Quan chức Ấn Độ tuyên bố Internet được phát minh ở xứ cà ri!

Một vị quan chức Ấn Độ đã lên tiếng tuyên bố Internet được người Ấn Độ cổ xưa phát minh ra cách đây hàng ngàn năm trước. Ông Biplab Deb – Thống đốc bang Tripura (Ấn Độ) vào hôm qua (17/4) cho biết, từ sử thi Mahabharata của nước này, có thể thấy Internet và thậm chí là vệ tinh đã tồn tại từ ...

Một vị quan chức Ấn Độ đã lên tiếng tuyên bố Internet được người Ấn Độ cổ xưa phát minh ra cách đây hàng ngàn năm trước.

Ông Biplab Deb – Thống đốc bang Tripura (Ấn Độ) vào hôm qua (17/4) cho biết, từ sử thi Mahabharata của nước này, có thể thấy Internet và thậm chí là vệ tinh đã tồn tại từ rất lâu.

Thống đốc bang Tripura Biplab Deb.
Thống đốc bang Tripura Biplab Deb. (Ảnh: PTI).

“Ấn Độ đã sử dụng Internet từ lâu. Trong Mahabharata, Sanjay dù bị mù nhưng vẫn thuật lại được tình hình chiến trận cho vua Dhritarashtra đang ở cách đó hàng dặm liền. Đó là nhờ internet và công nghệ. Vệ tinh vũ trụ cũng đã xuất hiện trong giai đoạn đó”, ông Deb phát biểu trước công chúng.

Tuy nhiên, ví dụ của ông dường như không thuyết phục được bất kỳ ai. Thậm chí, trên các mạng xã hội như Twitter, từ khóa "Tripura CM Biplap Deb" đang trở nên rất nóng khi mà các cư dân mạng đang dồn dập chế giễu và chỉ trích tuyên bố có vẻ “hoang đường” này.

Được biết, ông Deb không phải là vị quan chức Ấn Độ đầu tiên có tuyên bố “hùng hồn” về tiến bộ công nghệ và khoa học của xứ sở cà ri. Trước đó vào hồi 2014, Thủ tướng nước này là ông Narenda Modi cũng đã quả quyết với các bác sĩ và nhân viên y tế ở bệnh viện Mumbai rằng việc phẫu thuật thẩm mỹ đã có từ thời Ấn Độ cổ xưa.

Gần đây nhất vào tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực phụ trách Giáo dục Cơ sở Ấn Độ Satyapal Singh cũng đã khiến giới truyền thông phải “nhíu mày” khi cho rằng máy bay đã xuất hiện vào thời Sử thi Ramayana.

Mahabharata là một trong hai cuốn Sử thi tiếng Phạn (Sanskrit) Ấn Độ cổ, cuốn thứ hai là Ramayana. Mahabharata bao gồm 110.000 câu thơ đôi (sloka), là thiên sử thi dài nhất trên thế giới, gấp 7 lần tổng số câu thơ của hai bộ sử thi Hy Lạp cổ đại là Iliad và Odyssey cộng lại. Tác phẩm này được coi là "Đại Bách khoa toàn thư" về văn hóa truyền thống, về các truyền thuyết và về các thể chế chính trị - xã hội của Ấn Độ cổ xưa. Nó là tấm gương phản chiếu toàn bộ đời sống con người Ấn Độ truyền thống như lời một câu ngạn ngữ cổ: "Cái gì không thấy được ở trong Mahabharata thì cũng không thể nào thấy được ở Ấn Độ".

Cuốn sử thi này cũng chiếm vị trí quan trọng trong triết học và tôn giáo tại Ấn Độ, do nó có lồng ghép cuộc đối thoại triết lý dài tới 700 câu thơ giữa dũng sĩ Arjuna và thần Krishna trước khi khai chiến. Phần thơ triết học kỳ diệu này được xem như một tác phẩm độc lập hoàn chỉnh mang tên Bhagavad Gita (Chí tôn ca), một kinh văn quan trọng hàng đầu của Hindu giáo.

0