25/05/2018, 07:56

Rầy nâu trên lúa hè thu biện pháp phòng trừ

Rầy nâu hiện nay vẫn là đối tượng rất quan trọng trên cây lúa. Qua xét nghiệm rầy nâu di trú bay vào các bẩy đèn, cơ quan chuyên ngành BVTV cho biết rầy vẫn mang mầm bệnh do virus gây ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lúa cỏ với tỷ lệ từ 20 ...

Rầy nâu hiện nay vẫn là đối tượng rất quan trọng trên cây lúa. Qua xét nghiệm rầy nâu di trú bay vào các bẩy đèn, cơ quan chuyên ngành BVTV cho biết rầy vẫn mang mầm bệnh do virus gây ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lúa cỏ với tỷ lệ từ 20 đến 80 % tùy theo địa phương ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, khi lúa ở giai đoạn trổ chín, rầy nâu xuất hiện với mật số rất cao do rầy nhân mật số tại chổ và rầy nâu di trú từ nơi khác đến đã gây hiện tượng cháy rầy. Vì vậy, việc phòng chống rầy nâu gây hại trên cây lúa rất quan trọng.

Rầy nâu dạng cánh dài là rầy trưởng thành, chúng có khả năng di chuyển xa để tìm kiếm thức ăn. Rầy trưởng thành bị thu hút bởi ánh đèn, chúng có khả năng chích hút và đẻ trứng. Do đó, khi rầy trưởng thành chích hút ở những ruộng lúa có mang mầm bệnh thì chúng sẽ lấy nguồn bệnh virus này để lan truyền sang những ruộng chưa có bệnh. Rầy nâu đẻ chủ yếu ở phần bẹ gốc lúa, ngoài ra, chúng cũng có khả năng trú ẩn ở những đám cỏ trên bờ ruộng hay mảnh vườn cặp theo bờ ruộng. Khi rầy nâu xuất hiện ở mật số cao, chúng chích hút nhựa lúa và gây cháy rầy. Vòng đời trung bình của rầy nâu khoảng 25 ngày, tùy theo thức ăn trên đồng mà chúng sẽ kéo dài vòng đời ra thêm vài ngày hay rút ngắn lại. Khi trở thành rầy trưởng thành, sau 3 – 5 ngày chúng sẽ đẻ trứng và sống được khoảng 14 ngày.

Trong thời gian qua, ruộng lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lúa cỏ do virus gây ra, bà con nông dân đã không tiêu huỷ hết số cây bị bệnh, mặc khác, thời vụ xuống giống lúa rãi rác ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, do đó, mầm bệnh virus gây ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lúa cỏ vẫn còn tiếp tục lây lan bởi rầy nâu. Hiện nay, ở Việt nam chưa có loại thuốc nào hay phân bón nào có thể trị được các bệnh do virus này gây ra.

Với thời vụ xuống giống không đồng loạt trên diện rộng, gieo sạ giống lúa nhiễm rầy, nếp, lúa mùa, sử dụng lúa chét trên đồng, phun thuốc quá nhiều, phun thuốc trừ rầy dạng gốc lân hửu cơ quá sớm và thời tiết ấm áp là những điều kiện giúp cho rầy nâu bộc phát về sau.

Để phòng trừ rầy nâu một cách hiệu quả, bà con cần thực hiện một số biện pháp có tính tổng hợp sau đây:

  • Chuyển đổi cơ cấu canh tác, sử dụng 2 lúa 1 màu ví dụ như Lúa Đông xuân, màu Xuân hè, lúa Hè thu)
  • Gieo sạ giống lúa kháng rầy theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp
  • Gieo sạ theo lịch thời vụ khuyến cáo ở địa phương để né rầy tức là gieo sạ khi rầy trưởng thành bay vào đèn
  • Bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa
  • Hạn chế phun thuốc trừ rầy gốc lân hửu cơ ở giai đoạn lúa còn nhỏ
  • Bảo vệ thiên địch, sử dụng thuốc ít gây hại đến thiên địch
  • Đưa nước vào ruộng càng sớm càng tốt và đưa nước nhiều khi có rầy nâu xuất hiện
  • Thăm đồng thường xuyên và phun thuốc đồng loạt trên diện rộng. Không áp dụng biện pháp phun ngừa hay phun định kỳ.
  • Sử dụng thuốc theo 4 đúng: thứ nhất là đúng thuốc ví dụ như lựa chọn thuốc phun có khả năng diệt rầy đạt hiệu quả cao, thứ hai là đúng liều lượng, thứ ba là đúng cách ví dụ như phun thuốc trừ rầy là phải phun nhiều nước, phun bằng bét chụp, thứ tư là đúng lúc ví dụ như khi thấy rầy nâu di trú vào trong ruộng với mật số 2 - 3 con / tép thì tiến hành phun thuốc, khi phát hiện rầy cám ở trong ruộng thì phun rầy cám ở tuổi 2 đến tuổi 3

Để đối phó với tình hình rầy nâu xuất hiện quá sớm trên lúa mới gieo sạ và xuất hiện với mật số quá lớn trên trà lúa trổ đến chín. Tôi xin đề nghị cùng bà con 1 vài biện pháp sau đây:

  • Khi cây lúa ở giai đoạn mạ, nếu có rầy nâu di trú đến, mật số 2 – 3 con/ tép, cần phải phun thuốc ngay, sử dụng Bascide 50EC liều lượng 1.5 lít/ ha, hoặc Mipcide 50WP liều lượng 1 kg/ ha, lượng nước phun 320 lít. Nếu rầy nâu di trú trong vùng nhiều thì pha thêm Dầu khoáng SK EnSpray 99EC với liều lượng 1 lít cho 1 ha
  • Lưu ý cần đưa nước sớm vào ruộng theo đọt lúa để hạn chế sự gây hại của rầy và hổ trợ diệt rầy tốt hơn
  • Vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến ôm đòng, nếu xuất hiện rầy cám với mật số nhiều hơn 2 con trên 1 tép lúa thì tiến hành phun thuốc, phun khi rầy tuổi 2 đến tuổi 3, Sử dụng Butyl 400SC hoặc Butyl 40WDG liều lượng 0, 2 – 0, 3 kg/ ha, lượng nước phun 400 lít cho 1 ha
  • Vào giai đoạn lúa chuẩn bị trỗ hoặc giai đoạn lúa chin, nếu rầy nâu xuất hiện với mất số cao thì sử dụng Dragon 585EC hoặc Sairifos 585EC (liều lượng 0, 8 – 1 lít/ ha) pha với dầu khoáng SK EnSpray 99EC (liều lượng 1 – 1, 2 lit/ ha) phun 400 – 500 lít nước/ ha.
  • Vào giai đoạn lúa trổ đến chín nếu xuất hiện rầy nâu với mật số cao (có khả năng gây cháy rầy) thì rất khó trị. Theo kinh nghiệm của nông dân ở nhiều nơi trong vùng ĐBSCL, để cứu lúa nông dân đã sử dụng biện pháp trộn Bascide 50ND với Dragon 585EC với tro trấu (hoặc mạt cưa) và trộn với dầu khoáng SK EnSpray 99EC để rải. Tuy nhiên, bà con nông dân cần lưu ý biện pháp này chỉ áp dụng khi thật sự cần thiết và chú ý đến biện pháp bảo hộ lao động tránh gây hại đến người. Ngoài ra, khi áp dụng thuốc vào thời điểm trước và sau khi lúa trổ cần chú ý đến liều lượng sử dụng thuốc, hoặc sử dụng thuốc ít nóng để tránh gây ảnh hưởng đến bông lúa.

Trong điều kiện phòng trừ rầy nâu, bà con phải áp dụng tổng hợp các biện pháp như trên thì mới đem lại kết quả cao. Kính chúc bà con phòng trừ rầy nâu đạt kết quả tốt và thu hoạch một vụ mùa như ý.

0