Quan hệ tài sản giữa vợ chồng
Nhận xét chung Không có nghĩa vụ hỗ trợ vật chất giữa vợ chồng ? Luật không có quy định rành mạch về nghĩa vụ hỗ trợ vật chất giữa vợ và chồng. Có lẽ đó là vì người làm luật ...
Nhận xét chung
Không có nghĩa vụ hỗ trợ vật chất giữa vợ chồng ? Luật không có quy định rành mạch về nghĩa vụ hỗ trợ vật chất giữa vợ và chồng. Có lẽ đó là vì người làm luật cho rằng nghĩa vụ này tồn tại như là hệ quả tự nhiên của hôn nhân và là một nghĩa vụ tự nhiên. Trên thực tế, đa số cặp vợ chồng sống chung trong một nhà và cùng nhau chia sẻ những gì họ có. Đơn giản, luật nói rằng vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ nhau, như ta đã biết.
Các tình huống trong thực tiễn khá đa dạng: vợ chồng sống bằng thu nhập của người chồng và trong nhà không còn gì để ăn mà chồng vẫn không chịu đưa tiền lương cho vợ; vợ chồng sống mỗi người một nơi và chồng đang lâm vào cảnh túng thiếu mà vợ lại quay lưng, bỏ mặc chồng trong cảnh sống đói khát; vợ bệnh nặng và cần tiền để chi phí thuốc men, nhưng chồng cứ giữ chặt thu nhập cá nhân chờ đến lúc cần chi cho các buổi ăn nhậu với bạn bè;...
Hẳn người soạn thảo các điều luật liên quan đến quan hệ giữa vợ chồng nghĩ rằng do những nhu cầu thiết yếu của gia đình thường được đáp ứng bằng thu nhập của vợ, chồng và do thu nhập của vợ, chồng được luật quy định là tài sản chung, mà chẳng cần quy định nghĩa vụ hỗ trợ vật chất giữa vợ chồng làm gì. Trên thực tế, tính chất ”chung” của quyền sở hữu đối với thu nhập cá nhân không gây trở ngại pháp lý cho việc người tạo thu nhập tự mình sử dụng, định đoạt các thu nhập ấy. Trong điều kiện đó, nghĩa vụ hỗ trợ vật chất giữa vợ chồng, bên cạnh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi duỡng của cha mẹ đối với con, tỏ ra cần thiết như một biện pháp kiểm soát việc sử dụng, định đoạt tài sản chung có nguồn gốc từ thu nhập cá nhân.
Chế độ tài sản. Trong luật Việt Nam hiện hành, tất cả các cặp vợ chồng, về mặt quan hệ tài sản, đều chịu sự chi phối của một chế độ duy nhất, chế độ pháp định. Về nội dung, chế độ tài sản pháp định của vợ chồng có rất nhiều nét cơ bản giống với chế độ pháp định được xây dựng trong luật của Pháp. Mặt khác, luật hiện hành thừa nhận rằng ngay trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể tiến hành phân chia tài sản chung trong một vài trường hợp được luật dự kiến.
Các quy tắc nền tảng về quản lý
Nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc quản lý công việc gia đình
Có quyền và thực hiện quyền. Vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 19). “Ngang nhau”, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong quản lý công việc của gia đình có tác dụng thiết lập tình trạng cộng đồng quản lý đối với các công việc đó. Gia đình hiện đại, khác với gia đình cổ, có đến hai người đứng đầu. Điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng cả hai người đều phải cùng nhau thực hiện công việc quản lý; song, ở góc độ ra quyết định, công tác quản lý dựa trên sự nhất trí của cả hai người. Tùy tính chất, tầm quan trọng của công việc, sự nhất trí có thể được suy đoán dựa vào thái độ chấp nhận mặc nhiên hoặc cần phải được bày tỏ một cách rõ ràng.
Đối tượng quản lý bao gồm tất cả các công việc gắn liền với lợi ích vật chất và tinh thần của gia đình. Lợi ích đó cũng là mục đích của công tác quản lý.
Nhu cầu của gia đình
Nguyên tắc. “Vợ hoặc chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình” (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 25). Tình trạng liên đới được xác lập trên cơ sở quan hệ hôn nhân chứ không dựa vào quan hệ chung sống của vợ chồng. Bởi vậy, sự liên đới không tồn tại giữa hai người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; trái lại, sự liên đới tồn tại cả trong trường hợp vợ chồng kết hôn hợp pháp nhưng lại có nơi ở khác nhau (nghĩa là không chung sống thực tế): vợ (chồng), về mặt lý thuyết, phải chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí cho việc đáp ứng các nhu cầu cần thiết đối với cuộc sống của chồng (vợ) cư trú ở nơi khác.
Điều kiện áp dụng nguyên tắc. Tuy nhiên, sự liên đới trong trường hợp này lệ thuộc vào một số điều kiện:
- Giao dịch phải hợp pháp. Chắc chắn, đó không thể là các giao dịch có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội. Song, liệu vợ và chồng có chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp giao dịch vô hiệu, đặc biệt là trong việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả những gì đã nhận trong khuôn khổ thực hiện giao dịch vô hiệu đó ? Người vợ mua một tấm vải để may quần áo cho chồng; giao dịch bị tuyên bố vô hiệu do người bán bị mất năng lực hành vi; người chồng có cùng liên đới với người vợ trong việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tấm vải đã mua?
- Giao dịch phải nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Các tiêu chí của “nhu cầu sinh hoạt thiết yếu” có thể thay đổi theo sự phát triển của xã hội tiêu thụ. Có những nhu cầu rất cơ bản, chung đối với gia đình ở mọi nơi và trong mọi thời đại: thức ăn, quần áo của các thành viên, thuốc men, chi phí giáo dục con cái, bảo quản nhà cửa,... Có những nhu cầu đặc trưng của cuộc sống thị dân hiện đại: chi phí điện, nước, điện thoại,...
Mức đóng góp của mỗi bên. Luật hiện hành không có quy định riêng về mức đóng góp của mỗi bên đối với các chi phí nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Có lẽ, bởi vì trước hết các nhu cầu thiết yếu của gia đình được đáp ứng bằng tài sản chung (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 28 khoản 2). Thực ra, tài sản chung dùng để chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình thuờng là tài sản chung có nguồn gốc từ thu nhập của vợ, chồng. Các tài sản ấy, dù là của chung, cũng có thể được người tạo ra chúng (người có thu nhập) tự mình sử dụng, định đoạt trong chừng mực hợp lý để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt riêng, mà không cần hỏi ý kiến của vợ (chồng). Ta có thể tự hỏi: liệu người có thu nhập phải bảo đảm việc chi tiêu cho các nhu cầu chung đến mức độ nào bằng thu nhập của mình, thì mới được tự do sử dụng phần còn lại của thu nhập đó cho những nhu cầu riêng ? Một cách hợp lý, thu nhập của một người phải được ưu tiên sử dụng để thanh toán các chi phí nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Mặt khác, vợ chồng chỉ có thể đóng góp thu nhập của mình vào việc xây dựng khối tài sản chung theo sức thu nhập của mình, không thể nhiều hơn. Bởi vậy, có thể tin rằng mức đóng góp của vợ chồng vào việc chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng phải tương ứng với sức thu nhập đó.
Nếu thu nhập và các tài sản chung khác không đủ để trang trải chi phí, thì sao? Luật nói rằng tài sản riêng của vợ, chồng cũng có thể được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 33 khoản 4). Có thể nghĩ rằng trong khung cảnh của luật thực định, vợ, chồng, trên nguyên tắc, có trách nhiệm đóng góp ngang nhau trong việc thanh toán các chi phí ấy. Tuy nhiên, vấn đề là: khối tài sản riêng của mỗi người thường không ngang nhau. Có lẽ, cũng như trong trường hợp đóng góp vào việc chi tiêu bằng thu nhập, việc đóng góp bằng tài sản riêng cũng được thực hiện dựa theo tình hình tài sản riêng của mỗi người. Nếu một người không có tài sản riêng, thì người còn lại chịu trách nhiệm thanh toán chi phí bằng tài sản riêng của mình.
Đại diện cho nhau
Đại diện trong các giao dịch quan trọng. Các giao dịch quan trọng liên quan đến tài sản chung mà có giá trị lớn và các giao dịch khác mà theo quy định của pháp luật chỉ có thể được xác lập với sự đồng ý của vợ, chồng đều phải do vợ và chồng cùng đứng ra xác lập. Tuy nhiên, vợ, chồng có thể uỷ quyền cho nhau để giao dịch trong các trường hợp ấy (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 24 khoản 1). Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản (cùng điều luật).
Đại diện trong trường hợp một bên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi. “Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi mà bên kia được Toà án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó” (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 24 khoản 2). Ở góc độ quản lý tài sản của gia đình, sẽ không có vấn đề gì đặc biệt một khi vợ hoặc chồng ở trong tình trạng mất năng lực hành vi và người còn lại là người giám hộ: người giám hộ sẽ quản lý tất cả các tài sản của gia đình và sẽ có quyền định đoạt những tài sản quan trọng thuộc khối tài sản chung hoặc khối tài sản riêng của người được giám hộ theo các quy định tại BLDS 2005 Điều 68 và 69. Trái lại, trong trường hợp vợ (chồng) được chỉ định làm người đại diện cho người còn lại, thì sự việc có khả năng trở nên rắc rối: người bị hạn chế năng lực hành vi không mất năng lực hành vi, do đó, người này có quyền bày tỏ ý chí đồng ý hoặc không đồng ý đối với việc nên hay không nên xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản, nhất là đến tài sản chung của gia đình. Giả sử cần định đoạt một tài sản mà theo luật phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng; việc người bị hạn chế năng lực hành vi không đồng ý sẽ khiến giao dịch không thể được xác lập, dù chính người này lại không có đầy đủ năng lực để xác lập giao dịch đó.