25/05/2018, 09:48

Quyền yêu cầu cấp dưỡng

Quyền được bảo đảm việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. là quyền yêu cầu hỗ trợ vật chất để đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của người có quyền. Suy cho cùng, việc xây dựng chế định quyền yêu cầu cấp dưỡng dựa trên các ...

Quyền được bảo đảm việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.

là quyền yêu cầu hỗ trợ vật chất để đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của người có quyền. Suy cho cùng, việc xây dựng chế định quyền yêu cầu cấp dưỡng dựa trên các quyền cơ bản của con người: sinh ra và còn sống, mỗi ngườìi đều có quyền sống và xã hội phải tạo điều kiện thuận lợi cho con người thực hiện quyền sống của mình; một trong những điều kiện vật chất sơ cấp của sự sống là có cái gì đó để ăn, để mặc, để ở,...

Để làm rõ đối tượng của quyền yêu cầu cấp dưỡng, chỉ cần làm rõ khái niệm “nhu cầu thiết yếu”. Theo Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 Điều 16 khoản 2, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng theo quy định tại các Điều 51, 52 và 53 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống cho người được cấp dưỡng. Nói chung, đó là các chi phí cần thiết cho việc duy trì cuộc sống vật chất của người được cấp dưỡng và, nếu người này còn có thể phát triển về trí lực (như trong trường hợp người được cấp dưỡng là người chưa thành niên), cả những chi phí cần thiết cho việc duy trì, củng cố các điều kiện của sự phát triển đó. Các nhu cầu vui chơi, giải trí, thư giãn không được tính trong các nhu cầu thiết yếu.

Dù luật không nói rõ, vẫn có thể khẳng định rằng người được cấp dưỡng, trong trường hợp chết, còn được đài thọ chi phí cho việc mai táng: người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể bỏ mặc thi thể của người được cấp dưỡng cho công ty vệ sinh, mà phải tổ chức chu đáo việc chôn cất người này, theo các nghi lễ chấp nhận được.

Nhu cầu thiết yếu của cá nhân chứ không phải nhu cầu thiết yếu cho cá nhân.

Nếu chỉ đọc thoáng qua các quy tắc liên quan, người ta dễ có cảm giác rằng người làm luật, khi nói về “nhu cầu thiết yếu”, chỉ liên tưởng đến những cá nhân không bị ràng buộc vào quan hệ nuôi dưỡng với người khác với tư cách là người có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Trong nhiều trường hợp, con đã thành niên hoặc anh, chị, em có gia đình riêng của mình và không thể phân biệt được đâu là nhu cầu thiết yếu cho cá nhân, đâu là nhu cầu thiết yếu cho gia đình của đương sự ( Thậm chí có trường hợp cha (mẹ) chung sống với anh, chị, em đã thành niên của mình mà tàn tật, không có khả năng lao động và không có tài sản. Khi đó, cha (mẹ) cũng có nghĩa vụ nuôi dưỡng anh, chị, em đó.). Một khi con (đồng thời là chủ gia đình) bị đói, thì chắc chắn tất cả các thành viên gia đình mà con có trách nhiệm cưu mang cũng đói. Không thể nói rằng nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ nhằm cứu đói cho riêng con đã thành niên hoặc anh, chị, em; còn gia đình riêng của họ ra sao mặc kệ. Nói rõ hơn, cái gọi là nhu cầu thiết yếu mà việc đáp ứng được bảo đảm bằng việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, là tất cả những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống vật chất của cá nhân người yêu cầu cấp dưỡng cũng như cho tất cả những người mà người này, theo luật, có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng.

0