25/05/2018, 09:47

Kiến thức đơn thuần không cứu vãn được chúng ta

Xin GS nói vài nét về gia đình (đặc biệt là cha mẹ), về những năm tháng học phổ thông? Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi không có điều kiện dạy dỗ con cái dù tôi là “con một”. Vì vậy, tôi như không chịu ảnh hưởng gì mấy của giáo dục gia đình. Học ...

  • Xin GS nói vài nét về gia đình (đặc biệt là cha mẹ), về những năm tháng học phổ thông?
  • Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi không có điều kiện dạy dỗ con cái dù tôi là “con một”. Vì vậy, tôi như không chịu ảnh hưởng gì mấy của giáo dục gia đình. Học hết cấp 1, mẹ bảo ở Nhà “kéo sợi” (để dệt vải) vì một mình mẹ làm nuôi không nổi. Nhưng bạn bè lại “rủ rê”, tôi lại khóc lóc, mẹ lại cho đi học tiếp. May sao sau đó được một suất học bổng 12 kg gạo / tháng (thời ấy cả trường cấp 2 hình như chỉ có 2 suất học bổng). Ở cấp 3, tôi học đến 3 trường: trường Lê Khiết ở Quãng Ngãi, trường Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh và trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An.
  • GS có kỷ niệm khó quên gì về những người thầy, người bạn thời học phổ thông và học đại học?
  • Tôi bắt đầu đi học sớm và học vào loại loàng xoàng. Năm học hè sau lớp 3, một ông giáo làng ra bài toán: “Một trăm mười một cây cau, cha mẹ mất sớm chia nhau cho đều?” Không biết trời xui đất khiến thế nào tôi giải được ngay: “Có 3 con và mỗi người 37 cây cau”. Thầy khen tôi trước lớp. Tôi học khá lên từng ngày từ sau hôm đấy. Tôi nhớ ơn thầy. Những năm cuối cấp 1, tôi là học trò “cưng” của thầy giáo trẻ Trần Phô, lắm tài và “đào hoa”. Nhờ thầy mà lúc đó tôi đã có thể tính thủy triều ở biển quê tôi đang lên hay xuống, đang đầy hay cạn (chuyển, thăng, bán, mãn, tiêu, càn) vào bất kỳ ngày giờ nào, biết đóng kịch, chơi đàn, làm thơ và thuộc lòng rất nhiều đoạn văn xuôi của các tác giả “Tự lực văn đoàn”. Thế nhưng, khi hết cấp 1 đến chào thầy, lại bị thầy “cốc” đầu và mắng là “khôn nhà dại chợ” vì ông bắt tôi đi thi học sinh giỏi cả văn và toán nhưng đều không đoạt giải. Tôi nhớ ơn thầy. Ở đại học, tôi thân với một anh bạn “con nhà quan, tính nhà lính” (con nhà thơ Nam Trân). Là thầy giáo ở đại học nhưng anh không bao giờ quan tâm đến việc có là tiến sĩ, giáo sư hay không, mặc dù anh rất thông minh, cần mẫn, dạy giỏi, luôn có những sáng kiến độc đáo và làm được những sản phẩm độc đáo có ích cho xã hội.
  • Là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam của ngành xây dựng thủy điện, có mặt từ lúc sơ khai của rất nhiều công trình thủy điện lớn của đất nước, GS có điều gì vui nhất và buồn nhất về lĩnh vực này?
  • Trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam có câu chuyện thủy điện Sơn La cao hay Sơn La thấp (quy mô lớn hay nhỏ của dự án). Bản chất của cao hay thấp ở đây chủ yếu liên quan đến bài toán “Ra-quyết-định đa mục tiêu”. Buồn là vì chưa chú ý thủ tục này nên chúng ta đã để vấn đề kéo dài làm tốn nhiều tiền bạc, nhiều công sức của những chuyên gia cấp cao, kể cả thì giờ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước . Vui là cũng đã được góp phần để các cấp lãnh đạo chuyển từ quyết định chọn Sơn La cao sang Sơn La thấp.
  • Có người nói rằng: GS là người quá thẳng tính, bộc trực. Vì vậy một số quan chức đôi khi e ngại khi tiếp xúc với GS. Ông thấy thế nào?
  • Tôi không được đến thế đâu, vẫn chưa có đủ cam đảm. Đôi khi tôi cũng cố ngồi im dù không đồng ý, nhưng nói theo thì : không! Nếu có như vậy, có thể do tôi thường không tránh né những vấn đề gay cấn, nhạy cảm, không muốn có sự “chênh vênh” giữa chính sách và thực tiễn và không muốn để ở dạng “mờ”, vì “mờ” là cơ hội cho kẻ lợi dụng. Cũng có thể do tôi có quan niệm: Giá trị là biết đứng ở biên giới, lùi lại là tầm thường, bước tới là rơi xuống vực hay phạm luật. Khổ nỗi, biên giới lại không rõ ràng.
  • Có phải vì cá tính nói trên mà con đường danh vọng, địa vị của GS đã bị không ít trở ngại?
  • Nếu nói trở ngại thì chỉ có ít trở ngại trên con đường học tập. Tôi chỉ ngồi trên ghế Nhà trường chưa đến 15 năm, chưa đủ “cơ số” để có bằng cử nhân ngày nay. Đổi lại, mình tự rèn luyện được “khuynh hướng muốn biết”. Còn chức tước, tôi đã tự nguyện viết đơn xin thôi đấy chứ, cả giám đốc dự án Khu Công nghệ cao Tp.HCM, chuyên viên ban thư ký Ủy ban quốc tế Mê kông ở Bangkok có lương rất cao... mặc dù đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo, kể cả “Tây”, đều thuyết phục tôi ở lại tiếp tục công việc.
  • Ba năm làm chuyên viên Ủy ban quốc tế Sông Mê kông đã lưu lại cho GS những dấu ấn gì?
  • Về chuyên môn, người Việt mình không thua các chuyên gia quốc tế. Nhưng mình thua họ nếu xét về hiệu quả công việc do mình hay nghĩ và làm theo “kiểu khoa học” còn họ lại theo “kiểu công nghệ”. Tuy vậy, nhờ “kiểu khoa học” mà mình “bác” lại được một vài kết luận nào đó của họ thì sau này làm việc với nhau dễ dàng lắm. Một anh kỹ sư trưởng người Thụy Điển, trưởng nhóm dự án của tôi, đã nghe lời tôi chỉnh lại cơ bản các thông số một dự án thủy điện lớn của Lào, khi biết tôi xin nghỉ, đã nói: “Mầy ở lại đây có ích cho Mê Kông và cho cả Việt Nam!”. Anh ta còn mách với giám đốc người Hà lan, yêu cầu giám đốc gọi tôi lên để thuyết phục. Sau này, mỗi dịp ngang Bangkok, tôi vẫn ghé lại thăm Mê Kông và những người bạn Hà Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Lào, Thái Lan v.v… ở đấy.
  • Được biết, một số vị lãnh đạo Đảng-Nhà nước , đặc biệt là các Bộ trưởng bộ GD&ĐT, đã và đang dành cho GS những tình cảm rất đặc biệt. Vì sao vậy thưa GS?
  • Có lẽ vì: (1) Tôi hay nêu vấn đề, kể cả vấn đề gay cấn, rồi đề nghị cách giải quyết cụ thể được viết ra trên giấy một cách có cơ sở; (2) Nhiều ý kiến nói trước của tôi đã được kiểm nghiệm qua thực tế, như các vấn đề: Tổng công ty, nhà máy đường và xi măng lò đứng, “phân tầng” trong GDĐH, Hội đồng trường ở trường đại học, tài chính doanh nghiệp Nhà nước v.v... và (3) Không nhờ vả bất kỳ một chuyện riêng tư nào.
  • Với trên 30 bài báo, bài tham luận, phản biện v.v… những vấn đề lớn của GDVN, nhiều người đánh giá GS là Nhà GD học thực thụ, khá nổi tiếng. Bằng cách nào, động lực nào đã đưa GS đến hạnh phúc này?
  • Người ta nói quá đấy thôi. Tôi là kỹ sư. Nhưng tôi có giảng “sư phạm đạihọc” cho thầy cô giáo trẻ của Bách Khoa Tp.HCM năm 1985, có lập khoa “Quản lý côngnghiệp” ở Bách Khoa thuần túy kỹ thuật năm 1991, có viết sách “Phân tích Kinh tế Dự án” theo các tiêu chí của kinh tế thị trường năm 1992, viết cả tham luận về “Giá trị thặng dư” năm 2001… Có lẽ có thêm những thứ ấy, tôi có được cái nhìn hệ thống và toàn diện đối với GD. Kỹ sư là nghề nghiệp, các thứ khác là đam mê. Đem lại cho xã hội mội chút lợi ích nào đó luôn là niềm hạnh phúc của một công dân.
  • GS từng giữ chức: Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Khu chế xuất Tp.HCM, Giám đốc dự ánKhu Công nghệ cao Tp.HCM, Đại biểu Quốc hội v.v…, GS còn có những băn khoăn gì về thời kỳ quá độ tiến lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Tp.HCM nói riêng và đất nước nói chung?
  • Cách đây khoảng 3 tháng, một vị GS già đáng kính, một “Sĩ phu Bắc Hà” hiện đại, nguyên là một Bộ trưởng có uy tín trong Chính phủ, có nói với tôi: “Nói về phát triển khoa học – công nghệ, giảng dạy và nghiên cứu ở đại học v.v… thực ra chúng ta đang nói không khác mấy so với cách đây 20 năm, 30 năm, thậm chí trước đó nữa. Chỉ có khác là, trước đây nói vậy chứ không có tiền, nay không đến nỗi không có tiền. Vậy mà chúng ta vẫn chưa thấy lối ra”. Thế thì làm sao mà có thể trả lời cho Nhà báo câu hỏi này! Vậy chỉ xin trao đổi với Nhà báo một nỗi trong rất nhiều nỗi “băn khoăn”.

Thực là dại dột nếu cố đi vào định nghĩa Khoa học, Công nghệ, Công nghệ cao v.v… Nhưng nhìn ở góc độ công nghiệp hóa có thể nói thế này: Khoa học là thứ làm ra để rồi phải bỏ thêm tiền túi mới đăng được ở những tờ báo có uy tín, để tặng nhau, bạn nhận là mừng lắm, 10 công trình may ra mới có 1 hay 2 đi vào sản xuất trong 10 năm, 20 năm sau hay lâu hơn nữa. Đương nhiên, nó có thể mang lại hiệu quả rất cao nếu được đi vào sản xuất, biến thành hàng hoá. Còn Công nghệ, nhất là Công nghệ cao là thứ làm ra được phải dấu nhau, ẩn sau mọi sự trao đổi là những giao dịch thương mại. Quan niệm và chính sách của chúng ta lâu nay như chưa tương thích, còn “đánh đồng Khoa học với Công nghệ”. Là nước nghèo, cơ bản vẫn còn là kinh tế nông nghiệp, nhưng chúng ta hay nói đến Khoa học mà còn ít nói đến Công nghệ, hay nói đến kinh tế trí thức, chính phủ điện tử v.v… còn xa vời, mà ít nói đến “cây lúa, củ khoai”.

  • Nhiều thế hệ học trò rất thích giờ giảng của GS vì nó luôn luôn mới về nội dung, sâu sắc về kiến thức và rộng về tầm ứng dụng thực tế. Phải chăng đây là hạnh phúc lớn nhất của GS?
  • Đó là hạnh phúc lớn nhất của mọi thầy cô giáo. Nhưng cũng xin được nói thêm, sứ mệnh (cái lẽ tồn tại) của GDĐH còn là “sản xuất tri thức”, tư vấn cho các tổ chức Nhà nước và cộng đồng, suy nghĩ phê phán (critical thinking), tranh luận công chúng (public debate) và góp phần “mở rộng khả năng lựa chọn” của cộng đồng.
  • Gần 40 năm dạy ĐH và sau ĐH, GS có điều gì ray rứt nhất muốn nhắn nhủ với thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay?
  • Ray rứt thì nhiều lắm, chỉ xin nhắn nhủ với các em một điều thôi: “Kiến thức đơn thuần sẽ không cứu được chúng ta, dù chúng ta cũng cần nó. Điều trọng yếu là: “Khuynh hướng muốn biết” (James V. Schall). Và người ta cũng nói: “Trí thức là người có khuynh hướng muốn biết”

ĐINH LÊ YÊN thực hiện

0