24/05/2018, 22:05

Quá trình vận động hành lang trong vụ kiện 8

Năm 1998, lượng cá tra, cá basa filê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ có 260 tấn, nhưng đến năm 2001 con số này đã tăng vọt lên 7.746 tấn. Lo ngại trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đó, hiệp hội nuôi catfish ở các tiểu bang ...

Năm 1998, lượng cá tra, cá basa filê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ có 260 tấn, nhưng đến năm 2001 con số này đã tăng vọt lên 7.746 tấn. Lo ngại trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đó, hiệp hội nuôi catfish ở các tiểu bang Mississipi, Lousiana, Askansa, Alabama đã sử dụng vận động hành lang (Lobby) để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình, dưới áp lực của các lobby của CFA buộc các nghị sĩ ở các tiểu bang miền Nam phải có tác động tới Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cản trở nhập cá tra, cá basa của Việt Nam vào Mỹ. Tờ Washington Post ngày 10/9/2001 viết: “ Việt Nam đang bán phá giá sang Mỹ hàng ngàn tấn cá basa trong năm nay, gây thiệt hại cho các nhà nuôi cá nội địa. Nhiều nghị sĩ muốn Quốc hội yêu cầu gắn nhãn sản phẩm Việt Nam cho mặt hàng này”. Hai hạ nghị sĩ Dân chủ, Marion Berry và Mike Ross của bang Arkansar(nơi có nguồn cung cấp cá basa lớn thứ 3 ở Mỹ, sau Mississipi và Alabama) yêu cầu các hãng bán buôn không chỉ xác định rõ xuất xứ của cá basa Việt Nam, mà còn gắn cho sản phẩm này mác “basa Mekong”, “cá trê” hoặc “cá trê basa” để phân biệt với cái mà họ gọi là cá basa Mỹ “thứ thiệt”. Hạ nghị sĩ Berry đã theo đuổi vấn đề này với giới chức thương mại của Tổng thống Mỹ và cũng có dịp đề cập với các quan chức Việt Nam. Ông Berry tuyên bố, sẽ tìm cách đưa các điều khoản trên vào dự luật khi nó được trình trước Hạ viện hoặc được đưa ra thảo luận tại Thượng viện Mỹ tới đây. Duới sự tác động mạnh mẽ của lobby, tháng 9/2001 các đại biểu miền Nam nước Mỹ đã trình lên Quốc hội để tránh dùng từ catfish cho việc mua bán cá tra, cá basa trên thị trường Mỹ. Không những thế, chính quyền liên bang còn quyết định chi 6 triệu USD để mua catfish cho chương trình ăn trưa ở các trường học, chiêu bài này đã làm tăng hình ảnh về thương hiệu catfish cho cá da trơn của Mỹ. Đến tháng 12/2001 Quốc hội Mỹ thông qua lệnh cấm tạm thời, theo đó, chỉ có catfish của Mỹ mới được gọi là catfish, còn cá của Việt Nam phải được gọi bằng tên basa hay tra. Vậy do đâu lại có lệnh cấm oái ăm về tên gọi như vậy? Các nhà vận động hành lang cho ngư dân Mỹ lập luận rằng, cá của Việt Nam không hẳn là catfish và người Việt Nam đang lợi dụng thành quả tiếp thị của những người nuôi cá Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm trên có hiệu lực, cá tra, cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, điều đó chứng tỏ rằng sản phẩm này vẫn được người dân Mỹ chấp nhận và cũng khẳng định rằng cá Việt Nam không “lợi dụng thành quả tiếp thị của các nhà nuôi cá Mỹ”, cá của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận là do có lợi thế về giá cả và chất lượng. Lo ngại trước tình hình đó, CFA lại bắt đầu một chiến dịch chống cá tra, basa filê đông lạnh của Việt Nam bằng cách kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá sản phẩm này sang thị trường Mỹ. Chiến dịch được khơi mào ở thành phố Indianola (bang Mississipi, nơi đóng đô của CFA và chiếm tới 94% sản phẩm catfish của toàn bộ miền Nam nước Mỹ). Nhóm ngư dân này sẽ thuê hẳn một vài chuyên gia tầm cỡ từ Washington hỗ trợ cho các văn phòng tư vấn luật của bang và vận động hành lang cho vụ kiện. Chiêu bài mà họ sử dụng trong cuộc chiến này đó là qui cho những lô cá xuất khẩu của Việt Nam là những sản phẩm rẻ tiền, kém chất lượng mà người ta không thể nào tìm thấy ở một xưởng sản xuất cỡ gia đình như ở các trại cá của Mỹ ( phó Chủ tịch điều hành CFA). Ông này cho rằng mặc dù sản phẩm rẻ tiền của Việt Nam đang chiếm tới 20% thị phần và rất hấp dẫn các nhà hàng, khách sạn, nhưng “những nhà hàng khách sạn này chỉ quan tâm tới giá cả chứ chẳng để ý tới chất lượng của sản phẩm. Thêm vào đó các nhà vận động hậu trường cho vụ kiện còn cho rằng cá tra, cá basa của Việt Nam được nuôi trong môi trường bị nhiễm chất độc màu da cam gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dung, trong khi đó chính người Mỹ đã rải chất độc này trong cuộc chiến tranh với Việt Nam.

Ngày 28/6/2002, CFA đệ đơn kiện lên Uỷ ban hiệp thương quốc tế Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa sang thị trường Mỹ. Cùng với thời gian đó, ngày 2/7/2002, hai nghị sĩ Mike Ross và Ronnie Shows, đại diện cho CFA lại gửi thư trực tiếp đến bà Deanna Tanner Okun, Chủ tịch Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ, nêu luận điểm: “ Đại diện cho những người nuôi catfish Mỹ, chúng tôi khẩn cấp đề nghị Uỷ ban cân nhắc một cách có thiện chí đối với đơn kiện của CFA về việc cá tra, cá basa filê đông lạnh nhập từ Việt Nam được bán phá giá, gây cạnh tranh và làm thiệt hại tới các nhà nuôi cá catfish nội địa.”

Ngày 28/1/2003, DOC ra quyết định tạm thời xác định mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá của Việt Nam trong khoảng 31,45% - 63,88%, quyết định này của DOC đưa ra đã bất chấp luận điểm của Việt Nam đưa ra: việc sản xuất cá tra, basa của Việt Nam được thực hiện theo quy trình liên hoàn, khép kín. DOC nói chưa xem xét đến yếu tố này do còn nhiều khúc mắc. Đến tháng 3/2003, DOC đã cử đoàn quan chức sang Việt Nam khảo sát, chính họ đã thừa nhận quá trình sản xuất, chế biến cá tra, basa ở Việt Nam là theo chu trình khép kín. Song, ở quyết định cuối cùng, DOC lại cho rằng, ở Bangladesh không có doanh nghiệp nào sản xuất theo chu trình khép kín như các doanh nghiệp tại Việt Nam, nên giá thành sản xuất được tính từ giai đoạn chế biến. Tại sao họ lại đưa ra quyết định trái ngược lại với những gì họ đã khẳng định? Đó chính là do áp lực của các lobby của các tập đoàn nuôi cá da trơn Mỹ.

Cuối tháng 4/2003, Bộ Thương mại Mỹ đã gợi ý Bộ Thương mại hai bên sẽ tiến hành đàm phán “ về một thoả thuận đình chỉ vụ kiện” này. Từ ngày 2-9/5/2003, hai bên đã tiến hành đàm phán nhưng do quan điểm rất khác nhau nên cuộc đàm phán đã không đạt được thoả thuận cuối cùng. Mỹ đã đưa ra hạn mức xuất khẩu cá tra, basa filê đông lạnh của Việt Nam vào Mỹ với mức rất thấp và ấn định giá bán xuất khẩu rất cao, không thực tế nhằm cản trở việc nhập khẩu sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam. Trong cuộc đàm phán này, Việt Nam dựa vào chu trình sản xuất khép kín đối với loại sản phẩm này và đề xuất áp dụng hạn ngạch đối với cá tra, cá basa ở các mức: năm 2003 bằng 90%; năm 2004 bằng 95%; năm 2005 bằng 100% mức năm 2002. Ngày 23/7/2003, ITC tiến hành bỏ phiếu để đưa ra kết luận, tham gia bỏ phiếu có 4 thành viên của ITC ( thiếu 2 người) và cả 4 thành viên này đều bỏ phiếu thuận theo DOC và khẳng định Việt Nam đã bán phá giá cá tra, basa sang thị trường Mỹ.

Về phía Việt Nam, theo luật của Mỹ, công ty đại diện pháp lý không được sử dụng vận động hành lang, vì vậy, VASEP đã thuê hai công ty nổi tiếng để thực hiện việc này. Nhờ việc sử dụng vận động hành lang, chúng ta đã có được sự ủng hộ của 6 thượng nghị sĩ, các nghị sĩ này đã yêu cầu Quốc hội Mỹ xem xét lại các quyết định của mình trong cả cuộc chiến về tên gọi catfish cũng như cuộc chiến chống bán phá giá, nhưng những yêu cầu này đã bị bác bỏ. Trong thời gian diễn ra vụ kiện có rất nhiều tờ báo nổi tiếng lên tiếng ủng hộ Việt Nam, và sản phẩm cá tra, cá basa đã được rất nhiều dư luận Mỹ ủng hộ.

Ngày 7/8/2003, DOC chính thức công bố áp đặt thuế chống bán phá giá đối với 11 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá basa filê đông lạnh sang thị trường nước này. Sau khi đưa ra quyết định, đã có rất nhiều dư luận trên thế giới phản đối kết luận này của Mỹ, trong đó có sự chỉ trích của Thủ tướng Malayxia và của Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc. Cũng trong ngày 7/8, VASEP đã gửi đơn kiện lên Toà án Quốc tế Thương mại Hoa Kỳ, các thành viên của VASEP đều nhất trí theo đuổi vụ kiện này tới cùng . “VASEP sẽ kiện về sự bất nhất giữa quyết định sơ bộ và quyết định cuối cùng của ITC, họ không tôn trọng ngay chính kết luận và lời cam kết của họ” ( theo lời của ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư kí VASEP).

0