Quảng Nam - Cù Lao Chàm
Cát trắng bắt nắng trưa vàng ươm khi thuyền chúng tôi cập cầu tàu Bãi Làng (cù lao Chàm, Hội An Quảng Nam). Cả cù lao đỏ rực màu cờ. Hơn một vạn rưỡi du khách và ngư dân tụ hội tại đây, cùng dự lễ hội văn hóa - thể thao miền biển thị xã ...
Cát trắng bắt nắng trưa vàng ươm khi thuyền chúng tôi cập cầu tàu Bãi Làng (cù lao Chàm, Hội An Quảng Nam). Cả cù lao đỏ rực màu cờ. Hơn một vạn rưỡi du khách và ngư dân tụ hội tại đây, cùng dự lễ hội văn hóa - thể thao miền biển thị xã Hội An 1997. Trên một ngàn chiếc lớn nhỏ đậu san sát tại khắc các bãi Làng, bãi Ông, bãi Hương... Đa số họ là ngư dân các huyện Quảng Nam đến, một số từ Quảng Ngãi ra, để cùng hòa chung niềm vui ngày hội bắt đầu một mùa cá mới, cũng là ngày hội khơi gợi lại truyền thống lễ hội dân gian trên mảnh đất này.
Vừa đặt chân lên bờ, chúng tôi đã bị cuốn hút ngay vào những cuộc thi kéo co, thi đá bóng nam nữ ở bãi Ông và hội thi đan lưới ở bãi Làng... Chúng tôi bị kéo đi, bị đẩy đi, bụi hút vào hết cuộc vui này đến điểm tụ hội khác. Lễ khánh thành lăng tổ nghề yến ở bãi Hương trang nghiêm và náo nức. Người dự bỗng nghe lòng tràn một cảm xúc xót xa, nghĩ về những người treo thân trên vách đá treo leo, dám đổi cả sinh mạng để lấy cho được những tổ ấm cũng làm bằng máu của một loại chim biển. Lễ rước Long Chu. Những cụ già tóc bạc phơ trịnh trọng áo khăn, dẫn đầu đoàn rước xuống thuyền, tiếng trống vỗ tưng bừng đầu sóng. Lễ điều hành thuyền hoa về bãi Làng. Hơn hai mươi chiếc thuyền hoa lộng lẫy và trên năm trăm thuyền ngư dân cổ động cùng san sát ràn rạt rẽ nước bơi đi. Những chiếc thuyền hình rồng, hình cá tung tăng với sóng. Những đội thuyền đua không chịu thua thuyền máy, hăm hở bứt lên đảo vòng. Trống càng giục, sóng càng xô. Đoàn thuyền đi kéo theo sau đuôi lửa hoa đăng dập dềnh mặt biển .Ánh điện cùng soi với ráng chiều rực rỡ chói người. Tiếng máy tàu, tiếng nhạc dội vào vách đá ngân u. Bãi Làng đã sáng điện đón chờ, tiếng cười reo át cả tiếng sóng đầu hôm nước ngang. Đoàn thuyền hoa lượt sát một vòng bãi Làng, rồi từ từ neo đậu trong âu thuyền cù lao. Nhạc hội được tiếp liền với những lời ca, điệu múa nao nức lòng người. Hội bả trạo của đội bả trạo xã Cẩm Thanh (Hội An), các tiết mục của đội văn nghệ thị xã và màn diễn của các nghệ nhân đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã thu hút hơn một vạn người vây kín âu thuyền.
Chỉ vài tháng trước thôi, cù lao đón chúng tôi bằng cảnh đìu hiu cuối đông của một làng chài xơ xác. Còn bây giờ, sức mạnh lễ hội đã tạm xóa nhòa hết cả. Tiếng đàn ca của hội giao lưu du khách và các nghệ sĩ vang vọng khắp bãi Ông. Đèn đuốc ngư dân soi sáng đỉnh cây vách bãi Hương dựng đứng. Đám thanh niên căng lều thức trắng gảy ghi ta cho đến tận bình minh. Rồi khi trống lại nổi lên, người người lại xúm xít dọc bãi ông, chen vai thích cánh theo dõi hội đua thuyền. Những ngư dân đen trũi rướn ngược người với sóng, bơi mạnh dầm chèo giành lấy tiếng hoan hô. Hội thi thuyền, thúng chao lắc ngả nghiêng, khéo léo như làm xiếc trong tiếng cười tán thưởng của du khách. Dưới bến bãi làng, thuyền tham quan đảo yến cũng xuất phát, vượt sóng đưa du khách đến với cảnh mây nước mênh mang, những vách đá cheo leo nhọn hoắt, nơi có những tổ yến vắt vẻo và những cánh chim yến ức bạc trắng màu sóng bạc đầu.
Cù lao qua lễ hội náo nức một sức mạnh mới, như con hổ ngủ quên bỗng vươn vai muốn thức dậy. Tiềm năng du lịch của Cù lao thật lớn với núi đá, biển xanh, những bãi cát mịn màng. Song cái thiếu của Cù lao cũng quá nhiều. Ngay một môi trường xanh và sạch cho Cù lao cũng chưa có cách gì cải tạo. Du khách bước lên bãi Làng vẫn phải đối diện khung cảnh lụp xụp, lè tè của khu dân cư. Đường sá giao thông giữa các bãi vẫn là đường núi cheo leo dốc đá. Với tầm quản lý của một thị xã như Hội An, tiến hành được một lần lễ hội đã là tự vượt xa chính mình lắm rồi. Còn việc tạo lập luôn cả đường tuyến du lịch thường xuyên cho du khách ra thăm đảo, có lẽ chỉ là ước mơ.