04/06/2017, 23:47

Qua một số tác phẩm văn học dân gian đã được học và đọc thêm, anh (chị) có suy nghĩ gì về tinh thần lạc quan của nhân dân ta?

Văn học dân gian là sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động. Cũng có trường hợp người trí thức tham gia sáng tác văn học dân gian, nhưng các sáng tác đó phải tuân thủ các đặc trưng của văn học dân gian và trở thành tiếng nói tình cảm chung của nhân dân. Văn học dân gian có các thể ...

Văn học dân gian là sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động. Cũng có trường hợp người trí thức tham gia sáng tác văn học dân gian, nhưng các sáng tác đó phải tuân thủ các đặc trưng của văn học dân gian và trở thành tiếng nói tình cảm chung của nhân dân.

Văn học dân gian có các thể loại chủ yếu sau: thần thoại, sử thi. truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện, thơ... Và ở mỗi thể loại lại có những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần lạc quan của nhân dân ta ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tinh thần đó được thể hiện trong các tác phẩm văn học dân gian đó là lòng yêu đời vui vẻ, trong lao động họ hát, hò, đố nhau; trong ca dao tình yêu thì luôn mộc mạc, giản dị; ngay cả trong bị áp bức đau khổ nhất nhân dân ta vẫn không hề bi quan mà luôn lạc quan, tin tưởng hướng về phía trước, về "Mặt Trời hồng". Đặc biệt tinh thần lạc quan đó còn được thể hiện khá rõ nét qua các câu chuyện cổ tích, đó là ước mơ "ở hiền gặp lành", ước mơ hướng tới cái cao đẹp của nhân dân ta.
 
Trước hết tinh thần lạc quan của nhân dân ta được phản ánh qua các câu chuyện cổ tích. Nó thể hiện quan niệm đạo đức, lí tưởng và mơ ước của nhân dân về hạnh phúc và công lí xã hội. "Tấm Cám" là một trong những chuyện cổ tích thần kì phổ biến nhất ở Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần lạc quan của nhân dân ta. Chủ đề chính của truyện "Tấm Cám" là chủ đề xung đột giữa dì ghẻ và con chồng, tức loại chủ đề xung đột gia đinh, vốn chiếm vị trí quan trọng trong truyện cổ tích thần kì. Một chủ đề khác của truyện 'Tấm Cám" là chủ đề đấu tranh bảo vệ hạnh phúc chân chính của những con người chân chính. Cũng như các truyện cổ tích khác, quan niệm con người chân chính là những người hiền lành tốt bụng. Những người như vậy lại thường chịu nhiều nỗi thiệt thòi, gặp nhiều cảnh gian truân. Nhân vật Tấm tiêu biểu cho những người như vậy, và khi Tấm được làm vợ vua tức là có được hạnh phúc, thì đó là hạnh phúc chân chính - Tấm sống trở lại kiếp người, đoàn tụ với vua và trừng phạt mẹ con Cám, đó là sự phản ánh ý thức đấu tranh và nguyện vọng bảo vệ hạnh phúc chân chính của những con người chân chính. Chủ đề này cũng rất phổ biến trong nhiều truyện cổ tích khác. Trong truyện "Tấm Cám" có nhân vặt ông Bụt và mẫu đề nhân vật chết đi sống lại qua nhiều kiếp loài vật và cây cỏ. Nhân vật ấy và mẫu đề ấy có nguồn gốc sâu xa ở quan niệm vạn vật hữu linh, ở tín ngưỡng vật cổ, thời cổ và phản ánh sự phổ biến của đạo Phật ở nước ta. Ý nghĩa nhận thức tham mĩ của nhân vật và mẫu đề ấy là lòng tin vào sự tất thắng của cái thiện. Truyện phản ánh khá rõ số phận của cô gái mồ côi bất hạnh với ước mơ chiến thắng cái ác để giành và giữ hạnh phúc. Thông qua truyện, tác giả dân gian muốn thể hiện ước mơ thiện thắng ác, tinh thần lạc quan và nhân đạo của nhân dân ta.
 
Bên cạnh truyện cổ tích thì trong các truyền thuyết cũng phản ánh rất rõ tinh thần lạc quan của nhân dân ta. Truyền thuyết là những tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) theo xu hướng lí tưởng hoá, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc. Tinh thần lạc quan của nhân dân ta thể hiện trong các tác phẩm của thể loại truyền thuyết không đơn thuần ở sự thể hiện những quan hệ tình cảm đời thường ngay trong lúc cam go nhất. Những chủ đề tình yêu hay sinh hoạt gia đình, tình cảm cha mc con cái., khi đi vào truyền thuyết đều được chi phối bởi cảm quan lịch sử. Truyền thuyết không phản ánh chính xác các sự kiện và nhân vật lịch sử, mà quan tâm hơn đến sự lay động tình cảm và niềm tin của người nghe sau những sự kiện và nhân vật đó. Vì vậy truyền thuyết thường gắn với lễ hội và phong tục thờ cúng. Tinh thần lạc quan của nhân dân được thể hiện ở ngay trong những nhân vật và sự kiện lịch sử cũng được nhân dân "chỉnh sửa” cho có phần “lạc quan" hơn theo ý muốn chủ quan của mình. Chẳng hạn trong lịch sử kể rằng. Hai Bà Trung sau khi thất bại đã nhảy xuống dòng sông Hát Giang tự vẫn, nhưng trong truyền thuyết, hai bà lại cưỡi hạc bay về trời. Kết cục đó không đúng như lịch sử, nhưng đã làm dịu bớt nỗi xót xa và phù hợp với tình cảm trân trọng của nhân dân đối với hai vị anh hùng dân tộc. Trong truyện "An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thuỷ chi tiết An Dương Vương cầm sừng tê rẽ nước đi xuống biển cũng thể hiện ý trên. Nhân dân không muốn một nhân vật có công lớn với đất nước như An Dương Vương phải chết nên đã mượn yếu tố tưởng tượng kỉ ào để chữa lại kết thúc bi thảm đó.
 
Tinh thần lạc quan của nhân dân ta được thể hiện rõ qua truyện cười dân gian, trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày, truyện cười dân gian được kể (lưu truyền) qua nhiều thế hệ để tăng thêm tinh thần lao động hăng say cho nhân dân. Truyện cười hay còn gọi là truyện tiếu lâm (có nghĩa là rừng cười) là một trong những thể loại tự sự tiêu biểu trong dòng văn học hài hước dân gian, bao hàm những loại truyện khác nhau về tính chất của đối tượng, phản ánh và do đó cả về tính chất hài hước. Ở truyện cười dân gian Việt Nam, đó là các loại truyện khôi hài, cái hài hước nằm trong những hiện tượng trái tự nhiên. Những hiện tượng trái tự nhiên nay mang tính chất hài hước chỉ ở mức độ gây nên những phản ứng về mặt tư duy lô gích chứ chưa phải là những phản ứng về mặt đạo đức xã hội. Ví dụ trong các truyện “Cháy”, “Treo biển”, "Ba anh mê ngũ"... tính chất hài hước của những lời nói, hành vi, cử chỉ của nhân vật có nguyên nhân ở sự hiểu lầm lời nói của nhau hoặc ở một các tật thuộc về sinh lí, chứ không phải do các nhân vật có thói xấu nào trong tính cách. Trong loại truyện trào phúng, cái hài hước nằm trong những con người có những thói xấu đi ngược lại những quan điểm đạo đức xã hội của nhân dân như thói lười biếng, xu nịnh, hách dịch... Ví dụ như các truyện "Trạng Quỳnh", “Trạng Lợn", "Ông Ó", “Tam đại con gà”, …Truyện cười dân gian là một biểu hiện của tinh thần lạc quan, chí thông minh sắc sảo và tinh thần đấu tranh chống lại cái xấu của nhân lân lao động.
 
Bên cạnh truyện cười dân gian là thần thoại. Thần thoại là hình thức truyện kể dân gian cổ nhất hình thành và phát triển trong thời kì đồ đồng, thần thoại là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hoá, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và của đời sông con người. Mác viết: "Bất cứ một truyện thần thoại nào cũng đều khắc phục, khống chế và nhào nặn các lực lượng của tự nhiên trong trí tưởng tượng” và "thần thoại là tự nhiên và bản thân các hình thái xã hội được trí tưởng tượng của dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật và vô ý thức". Tinh thần lạc quan của nhân dân ta thể hiện ở chỗ: ngay từ trong thời kì đồ đồng gắn với tín ngưởng nguyên thủy, nhân dân ta đã “nường tượng” để giải thích nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên, giải thích nguồn gốc loài người. Đối với người đời sau thần thoại không những có giá trị như là những tài liệu quý cho các ngành khoa học như dân tộc học, sử học, tôn giáo, mà còn có giá trị thẩm mĩ to lớn, còn hấp dẫn chúng ta bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo vì đã được sản sinh ra trong "những điều kiện xã hội vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa"(Mác).
 
Nhóm thần thoại suy nguyên luận gồm những truyện kể nhân cách hóa và giải thích nguồn gốc của vũ trụ, của các quá trình diễn ra trong giới tự nhiên và cuộc sống muôn loài (như thần trụ trời, nữ thần Mặt Trăng, nữ thần Mặt Trời, thần Mưa, thần Gió, thần Biển...)
 
Nhóm thần thoại lịch sử gồm những truyện kể về nguồn gốc dân tộc (các truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ; Quả bầu tiên...), về sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc (thần Tản Viên, Ông Gióng, An Dương Vương...). Truyện thần thoại phản ánh ước mơ của con người: ước mơ sống hoà họp với tự nhiên và chiến thắng tự nhiên (Lạc Long Quân và Âu Cơ), thể hiện ước mơ về một tự nhiên hoà thuận, thể hiện lưỡng hợp mùa màng sinh sôi nảy nở. Cao hơn cả vẫn là ước mơ chinh phục tự nhiên và chiến thắng tự nhiên. Ví dụ: Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Cóc kiện trời thể hiện tình thần lạc quan, đoàn kết của con người và ý chí quyết tâm chinh phục tự nhiên. Đó còn là ước mơ về cuộc sống no đủ và nhàn hạ. Nó phản ánh trực tiếp ước mơ hồn nhiên, giản dị trong nhận thức của con người, mong muốn nhận được sự ưu đãi của tự nhiên để sống nhàn hạ hơn, tạo nên giá trị nhân văn của tác phẩm thần thoại.
 
Thần thoại Việt Nam đã vẽ nên được những nét lớn, một bức tranh thần thoại hoá về đất nước, con người và những sự kiện lịch sử, xã hội quan trọng trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc, đồng thời ghi nhận những giá trị tinh thần truyền thống đầu tiên của dân tộc: cần cù xây dựng đất nước, đoàn kết dân tộc, bất khuất kiên cường trong đấu tranh bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lãnh thổ.
 
Cũng thể hiện tinh thần trên như thần thoại thì ở truyện thơ lại có những sắc thái biểu hiện riêng. Truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số là những sáng tác truyền miệng mang đậm bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, phản ánh tâm hồn, tình cảm của đồng bào các dân tộc. Phần lớn cốt truyện của truyện thơ được lấy từ truyện cổ tích, có tình tiết, nhân vật cụ thể, nhưng nhiều câu thơ trong truyện lại mượn từ những câu ca dao, dân ca quen thuộc của mỗi dân tộc. Nghệ thuật kết hợp tự sự và trữ tình khiến cho truyện thơ vừa có khả năng phản ảnh khá sâu sắc hiện thực đời sống vừa thấm đẫm tâm trạng, tình cảm, tâm hồn con người các dân tộc trong hiện thực đó. Không phải dân tộc thiểu số nào cũng có truyện thơ. Một số truyện thơ quen thuộc thường được kể trong các dân tộc như: Út lót - Hồ liêu (Mường); Chàng Lú - Nàng Uá, Tiễn dặn người yêu (Thái)... Cùng với những lời thở than dằng dặc, truyện thơ còn thể hiện thái độ của người lao động nghèo phản kháng những kẻ bóc lột, trừng trị bọn cường hào ác bá, đấu tranh cho chính nghĩa, mong ước được đổi đời, sống ấm no hạnh phúc... phản ánh tinh thần lạc quan, lòng yêu đời, ham sống của người dân lao động các dân tộc.
 
Đặc biệt, tinh thần lạc quan của nhân dân ta còn được thể hiện khá cụ thể trong các thể loại: vè, ca dao, câu đố. Và tinh thần này được nhân dân ta khẳng định ở mọi sinh hoạt của đời sống.
 
Trước hết ở vè. Vè là một thể loại sáng tác dân gian kể truyện bằng văn vần của Việt Nam, một thể loại truyền miệng mang tính chiến đấu, tính quần chúng rõ rệt, chú trọng người thật việc thật, những biến cố có tính chất đột xuất của làng xã ngày xưa (vè thế sự) hoặc những sự việc lớn có vang động đến cả nước như vè lịch sử. Vè sử dụng nhiều hình thức khác nhau như lục bát, hát dặm, nói lối … Tính khuynh hướng của vè rõ rệt, mũi nhọn phê phán thường tập trung vào những tên cường hào gian ác, tham lam: "Ác ngầm thắng mới, nói dối thắng đại, ăn hại thắng hành, ăn tranh thắng quyết" (về nhân vật làng ta). Và một số loại vè khác như: vè đi ở, vè chăn trâu... Thuật ngữ vè còn dùng để chỉ một số bài hát trẻ em (đồng dao). Những bài vè về chim muông, tôm cá, hoa quả, cây cối... đã trở thành những bài sinh vật truyền miệng làm cho các em nhanh chóng tiếp xúc với thế giới xung quanh. Bài hát vừa vui, vừa có tác dụng rèn luyện sự hiểu biết, tập dượt bước vào đời. Khi thực dân Pháp xâm lược và áp bức nặng nề, nhân dân ta vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai, vè chống Pháp vì thế mà phát triển khả nhanh ví dụ: vè Quảng - giang (Bình - Trị - Thiên), vè "Cù Chinh Lan đánh giặc", vè "du kích Nguyễn Thị Chiên"...Trong các thể loại tự sự dân gian, vè có vị trí đặc biệt, cùng với ca dao, vè góp phần quan trọng tạo ra cái nền của truyện thơ dân gian.
 
Đi đôi với thể loại vè là câu đố. Câu đố là một thể loại của văn học dân gian, phản ánh hiện thực bằng lối nói trệch, lối nói một đằng hiểu một nẻo. Phương pháp phản ánh này xuất hiện từ sự quan sát những nét giống nhau thường thấy giữa các sự vật và hiện tượng khác nhau của thế giới khách quan. Ví dụ câu đố: "'vừa bằng lá tre sum soe đánh vật"(Cái kéo). Đối tượng nhận thức của câu đố Việt Nam phần lớn là các sự vật và hiện tượng ở nông thôn có liên quan mật thiết đến công việc lao động và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân như công việc lao động sản xuất (Cấy lúa, tát nước, giã gạo, bắt cua...), các vật thường dùng (cày, cuốc, cối xay lúa, võng...), các loại cây cối và con vật quen thuộc (lúa, ngô, cau, dừa, tre,... trâu, bò lợn, gà....). Có thể coi câu đố là những bài học thường thức đầu tiên về thế giới sự vật quanh mình, những bài học có tác dụng kích thích óc suy xét, trí phán đoán. Trong sinh hoạt "đố nhau", nguồn khoái cảm nghệ thuật chủ yếu là ở chỗ phải khéo vận dụng trí thông minh và vốn hiểu biết về thế giới khách quan nhằm khám phá cho được những sự vật và hiện tượng đế câu để trình bày một cách nửa kín nửa hở trong các hình ảnh ẩn dụ. Ví dụ “vừa băng lá tre ngo ngoe dưới nước "(con đỉa), "không vả mà xưng"(cái nhọt)... và vì vậy từ xưa Arixtot đã từng xếp tục ngữ và câu đố vào lĩnh vực “sự bắt trước của nghệ thuật".
 
Và phải đến ca dao, tục ngữ thì tinh thần lạc quan của nhân dân ta mới thực sự được in đậm. Con người ta ai cũng muốn thành đạt nhưng con đường dẫn đến thành công thường quanh co khúc khuỷu và lắm chông gai. Để động viên con cháu vững chí bền gan phấn đấu và tin tưởng ở thắng lợi, ông cha ta có câu tục ngữ:
 
Có công mài sắt có ngày nên kim
 
Hay:
 
Một cây làm chẳng lên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
 
Có thể nói có rất nhiều câu tục ngữ thể hiện đậm nét tinh thần lạc quan ở tương lai mà cha ông ta lưu truyền cho thế hệ sau.
 
Đến ca dao, dân ca thì tinh thần lạc quan của nhân dân ta càng được lung linh toả sáng hơn bao giờ hết. Ca dao cổ truyền Việt Nam có nội dung phản ánh đời sống sâu rộng, có tính trữ tình đậm đà, đồng thời cũng có tính tư tưởng sâu sắc. Ca dao có ba nội dung lớn đó là: ca dao than thân, tiếng hát yêu thương tình nghĩa, ca dao hài hước... Trong ca dao có thể tìm thấy những kí ức dân gian về một số sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng, những bằng chứng về tập quan làm ăn, tập tục gia đình và xã hội, tâm lí và thị hiếu của các tầng lớp nhân dân lao động thời xưa.
 
Trong ca dao yêu thương tình nghĩa ta thấy được truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong tình yêu lứa đôi và tình nghĩa đối với quê hương, con người. Những câu hát yêu thương, tình nghĩa là chủ đề nổi bật, xuyên thẳm trong rất nhiều câu hát. "Không chờ đợi thơ chính quy thơ chuyên nghiệp diễn tả hộ cho minh, những người lao động từ thế kỉ này qua thế kỉ khác, diễn tả trực tiếp lòng mình yêu thương sướng vui, đau khổ" (Xuân Diệu).
 
- Cô kia đứng ở bên sông
Muốn sang anh ngã cành hồng cho sang.
 
- Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
 
Ca dao ra đời và tồn tại là để đáp ứng những nhu cầu bộc lộ tình cảm của nhân dân. Cùng với ca dao yêu thương tình nghĩa, ca dao than thân cũng có số lượng lớn và tiêu biểu cho kho tàng ca dao Việt Nam về nội dung cũng như nghệ thuật. Nhiều bài ca dao không chỉ là lời than thở về cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực đắng cay mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất con người. Đó là thân phận nỗi niềm của người phụ nữ, người nông dân ngày xưa:
 
- Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
 
- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân.
 
Nội dung cảm xúc và chủ đề của ca dao rất da dạng. Ngoài ca dao yêu thương tình nghĩa và ca dao than thân có không ít những bài ca dao hài hước châm biếm. Cùng với truyện cười, vè sinh hoạt, ca dao hài hước, châm biếm đã thể hiện tập trung các nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam nhằm tạo ra tiếng cười giải trí và phê phán những thói hư tật xấu, những hạng người đáng cười trong xã hội:
- Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cổ chẳng sai đám nào.
 
- Anh hùng là anh hùng rơm
Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng.
 
Qua những câu ca dao dân ca trên, ta cảm nhận được tiếng cười lạc quan yêu đời của người dân ta. Tinh thần lạc quan yêu đời được toả sáng cả khi cuộc sống còn bộn bề vất vả, thậm chí còn chất chứa cả trong những giọt lệ nóng hổi. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người dân ta vẫn luôn hướng tới một tương lai tươi sáng, chúng ta thật tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở một dân tộc như vậy.
 
Nói tóm lại qua các tác phẩm văn học dân gian đã được học và đọc thêm thì thế hệ trẻ chúng ta ngày nay vô cùng khâm phục và tự hào về tinh thần lạc quan của người dân ta. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc mà mỗi người dân Việt Nam phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tiếp thu và phát huy truyền thống đó. Bởi trong cuộc sống hàng ngày sự tác dộng của hoàn cảnh khách quan của dư luận đối với mỗi con người là điều tất yếu. Song điều cơ bản là thái độ của con người trước những tác động đó như thế nào? Nên chủ động tự tin vào mình hay phụ thuộc vào hoàn cảnh? Dĩ nhiên là phải chủ động tự tin và chiến thắng hoàn cảnh phải không các bạn? "Dù ai nói ngã nói nghiêng thì lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân nhé các bạn! Mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình một ý chí bền vững, một lập trường kiên định và một quyết tâm cao. Chúng ta bắt buộc phải trải qua một quá trình phấn đấu lâu dài gian khổ, rèn luyện cho mình khả năng vượt khó và có một niềm tin vững chắc vào bản thân trong quá trình lao dộng, vào mục đích ban đầu đặt ra đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh khách quan. Chỉ có như vậy mới xứng đáng với tinh thần lạc quan mà cha ông ta đã lưu truyền.
 
Các tác phẩm văn học dân gian, đặc biệt là các tác phẩm văn học dân gian thể hiện tinh thần lạc quan của nhân dân ta là lời khuyên nhủ chân tình và là một bài học sâu sắc rút ra từ thực tế đời sống trải qua bao thế kỉ của dân tộc ta. Trong hành trang bước vào đời của mỗi con người không thể thiếu vắng những bài học quý giá đó. Tinh thần lạc quan là cái đưa đến mọi thành công của mỗi con người. Điều đó chắc hẳn ai cũng phải thừa nhận.

oranh11

0 chủ đề

23755 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0