24/02/2018, 18:40

Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, người ta thấy văn xuôi của Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng rất khác nhau, nhưng hai ông đều là những nhà văn nhân đạo chủ nghĩa lớn. Anh (chị) có ý kiến gì về nhận định trên

1. Mở bài – Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng là hai cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Hai ông được coi là những nhà văn có tài và đã thành công ở khuynh hướng văn học mà mình lựa chọn. Nói chung, cả Thạch Lam và Vũ Trọng ...

1.  Mở bài

–   Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng là hai cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Hai ông được coi là những nhà văn có tài và đã thành công ở khuynh hướng văn học mà mình lựa chọn. Nói chung, cả Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng đều đi sâu vào phản ánh đời sống hiện thực, mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện riêng song đều bộc lộ tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ.

–   Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (với đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia) được coi là những tác phẩm xuất sắc nhất của hai nhà văn cả về bút pháp và nội dung tư tưởng.

2.  Thân bài

a)  Sự khác nhau về bút pháp

–   Hai đứa trẻ.

+ Thể loại: truyện ngắn, không có cốt truyện rõ ràng.

+ Khuynh hướng: hiện thực kết hợp với trữ tình.

+ Điểm nhìn: có nhiều điểm nhìn, song chủ yếu đặt vào nhân vật Liên để ghi lại những cảm nhận chủ quan.

+ Sử dụng phương thức tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm; trong đó, yếu tố tự sự có vẻ mờ nhạt.

+ Sử dụng bút pháp tương phản để làm nổi bật bức tranh hiện thực về đời sống và con người.

+ Đi sâu vào miêu tả đời sống nội tâm, khám phá, phát hiện và ghi lại những diễn biến tinh tế trong tâm hồn của nhân vật (nhất là Liên), từ đó thể hiện tư tưởng của nhà văn.

+ Giọng điệu: chậm rãi, nhẹ nhàng – thiên truyện như một bài thơ trữ tình đằm thắm.

–   Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ):

+ Thể loại: tiểu thuyết.

+ Khuynh hướng: hiện thực trào phúng.

+ Điểm nhìn: phát huy tối đa sức mạnh lời kể của nhà văn để tạo tính khách quan.

+ Sử dụng phương thức tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm, trong đó yếu tố tự sự và miêu tả rất nổi bật.

+ Sử dụng bút pháp trào phúng để làm nổi bật bức tranh hiện thực về đời sống và con người. Nhà văn đặc biệt thành công trong việc xây dựng mâu thuẫn, tình huống trào phúng, nhân vật trào phúng, sử dụng những chi tiết, giọng điệu trào phúng,…

+ Xây dựng một hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng về tính cách nhưng đều giống nhau ở chỗ: háo danh, hám lợi, hợm hĩnh, giả tạo, rởm đời, "vô nghĩa lí" và bao trùm là thói đạo đức giả. Do đó bức tranh đời sống được miêu tả trong đoạn trích có ý nghĩa khái quát cao.

+ Giọng kể: nhanh, mang tính chất giễu nhại, có khả năng gây nên một tràng cười dài.

b)  Giống nhau vềtư tưởng nhân đạo

–   Giải thích: nhân đạo: lòng thương người.

–   Các biểu hiện của tư tưởng nhân đạo:

+ Thấu hiểu, thông cảm, xót thương, bênh vực, che chở,… những con người có hoàn cảnh khổ cực cả về vật chất và tinh thần.

+ Lên án, phê phán, tố cáo, đấu tranh với những thế lực đã đẩy con người vào tình trạng khổ cực bằng việc tạo ra những môi trường sống không thuận lợi, giả dối, tàn ác, bất công, vô nghĩa lí,…

–   Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng mặc dù khác nhau về phong cách nghệ thuật nhưng đều là những nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Biểu hiện cụ thể:

+ Thạch Lam: Qua tâm trạng của hai đứa trẻ, nhất là tâm trạng của Liên, nhà văn thể hiện niềm xót thương vô hạn đối với những kiếp người nhỏ bé, không bao giờ được biết đến ánh sáng và hạnh phúc thực sự, đến trong ước mơ cũng chẳng biết ước mơ gì hơn một chuyến tàu đêm vụt đi qua cái phố huyện tiêu điều, xơ xác của cuộc đời mình. Ông đã phát hiện và trân trọng những khát khao được đổi đời chính đáng của con người (dù chỉ trong giây lát), nhất là ở những đứa trẻ – những mầm sống nhỏ nhoi đang có nguy cơ bị úa tàn trên mảnh đất cằn cỗi; đồng thời, đánh thức trong những tâm hồn mệt mỏi, cam chịu những ước mơ mãnh liệt về một cuộc đời đẹp đẽ hơn, có ý nghĩa hơn. Nói cách khác, qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn nhắn gửi: ít ra thì trong cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán, con người cũng phải biết khao khát một điều gì đó. Hãy cố gắng vượt lên,đừng buông xuổi theo số phận, đừng để số phận chôn vùi. Mỗi người có thể là vô danh song đừng sống vô nghĩa.

+ Vũ Trọng Phụng: Bằng việc miêu tả cảnh đám tang cùng những chân dung biếm hoạ của tang gia và những ngưới đi đưa đám, nhà văn đã vạch trần thói giả dối, đạo đức giả của xã hội tư sản thành thị ngày trước. Chính những chân dung ấy đã góp phần vào việc tạo ra một xã hội "chó đểu" mà ở đó mọi giá trị bị đảo lộn, khiến cho nhiều người dân lương thiện bị đẩy vào tình cảnh cùng đường hoặc bị lưu manh, tha hoá. Xã hội ấy là một sân khấu hài kịch lớn mà tiếng cười của độc giả cất lên là để tống tiễn nó, chôn vùi nó, từ đó phấn đấu xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

3.  Kết bài

Sự khác nhau về bút pháp của các nhà văn nói chung, Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng nói riêng sẽ đưa đến sự đa dạng về phong cách nghệ thuật; nhưng sự giống nhau về tư tưởng – nhất là những tư tưởng lớn – của hai ông sẽ giúp cho văn học hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình: sứ mệnh nhân đạo hoá con người, từ đó góp phần vào việc cải tạo xã hội. Đúng như Thạch Lam đã từng nói: "Đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sư thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn" (tiểu luận Theo dòng).

0