31/03/2021, 15:29

Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà" số 2 - 10 Bài văn phân tích phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà"

Nguyễn Tuân là một cây bút tài hoa, lịch lãm “thông kim bác cổ”. Những trang viết của ông đem đến cho người đọc rất nhiều kiến thức: văn hóa, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, quân sự, võ thuật và cả những thông tin khoa học. Tùy bút Người lái đò sông Đà làm sống dậy cảm nhận của người ...

Nguyễn Tuân là một cây bút tài hoa, lịch lãm “thông kim bác cổ”. Những trang viết của ông đem đến cho người đọc rất nhiều kiến thức: văn hóa, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, quân sự, võ thuật và cả những thông tin khoa học. Tùy bút Người lái đò sông Đà làm sống dậy cảm nhận của người đọc về sông Đà như nó vốn có. Bài tùy bút ngoài việc đem lại những rung cảm thẩm mĩ còn giúp người đọc hiểu nhiều điều bổ ích về lịch sử, địa lí, địa thể, đặc biệt là những con thác đủ loại, những tài nguyên của đất nước những bài thơ về sông Đà của Nguyễn Quang Bích, Tản Đà, thơ Đường...


Những trang miêu tả thạch trận thủy quái sông Đà và nghệ thuật vượt thác của ông lái đò có giá trị tạo hình cao giống như một cuốn phim quay cận cảnh. Vốn từ ngữ quân sự phong phú được sử dụng điêu luyện lại xen vào những từ ngữ cổ (vu hồi, giao chiến, thanh la, đòn tỉa...) tạo cho người đọc cảm tưởng trận thủy chiến đã diễn ra từ muôn xưa đến nay. Phong cách Nguyễn Tuân bộc lộ qua tùy bút Người lái đò sông Đà ở cách nhìn, cách miêu tả thiên nhiên. Nguyễn Tuân thích cái độc đáo duy nhất, thích tô đậm cái phi thường, thích gây cho người đọc cảm giác choáng ngợp. Điều đó đã khiến ông tìm đến sông Đà. Sự dữ dội mãnh liệt và cái tuyệt mĩ, thơ mộng của sông Đà đã thu hút nhà văn.


Ngòi bút Nguyễn Tuân được thỏa sức tung hoành trong môi trường yêu thích của mình khiến cho nhiều lúc dường như ông quên mất độc giả. Ông chỉ biết có sông Đà và chú tâm vào mỗi việc đem tài hoa của mình ra làm cho sông Đà dậy sóng, dậy đá. Sông Đà cũng vậy, dường như chỉ một mực quấn vào câu văn Nguyễn Tuân mà vùng vẫy, reo cười. Với lối viết riết riêng, sông Đà đã trở thành sông Đà - Nguyễn Tuân. Sông Đà được vẽ lên bằng ngòi bút biến hóa tài tình độc đáo. Sông Đà - dữ dội, sông Đà - anh hùng ca, sông Đà - nên thơ. Bản chất sông Đà là vậy. Tài năng của nhà văn đã làm cho bản chất ấy sắc nhọn thêm. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, sông Đà không phải là một cảnh trí thiên nhiên vô tri giác mà là một sinh thể sống động, một nhân vật đầy sức sống, có cá tính, có tâm trạng khá phức tạp.


Tác giả gọi đó là tính cách vừa “hung bạo” vừa “trữ tình”. Sông Đà “hung bạo” là sông Đà hiểm trở, dữ dội, nguy hiểm đến chết người với những đoạn bờ sông dựng thành vách cao vút, những thác nước hung dữ, “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, “sẵn sàng quật ngửa bụng những thuyền đi qua”, với những hút nước “sâu như lòng giếng, nước xoáy tít ằng ặc có thể lôi tuột những bè gỗ lớn xuống tận đáy và đánh cho tan xác”... Nguyễn Tuân đã dùng ngòi bút trăm màu để miêu tả hàng loạt những hình ảnh khác nhau vừa có tính trí tuệ vừa có tính tạo hình vượt xa những thủ pháp nhân hóa thông thường. Cái dữ dội của con sông Đà trở nên môi trường anh hùng ca hoàn toàn độc đáo. Sông Đà cũng là con sông đạt đến mức trữ tình tuyệt vời.


Dưới con mắt khám phá sự vật ở phương diện mĩ thuật, Nguyễn Tuân nhìn dòng sông Đà như một công trình nghệ thuật thiên thạo tạo tuyệt vời. Sông Đà như một “áng tóc trữ tình tuôn dài mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo”. Nguyễn Tuân nhìn dòng sông Đà và truyền cho độc giả nhìn nó qua làn mây mùa xuân, ánh nắng mùa thu, chăm chú theo dõi những biến đổi sắc màu của nó khi thì “xanh màu ngọc bích”, khi thì “lừ lừ chín đỏ”. Ông phát hiện ra sự phong phú của chất thơ ở vẻ đẹp sông Đà lúc như “nỗi niềm cổ tích”, lúc “lóe sáng ánh sáng tháng ba Đường thi”, lúc như “người tình nhân chưa quen biết”. Nguyễn Tuân luôn nhìn và miêu tả con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Nếu như trước Cách mạng, Nguyễn Tuân nhìn những con người tài hoa nghệ sĩ chỉ ở một số ít người thì sau Cách mạng, họ được ông nhìn thấy trên mọi lĩnh vực đời sống.


Những trang viết của nhà văn đem đến cho người đọc niềm tự hào, chúng ta không chỉ là con em của một dân tộc cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu mà còn là con em của một dân tộc tài hoa - nghệ sĩ. Người lái đò dưới con mắt Nguyễn Tuân được xem như một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác sông Đà. Tài nghệ của người lái đò là nắm chắc được quy luật của dòng nước sông Đà, thuộc lòng các luồng sinh, luồng tử của những con thác dữ. Người lái đò thực hiện nghề nghiệp của mình một cách tuyệt vời, đạt đến trình độ nghệ sĩ tinh vi, nghệ thuật cao cường, một tay lái “ra hoa”. Quy luật của thác nước sông Đà là một quy luật hết sức khắc nghiệt. Một chút thiếu chính xác, một tích tắc thiếu bình tĩnh, lóa mắt, lỡ tay là phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Trong cuộc vượt thác, ông đò như một lão tướng dày dặn kinh nghiệm. Trận địa thủy chiến được bố trí sẵn với những cạm bẫy, với những vòng vây, hết vòng vây này đến vòng vây khác, mỗi vòng đều có những viên tướng đá nham hiểm, quái ác chờ sẵn.


Hình ảnh ông lái đò “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái”, mặt méo bệch đi mà vẫn “cưỡi lên con sóng, nắm chắc lấy bờm sóng ghì cương đè sấn lên và chặt đôi con thác” quả là một thiên anh hùng ca, là cả một pho nghệ thuật tuyệt vời. Phong cách Nguyễn Tuân còn được biểu hiện đặc sắc qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Có người nói: đọc văn Nguyễn Tuân như soi kính trăm màu. Nguyễn Tuân đi sâu tìm hiểu, khám phá sự vật, nắm bắt cho được cái cốt lõi, cái tinh túy, cái thần thái của nó rồi kết hợp với cảm xúc chủ quan, uyên bác giàu chất trí tuệ và chất trữ tình, diễn đạt, thể hiện dưới những hình thức ngôn ngữ sáng tạo độc đáo rất Nguyễn Tuân. Khi ông miêu tả, sự vật hiện lên với đầy đủ “khí chất” của nó thì văn mới hết “chất Nguyễn”. Ngược lại, văn ông càng bộc lộ hết “chất Nguyễn” thì sự vật càng nổi hình nổi nét, cựa quậy xôn xao.


Đọc một đoạn văn khá dài miêu tả cảnh sông Đà “bày thạch trận để đòi ăn chết cái thuyền” nhưng rồi phải thu sự chèo chống tài ba, dũng cảm của người lái đò, ta đâu chỉ thấy sông Đà “quẫy sóng” mà còn thấy câu văn “quẫy sóng” sảng khoái vô cùng. Biết bao thách thức trong cảnh này, thách thức với người lái đò và thách thức với cả nhà văn. Liệu nhà văn có đủ tài nghệ, đủ chữ nghĩa để bắt sông Đà hiện lên với tất cả sự bạo liệt của nói:? Liệu nhà văn có đủ tài nghệ miêu tả nghệ thuật siêu phàm của người lái đò trong cuộc vượt thác? Nguyễn Tuân đã vượt lên được thách thức ấy. “Thạch trận vừa bày xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đối phương. Hòn đá bệ vệ, oai phong, lẫm liệt. Một hòn trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì cứ tiến gần vào”.


Nguyễn Tuân đã lột tả được cái lì lợm, nham hiểm của những “viên tướng đá”, cái âm thanh hung bạo của tiếng thác và sự dữ dội của nước thác đá trong việc uy hiếp con người. Ông lái đò đã vượt qua được thác, văn Nguyễn Tuân cũng vượt qua được thách thức. Phải là một cây bút tài hoa như Nguyễn Tuân mới làm sống dậy được thác nước sông Đà và bộc lộ được một tay lái “ra hoa” trên những con thác hung dữ và bạo liệt. Với Nguyễn Tuân, ngôn ngữ nghệ thuật vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của người nghệ sĩ. Qua bàn tay Nguyễn Tuân, tiếng Việt như một khối vuông ru bích biến hóa liên tục và dậy lên sắc màu nghệ thuật. Miêu tả âm thanh những thác nước sông Đà, Nguyễn Tuân thấy “tiếng thác nước lúc như than vãn oán trách”, lúc như “van xin”, lúc “khiêu khích chế nhạo”, lúc “rống lên như tiếng ngàn con trâu mộng”... Với Nguyễn Tuân, ngôn ngữ thực sự là một đối tượng thẩm mĩ không thể thiếu trong văn phẩm của mình. Ông sử dụng ngôn ngữ như một nghệ sĩ xiếc điêu luyện, thuần thục


. Nguyễn Tuân quả là một nghệ sĩ xiếc của ngôn từ. Đoạn miêu tả cuộc giao tranh giữa thác dữ với người lái đò là một đoạn tiêu biểu. Nguyễn Tuân say sưa hăm hở khoe hết sự tài hoa uyên bác và muốn dốc cả vốn từ vựng giàu có của mình để ganh đua với tạo vật. Nhà văn đã tạo cho con sông Đà tính cách của một loài thủy quái hung ác và nham hiểm. Ông dùng ngôn ngữ để dựng dậy và thổi sống những hòn đá vô tri vô giác, có hòn “bệ vệ oai phong”, có hòn “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm méo mó”, có hòn “trông nghiêng như hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”, có hòn “tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng”... Nguyễn Tuân đã ném vào cuộc giao tranh giữa người với thiên nhiên bao nhiêu chữ nghĩa góc cạnh, đem lại cho người đọc những liên tưởng độc đáo, chính xác.


Tác phẩm của Nguyễn Tuân thường gây cảm giác mãnh liệt, nâng cảm xúc của người đọc khi tiếp cận với sự vật được miêu tả để thưởng thức những cảnh trí hoặc dữ dội khủng khiếp hoặc thơ mộng, tuyệt mĩ, hoặc cái tài hoa phải đạt đến trình độ siêu phàm không gì sánh kịp. Phong cách Nguyễn Tuân vừa độc đáo vừa phong phú. Với Người lái đò sông Đà, phong cách nhà văn thể hiện rõ nhất ở sự sắc nhọn của giác quan nghệ sĩ đi với một kho chữ nghĩa giàu có và đầy màu sắc, góc cạnh. Bài tùy bút Người lái đò sông Đà cũng thể hiện một Nguyễn Tuân với vốn văn hóa phong phú, lịch lãm, một Nguyễn Tuân tài hoa với con mắt của nhiều ngành nghệ thuật.


Phong cách Nguyễn Tuân đã mang lại cho tác phẩm những giá trị độc đáo: vừa có giá trị văn học vừa có giá trị văn hóa vừa có giá trị thông tin, đồng thời giúp người đọc thêm yêu cảnh trí thiên nhiên đất nước, tự hào về những người lao động tài hoa và thêm quí, thêm yêu sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0