24/02/2018, 18:40

Phân tích bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng).

1. Mở bài – Giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng và vở kịch Vũ Như Tô. – Giới thiệu nhân vật Vũ Như Tô: là hình tượng trung tâm của vở kịch – một kiến trúc sư thiên tài. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân song vì mượn quyền lực và ...

1.  Mở bài

–   Giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng và vở kịch Vũ Như Tô.

–   Giới thiệu nhân vật Vũ Như Tô: là hình tượng trung tâm của vở kịch – một kiến trúc sư thiên tài. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân song vì mượn quyền lực và tiền bạc của bạo chúa để thực hiện khát vọng của mình nên Vũ Như Tô đã rơi vào bi kịch. Đoạn trích Vĩnh biệt cửu Trùng Đài đã tập trung làm nổi bật bi kịch ấy.

2.  Thân bài

a)  Giải thích khái niệm "bi kịch" và nêu khái quát bi kịch của Vũ Như Tô

–   "Bi kịch" là "tình cảnh éo le, mâu thuẫn dẫn đến đau thương" mà nhân vật rơi vào và không thể giải quyết được. Mâu thuẫn này diễn ra căng thẳng và quyết liệt đến mức nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm, gây nên những suy tư và tác động mạnh mẽ đối với công chúng.

–   Bi kịch của Vũ Như Tô: vốn là một nghệ sĩ chân chính, có tài năng, Vũ Như Tô ôm ấp khát vọng nghệ thuật cao cả song lại rơi vào một mâu thuẫn không thể hoá giải nổi: mâu thuẫn giữa tài năng, ước vọng cao cả, niềm khát khao và đam mê sáng tạo với thực tế phũ phàng, ngang trái của xã hội.

b)  Phân tích bi kịch của Vũ Như Tô

–   Vẻ đẹp của con người Vũ Như Tô:

+ Có tài năng: Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài ba, có thể"sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ", "chỉ một vẩy bút là chim, hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tìnhbiến hoá như cảnh hoá công". Trong đánh giá của cung nữ Đan Thiềm thì đó là "tài trời" và có thể đem ra để "điểm tô" cho đất nước.

+ Có khát vọng cao cả, lớn lao: "đem hết tài ra xây cho nòi giống một toà đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hoá công". Xây Cửu Trùng Đài với Vũ Như Tô vừa là để bộc lộ trọn vẹn cái tài trời phú, vừa để thực hiện giấc mộng lớn – giấc mộng sáng tạo một công trình nghệ thuật kì vĩ, mĩ lệ, cao cả, huy hoàng, một "cảnh Bồng Lai" giữa cõi trần lao lực, góp phần điểm tô cho đất nước. Cửu Trùng Đài chính là tâm huyết, là linh hồn của Vũ Như Tô: "Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả đây…".

+ Có bản lĩnh cứng cỏi, mạnh mẽ: trước đây khi mới bị Lê Tương Dực bắt về để xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô đã không chịu khuất phục trước uy quyền của bọn thống trị. Theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ Như Tô đã chấp nhận mượn tay Lê Tương Dực, dựa vào quyền thế và tiền bạc của hắn để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình. Khi xảy ra loạn lạc, Vũ Như Tô không nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, không bỏ trốn mà kiên quyết ở lại để bảo vệ Cửu Trùng Đài: "Người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cũng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm là chính đại quang minh". Nghĩa là, bản lĩnh của Vũ Như Tô là bản lĩnh của một người nghệ sĩ dám dốc sức, dồn tài nãng, tâm huyết cho nghệ thuật, sẵn sàng chết để bảo vệ cái đẹp.

–   Thực tế đời sống:

+ Mục đích và bản chất của tầng lớp thống trị phong kiến: Lê Tương Dực cũng khao khát xây Cửu Trùng Đài song không phải là để tạo cho đất nước một công trình nghệ thuật mà chỉ đơn giản là để làm nơi vui chơi với các cung nữ. Cửu Trùng Đài trong mục đích của Lê Tương Dực chính là hiện thân của cuộc sống xa hoa đầy lạc thú. Nó sẽ tiêu tốn tiền của công khố, bòn rút mồ hôi xương máu của nhân dân.

+ Cuộc sống của nhân dân khi Cửu Trùng Đài được xây dựng: vô cùng lầm than, khốn khổ ("mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng"). Tinh cảnh khốn cùng ấy tất sinh biến loạn: khi quân phản nghịch nổi lên, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.

–   Bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích:

+ Bị hiểu lầm và kết tội: Vì mượn tay Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình nên Vũ Như Tô bị đánh đồng với kẻ xa hoa tàn ác, với tên hôn quân bạo chúa, bị coi là kẻ gây tội ác: "ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông". Trong hoàn cảnh ấy, cả Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài đều trở thành mục tiêu của sự oán giận, trở thành đối tượng để nhân dân và quân phiến loạn tàn phá, huỷ hoại, giết hại. Chỉ có Đan Thiềm là người duy nhất hiểu được khát vọng và quý trọngtài năng của ông nhưng Đan Thiềm cũng hoàn toàn bất lực, không thể khuyên nhủ, cũng không thể bảo vệ được Vũ Như Tô.

+ Bị vỡ mộng: Cho đến phút cuối cùng, Vũ Như Tô vẫn không thể hiểu và không thể tin rằng việc mình làm là trái với quyền lợi của nhân dân. Ông vẫn một mực khẳng định rằng mình không có tội và không thể hiểu vì sao dân chúng lại nổi lên phá cửu Trùng Đài, không hiểu vì sao xây dựng Cửu Trùng Đài lại là việc làm hại nước, hại dân. Điều bi thương nhất của Vũ Như Tô là sự lạc lõng của ông giữa những kẻ nông nổi và tàn ác, là sự cô đơn đến đáng thương trước lòng hận thù của nhân dân. Khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy cũng là khi Vũ Như Tô vỡ mộng, bừng tỉnh, đau đớn đến tuyệt vọng: "Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!".

c)  Đánh giá

–   Nguyên nhân của bi kịch: Do Vũ Như Tô quá chìm đắm trong niềm đam mê cái đẹp nên đã mơ mộng, ảo vọng khi mượn tay Lê Tương Dực để xây Cửu Trùng Đài. Khát vọng nghệ thuật của ông là cao đẹp nhưng lại đặt nhầm chỗ, lầm thời và xa rời thực tế nên phải trả giá bằng sinh mạng và cả công trình nghệ thuật. Vũ Như Tô là hiện thân của tài năng, nhân cách và hoài bão lớn lao nhưng vì đi ngược lại với quyền lợi trực tiếp của nhân dân nên đã lâm vào bi kịch.

–   Ý nghĩa bi kịch của Vũ Như Tô: thể hiện những vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và nhân dân, giữa những khát vọng nghệ thuật muôn thuở với quyền lợi trực tiếp của quần chúng.

–   Qua việc xây dựng bi kịch của Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện tài năng và tấm lòng của mình:

+ Tài năng: ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao, nhịp điệu của lời thoại nhanh, phản ánh tình thế nguy cấp khẩn trương. Tính cách, tâm trạng nhân vật được thể hiện sinh động, rõ nét; các lớp kịch linh hoạt, tự nhiên, liền mạch.

+ Tấm lòng: Cảm thông với bi kịch của Vũ Như Tô, tôn trọng tài năng, hoài bão của người nghệ sĩ khát khao sáng tạo cái đẹp cho đời song cũng không đồng tình với Vũ Như Tô và những người nghệ sĩ chỉ biết đến khát vọng và quyền lợi của cá nhân mà xa rời lợi ích của quần chúng, xa rời thực tế cuộc sống của nhân dân.

3.  Kết bài

–   Tài năng, khát vọng nghệ thuật của người nghệ sĩ rất đáng được trân trọng song họ cần phải gắn bó với nhân dân; nghệ thuật chân chính phải xuất phát từ mục đích vì cuộc sống, vì con người. Chỉ khi giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa nghệ sĩ và nhân dân thì nghệ thuật mới có cơ sở để tồn tại và phát triển.

–   Vũ Như Tô chính là điển hình của mẫu nghệ sĩ có tài năng, có nhân cách, có hoài bậo lớn lao, đẹp đẽ song vì xa rời thực tế, ảo tưởng nên đã rơi vào bi kịch. Việc Vũ Như Tôphải trả giá đắt cho việc làm của mình có ý nghĩa như một bài học thức tỉnh những người nghệ sĩ đồng bệnh với ông…

0