Phú Thọ
“ Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” Câu ca ấy đã in đậm, ghi sâu trong tâm thức mỗi người con đất Việt, như nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng nhớ về nguồn cội, hành hương về miền đất Tổ để tri ...
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”
Câu ca ấy đã in đậm, ghi sâu trong tâm thức mỗi người con đất Việt, như nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng nhớ về nguồn cội, hành hương về miền đất Tổ để tri ân công đức tổ tiên. Qua miền văn hoá mời bạn cùng về thăm Phú Thọ - mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, nơi khởi nghiệp 18 đời vua Hùng, mảnh đất được coi là văn hiến và văn vật với nền văn minh nông nghiệp từ thuở bình minh dựng nước.
Phú Thọ: Miền đất Tổ - huyền thoại và lịch sử
Phú Thọ là một tỉnh thuộc trung du miền nuí phiá Bắc, từ 20055 đến 21043 vĩ độ Bắc và từ 104048 đến 105027 kinh độ Ðông. Phú Thọ có địa hình đa dạng, từ vùng núi cao quanh năm mây phủ, miền đồi gò san sát như bát úp xanh thắm nương chè, rì rào tán cọ đến vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ với đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, ngô xanh rờn đất bãi... Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt Cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Mảnh đất này trải mấy ngàn năm lịch sử còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều giá trị thiên nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, tạo ra nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Mảnh đất nơi đây gắn liền với huyền thoại về dòng giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử dựng và giữ nước của 18 đời vua Hùng - triều đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Miền Đất Tổ với đền đài, lăng tẩm Vua Hùng trên sườn núi Nghĩa Lĩnh... được bao phủ bởi lớp sương huyền thoại với những sắc màu lung linh, kỳ ảo khiến cho mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi đường nét kiến trúc trong các di tích nơi đây cứ như ẩn như hiện giữa hiện thực cuộc đời.
Mẹ tiên Âu bố rồng Lạc - khởi nguyên thần thoại dân tộc Việt Nam, nhưng Âu Việt miền đồi gò thung lũng kết hợp với Lạc Việt miền sông núi biển cả để trở thành Âu - Lạc và miền Đất Tổ, xuất phát điểm địa lý của sự hình thành Nhà nước của người Việt cổ là một hiện thực. Chuyện Hùng Vương kén rể, chuyện tình của Sơn Tinh tức thần núi Tản, của Thủy Tinh thần nước với Mỵ Nương công chúa là huyền thoại nhưng sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, sự nghiệp chống ngoại xâm giữ nước của người Việt cổ lại là sự thật lịch sử rõ ràng. Hiện thực đó hiển hiện qua hàng trăm di chỉ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt sớm được phát hiện và khai quật bao năm qua trên miền Đất Tổ. Và, những chiếc cuốc đá, rìu sắt, lưỡi cày, liềm hái đồng thau ... cùng bao vòng tay hạt chuỗi, khuyên tai đá-ngọc đứng xếp hàng trong nhà Bảo tàng Đất Tổ-Vua Hùng là những vật minh chứng cho cả một chặng đường dài lịch sử vài thiên niên kỷ trước công nguyên.
Trong các truyền thuyết của người Việt có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến thời đại của các Vua Hùng được truyền lại trong dân gian đến nay. Đó là chuyện Vua Hùng kén rể, chuyện nàng công chúa Tiên Dung với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử, là sự tích bánh chưng, bánh dày gắn với tích Hùng Vương chọn người truyền ngôi báu... Nhưng cùng với những truyền thuyết đó, là những trang sử được ghi lại: "Thời Trang Vương nhà Chu năm 692-682 TCN, ở bộ Gia Ninh có dị nhân dùng yêu thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, truyền 18 đời đều gọi là Hùng Vương." (Đại Việt sử lược). Trong Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn cũng thấy chép rằng, Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, nay là huyện Bạch Hạc.
Qua những công trình nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh rằng, từ ngàn năm trước, dải đất từ Việt Trì đến Đền Hùng và một số địa danh phụ cận là đất phát tích của người Việt Nam. Nơi đây đã ra đời một kinh đô đầu tiên, Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và Đền Hùng là nơi thờ tự 18 đời Vua Hùng theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Mỗi địa danh trên đất Phú Thọ, đặc biệt là dải đất từ Việt Trì đến Đền Hùng đều có tên gọi gắn liền với một tích cổ thời Hùng Vương. Tích Vua Hùng chọn đất đóng đô ở Bạch Hạc, nơi hội tụ của ba con sông cửa ngõ giao lưu đường thuỷ. Mùa xuân hằng năm, trên bến sông này lại có hội bơi chải diễn lại tích "Thổ lệnh Thạch Khanh" từ thời nhà Hùng. Tích Vua Hùng dạy dân cấy lúa được thể hiện lại ở Minh Nông. Đất Dữu Lâu có vườn trầu của nhà Vua; đất Hương Trầm gắn liền với tích về một cánh đồng, nơi hoàng tử Lang Liêu trông lúa thơm làm bánh chưng, bánh dầy...
Khi đặt các tích cổ và các công trình khảo cổ khoa học về Đền Hùng và những vùng đất lân cận bên cạnh nhau, để thêm một lần chúng ta có cơ sở để công nhận Đền Hùng là Đất tổ của người Việt. Và cũng có thể nhận định, Đền Hùng là một khu di tích chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn dân tộc Việt ta. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bền vững và sống mãi trong tâm thức của 54 đồng bào các dân tộc Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác, qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê... đã làm nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Dấu ấn vàng son của thời lịch sử dựng và giữ nước của các Vua Hùng đã in dấu qua hệ thống lăng tẩm, đền đài trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145 m. Ba đỉnh núi: núi Hùng, núi Vặn, núi Trọc theo truyền thuyết là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời. Toàn bộ Khu di tích gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.
Đến với quần thể di tích Đền Hùng, ta sẽ gặp ở đó là Là Ðền Hạ: Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Đền Hạ
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.
Là Ðền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày. Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.
Là Ðền Thượng: nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV).
Ðền Thượng
Là Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương)
Là Ðền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.
Ðền Giếng
Là Đền Quốc mẫu Âu Cơ: Đền được xây dựng với kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ Đông Sơn, được xây dựng trên núi ốc Sơn, cao trên 147 m so với mực nước biển. Đền được xây dựng thời Hậu Lê trên một khoảng đất rộng giữa cánh đồng. Ngôi đền nằm ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, quay mặt về hướng chính Nam bên tả có giếng Loan, bên Hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng có sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, xung quanh đền cây cối xum xuê, mái lợp ngói mũi hài cổ kính. Kiến trúc đền Mẫu Âu Cơ tuy không đồ sộ (gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung) nhưng có những bức chạm gỗ quý giá được coi là những tiêu bản của nền nghệ thuật đương đại. Trong đền còn bảo lưu được một hệ thống các di vật cổ có giá trị thẩm mỹ cao như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, Long Ngai, khám thờ.... được đục chảm tỉ mỉ và tinh tế.
Đền Quốc mẫu Âu Cơ
Có thể nói, Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam.
Phú Thọ - nơi bảo lưu các lễ hội văn hoá dân gian cổ truyền
Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Phú Thọ được coi là miền quê có hệ thống di tích và lễ hội dày đặc, mỗi lễ hội có một sắc thái riêng thật đặc sắc và độc đáo.
Lễ hội dân gian cổ truyền ở vùng đất cội nguồn dân tộc rất phong phú, đa dạng, khá nhiều lễ hội có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, lễ hội dân gian cổ truyền ở vùng đất Tổ giữ một vai trò rất đặc biệt trong kho tàng lễ hội dân gian Việt Nam, nó mang đậm bản sắc dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn biểu thị tinh thần đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc. Lễ hội ở đây phần lớn là hội làng song nhiều lễ hội mà tầm ảnh hưởng của nó lan tỏa trong một vùng rộng lớn, lễ hội Đền Hùng mang tính cả nước được kết tinh từ nét đẹp các hội làng của vùng đất Tổ.
Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, đây là biểu hiện đầy đủ nhất về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Vào dịp lễ hội, hàng chục vạn đồng bào cả nước nô nức hành hương về Đền Hùng thắp nén hương thơm tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nét đẹp truyền thống đạo lý đó đã trở thành ý thức hệ văn hóa tinh thần và tín ngưỡng dân tộc độc đáo: Thờ cúng ông bà, tổ tiên trong dòng họ và thờ cúng tổ tiên chung của cộng đồng. Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng trở thành biểu tượng và điểm hội tụ tâm linh biểu thị tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Cùng với lễ hội Đền Hùng, trên mảnh đất tổ linh thiêng còn rất nhiều các lễ hội truyền thống từ ngàn năm truyền lại - đây là những di sản văn hoá phi vật thể tích hợp tầng sâu của nền văn hoá Việt Nam như: hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Phết Hiền Quan, hội rước voi Ðào Xá, hội bơi chải Bạch Hạc, hội hát xoan, hát ghẹo Kim Ðức, hội trò trám Tứ Xã, hội rước Chúa Gái Hy Cương, hội ném còn, cồng chiêng, bắn nỏ của dân tộc Mường...
Có thể nói, lễ hội dân gian Phú Thọ - chính là cơ sở bảo tồn văn hóa làng xã và di sản văn hóa dân tộc. Lễ hội Phú Thọ mang nhiều yếu tố của lễ hội người Việt nhưng lại mang những sắc thái văn hóa cổ đặc sắc với nét văn hóa gốc.
Tín ngưỡng phồn thực và tục thờ sinh thực khí là hình thái tín ngưỡng cổ xưa ở tầng sâu nguyên thủy văn hóa dân tộc. Điển hình như lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã (Lâm Thao), ở xã Hà Lộc, Phú Hộ (Phù Ninh), xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ). Hay “Hội ôm” ở An Đạo (Phù Ninh), Thanh Uyên (Tam Nông), Dữu Lâu (TP Việt Trì).
Thờ sinh thực khí hay thờ “Nõ”, “Nường” cũng là hình thức tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được thấy khá phổ biến ở Phú Thọ mà “Nõ” biểu hiện tính dương được làm bằng gỗ - thường là gỗ mít và sơn đỏ, “Nường” biểu hiện tính âm thường được làm bằng mo cau và được vẽ bằng vôi và mực tàu “y như thật”. Nhân dân thường gọi là “Cua mò cò gỗ”, cả cặp gọi là kén. Thờ “Nõ”, “Nường” là nghi lễ thiêng liêng của làng xã được gọi là “lễ mật” cử hành trong miếu vào nửa đêm, chỉ có chủ tế, ông từ và một vài cặp trai gái hành lễ. Trai cầm “Nõ”, gái cầm “Nường” đứng hai bên bàn thờ, chủ tế điều khiển cho trai gái chọc nõ vào nhau và hát “cái sự làm sao? Cái sự làm vậy! Cái sự thế nào? Cái sự thế này!”. Cũng có nơi chỉ có ông từ và chủ tế thực hiện mà không có trai gái tham gia. Thờ Nõ Nường có thể coi là biểu hiện của tục thờ Linga - Yoni phổ biến ở Nam Á và Đông Nam Á mà nguồn gốc có thể coi la Ấn Độ.
Một biểu hiện đặc thù khác của văn hóa lễ hội Phú Thọ là tiếng hú, những hình thức nghi lễ có tiếng hú. Tiếng hú gợi lên sự hoang dã cổ sơ là một cách sinh hoạt đặc trưng của vùng trung du, đồi núi và rừng. Người đi rừng hú để gọi nhau, trai gái hú để tìm nhau tỏ tình, người lên nương, người ở làng đầu hồi hú để gọi nhau. Trai gái vừa hú vừa múa, vừa hú trước khi giao tính nam nữ. Rõ ràng hú để gọi tình. “Từ cuộc đời hú đi vào nghi lễ”, ở xã Hy Cương (Việt Trì) có lễ hội “Rước tiếng hú” ở đình làng thờ Sơn Tinh và Ngọc Hoa Tương truyên xa xưa khi mỗi lần Sơn Tinh đưa Ngọc Hoa về thăm Vua cha bên núi Nghĩa Lĩnh khi về núi Tản chàng Sơn Tinh lại hú để tìm Ngọc Hoa.
Phú Thọ còn nổi tiếng ở lễ hội vật đầu xuân. Người xưa có câu “Vật là đầu hàng võ”. Vật luyện nhiều đức tính can đảm, nhanh trí khỏe mạnh. Vì vậy, nhân dân ta thường gọi đánh vật, võ vừa vật vừa dùng miếng đánh ngã đối phương. Có những làng vật truyền thống nổi tiếng như: An Đạo (Phù Ninh), An Thái Dữu Lâu, Lâu Thượng (Việt Trì).
Bên cạnh trò chơi võ vật và đấu kiếm, đấu voi, vật cù, bắn nỏ, ném lao, bơi chải còn diễn ra trò chơi có tính chất thi tài như nấu cơm, đánh cờ.
Lễ hội và tục thờ nhân thần những người có công với nước, những người khai thiên lập địa, dựng làng dựng nước cũng được nhân dân tôn thờ và tổ chức các lễ hội tưởng nhớ với nét văn hóa đặc sắc của Phú Thọ như: Hội Phết (Hiền Quan), lễ hội Cầu Trâu, bơi chải Bạch Hạc...
Đất Tổ Phú Thọ - nơi bảo lưu nhiều nghi lễ cổ xưa của cư dân nông nghiệp như rước lúa thần, rước các hình mã gia súc, rước nông cụ, lễ gọi lúa, lễ cầu nước… có thể nói Phú Thọ chính là đất ươm trồng văn hóa làng xã với biểu hiện tập trung là lễ hội. Đến với Phú Thọ, người ta có thể tìm ra những lời giải đáp của quá khứ về văn hóa dân tộc đi từ cội nguồn, có thể xới lên nhiều tầng văn hóa chồng phủ lên nhau, trong đó có cả tầng nền móng để đi từ văn hóa Văn Lang tới văn hóa Đại Việt.