Tống bình Chiêm, Nhà Tiền Lê - việc võ bị và bang giao, Nhà Nguyễn và công cuộc mở mang bờ cõi...
Lịch sử không phải là truyện cổ tích nhưng sách lịch sử nhất thiết phải tái hiện được không khí lịch sử, phải mang hơi thở lịch sử như một chất dẫn, một kênh truyền để nối kết các thế hệ cha ông với người hậu thế. Nhận thức lịch sử dân tộc không chỉ bằng lý trí mà còn bằng sự giao cảm, xúc cảm của trái tim.
Và để nhớ lịch sử dân tộc đâu chỉ có học, có thi mà còn có chơi, có đố, có hát về lịch sử. Chúng ta có hàng trăm câu đố về lịch sử, hàng chục bài "sử ca" rất hay từ Con Rồng cháu Tiên, Trưng Nữ Vương, Bạch Đằng giang cho đến 19 tháng 8, Giải phóng Điện Biên… Nhưng các nhà biên soạn sách giáo khoa không chú tâm khai thác để phục vụ việc giảng dạy lịch sử nước nhà. Đố lịch sử, hát "sử ca" cũng là một cách giúp người học nhớ quốc sử hồn nhiên và lâu bền.
Tiếc rằng những cuốn giáo khoa lịch sử như vậy chỉ còn là hoài niệm và mong ước của rất nhiều người!