18/06/2018, 12:18

Ninh BÌnh - Núi cánh diều

Ở phía Đông thị xã Ninh Bình có một trái núi lớn tên là Cánh Diều. Tên gọi đó gắn liền với truyền thuyết về sự hóa thân của Cao Biền - một tướng giỏi, đồng thời là một pháp s­ư đời nhà Đường (Trung Quốc) sang cai trị nước ta, thường cư­ỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước ...

 

      Ở phía Đông thị xã Ninh Bình có một trái núi lớn tên là Cánh Diều. Tên gọi đó gắn liền với truyền thuyết về sự hóa thân của Cao Biền - một tướng giỏi, đồng thời là một pháp s­ư đời nhà Đường (Trung Quốc) sang cai trị nước ta, thường cư­ỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư­ đã bị một đạo sĩ cao tay cùng nhân dân ở đây, dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là Núi Cánh Diều. Núi có ba ngọn, ngọn giữa cao, hai ngọn tả, hữu chĩa ra như­ hai cánh chim, vì vậy còn có tên gọi là Diên Sỉ Sơn (Diên là diều hâu, Sỉ là cánh chim) - con chim diều hâu đang bay.

      Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784), người Thái Bình, có đến thăm núi, cho khắc thơ vào vách đá phía Tây. Tạm dịch:

                                  Ruộng phẳng nhô đá biếc
                                  Thế núi tựa diều bay
                                  Chùa ẩn ba đỉnh núi
                                  Sông có cầu qua ngay
                                  Núi vững nh­ư hổ ngồi
                                  Suối tựa dãi rồng đây

      Nh­ư thế trên núi có chùa, vào đây như­ lạc vào thế giới "Bồng lai tiên cảnh". Chung quanh núi có nhiều hang động u minh, kỳ ảo. Nước suối trong động chảy ra, du khách gọi là dãi rồng.

      Năm 1821, vua Minh Mạng (1820-1840) tuần du ra Bắc có ghé thăm núi và cho khắc dòng chữ trên vách núi ở phía Bắc, dịch là: Dựng một nhà nhỏ nghỉ chân, khi lên núi xem thấy chùa tháp của sơn thành, cột buồm bến sông, cảnh đẹp như­ vẽ, cúi xuống giặt chiếc áo bụi đời. Trở về kinh đô, vua Minh Mạng quan tâm đến "bụi đời", đến nông nghiệp, đề ra chính sách khẩn hoang gồm hai hình thức đồn điền và doanh điền. Doanh điền là di dân lập ấp mới. Nhà vua cử Nguyễn Công Trứ (1778-1858) - người huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ra Ninh Bình năm Kỷ Sửu (1829) làm doanh điền sứ, chiêu mộ dân nghèo đi khai hoang vùng ven biển.

      Đến cuối năm 1829, Nguyễn Công Trứ cùng nhân dân khai phá được 14620 mẫu đất và 1268 người, miền đất đó đã ổn định, vua Minh Mạng cho lập thành một huyện mới tên là Kim Sơn (Núi vàng). Thời ấy, Nguyễn Công Trứ cũng chọn một cụm dân cư­ đông đúc trong huyện đặt tên là Phát Diễm: Nơi phát sinh ra cái đẹp ("Diễm" và "Diệm" cùng âm, nghĩa là đẹp, ngày nay gọi là Phát Diệm).

      Tương truyền, đặt tên là Phát Diễm vì Nguyễn Công Trứ đã đi qua thị xã Ninh Bình, phát hiện thấy núi Cánh Diều còn tượng hình một cô gái mình trần nằm ngửa nhìn trời mây bao la trông rất đẹp, nên đặt tên cho núi là núi Ngọc Mỹ Nhân (người con gái đẹp như­ ngọc), đầu mỹ nhân lại quay ra Biển Đông thuộc đất huyện Kim Sơn, có nghĩa là phát đẹp ở đó. (ngày nay, ở thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn, nơi có nhà thờ đá nổi tiếng các cô gái đều có mái tóc dài, người thon thả rất xinh đẹp). Núi Cánh Diều - Ngọc Mỹ Nhân, mỗi tên gọi đều có một huyền thoại riêng, độc đáo.

      Nếu du khách đi từ phía Nam ra Bắc theo quốc lộ 1A, cách thị xã Ninh Bình khoảng 5km, nhìn về, thấy một trái núi giống hệt "Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng", như­ kiêu hãnh với sắc đẹp mê hồn của mình. Có lẽ, ít có dãy núi nào trên đất nước ta lại có một dáng hình đẹp và cái tên mỹ miều đến như­ thế mà do Nguyễn Công Trứ có con mắt "tinh đời" đã gọi được tên!

      Mong ai về qua đất Ninh Bình, đến đây, nên dừng chân ngắm nhìn "người đẹp như­ ngọc" một thoáng trong mây, để: dùng dằng đi chẳng dứt, đi thì cũng dở ở không xong.

 

 
0