25/05/2018, 09:53

Luật giáo dục sửa đổi và WTO

LTS. Theo kế hoạch của kỳ họp thứ 7, ngày 20/5 đến Quốc hội khóa XI sẽ thông qua Luật giáo dục (sửa đổi ) nhằm định khung cho việc phát triển GD trong bối cảnh mới, trong đó có bối cảnh Việt Nam sẽ tham gia vào WTO, dự kiến vào cuối năm 2005. Tuy vậy, chỉ ...

LTS. Theo kế hoạch của kỳ họp thứ 7, ngày 20/5 đến Quốc hội khóa XI sẽ thông qua Luật giáo dục (sửa đổi ) nhằm định khung cho việc phát triển GD trong bối cảnh mới, trong đó có bối cảnh Việt Nam sẽ tham gia vào WTO, dự kiến vào cuối năm 2005. Tuy vậy, chỉ riêng dưới góc độ kinh tế trong hội nhập toàn cầu, nhiều cử tri vẫn rất băn khoăn: Luật GD (sửa đôỉ) có đáp ứng được những cơ hội và thách thức mới trong hội nhập không? “Tiếp thị” đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Phụ (ĐHBK TpHCM) về vấn đề này.

  • Thưa GS, khi Việt Nam tham gia WTO thì GD của Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức nào?

+ Toàn cầu hóa sẽ có ba luồng di chuyển tự do: thương mại, vốn và di dân. Trong thương mại có thương mại hàng hóa vật phẩm và thương mại hàng hóa dịch vụ. Chính vì vậy, trong WTO có tổ chức “Hiệp định chung về thương mại dịch vụ” GATS và GD cũng được xem là một nhóm ngành hàng hóa dịch vụ. Có 4 phương thức thương mại dịch vụ: (1) Cung cấp “quan biên giới”, ví dụ sinh viên Việt Nam học đại học từ xa của nước ngoài; (2) “Sử dụng ở nước ngoài”, ví dụ học sinh Việt Nam đi du học ở nước ngoài; (3) “Hiện diện thương mại”, ví dụ nước ngoài mở chi nhánh đại học ở Việt Nam; (4) “Hiện diện thể nhân”, ví dụ một GS nước ngoài đến Việt Nam dạy học hay một kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài làm việc (tự do di dân).

Như vậy là sẽ có một thị trường dịch vụ GD toàn cầu và một thị trường lao động toàn cầu. Khi đó, một mặt ta có thể có cơ hội để khai thác tiềm lực GD của nước ngoài (giống như vốn đầu tư của nước ngoài trong phát triển kinh tế) để phát triển GD, thậm chí có thể xuất khẩu GD tại chỗ nhờ GD của nước ngoài như trường hợp của Malaysia, Singapore…, có điều kiện học tập qua hợp tác với nước ngoài từ các chương trình liên kết, các chi nhánh đại học nước ngoài ở Việt Nam… Nhưng mặt khác, ta cũng phải đương đầu với những thách thức rất lớn, chẳng những phải cạnh tranh không cân sức với nước ngoài trong việc GD đào tạo mà còn là cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo. Về mặt này, Việt Nam vừa có thể bị chảy máu chất xám vừa có thể phải nhường các vị trí lương cao cho người nước ngoài ngay trên đất nước mình.

  • Vậy GS nghĩ như thế nào về luật GD (sửa đổi), đã có những điều khoản khung nào định hướng cho việc tranh thủ các cơ hội đó cũng như vượt qua được các thách thức đó?

+ Thực ra đây là vấn đề khá phức tạp. Chính vì vậy, cùng với những áp lực rất lớn trên ngân sách Nhà nước khi nền GD chuyển sang nền GD cho số đông, người ta nói, GD đại học ở các nước đang phát triển đang đứng trước “hiểm họa” và “triển vọng”. Cũng chính vì vậy, Hy Lạp, Israel vẫn từ chối bằng cấp GD đại học nước ngoài ở nước mình và cho đến gần đây cũng chưa đến 1/3 trong số 145 thành viên của WTO chấp nhận việc “xuất/nhập khẩu” GD. Điểm cốt lõi ở đây là nhiều nước vẫn xem GD là một hàng hóa công đặc biệt có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước , trong khi GD nước ngoài được nhập khẩu vào thì về bản chất lại là một loại kinh doanh dịch vụ GD. Nhưng dù sao, đây cũng là một xu thế và mỗi nước “đều phải có một khung pháp lý mới để điều tiết vấn đề toàn cầu hóa trong GD” (Dirk Van Dame – GD đại học trong thời đại toàn cầu hóa).

Trong luật GD (sửa đổi) có một mục về “hợp tác quốc tế” nằm trong chương “Quản lý Nhà nước ” về GD, từ điều 107 đến điều 110. Chủ yếu ở đây là việc khuyến khích hợp tác còn việc định hướng đổi mới môi trường vừa “hiểm họa” vừa “triển vọng” như nói ở trên còn chưa thấy. Theo dõi những cuộc thảo luận luật GD (sửa đổi) vừa qua trên hội trường của Quốc hội cũng có thể thấy rõ điều đó.

  • Vậy GS nghĩ như thế nào về luật GD (sửa đổi) định hướng cho chiến lược hội nhập của GD Việt Nam cũng như GD đại học Việt Nam có thể cạnh tranh với GD đại học của nước ngoài?

+ Hiện nay đã có khoảng 40 nghìn sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài (phương thức 2). Và về phương thức 3 “Hiện diện thương mại”, nhiều cơ sở GD nước ngoài cũng đã có mặt ở Việt Nam. Trong khi đó, GDĐH Việt Nam lâu nay chưa biết đến khái niệm “cạnh tranh”, “thị trường” v.v… vì cung mới chỉ ở mức trên dưới 25% của cầu. Để ĐH Việt Nam có thể cạnh tranh với ĐH của nước ngoài, cần đổi mới hoàn toàn về tư duy, chính sách và cung cách quản lý. Ví dụ, trường ĐH Việt Nam cũng phải được quản lý và có bản “kết toán tài chính” giống như một doanh nghiệp, các trường ĐH Việt Nam được tham gia các hoạt động có tính chất kinh doanh v.v… cho dù mục đích tổng thể vẫn là “không vì lợi nhuận”. Tôi thực tình chưa thấy rõ những định hướng khung cho vấn đề này trong Dự luật GD (sửa đổi).

  • Xin cám ơn GS.

NGỌC MINH thực hiện

0