Quảng Bình - Đèo Ngang
Đường qua Đèo Ngang Từ Đồng Hới, theo Quốc lộ 1A tiến về Quảng Bình là đoạn đường trên sườn núi có tên gọi rất nổi tiếng: Đèo Ngang. Đây là đoạn cuối cùng của dãy núi giáp biển Đông và là điểm thấp nhất mà ông cha ta đã chọn làm cửa ngõ giao thông. Ở đây, nhìn về phía ...
Từ Đồng Hới, theo Quốc lộ 1A tiến về Quảng Bình là đoạn đường trên sườn núi có tên gọi rất nổi tiếng: Đèo Ngang. Đây là đoạn cuối cùng của dãy núi giáp biển Đông và là điểm thấp nhất mà ông cha ta đã chọn làm cửa ngõ giao thông. Ở đây, nhìn về phía Tây, là dãy núi kỳ vĩ trông như bức trường thành lẫn khuất giữa ngàn mây. Vùng đất này là nơi đáng ghi nhớ trên đường mở nước của nhân dân ta. Năm 1301, vua Trần được vua Chiêm Thành mời sang ngoạn cảnh. Dịp này, nhà vua đã ngỏ ý gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Cưới được vợ đẹp, vua Chiêm cắt phần đất phía Nam làm sính lễ. Đó là hai châu Ô và Lý. Cách đây 400 năm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ cho Nguyễn Hoàng rời đất Bắc đến đây lập cơ đồ qua câu thơ: “Hoàng Sơn nhất đáy, vạn đại dung thân”. Lịch sử còn ghi lại, năm 1825, vua Minh Mạng đã cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo. 17 năm sau, cách Hoành Sơn quan 20 mét, vua Thiệu Trị cho dựng văn bia, tạo thêm cho đèo Ngang thành nơi linh khí và thủy tú sơn kỳ. Cũng chính tại nơi này, nhà thơ Cao Bá Quát đã từng cảm cảnh:
“Sớm lên Hoành Sơn ngắm
Chiều xuống Thạch Bàn tắm...” (*)
(Bài ca đèo Ngang trông ra bể - Trúc Khê dịch)
Trên đỉnh đèo, bốn phương lộng gió, nước non bao la hùng vĩ khiến lòng khách phương xa dạt dào cảm xúc. Tại đây có hàng ngàn bậc đá xuống tận chân đèo. Chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời khiến du khách sẽ bùi ngùi nhớ đến Bà huyện Thanh Quan với bài thơ Đường bất hủ - “Qua đèo Ngang”:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa…”
Trên đỉnh Đèo Ngang (Quảng Bình). |
Nếu không muốn vượt qua con đèo hiểm trở này, du khách có thể sử dụng đường hầm. Giờ đây, ở chân đèo Ngang đường sá rộng thênh thang, xe cộ qua lại dập dìu, cho thấy một bức tranh sôi động của thời kỳ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương.