25/05/2018, 10:08

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục

Nhà nước đã có chủ trương phát triển loại hình trường ĐH ngoài công lập trong hơn 10 năm qua. Có thể xem đây là một bước đổi mới rất cơ bản và hợp lý trong việc phát triển giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý từ cấp bộ cho đến ...

  1. Nhà nước đã có chủ trương phát triển loại hình trường ĐH ngoài công lập trong hơn 10 năm qua. Có thể xem đây là một bước đổi mới rất cơ bản và hợp lý trong việc phát triển giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý từ cấp bộ cho đến cấp trường ở các trường ĐH ngoài công lập hiện nay vẫn còn rất nhiều điều thiếu rõ ràng. Chính vì vậy, nhiều vấn đề “lủng củng”, mà ẩn sau đó là quyền lực và quyền lợi về tài chính, có lẽ đang là một hiện tượng tương đối phổ biến ở các trường ĐH này. Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục” là hết sức cần thiết và cấp bách.
  2. Nhưng thật đáng tiếc, sau hơn 02 năm chuẩn bị và soạn thảo với nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các Ban – Bộ - Ngành, lấy ý kiến chuyện gia v.v..., đến nay đã có đến trên 10 dự thảo mà 2 mảng quan trọng nhất của quy chế là Tài chính và Hội đồng quản trị (HĐQT) vẫn chưa có được những điều khoản tương đối thích hợp, minh bạch và chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân có lẽ là do cách tổ chức soạn thảo, cách lấy ý kiến... chưa hợp lý và “thiếu chuyên nghiệp” trong việc soạn thảo.
  3. Trong bài “Sáu lời bàn góp phần làm cho pháp luật gần với lòng dân” của TS Phạm Duy Nghĩa đăng trong tạp chí “Tia sáng”, số 3, tháng 3/2004, tác giả có viết ở lời bàn số 4: “Khi Nhà nước nhường dần chức năng kinh doanh cho dân doanh, giới doanh nhân dần sẽ trở thành một lực lượng có sức mạnh tìm cách thao túng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và đương nhiên họ tìm cách thao túng cả chính trị và pháp luật... Đây là một hiện tượng còn ít được đề cập trong luật học Việt Nam”. Với dịch vụ GDĐH, Việt Nam còn chưa xem là một loại hàng hóa công nhưng trên thực tiễn dịch vụ GDĐH ngoài công lập hiện nay đã là một loại kinh doanh có tính dân doanh. Nhiều trường ĐH ngoài công lập có mức lợi tức chia cho “cổ đông” cao đến 3 lần lãi suất ngân hàng mà tài sản còn lại vẫn tăng lên nhiều lần. Nhưng cũng giống như tình trạng chung, khi tổ chức soạn thảo điều lệ này, chúng ta còn chưa chú ý đến hiện tượng nói trên.
  4. Trên thế giới có rất nhiều mô hình phát triển trường ĐH tư thục. Philipine, Nhật, Hàn Quốc có số SV ở ĐH tư thục chiếm đến trên 2/3 tổng số SV. Mỹ có nhiều trường ĐH tư thục lâu đời và nổi tiếng. Ở Nhật Bản, Ấn Độ Nhà nước vẫn tài trợ cho ĐH tư thục, nhiều nước Châu Âu lục địa và Bắc Âu trước đây gần như không có ĐH tư thục, nay cũng đã có ĐH tư thục, số SV của ĐH tư thục ở Châu Mỹ La tinh đã tăng lên 5 lần chỉ từ năm 1960 đến 1970, quá trình phát triển ĐH tư thục ở Trung Quốc có khá nhiều điểm gần giống với Việt Nam v.v... Thế nhưng khi soạn thảo quy chế này, chưa thấy có những quy chế từ một số nước khác để tham khảo. Hơn nữa, cũng chưa thấy có những khảo sát, tổng kết cần thiết về các hoạt động, đặc biệt là mặt tài chính, trên thực tiễn của các trường ĐH ngoài công lập. Có thể cho rằng, đây là một điểm “không bình thường” trong việc soạn thảo một quy chế.
  5. Ở nhiều nước vẫn có trường ĐH tư thục vì lợi nhuận nhưng đa số vẫn là trường ĐH tư thục phi lợi nhuận. Ngay ở nước Mỹ, một nước có nền GDĐH định hướng thị trường (market-oriented), nếu tính theo thu nhập (1996), thì ĐH tư thục vì lợi nhuận chỉ chiếm khoảng dưới 5%, trong khi các ĐH tư thục phi lợi nhuận chiếm đến trên 95%. Trong tổng thu của ĐH vì lợi nhuận cũng có đến 9% thu từ ngân sách chính phủ. Quốc hội Mỹ gần đây (2004) cũng đã nhắc lại: “Trường ĐH không phải là nơi để kinh doanh” (lưu ý, không phải cứ là hàng hoá thì kinh doanh). ĐH tư thục ở Mỹ có nguồn “vốn cho tặng vĩnh viễn và tích lũy lợi ích phát sinh từ nó” rất lớn (Endowment), khác với Việt Nam, nên chúng ta không theo cách của họ được, nhưng dù sao những con số trên vẫn làm cho chúng ta suy nghĩ. Còn ở Trung Quốc, “phi kinh doanh lợi nhuận” vẫn “được coi là tiền đề của thể chế ĐH”. Và ở một số nước Châu Á khác thì lại có ĐH tư thục có lợi nhuận một phần” hoặc “có mức độ lợi nhuận thích hợp” v.v..
  • Phi lợi nhuận ở đây không nhất thiết là không có lợi nhuận, người ta bỏ vốn ra thì chẳng những phải “bảo toàn” được vốn mà còn phải có một mức lãi nào đó để trả cho “giá sử dụng vốn” (Cost of capital) và “bù đắp rủi ro” (Risk premium). Nhưng cần có khống chế trên của mức lợi nhuận để được hiểu là “có mức lợi nhuận thích hợp” (Bài 25) hoặc “không vì mục tiêu cực đại lợi nhuận” (Wealth maximization) như mục tiêu phổ biến ở các doanh nghiệp kinh doanh khác. Còn trường ĐH có mục đích lợi nhuận thì về mặt tài chính được xem như là một doanh nghiệp. Tất nhiên, đây là loại doanh nghiệp còn độc quyền, vì “cung” trong GDĐH Việt Nam hiện nay còn ở mức dưới 25% của “cầu”. Vì vậy, rất cần thiết có sự can thiệp của Nhà nước , chứ không thể hoàn toàn giống như các doanh nghiệp kinh doanh khác, ngay cả về mặt tài chính. Vì vậy, cần phải có giải thích từ ngữ “ĐH tư thục có mục đích lợi nhuận” và “ĐH tư thục không vì mục đích lợi nhuận” (Dự thảo lần thứ 6 đã có phân biệt hai loại ĐH này nhưng chưa có định nghĩa).

Theo thông lệ, ngay ở các công ty cổ phần cũng chỉ có “Đại hội cổ đông” chứ không có “HĐ những người góp vốn”. Nhiều quyền hạn của HĐ này ghi trong Điều 15 cũng có tính chất như các quyền hạn của đại hội cổ đông. Nhiều chức năng của HĐ này trùng với chức năng của hội đồng quản trị. Cũng không nên gọi HĐQT là cơ quan quản lý như ở Điều 17. Ban giám hiệu mới là cơ quan quản lý. Nêu lên việc: “Các cổ phiếu đơn vị”, “nguyên tắc đối vốn” và nhiều chi tiết khác chỉ thích hợp cho loại trường ĐH tư thục giống như một công ty cổ phần. Điều đó có thể không phù hợp với các loại hình ĐH tư thục khác. Và cũng xin lưu ý, luôn có sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Vì vậy đừng tạo thêm nhiều cơ chế trong một tổ chức làm rắc rối và phức tạp cho việc quản trị ĐH. Tóm lại, không nên đưa thêm vào Điều lệ cơ cấu “HĐ những người góp vốn” và “cổ phiếu đơn vị”.

0