Anh (chị) suy nghĩ như thế nào khi có người cho rằng: Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) vừa là ‘một gã mất trí, công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị’ vừa là ‘một đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại’?
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào khi có người cho rằng: Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) vừa là 'một gã mất trí, công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị' vừa là 'một đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại'? 1. Mở bài – Dẫn ra ý kiến trong đề ...
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào khi có người cho rằng: Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) vừa là 'một gã mất trí, công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị' vừa là 'một đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại'?
1. Mở bài
– Dẫn ra ý kiến trong đề bài.
– Nêu quan điểm của bản thân về ý kiến đó.
2. Thân bài
– Giới thiệu qua về tác giả, tác phẩm.
– Tóm tắt tác phẩm theo cuộc đời của nhân vật chính – Chí Phèo.
– Nêu lại ý kiến dẫn ra trong câu hỏi và giải thích:
+ "Mất trí": mất hết khả năng hoạt động trí óc, khả năng nhận thức, suy nghĩ, phán đoán hoặc bị điên.
+ "Công cụ": cái dùng để tiến hành một việc nào đó, để đạt đến một mục đích nào đó.
+ "Sáng sủa": có nhiều nét lộ vẻ thông minh.
– Khẳng định ý kiến đó đúng và chứng minh:
+ Chí Phèo là một gã mất trí, một công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị:
• Mất trí – điên: Trước khi đi tù, dẫu có hoàn cảnh riêng độc đáo nhưng xét đến cùng, Chí là người nông dân lương thiện như nhiều người nông dân khác. Anh cũng có những mơ ước giản dị như nhiều người về một gia đình riêng hạnh phúc. Hơn nữa, Chí Phèo còn là người rất tự trọng.
Nhưng khi ở tù về, Chí đã không còn hình hài một con người, không những thế, tính cách Chí cũng khác xưa. Bây giờ Chí trở thành thằng liều mạng, hắn có thể làm mọi việc như mộí thằng lưu manh chính cống: kêu làng, ăn vạ, đập phá, đâm chém,… Trong mắt người dân làng Vũ Đại, Chí trở thành "con quỷ dữ", một gã mất trí, một thằng điên.
• Công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị: Tuy là người nông dân lương thiện nhưng khi bị biến thành quỷ dữ, Chí Phèo rất dễ bị bọn thống trị lợi dụng. Từ chỗ hung hãng xách vỏ chai đến nhà bá Kiến, gọi tên tục của hắn ra mà chửi, Chí Phèo trở thành tay sai mới của lão. Đồng thời, Chí cũng nhanh chóng trở thành kẻ mù quáng gây ra tai hoạ cho những người nông dân lương thiện khác trong những cơn say triền miên.
Hậu quả là Chí bị khai trừ khỏi cộng đồng, sống tăm tối như thú vật, xa lạ với mọi người và xã hội loài người.
+ Chí Phèo là "một đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại":
• Chí sẽ triền miên trong những cơn say và sẽ là một thằng điên, một công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị cho đến chết nếu như không gặp thị Nở và khao khát trởlại làm người lương thiện. Với việc gặp thị Nở, nhà văn đã để Chí Phèo trở về kiếp người thật tự nhiên.
• Trong buổi "sáng hôm sau" (sau đêm gặp thị Nở), lần đầu tiên Chí tỉnh táo sau một cơn say dài và nhận thấy tình trạng bi đát, tuyệt vọng của cuộc đời mình. Khi ăn cháo hành, Chí trở lại là anh canh điền ngày xưa, thấm thìa nỗi đau của con người tự trọng bị vợ bá Kiến sai làm những việc nhục nhã. Chí mong nhờ thị Nở mà hoà nhập với mọi người, chấm dứt đoạn đời thú vật để sống đúng kiếp người.
• Khi bị thị Nở từ chối và không níu giữ được thị, Chí rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Chí thấm thìa sâu sắc bi kịch tinh thần của người sinh ra là người nhưng lại không được làm người. Chí vật vã, đau đớn. Chí tìm đến rượu nhưng càng uống càng tỉnh.
• Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí càng thấm thìa hơn tội ác của kẻ đã cướp đi của mình cả bộ mật lẫn linh hồn con người. Chí xách dao ra đi và đâm chết bá Kiến, đồng thời kết liễu cuộc đời mình. Ban đầu ai cũng nghĩ Chí cầm dao đi đến nhà thị Nở, nhưng bước chân đã đưa Chí đến nhà bá Kiến. Việc giết bá Kiến và tự sát không phải là hành động mù quáng do hơi men mang đến. Thực sự Chí đã thức tỉnh. Khi thức tỉnh, Chí biết mình không thể đập phá, chém giết như trước. Chí muốn lương thiện nhưng ai cho Chí lương thiện? Kẻ thù của Chí đâu phải chỉ là một mình bá Kiến hay bà cô thị Nở, mà là cả xã hội thối nát, tàn bạo đương thời. Đồng thời, chỉ có cái chết mới giúp Chí thoát khỏi kiếp sống của một con người – quỷ dữ. Trước đây, để tồn tại, Chí phải bán bộ mặt người và linh hồn cho quỷ dữ; đến nay, khi linh hồn đã trở về, Chí lại phải đánh đổi cả sự sống của mình. Với Chí, niềm khát khao được sống lương thiện còn cao hơn cả mạng sống.
• Sự "sáng sủa" của đầu óc Chí Phèo được thể hiện rõ nhất trong màn đối thoại giữa bá Kiến và Chí Phèo trước khi Chí hành động trả thù. Khi Chí cất tiếng dõng dạc: "Tao muốn làm người lương thiện", trước tiếng cười của bá Kiến, Chí đã nói to lên một sự thật mà ngay cả bá Kiến – cái đầu lọc lõi nhất của làng Vũ Đại cũng không hiểu nổi. Bá Kiến không hiểu được những điều Chí đặt ra trong hàng loạt câu hỏi: "Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!…". Hoá ra bộ óc cáo già của kẻ thống trị như bá Kiến đã không hiểu được những điều mà một nô lệ thức tỉnh như Chí đã hiểu, đã thấm thìa đến tuyệt vọng.
Diễn biến tâm lí, những hành động, ngôn ngữ và những câu hỏi chất vấn của Chí trước khi trả thù thể hiện rõ Chí Phèo từ một gã "mất trí, công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị" đã trở thành "một đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại". Nói cách khác, đó là kết quả quá trình chuyển biến tâm lí của Chí Phèo dưới sự tác động của hoàn cảnh sống và việc nuôi dưỡng sức sống tiềm tàng cũng như ý thức về giá trị của đời sống của bản thân.
3. Kết bài
Qua việc xây dựng hình tượng Chí Phèo – một nhân vật mà cuộc đời và số phận điển hình cho người nông dân trước Cách mạng, Nam Cao đã thể hiện một cảm quan hiện thực sâu sắc: tình trạng xung đột giai cấp ở nông thôn Việt Nam là hết sức gay gắt, nó chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp quyết liệt. Đồng thời, nhà văn cũng thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo mới mẻ của mình: phát hiện, miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi họ đã bị xã hội biến thành quỷ dữ.