Phong cách khoa học trong lao động
Học cách làm việc, đó là nhiệm vụ mà chính quyền xô viết phải đặt ra trước nhân dân một cách đầy đủ” Không có phong cách khoa học trong lao động thì công việc chạy ì ạch mà mệt người. Nếu có phong cách khoa học thì công việc trôi chảy và có năng ...
Học cách làm việc, đó là nhiệm vụ mà chính quyền xô viết phải đặt ra trước nhân dân một cách đầy đủ”
Không có phong cách khoa học trong lao động thì công việc chạy ì ạch mà mệt người. Nếu có phong cách khoa học thì công việc trôi chảy và có năng suất.
Thế kỷ XX là kỷ nguyên khoa học. Xã hội nào cũng phát triển theo hướng công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến.
Con người muốn thích nghi vời thời đại công nghiệp buộc phải có phong cách khoa học trong lao động và sinh hoạt.
Căn cứ vào cách thức làm việc của những người lao động ưu tú, thì phong cách khoa học trong lao động thể hiện ở chỗ có tính trật tự, làm việc có kế hoạch, biết tập trung chú ý vào mọi việc, có tính liên tục và tính khẩn trương.
Trước hết là trật tự. Về vấn đề này tôi không bao giờ nói tới mà không xúc động, “Trật tự, trật tự và trật tự,”.
Người có tính trật tự là người đã sống và làm việc ở chỗ nào thì chỗ đó đều gọn gàng, sạch sẽ. Các đồ vật thông dụng được xếp theo một thứ tự nhất định, để khi cần một thứ gì sẽ không mất thì giờ tìm kiếm. Thứ tự thế nào là tuỳ sáng kiến từng người nhưng có quy tắc là thứ hay dùng thì để gần và dễ thấy, thứ ít dùng thì để xa hoặc để chỗ khuất.
Người ta kể chuyện, Mác rất ngại người lạ lục tủ sách của ông vì sách ở đây đã được sắp xếp theo thứ tự ông đã thuộc lòng. Với trí nhớ phi thường của mình, cần tới dẫn liệu gì ông lai ngay chỗ cuốn sách có dẫn liệu đó.
Theo lời kể lại, hồi kháng chiến lần thứ nhất khi còn sơ tán ở rừng, Bác Hồ sắp đặt mọi vật xung quanh chiếu nằm theo một thứ tự nhất định tới mức, nếu cần sơ tán ngay trong đêm tối, Bác chuẩn bị hành lý sẵn sàng trong vài phút, không cần thắp đèn.
Thiên nhiên vốn có trật tự, một thứ trật tự tự nhiên bảo đảm cho nó sinh tồn tới bây giờ. Làm đảo lộn trật tự trong thiên nhiên, cân bằng tự nhiên sẽ bị phá huỷ.
Con người, một yếu tố của thiên nhiên, cũng phải phản ánh trật tự đó trong sinh hoạt và hành động nếu muốn sinh tồn.
Trật tự của sự vật ở quanh ta không chỉ làm giảm giờ chết trong khoá lao động, mà còn tạo một cảm giác thoải mái sau giờ lao động căng thẳng, phục hồi nhanh chóng tính hưng phấn của hệ thần kinh.
Tính mất trật tự của bản thân hay của người bên cạnh dễ làm hỏng tính tình. Ta dễ sinh cáu gắt khi đang làm việc dở việc mà cần tới một dụng cụ tìm mãi không thấy hoặc làm việc mệt ở cơ quan, về tới nhà thấy bừa bộn do trẻ nhỏ mất trật tự gây ra.
Tính cáu gắt không những làm mệt não, dễ hỏng việc mà còn không bảo đảm tính hưng phấn rất cần thiết cho lao động muốn có năng suất.
Ngoài ra, trật tự của sự vật sẽ phản ánh vào đầu óc con người, dần tạo cho ta một tính trật tự trong suy nghĩ.
Nếu có trật tự trong suy nghĩ, ta sẽ nhớ minh bạch và diễn đạt rõ ràng.
Ta hãy nghe hai học sinh kể chuyện. Một em kể chuyện mạch lạc, có đầu có đuôi, người nghe dễ hiểu còn em kia thì ý tứ lộn xộn, lắp đi lắp lại, người nghe phải chú ý theo dõi khá mêt óc mới biết được em muốn diễn đạt điều gì. Chắc chắn em thứ nhất có đầu óc “trật tự” hơn em thứ hai.
Ta hãy kiểm tra góc học tập của hai em, chắc chắn em thứ nhất sắp xếp sách vở trật tự ngăn nắp hơn bạn mình.
Đầu óc trật tự thể hiện ở chỗ chuẩn bị có thứ tự các việc cần làm, trước khi bắt tay vào hành động. Thí dụ, để chuẩn bị cho chuyến đi công tác sắp tới, người có tính trật tự sẽ viết vào sổ tay:
1) soạn ba - lô, 2) liên hệ xe tàu, 3) đánh điện cho cơ quan mình sẽ tới làm việc, 4) trích tem gạo, 5) dặn công việc ở nhà…
Và anh ta thực hiện theo thứ tự các mục của chương trình. Đối với mọi việc phải làm cũng phải chuẩn bị có trật tự như thế.
Trước khi tiến hành công việc, nên suy nghĩ trước về trình tự thao tác và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ tài liệu theo một thứ tự nhất định. Lúc đó, chú ý sẽ tập trung vào từng khâu thao tác liên tiếp, không phân tán và gians đoạn vì phải tìm dụng cụ này, tài liệu kia.
Một kỹ thuật viên sắp làm một thí nghiệm phải lo sắp xếp trước, các dung dịch, dụng cụ, động vật thí nghiệm… vật nào chỗ ấy, để trong khi thí nghiệm, tiện tay sử dụng mỗi thứ, không mất thì giờ đi lại.
Một công nhân có phong cách khoa học thường đến trước giờ, sắp xếp đầy đủ có thứ tự các dụng cụ sẽ xử lý, kiểm tra toàn bộ chi tiết máy trước khi vận hành để giảm bớt thời gian chết vì sự cố trong khi làm việc. Nhà sinh lý học Nga Páplốp, một mẫu mực về tác phong khoa học đã nói với thanh niên: Trước hêt là trật tự về vấn đề này, tôi không bao giờ nói tới mà không xúc động. Trật tự, trật tự và trật tự.
Có tính trật tự, còn là chú ý tới quy tắc, quy luật. Khi ta nói: Trước khi đi ngủ, phải dọn góc học tập gon gàng. Đây là một quy tắc ta tự đặt. Thường xuyên áp dụng quy tắc này, ta sẽ trở nên có tính ý thức.
Người có ý thức cao sẽ không bao giờ vi phạm các quy tắc cho là đúng.
Hiện nay, tính mất trật tự gần như phổ biến ở nhiều người trẻ tuổi. Sách vở, quần áo để bừa bãi xung quanh chỗ nằm, bàn học. Ăn nói lộn xộn, thiếu mạch lạc, rõ ràng. Làm việc thì “đánh trống bỏ dùi”, “tiện đâu làm đấy”.
Thường thường, những người mất trật tự này tự bào chữa: phải tranh thủ thời gian. Thật ra anh ta chỉ tự lừa mình. Làm xong việc này, muốn bắt đầu việc sau thời gian chuẩn bị sẽ mất nhiều. Rút cục, năng suất lao động trong một ngày sẽ thấp.
Người trật tự sẽ làm việc từ tốn khoan thai mà năng suất lai cao hơn người quan liêu vất vả.
Mất trật tự trong sinh hoạt và công tác, sẽ thành nếp sống mất trật tự không chỉ ở nhà, trường học, xí nghiệp, cơ quan, mà còn dẫn dắt tới nếp sống không văn minh ở đường phố, dễ dàng vi phạm quy tắc vệ sinh công cộng, trật tự giao thông…
Tính mất trật tự là một thuộc tính bẩm sinh. Trẻ em nào cũng mất trật tự, nếu không được rèn luyện vào nếp từ lúc nhỏ tuổi. Phải tập cho các em, ở nơi ngủ thì quần áo sắp xếp gọn gàng, đồ sạch được gấp gọn ghẽ phẳng phiu, đồ bẩn tập trung vào chỗ nhất định, quần áo mặc dở treo thẳng thắn trên mắc. Chăn màn gấp gọn ghẽ vuông vắn. Guốc dép để thẳng hàng.
Trên bàn học, sách vở phải sắp xếp có thứ tự và phân ra từng loại để khi cần, dễ lấy. Chỉ xem nơi ngủ và nơi làm việc của trẻ nhỏ, ta có thể đánh giá được chất lượng giáo dục của gia đình và nhà trường.
“Tôi không biết nghề nào làm cho tôi sung sướng nhất: làm vườn, lái xe hay nghiên cứu khoa học”.
Phong cách khao học còn thể hiện ở chỗ làm việc có kế hoạch.
Có kế hoạch là đặt chương trình làm việc theo thời gian quy định sẵn.
Có chương trình công việc của ngày, tuần và tháng. Thậm chí có chương trình công việc cả đời như trường hợp của Otto Schmidt, nhà toán học kiêm vật lý địa cầu.
Từ năm 14 tuổi, ông đã vạch kế hoạch tỷ mỉ để thực hiện ước mơ của mình. Trong bản kế hoạch có ghi các sách cần đọc, các ngành khoa học cần đi sâu, các vấn đề cần giải quyết, tình trạng sức khoẻ cần quan tâm,…Ông tính toán, muốn thực hiện kế hoạch phải mất 900 năm. Sau ông rút gọn kế hoạch xuống 500 năm, rồi xuống 150 năm. Ông bắt tay vào thực hiện kế hoạch một cách khẩn trương, chỉ sau 50 năm, tới lúc chết là gần như toàn bộ kế hoạch được thực hiện.
Người ta còn kể về tính kế hoạch chặt chẽ của nhà toán học Gauxơ.
Năm 1802, thiên văn học khám phá ra hành tinh Panlát. Khó xác định quỹ đạo của hành tinh này vì nó bị sự hấp dẫn của sao Mộc ảnh hưởng. Viền hàn lâm khoa học Paris đặt giả thưởng cho ai giải được bài toán này. Gauxơ suy nghĩ là sẽ phải viết và làm tính với 337.000 con số. Với số giờ dành cho công việc này mỗi ngày, ông quyết định hàng ngày viết và làm tính với khoảng 3.300 con số. Và ông đã hoàn thành kế hoạch sau hai tháng rưỡi.
Có kế hoạch là lao động và sinh hoạt đúng giờ giấc.
Cơ thể con người, từ bộ não tới các tế bào, đều hoạt động có nhịp điệu cường độ nhất định trong ngày và đêm.
Lao động và sinh hoạt đúng giờ giấc sẽ phù hợp với yêu cầu sinh lý của cơ thể, kéo dài được thời gian hoạt động và giữ vững năng suất lao động.
Nhà sinh lý học Páplốp, tính toán công việc từng phút. Buổi chiều, khi thấy ông rời phòng thí nghiệm đi biết chắc lúc ấy là 5 giờ 30 phút.
Bác Hồ cũng là mẫu mực của tính kế hoạch. Trong sổ tay ghi việc gì làm vào thời gian nào, Bác đều thực hiện đúng. Khi hẹn nhà báo ngày nào nộp bài, tới ngày đó, đã sẵn sàng có bài đánh máy trong túi hồ sơ, không bao giờ Bác sai hẹn.
Có kế hoạch còn là biết sắp xếp xen kẽ các loại hoạt động khác nhau để thay đổi kiểu hoạt động của cơ thể.
Thí dụ, xen kẽ bài học toán đòi hỏi khả năng phân tích suy diễn với bài học sử đòi hỏi trí nhớ, xen kẽ học bài với hoạt động chân tay…
Cách này sẽ làm cho lao động, trí óc hay chân tay, thêm hứng thú và đẩy lùi được cảm giác mệt mỏi, chóng chán. Nhiều nhà khoa học đã nêu gương tốt về mặt này.
Cuviê, nhà vạn vật học nổi tiếng ở thế kỷ XIX, có ba phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau. Khi làm việc tới mệt ở một phòng, ông chuyển sang “giải lao” ở phòng khác.
Sau khi suy nghĩ về các vấn đề kinh tế chính trị, Mác “giải lao” bằng cách làm toán. Ông cho rằng làm toán là cách giải trí tốt nhất đối với mình.
Páplốp xen kẽ lao động trí óc và lao động chân tay một cách nhịp nhàng, hợp lý tới mức việc nào cũng làm ông thích thú. Ông đã nói: Tôi không biết nghề nào làm cho tôi sung sướng nhất: làm vườn, lái xe hay nghiên cứu khoa học.
Làm việc có kế hoạch là làm từ chậm tới nhanh, từ dễ tới khó.
Cơ thể con người vời hoạt động của bộ não hay hệ cơ, cũng tựa như bộ máy. Bộ máy nào muốn hoạt động trơn tru, cũng cần có thời gian chạy từ từ, tức thời gian “rô-đa”, nhất định. Nếu cho chạy nhanh ngay lập tức, máy dễ hỏng và không thể kéo dài tuổi thọ.
Lần đầu tiên làm một việc gì, ta hãy làm chậm chạp cẩn thận, vừa làm, vừa suy nghĩ, vừa thử nghiệm, để kích thích tìm hiểu, từ đó tạo cho mình hừng thú trong công việc.
Tuyệt đối không nên hấp tấp xô bồ, dễ hỏng việc. Và hỏng việc nhiều lần có thể dẫn tới chỗ nản chí.
Khi bắt đầu làm việc ở phòng thí nghiệm hay một xưởng máy, phải bắt đầu bằng những thao tác cơ bản, sử dụng những công cụ đơn giản, rồi tiến dần tới các thao tác phức tạp, những công cụ tinh vi.
Đây là một đòi hỏi khó đối với thiếu niên và thanh niên. Tâm lý con người là sốt ruột, ít thích kéo dài một loại việc buồn tẻ, mà muốn thay đổi hình thức hoạt động luôn luôn.
Ngoài ra với tâm lý anh hùng cá nhân, thanh niên thường thích làm những việc lớn quá sức mình, không được chuẩn bị chu đáo, dễ thất bại. Bị thất bại nhiều, người ta dễ đi tới tâm lý tự ti, không tự tin ở khả năng của mình nữa. Bất cứ trong việc gì, phải cố gắng tạo cho được thành công bước đầu dù là nhỏ. Thành công này sẽ tạo khí thế cho các công việc tiếp theo.
Páplốp đã có lời khuyên các cộng tác viên trẻ tuổi như sau: Hãy tập làm những công việc tầm thường của khoa học; háy học so sánh, học tích luỹ các sự kiện.
Nhà thơ Sinle cũng nói: phải bắt đầu từ công việc nhỏ, người ta mới có thể trở thành nhà thơ lớn.
Muốn trở thành nhà khoa học giỏi, phải biết rửa sạch chai lọ thí nghiệm như một kỹ thuật viên lành nghề.
Muốn trở thành kỹ sư nông học giỏi, cũng phải biết canh tác như một não nông điêu luyện. Hiện nay, có nhiều hiện tượng lao động và sinh hoạt thiếu kế hoạch. Ít người chịu đắt kế hoạch làm việc cá nhân, sinh hoạt không theo giờ giấc quy định, vừa làm vừa chơi. Đầu năm làm việc phất phơ, cuối năm mới dốc sức. Đầu năm không học, chỉ học dồn dập lúc gần thi. Không thích bắt đầu bằng những việc dễ…
Tất cả biểu hiện thiếu kế hoạch này, không những không nâng cao năng suất lao động mà còn ảnh hưởng rõ ràng tới chất lượng lao động, đồng thời không bảo đảm cho cơ thể duy trì được sức khoẻ để lao động lâu dài.
Tính kế hoạch phải được rèn luyện từ lúc ở nhà trường. Học sinh phải tập làm kế hoạch hàng ngày, kế hoạch tuần; gia đình, thầy giáo phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.
Làm kế hoạch không khó nhưng thực hiện kế hoạch đòi hỏi nghị lực, mà nghị lực không dễ rèn luyện ở thiếu niên và thanh niên. Người lớn có trách nhiệm giúp đỡ trẻ nhỏ trong việc rèn luyện này.
Đối với thanh niên, ngoài kế hoạch tuần, nên đặt kế hoạch tháng, kế hoạch năm. Sau từng từng tuần, dành một ít thời giờ để kiểm tra việc thực hiện.
Việc đã ghi làm vào thời gian nào, phải cố gắng hoàn thành vào thời gian đó không nên để dồn việc.
Tất cả công việc trong ngày ở mỗi giờ, đều có trật tự nhịp nhàng, tiếp diễn theo trình tự đã ghi sẵn trên giấy và sau này, nếu rèn luyện quen, theo trình tự ghi sẵn trong óc.
Với cách này, ta có thể hoàn thành trong hai giờ số việc mà người không có kế hoạch phải làm trong bốn giờ hay hơn thế.
“Tập trung chú ý là bà Chúa của trí tuệ”
Có những học sinh làm một công việc nào đó (giải bài toán, viết bài luận) chỉ mất hai giờ trong khi các bạn phải mất bốn giờ.
Có người, trước mỗi khó khăn phải giải quyết, chỉ suy nghĩ khoảng 15 phút là tìm ra giải pháp.
Một nguyên nhân quan trọng của thành công này là sự tập trung chú ý là khả năng tập trung toàn bộ sức lực trí tuệ vào một việc nhất định, không để tư tưởng phân tán vào bất cứ sự kiện nào, ý nghĩa nào.
Ta nhận dịch một cuốn sách. Bắt đầu công việc, ta lọc những chữ chưa biết rõ để tra từ điển và suy nghĩ chọn những từ tiếng Việt thích hợp. Ta chú ý viết rõ ràng trên giấy. Có người hỏi chuyện, ta không hiểu họ nói gì.
Đấy là ta đã chú ý một cách tập chung.
Người ta kể chuyện, ông Phạm Ngũ Lão, một tướng giỏi thời nhà Trần cũng có khả năng tập trung chú ý phi thường. Khi còn hàn vi, ngồi đan tre bên lề đường, tập trung chú ý vào vấn đề gì không rõ mà anh thanh niên họ Phạm không nghe thấy tiếng reo hò của đoàn quân hộ tống Hưng Đạo Vương, tới lúc lính đâm giáo váo đùi, chảy máu ra anh mới biết.
Trí tuệ đã tập trung sẽ suy nghĩ một cách thông minh; một khi say nghĩ một cách thông minh, nó sẽ phát triển khả năng quyết đoán và thực hiện.
Những người thành công trong mọi việc đều là những người có khả năng tập trung chú ý khi cần thiết. Ai đã quan sát họ làm việc, thấy họ làm có vẻ nhẹ nhàng thoải mái. Thật ra, sự rèn luyện đã giúp họ phát triển tập trung chú ý thành hoạt động có tính chất bản năng trong bất cứ việc gì.
Người công nhân tập trung chú ý vào công việc sẽ tránh được tai nạn lao động và duy trì được tính chính xác trong thao tác.
Người cán sự tập trung chú ý vào công việc sẽ không nhầm lẫn trong tính toán trong làm kế hoạch.
Người sinh viên tập trung chú ý vào bài học sẽ học bài chóng thuộc.
Sự tập Trung chú ý đếu cần cho mọi lao động nhưng đòi hỏi cố gắng nhiều hơn đối với lao động khoa học.
Khi quan sát, thí nghiệm, có tập trung chú ý mới không bỏ sót chi tiết nào của hiện tượng, đôi khi chi tiết này lại có ý nghĩa khoa học lớn vì nó gợi ý cho một suy nghĩ mới.
Tập trung chú ý vào sự đu dưa của cái đèn ba giây tre ở trần nhà thờ, nhà thiên văn học Galilê đã chợt nghĩ tới thời gian của một dao động. Từ đó ông suy nghĩ làm nhiều thí nghiệm và phát minh ra định luật đồng thì của dao động trong vật lý học.
Tập trung chú ý vào quan sát, thí nghiệm là chú ý kiểm tra sự vận hành của các dụng cụ, chú ý vào các thao tác thực nghiệm cho chính xác, chú ý ghi chép đầy đủ rõ ràng số liệu vào sổ nhật ký, theo dõi cẩn thận các đối tượng thí nghiệm, nhận xét được những biến cố nhỏ nhất trong thí nghiệm.
Nhà khoa học phải tập trung chú ý về vấn đề nghiên cứu, không phải chỉ trong lúc quan sát, thí nghiệm mà cả lúc sưu tầm kiến thức trong tài liệu.
Tập trung chú ý vào tài liệu là về mỗi vấn đề, phải xem xét rất cặn kẽ, thấu đáo, nghiên cứu tỉ mỉ từng khía cạnh, chi tiết, tóm lại, thu thập đầy đủ kiến thức về vấn đề đó. Tất nhiên phải tham khảo thật nhiều tài liệu, tư liệu trong sách, tư liệu điều tra thực tế có liên quan.
Để chuẩn bị cho công trình luận về Tư Bản, Mác đã phải đọc rất nhiều tác phẩm về các vấn đề rất đa dạng và thu thập trong nhiều năm một khối lượng sự kiện rất lớn.
Còn khi viết quyển “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nước Nga”, Lênin đã đọc 583 cuốn sách, chưa kể các tài liệu điều tra khác.
Tập trung chú ý vào kiến thức còn là, đối với các vấn đề khó hiểu trong sách, phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Chỗ nào chưa hiểu, chưa rõ, phải đánh dấu để tiếp tục tìm hiểu thêm bằng đọc thêm sách, nghe giảng thêm, trao đổi, mạn đàm với người khác…
Ngày nay, khi xem lại cuốn sách ma Lênin đã đọc qua, quyển nào, trang nào cũng đầy những chấm, gạch và ghi chú…chứng tỏ Lênin đã tập trung chú ý cao độ khi đọc.
Khi đã có khối lượng kiến thức đáng kể trong đầu, người nghiên cứu phải tập trung chú ý để phân tích, tổng hợp hàng mớ sự kiện, tìm mối quan hệ giữa chúng, suy nghĩ giải thích các mâu thuẫn nảy sinh từ các mối quan hệ này, hệ thống lại các mối quan hệ, nhằm xây dựng học thuyết khoa học.
Như vậy, sau giai đoạn tập trung chú ý thụ động trong quan sát, thí nghiệm, thu thập kiến thức, có giai đoạn tập trung chú ý tích cực nhằm xây dựng định hướng luật, học thuyết.
Nếu tập trung chùm tia sáng vào tờ giấy, giấy sẽ bốc lửa. Còn nếu tập trung sức lực vào một vấn đề duy nhất, tia lửa sáng tạo sẽ nảy sinh.
Sự tập trung chú ý liên tục vào vấn đề nghiên cứu giải thích sự đãng trí của nhà khoa học. Nhà triết học cổ Hi Lạp Acsimét tập trung chú ý vào một bài giải hình học tới mức không biết thủ đô đã bị quân lính La Mã xâm lăng. Khi ông đang vẽ những hình trên bảng cát thì một tên lính xộc vào với thanh kiếm sắc trong tay. Ông nói to: không được đụng vào các đường tròn cua ta. Vừa dứt lời, ông ngã gục dưới nhát kiếm của tên lính.
Nhà vật lý học Niutơn có mời bạn tới ăn cơm trưa chủ nhật tại nhà. Đến trưa, khách đến thấy bàn ăn không có ai - chủ vẫn làm việc trên gác - tự động ăn nửa con gà rồi về. Lúc quá trưa, Niutơn chợt thấy bụng đói, xuống buồng ăn, thấy còn nửa con gà, ông lẩm bẩm: Mình vô tâm thật, đã ăn rồi mà không biết, và lại lên gác làm việc tiếp.
Các thiên tài khoa học đều là những người tập trung chú ý cao độ vào các vấn đề nghiên cứu.
Chính sự tập trung này đã cho phép các thiên tài hoàn thành trong đời họ tất cả cái gì mà một số lớn người bình thường cũng nhằm mục đích đó, không thực hiện nổi.
Thiên tài chỉ một phần nhỏ do bẩm sinh, mà phần đáng kể do sự rèn luyện thường xuyên khả năng tập trung, tập trung liên tục.
Một nhà vật lý học mô tả sự tập trung chú ý của nhà bác học Anxtanh như sau: Nhiều khi đang ngồi nói chuyện vui vẻ, bỗng nhiên Anxtanh đứng dậy, hoặc vẫn ngồi yên không động, nét mặt vẫn như cũ. Nhưng mọi người đều cảm giác hầu như Anxtanh đã biến mất. Còn Anxtanh đã biến mất. Còn Anxtanh thì không còn nghe gì nữa, không còn thấy gì nữa, tất cả cái nhìn hầu như quay hẳn vào bên trong. Tất cả bên ngoài dù im lặng đến đâu hay dù đang náo nhiệt đến đâu cũng hầu như đều biến mất đối với Anxtanh.
Có không ít bạn trẻ không làm sao tập trung chú ý vào việc. Làm việc gì cũng thấy bụng dạ bồn chồn, làm quấy quả cho xong, hoặc vừa làm vừa suy nghĩ về đủ mọi chuyện. Kết quả là không có việc gì được làm chu đáo, cẩn thận. Đây là một khuyết điểm đáng lo ngại vì nó sẽ làm ta trở thành người lao động thiếu trách nhiệm.
Trong các người không khả năng tập trung chú ý, có rất nhiêu người có đủ khả năng trí tuệ ở mức độ có thể thực hiện tập trung nhưng họ không chú ý đến việc rèn luyện này. Họ đủ “vốn” cần thiết nhưng không quan tâm tới huy động cái “vốn” đó.
Thật là sự “lãng phí” trí tuệ đáng tiếc.
Người trẻ tuổi có nhiều cách rèn luyện tính tập trung như học ngoại ngữ theo đài, đánh cờ, giải các bài toán đố…
Đối với người lớn tuổi cần có một nghị lực lớn hơn.
Phải kiểm tra trí tuệ của mình và đặt một chương trình nhằm thực hiện ý đồ này. Phải suy nghĩ tập trung vào chương trình, vào nội nung và biện pháp thực hiện.
Về từng vấn đề cần giải quyết, ta phải cố gắng suy nghĩ tập trung trong thời gian cần thiết để tìm giải pháp. Cứ làm như thế, ta dần dần có thói quen tập trung.
Muốn tập trung có hiệu quả, phải biết gác sang bên cạnh, sự lo lắng, buồn nản, ghen tị,… để suy nghĩ về vấn đề mình đang quan tâm. Ta sẽ phát triển được khẳ năng tự kiểm tra các ý nghĩ, gạt bỏ những ý nghĩ mung lung. Vô ích.
Làm chủ được suy nghĩ, ta sẽ làm chủ được tình cảm, tức sự ham muốn, say mê. Chủ động được trí tuệ và tình cảm sẽ dẫn tới thành công trong mọi việc.
Nên rèn luyện trẻ nhỏ tập trung chú ý vào y phục. Trước khi ra ngoài, phải kiểm tra quần áo có sạch sẽ không, đầu tóc có chảu gọn gàng không, khuy áo có sộc sệch không, guốc dép có đứt quai không?
Ngoài ra cũng tập cho trẻ nhỏ tập trung chú ý vào việc gìn giữ nơi ở, nơi học luôn luôn trật tự, gọn gàng, sạch sẽ.
Từ chỗ quen tập trung chú ý vào sự vật cụ thể, các em sẽ quen với sự tập trung chú ý vào mọi sự vật và hiện tượng sau này.
“Nước chảy mãi, đá cũng phải mòn”
Tính liên tục là khả năng kéo dài hoạt động của trung khu thần kinh, không cho phép nó gián đoạn đột ngột, thay đổi nhanh chóng, không có chuyển tiếp.
Đây là kéo dài sự tập trung chú ý vào một sự vật. Có thể lấy thí dụ ở nhà toán học ngồi hàng giờ ở bàn làm việc, không dứt nổi khỏi những trang giấy đầy con số hay nhà kỹ sư luôn suy nghĩ về bản thiết kế để trước mặt.
Có tính liên tục là khi đã suy nghĩ về vấn đề gì để tìm cách giải quyết thì luôn luôn giữ vấn đề đó trong đầu.
Phải luôn quan tâm sưu tầm các loại kiến thức liên quan tới vấn đề, kiến thức về nội dung và về giải pháp… phải luôn luôn so sánh lựa chọn các kiến thức thích hợp.
Tới lúc nào đó, vấn đề bước vào giai đoạn “chín mùi” và sẽ nảy sinh có thêm biện pháp hợp lý nhất.
Người nghiên cứu luôn có vấn đề khoc học trong đầu, luôn suy nghĩ để giải quyết các mâu thuẫn mới nảy sinh do có thêm sự kiện mới, luôn suy nghĩ để tìm mối quan hệ giữa các sự kiện, để hệ thống hoá các mối quan hệ đó.
Người kỹ sư liên tục suy nghĩ để hoàn chỉnh bản thiết kế đang làm.
Người công nhân luôn có chỉ tiêu sản xuất trong óc, luôn nghĩ tới cải tiến kỹ thuật để tăng nhanh số lượng và chất lượng sản phẩm. Người giám đốc luôn có kế hoạch sản xuất của xí nghiệp trước mắt, luôn suy nghĩ về cải tiến quản lý để thúc đẩy năng suất lao động, để hoàn thành kế hoạch vượt mức.
Người ta viết về sự suy nghĩ liên tục của nhà bác học Anxtanh như sau: Hình như có một cơ chế vô cùng sinh động nào đó đang quay tít trong đầu óc ông. Đó là sức mạnh tuyệt diệu. Đôi khi thấy tự nhiên ông có vẻ vất vả. Anxtanh có thể nói về chính trị, có thể lắng nghe những yêu cầu và trả lời các câu hỏi của người khác, nhưng đằng sau các hoạt động bên ngoài đó, người ta cảm thấy một sự hoạt động thường trực của tư duy về các vấn đề khoa học. Cơ chế của bộ óc Anxtanh hoạt động không ngừng, chuyển động thường trực đó chỉ tắt khi ông chết. Học thuyết tương đối là kết quả của một tư duy liên tục như thế kéo dài hàng chục năm.
Tính liên tục còn thể hiện ở chỗ khi đã bắt tay vào làm việc gì, là làm đến cùng không để dở dang.
Trong khi tiến hành có những khó khăn nảy sinh, hêt khó khăn này tới kho khăn nảy sinh, hết khó khăn này tới khó khăn khác. Nhưng người có đức tính liên tục không nản lòng, luôn suy nghĩ vượt từng khó khăn để tiến lên. Kinh nghiệm cho biết, khi ta đã cố gắng nhiều và tưởng như gần tới đích, các khó khăn mới lại nảy sinh, tình hình có vẻ trở nên không thuận lợi. Lúc này thường là vào lúc nhiệt tình có vẻ trở nên không thuận lợi. Lúc này thương là vào lúc nhiệt tình đã giảm sút và mệt mỏi lai tăng thêm. Ta vẫn phải kiên trì vì nên nhớ rằng nhiều người đã bỏ cuộc vào lúc này, đúng lúc sắp tới đích.
Trong thời gian chiết suất chất radium nguyên chất, hai vợ chồng nhà vât lý học Pie và Mari Curi đã chịu đựng nhiều thử thử thách về nghị lực. Họ ăn ngủ ít. Sức khoẻ sụt hẳn. Pie ngày càng thấy cơn đau dữ dội hơn. Mari gầy xọp đi. Pie đã có lúc muốn bỏ dở công trình chiết suất này. Một ngày nào đó, vì quá mệt, Pie đã phải thốt lên: Cuộc sống chúng ta đã chọn, gian khổ quá…Tuy nói vậy, Pie cũng biết rằng không thể nào chọn một cuộc sống khác.
Sau 45 tháng cố gắng vất vả, năm 1902, 10 gam chất radium nguyên chất lọc từ một tấn bã quặng đã ra đời. Lao động liên tục của đôi vợ chồng nhà bác học đã thành công rực rỡ. Sự phát minh ra chất radium gây một cuộc cách mạng thật sự trong giới khoa học. Học thuyết về tính cố định của nguyên tử trong vật lý học sụp đổ và được thay thế bằng học thuyết biến đổi các nguyên tố.
Người ta thử nghiệm chất radium thấy nó có thể chữa được vài dạng ung thư. Năm 1903, Pie và Mari Culi được giải thưởng Nôben vể vật lý học.
Người nghiên cứu nào cũng phải liên tục với đề tài không được bỏ dở.
Mỗi công trình nghiên cứu là một chuỗi các thí nghiệm tiến hành từng bước trong nhiều năm.
Thời gian ít nhất cho một công trình đơn giản là hai năm. Chỉ tới cuối thời gian đó, người nghiên cứu thường mới hiểu biết tạm đủ đối tượng nghiên cứu để bắt đầu một đề tài mới có ích cho anh ta.
Cách nhảy từ đề tài này sang đề tài khác theo thời trang, với hi vọng đi tới một thay đổi may mắn đem lại vinh quang, không thấy xảy ra trong lịch sử khoa học. Phương Tây đã có câu: Hòn cuội chỉ lăn không bao giờ có rêu bám.
Thái độ như vậy có thể có ích về mặt cho phép một người trở nên bách khoa về khoa học, mà không trở thành nhà khoa học với ý nghĩa hẹp của nó, là vì không có phát minh nào đóng góp cho khoa học cả.
Người ta thường nêu gương nhà vi trùng học Paxtơ cả đời nhảy từ lĩnh vực hoá học sang sinh học, luôn nhận đề tài theo yêu cầu của sản xuất và đã thành công.
Ta không nên quên Paxtơ là một thiên tài, mà một thiên tài có thể làm nhiều việc trong khi một người bình thường phải dành cả cuộc đời cho một việc.
Điều quan trọng là Paxtơ không bỏ dở dang bất cứ đề tài nào. Ông có thể suy nghĩ liên tục về hai ba vấn đề khoa học cùng một lúc.
Hiện nay, có nhiều hiện tượng thiếu liên tục trong ý nghĩ, trong công việc.
Đang học dở bài, bỏ đi giải trí. Xem quyển chuyện này chưa hết, đã đọc sang quyển kia. Trong buổi họp, thảo luận về vấn đề này chưa ngã ngũ, đã chuyển sang vẫn đề khác.
Làm việc này chưa xong, đã bắt tay vào việc khác, tức việc nọ xọ việc kia.
Hậu quả là ý nghĩ, công việc, có đầu nhưng không có đuôi, không dẫn tới kết quả cụ thể nào cả.
Muốn rèn luyện tính liên tục phải đặt cho mình một quy tắc là làm xong tất cả việc gì đã bắt đầu.
Trước khi làm một việc nào đó dù nhỏ, phải suy nghĩ về quá trình thực hiện, lường trước khó khăn, chuẩn bị điều kiện vượt khó... khi đã bắt tay vào việc phải làm tới cùng.
Khi đã định giải quyết một vấn đề, thì giải quyết đến nơi, dứt điểm.
Hãy thực hành tính liên tục trong mọi hoạt động hàng ngày. Đã bắt đầu đọc báo, hãy đọc các tiêu đề trước rồi quan tâm tới bài nào, đọc bài đó đầy đủ. Bài này phải đọc tới cùng mặc dù không thấy hứng thú.
Nếu đã học bài nào, phải học cho thuộc trước khi sang bài khác.
Trong câu chuyện, phải dứt điểm vấn đề này rồi hãy sang vấn đề kia.
Nếu đã bắt đầu bản nhạc, cố chơi cho hết khúc. Dự một buổi biểu diễn nghệ thuật, cố dự đến cùng.
“Ban ngày thì mải đi chơi, Tối lặn mặt trời bỏ thóc vào rang”
Có tính khẩn trương là hành động ngay sau khi đã quyết định.
Một việc có ích nếu không làm ngay, thì ngày mai, ngày kia, nó sẽ kéo dài không thể thành hiện thực. Thực tế đời sống sẽ lôi cuốn ta vào việc khác, buông lơi hẳn việc ban đầu.
Mỗi khi thấy nảy sinh một ý nghĩ tốt, có ích, thực hiện được ta làm kế hoạch và thực hiện ngay. Ta sẽ tạo nên một hứng thú tinh thần do kiểm tra ngay được ý nghĩ, dự kiến của mình trong thực tế. Hứng thú này rất cần thiết cho việc tiếp tục công việc sau này. Thành quả đầu tiên của mọi lao động, chân tay hay tri óc, đều có tính chất kích thích đáng kể.
Bắt tay ngay vào việc, trước hết sẽ hạn chế được thời gian trù trừ, phân vân, một thứ thời gian “không sản xuất”, và bảo đảm thời gian thực hiện kế hoạch. Kế hoạch tuần phải thực hiện ngay từ ngày thứ hai. Kế hoạch tháng phải thực hiện ngay từ ngày mồng một.
Chính nhở tính khẩn trương mà nhà bác học Otto Schmitdt khi đặt kế hoạch hoạt động cho cả đời cần tới 150 năm, đã hoàn thành kế hoạch trong 50 năm trước khi ông chết, tăng năng suất lao động được 300 phần trăm.
Tính khẩn trương liên quan trực tiếp tơi năng suất lao động. Từ đầu thế kỷ, Lênin đã nói: chủ nghĩa xã hội sẽ thắng chủ nghĩa tư bản ở chỗ năng suất lao động tăng cao của đội ngũ công nhân có ý thức.
Không riêng tính khẩn trương trong sản xuất có ý nghĩa chính trị quan trọng mà từ giữa thế kỷ này, khi khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tính khẩn trương trong khoa học cũng có ý nghĩa như thế.
Cuộc chạy đua trong phát minh khoa học đang tiếp diễn từng giờ từng phút trong các phòng thí nghiệm ở nhiều nước. Phát minh lớn về khoa học trong năm tới, giải thưởng Nôben về khoa học sang năm sẽ thuộc nhà khoa học nước nào? Đây cũng là một vấn đề mà chính phủ nhiều nước tiên tiến quan tâm.
Không phải không có lý do mà người ta tìm cách tăng hiệu năng của các thiết bị thí nghiệm, hiện đại hoá công tác thông tin khoa học, để nâng cao năng suất nghiên cứu.
Trước kia, một công trình khoa học cần hai năm để hoàn thành trong một phòng thí nghiệm cổ điển thì nay chỉ cần tới sáu tháng trong một phòng thí nghiệm hiện đại. Trược kia, phải bỏ hàng tháng để tìm tư liệu tham khảo cho một đề tài nghiên cứu, thì nay với máy xử lý tin tự động, chỉ cần vài giờ.
Có nhà chính trị đã nói: Cuộc chạy đua giữa hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa thực chất tiếp diễn trong phòng thí nghiệm.
Có tính khẩn trương là khi bắt tay ngay vào công việc luôn luôn chú ý hợp lý hoá thao tác, thủ thuật để rút ngắn thời gian hoàn thành.
Đứng trước bàn tiện, người công nhân khẩn trương luôn suy nghĩ về cách thao tác mũi dao, cách lắp gá...để làm sao tăng được số lượng sản phẩm trong thời gian quy định mà giữ vững chất lượng sản phẩm.
Nhà khoa học bố trí quan sát thí nghiệm thế nào để trong thời gian nhất định thu được nhiều số liệu nhất.
Người sinh viên suy nghĩ cải tiến phương pháp học thế nào để có thể thuộc bài trong một giờ trong khi các bạn phải bỏ tới hai giờ.
Nhà vật lý học Lanđao đã có nói: Vì cuộc sống rất ngắn ngủi, chúng ta không thể cho phép mình phung phí thời gian vào những việc không có hiệu quả.
Có tính khẩn trương là biết tranh thủ công việc để hạn chế thời gian chết trong lao động. Người kỹ thuật viên khẩn trương, trong rất nhiều việc của phòng thí nghiệm, nếu việc đang làm phải ngừng lại vì một sự cố nào đó, sẵn sàng làm một việc khác để khỏi lãng phí thời gian.
Người ta kể lại, trước kia, lúc đọc sách, bác Hồ thường kết hợp luyện tập bắp cơ tay bằng cách bóp nhịp nhàng một hòn đá.
Nhiều công nhân ưu tú ở nước ngoài đã tập sử dụng thành thạo hai tay với hai cơ - lê để vặn hai ê-cu cùng một lúc.
Nhiều thiên tài khoa học, Niutơn, Đácuyn, Paxtơ đều có khả năng suy nghĩ đồng thời về nhiều vấn đề khoa học có liên quan với nhau. Do đó mà đã nảy sinh những phát minh lớn ta đã biết trong khoc học.
Có tính khẩn trương là rút kinh nghiệm kịp thời trong công việc.
Khi tiến hành một việc gì, nhất là việc mới làm lần đầu, ít khi ta thành công ngay vì chưa tính được hết các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện.
Trước mỗi khó khăn, ta phải suy nghĩ vượt khó và biện pháp để vượt khó là một kinh nghiệm giúp ta xử lý những khó khăn tương tự sau này.
Cứ rút kinh nghiệm từng việc như vậy, ta mới có số vốn tăng dần các kiến thức giúp việc xử lý các khó khăn trong nhiều hoàn cảnh.
Tính khẩn trương sẽ giúp ta tích luỹ nhanh những kinh nghệm trong công việc, nâng cao nhanh chóng trình độ công tác của từng người.
Có tính khẩn trương còn là phổ biến kịp thời kinh nghiệm tốt cũng như xấu để thúc đẩy công tác tiến lên.
Người nghiên cứu phải thông tri kịp thời kết quả nghiên cứu cho các đồng nghiệp, người công nhân phải kịp thời cải tiến kỹ thuật cho các bạn nghề.
Công tác khoa học kỹ thuật hay sản xuất tiến nhanh hay chậm tuỳ thuộc tốc độ của sự thông tin này.
Không nên lẫn tính khẩn trương với tính vội vàng hấp tấp.
Khẩn chương là hành động ngay sau khi đã suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng. Vội vàng hấp tấp là hành động ngay, không cần suy nghĩ gì cả. Tính khẩn trương dẫn tới thành công, còn vội vàng hấp tấp đi tới chỗ hỏng việc.Người xưa đã có câu: Hối bất cập. Ngày nay ta thường nói “nhanh hẩu đoảng” chính là để chỉ tính vội vàng hấp tấp này.
Một số người không có tính khẩn trương thường tự an ủi mình là người thận trọng. Thất bại, họ chỉ tự lừa. Lề mề chậm chạp và thận trọng là hai phạm trù khác hẳn nhau.
Lề mề chậm chạp và thận trọng là hai phạm trù khác hẳn nhau.
Lề mề chậm chạp là khi đã quyết định rồi không hành động ngay. Còn tính thận trọng buộc người ta phải suy nghĩ, biết trước sẽ phải làm gì và sẽ làm cái gì khi đã quyết định.
Tính thận trọng là cần thiết để hành động có kết quả. Nhưng thận trọng quá mức lại có hậu quả không hay. Nó làm cho con người nhút nhát, sợ hãi không dám hành động ngay. Như vậy, cũng sẽ chậm việc.
Hiện nay, tính lề mề thiếu khẩn trương khá phổ biến. Còn tình trạng vừa lao động vừa chơi, việc đáng làm một giờ kéo dài ra hai, ba giờ. Công tác lề mề đủng đỉnh. Công văn, chỉ thị giửi tới chưa cần đọc. đơn từ chưa cần xem ngay.
Khi giải quyết một vấn đề gì đòi hỏi suy nghĩ, thì gác lại không trù trừ, để “nghiên cứu”. Tất cả thái độ không khẩn trương trên đây tạo cho chúng ta một trí tuệ, một tác phong chậm chạp dần dẫn ta tới chỗ “lưới trí tuệ”, ngại lao động, hậu quả là công việc trì trệ và kế hoạch không hoàn thành.
Tính khẩn trương phải được rèn luyện từ lúc còn ở nhà trường.
Theo lời kể, khi Lênin còn nhỏ, ông bố nhận xét thấy con mình học cái gì cũng dễ dàng quá. Ông luôn giao những công việc mới, những sách mới cho Lênin phân tích. Lênin vừa đọc xong cuốn sách này, đã nhận ngay cuốn khác sau khi ông bố đã đánh giá phẩm chất của công việc và báo cho con.
Có lẽ nhờ đó mà Lênin có một tính khẩn trương phi thường trong mọi việc và một năng suất lao động hiếm có.
Phải tập luyện tính khẩn trương ngay trong sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi tối, ta đều suy nghĩ về một số việc sẽ làm ngày mai và ghi vào sổ tay. Hôm sau, phải tranh thủ thực hiện các việc đã định. Nếu thấy thì giờ chưa được sử dụng hết, tăng thêm việc cho ngày tới.
Đã quyết định tập thể dục theo đài thì khi nghe báo thức ta vùng dậy ngay không trù trừ một phút.
Khi gặp một kiến thức hay, một ý nghĩ có ích, phải ghi ngay vào sổ tay.
Niutơn miệt mài nghiên cứu về vấn đề hấp dẫn vũ trụ trong 20 năm trời. Nhiều khi, đang đi dạo ở ngoài vườn, bỗng trong óc ông nảy sinh một ý nghĩ về vấn đề nghiên cứu. Thế là ông chạy vội về phòng làm việc và cứ đứng mà viềt sổ nhật ký. Có khi đang ngủ chợt thức giấc, ông cũng nhảy choàng dậy tời bên bàn làm việc.
Người ta cũng kể, thông thường ban đêm, khi tỉnh giấc, có ý nghĩ gì hay, Bác Hồ đều dậy, bật đèn, ghi vào sổ. Có người hỏi. Bác nói: Ý nghĩ hay thường đến lúc yên tĩnh, phải ghi ngay. Nếu để đến mai, có khi quên mất.
Từ Đông sang Tây, người xưa đã có câu rất hay: Việc làm được hôm nay chớ để ngày mai. Ca dao ta cũng có câu chế giễu người thiếu tính khẩn trương: Ban ngày thì mải đi chơi, tối lặn mặt trời bỏ thóc vào rang.
Phong cách khoa học không bẩm sinh mà do rèn luyện bền bỉ mới có.
Việc rèn luyện này phải bắt đầu ngay từ lúc nhỏ. Ở cấp một, các em phải được tập luyện thói quen trật tự trong khi học cũng như chơi.
Sang cấp hai, trong học tập và sinh hoạt, đã phải bồi dưỡng tính kế hoạch và tính liên tục. Tới cấp ba, phải rèn luyện thêm tính khẩn trương và khả năng tập trung chú ý.
Không nên để lúc người thanh niên bắt đầu vào đời hay tiếp tục học ở đại học, mới đề cập tới việc rèn luyện này. Lúc đó, công sức sẽ phải bỏ ra nhiều hơn. Cái yếu tố kìm hãm đáng kể sự tiến hoá của con người chính là “thói quen”. Tập một thói quen mới dễ dàng hơn sửa một thói quen xấu.
Lặp lại một hành động sẽ gây thói quen. Thói quen này lúc đầu chỉ mỏng manh như sợi tơ nhện nhưng sau cùng sẽ bền chắc như dây cáp sắt.