24/05/2018, 22:05

Hành vi và một số phương thức thực hiện hành vi tham nhũng

Hành vi tham nhũng là hành vi thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội tham nhũng đã được pháp luật qui định, đó là các hành vi có ý thức, có chủ định. Hành vi tham nhũng là hành vi của một cá ...

Hành vi tham nhũng là hành vi thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội tham nhũng đã được pháp luật qui định, đó là các hành vi có ý thức, có chủ định.

Hành vi tham nhũng là hành vi của một cá nhân hoặc một nhóm người trong đó có kẻ cầm đầu, nó thường tạo thành từ các nhóm người có quan hệ thân quen, họ hàng và gần đây trên thế giới lại hình thành các hành vi tham nhũng có tính tổ chức của nhiều người dựa trên lợi ích ích kỷ của họ. Loại hành vi này đang có xu hướng tăng lên rất mạnh mang lại hậu quả rất nghiêm trọng và có hai đặc trưng nổi bật: một là xuất hiện dưới phương thức tổ chức có đặc trưng khác với hoạt động cá nhân, loại này được gọi là tham nhũng siêu ngạch với những hình thức chủ yếu như biển lậu thuế có tổ chức, buôn lậu có tổ chức, làm giả có tổ chức, vơ vét tổ chức, xâm chiếm có tổ chức biểu hiện chủ yếu là xâm chiếm vốn của Nhà nước, hai là được sự hoàn thiện với sự tham gia của quyền lực của một tổ chức nhất định để đạt được mục đích thu được lợi ích hoặc lợi nhuận siêu ngạch .

Về hình thức tham nhũng chủ yếu vẫn thông qua các hành vi tham ô, hối lộ, lộng quyền, sách nhiễu, dùng quyền lực để mưu tư lợi, dùng tiền tài làm càn vi phạm pháp luật, dùng tiền tài thao túng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực….

Về thủ đoạn, các hành vi tham nhũng được hình thành bằng nhiều cách: kết cấu bên trong, móc ngoặc ngoài nước cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật phức tạp đã làm cho hoạt động tham nhũng ngày một trở nên khó bị phát hiện .

Về lĩnh vực: Đối tượng mà các hoạt động tham nhũng săn đuổi nói chung tập trung vào nơi có tiền bạc, nguồn lực, quyền hạn, hợp đồng, tài chính, chức vụ, cơ hội, …cho nên các lĩnh vực có tỷ lệ thành án cao trên thế giới ngày nay vẫn là các ngành ngân hàng, tài chính, thương mại, xuất nhập khẩu, dự trữ quốc gia, giao thông vận tải, bưu điện, xây dựng, các đề án nước ngoài, các nơi cấp phép hoạt động hoặc thông qua thủ tục hành chính, các cửa khẩu …

Động cơ tham nhũng được hình thành từ các yếu tố cơ bản như lòng tham, ham muốn vật chất, lòng ham địa vị và quyền lực cao, muốn làm giàu một cách nhanh chóng, muốn có cuộc sống và lối sống hơn người về lợi ích hoặc còn do nhiều yếu tố như thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, dễ sa ngã dẫn đến sự không chấp nhận sự mất cân đối giữa nhu cầu tiêu dùng với khả năng thu nhập và địa vị công việc của mình. Từ đây có thể phác hoạ một cách khái quát về tham nhũng và các yếu tố cấu thành của hành vi tham nhũng theo công thức sau:

Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 1/2002 tr 59

C (Tham nhũng) = M (Quyền lực) + D (Tuỳ ý định đoạt) – A (Trách nhiệm)

Hành vi tham nhũng = lợi ích của người có quyền + sự sơ hở, yếu kém trong quản lý Nhà nước (Sự lỏng lẻo không nghiêm của pháp luật )

Mục đích của hành vi tham nhũng là cái đích mà người phạm tội đặt ra trong óc mình và mong muốn đạt đến bằng hành vi phạm tội và khi có điều kiện khách quan cho phép thực hiện thì nó dễ trở thành hiện thực.

Các hình thức cơ bản của tham nhũng ở nước ta hiện nay vẫn là tham ô, hối lộ, dựa vào quyền lực để sách nhiễu, dùng quyền lực để mưu lợi riêng, dùng tiền để làm chuyện phi pháp và các thủ đoạn mà kẻ phạm tội triệt để lợi dụng là những sơ hở của pháp luật, chính sách, trong các biện pháp tổ chức, quản lý và điều hành. Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng và phức tạp nhưng thường tập trung ở các dạng sau

  • Có địa phương, đơn vị ra những chỉ thị, nghị quyết không đúng với chính sách, luật pháp của Nhà nước để thu lợi bất chính, phổ biến là lấy đất công để chia nhau, lấy đất của nông dân để bóc lột nông dân như một kiểu phát canh thu tô.
  • Đề ra hàng loạt các khoản bắt nông dân đóng góp, bưng bít thông tin, thiếu công khai minh bạch để xà xẻo, tư túi.
  • Gây khó khăn, sách nhiễu để đòi hối lộ dưới nhiều hình thức kể cả mua bằng, bán điểm.
  • Vừa là bên A, vừa có quyền chỉ định bên B để hưởng hoa hồng, tham nhũng lớn trong các chương trình, dự án kể cả các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học.
  • Khi xây dựng thì định mức kinh tế - kĩ thuật nâng cao lên, khi thực hiện thì lắt léo để giảm xuống, có lúc có công trình còn trên dưới 50% lấy chênh lệch, chia chác làm cho hàng loạt công trình mặc dù được hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt nhưng mới sử dụng đã hư hỏng.
  • Lợi dụng buôn bán vận chuyển, đi nước ngoài câu kết với bọn “buôn lậu thế kỷ”, có tính quốc tế (nhập tàu, xe cũ, máy móc lạc hậu…) bất chấp hậu quả cho dân và nền kinh tế miễn là có chênh lệch, có hoa hồng.
  • Thông đồng với nhau để vay tiền ngân hàng, tiền nước ngoài (như ODA…) đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mà không tính đến hiệu quả sử dụng.
  • Sử dụng tiền quỹ công, tiền tín dụng ưu đãi người nghèo, gia đình chính sách để cho vay lấy lãi, buôn bán lập quỹ đen, mua tặng phẩm có giá trị lớn tặng nhau …
  • Tạo thành tích giả để tham ô dưới hình thức tiền thưởng, quà cáp, biếu xén nhau ngày lễ, ngày tết, việc hiếu hỷ đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
  • Tranh mua hàng xuất khẩu chạy chọt quota để lấy ngoại tệ mua hàng tiêu dùng xa xỉ về bán lãi chia nhau gây lãng phí và rối loạn thị trường.
  • Lập những “dự án lừa” trồng rừng trên giấy, thành lập các “công ty ma” để hoàn thuế giá trị gia tăng để lấy tiền Nhà nước.
  • Thậm chí còn có tình trạng ăn cả tiền cứu trợ người đói nghèo, xã khó khăn, ăn chặn tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt…

Ngoài các thủ đoạn trên, kẻ phạm tội tham nhũng còn lợi dụng triệt để sự buông lỏng về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để phạm các tội tham ô, hối lộ, sử dụng vốn vào hoạt động không đúng mục đích…

0