Phép thuật, tướng số, bói toán, phong thủy- Niềm tin tâm linh trong văn học trung đại Việt nam
Truyện Phù Đổng Thiên Vương PGS.TS Lê Thu Yến Ths. Đàm Anh Thư Trong đời sống của chúng ta hiện nay có quá nhiều những hiện tượng không thể giải thích được. Các lực lượng siêu hình như trời, phật, thần, tiên… vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hằng ngày của người ...
PGS.TS Lê Thu Yến
Ths. Đàm Anh Thư
Trong đời sống của chúng ta hiện nay có quá nhiều những hiện tượng không thể giải thích được. Các lực lượng siêu hình như trời, phật, thần, tiên… vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hằng ngày của người dân. Người ta cầu cúng khấn vái để mong có được một đời sống vinh hiển hạnh phúc. Đâu đó những điềm báo và những gì xảy ra sau đó vẫn còn làm cho người ta kinh hoàng sợ hãi. Những trò phép thuật, coi bói, coi tướng số, thuật phong thủy …vẫn làm vướng bận cuộc sống bình thường của biết bao người. Mộng mị chiêm bao dẫn đến những hành động chỉ lối đưa đường trong sinh hoạt của con người hiện nay vẫn không phải là hiếm thấy. Việc sử dụng bùa chú để trấn yểm ma quĩ hoặc cúng bái người bị chết oan vẫn thường thấy xảy ra ở các đền đài miếu mạo. Người bình thường tự nhiên trở thành nhà ngoại cảm lập không biết bao nhiêu kì tích lớn lao. Những chuyện linh ứng, báo ứng xảy ra cho người này người khác vẫn được người rỉ tai nhau qua những câu chuyện bên tách cà phê buổi sáng…Và cứ thấy mỗi buổi chiều tối, chiếc bàn thiên của mỗi nhà vẫn nghi ngút khói hương thì biết rằng tâm của mỗi người vẫn hướng về cõi linh thiêng nào đó, dù cả ngày bận bịu vất vả mưu sinh, họ vẫn không quên đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng để được phù hộ độ trì cho cuộc sống thường nhật.
Niềm tin tâm linh vẫn được duy trì cho đến ngày nay do nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng phần lớn bộ phận văn học trung đại vẫn còn đấy đầy ắp những yếu tố huyễn hoặc, thần bí, kỳ lạ … Văn học trung đại cách chúng ta đã nhiều thế kỷ nhưng đời sống tâm linh thời ấy vẫn mang giá trị khởi nguồn. Những tác phẩm từ thế kỷ X trở đi mang đậm dấu ấn của niềm tin tâm linh (Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Thánh Tông di thảo, Nam Ông mộng lục, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Hoàng Lê nhất thống chí, Tang thương ngẫu lục, Công dư tiệp ký, Truyện Kiều, Hoa Tiên, Mã Phụng Xuân Hương, Phạm Tải Ngọc Hoa, Lục Vân Tiên …). Tồn tại trong những tác phẩm này là vô số những vấn đề có thể chưa hiểu hết, có thể còn bán tín bán nghi nhưng con người đã đặt hết niềm tin của mình vào bệ đỡ tâm linh. Niềm tin ấy theo thời gian không hề phai lạt đi mà ngược lại nó càng củng cố thêm khi ánh sáng khoa học cũng đành bó tay không lời giải đáp. Có thể tìm thấy trong các yếu tố như: phép thuật, tướng số, bói toán, phong thủy…những cánh bay của niềm tin ấy.
1. Phép thuật
Thần linh, theo quan niệm của người xưa, nhất định khác với người bình thường. Lai lịch, sức mạnh của thần linh, và những nhân vật được xem như hiện thân của thần linh bao giờ cũng được viền thêm vầng ánh sáng kỳ ảo, bỡi lẽ chỉ cần thiếu vắng vầng ánh sáng ấy thì “chuyện ông thánh sinh ra khác gì người thường, và tính cách người thường có khác gì ông thánh” (Tựa thuyết – LNCQ)[1]. Vì thế, trong văn học trung đại, phép thuật thường được miêu tả như một biểu hiện về sức mạnh của thần linh.
Những phép thuật từng xuất hiện trong văn học trung đại rất đa dạng, có thể phân chia thành nhiều loại, có tốt, cũng có xấu, tùy vào mục đích thi triển pháp thuật của nhân vật. Phép thuật dùng để giúp người, cứu đời là “phép thần”, còn phép thuật “để mê hoặc mọi người”, “lừa dối, làm loạn chính pháp” (Thiền sư Đạo Hạnh – Thiền uyển tập anh) thì phải gọi là “phép yêu dị”. Bên cạnh đó, mỗi loại phép thuật lại có sự mầu nhiệm riêng.
Trước hết, phép thuật biểu hiện thông qua khả năng di chuyển ở những vùng không gian mà người thường vốn không thể đặt chân đến. Trời cao, biển sâu, lửa bỏng đối với con người thời trung đại chỉ biết “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”[2] là những nơi đầy chứa đầy bí ẩn, hiểm nguy, chỉ có thần linh mới đi lại được. Lạc Long Quân là giống rồng nên ngài “hay bơi lội ở thủy phủ” (Truyện họ Hồng Bàng – LNCQ). Thủy Tinh làm chủ miền sông nước nên mới “đi xuống nước, vào lửa đều được cả” (Tản Viên Hựu Thánh Khuông Quốc Hiển Ứng Vương – VĐUL). Bậc tu hành đắc đạo cũng sở hữu quyền năng đặc biệt này. Thiền sư Minh Không, đúng như pháp hiệu của ông, luyện được phép thuật đi lại trên không trung dễ dàng như trên đất bằng (Minh Không thần dị – NÔML). Trong một số tác phẩm, người trần dựa vào sự giúp đỡ của thần linh đã vượt qua ranh giới ngăn cách giữa các không gian. Theo Tang thương ngẫu lục, năm xưa một người giàu có ở làng Như Phượng, huyện Văn Giang đi buôn ngoài bể khơi bị đắm thuyền, dạt đến đảo hoang chỉ có toàn là người đen xấu. Ông ở đấy làm mướn mấy năm. Cuối cùng người trên đảo cho ông “nắm một đầu thừng, bảo nhắm mắt lại”, rồi “tung bay lên trời”. Một lát thừng đứt, ông “lăn xuống đất, nhìn ra thì đó là cổng làng” (Ông Sấm). Riêng ở Lĩnh Nam chích quái, Nam Ông mộng lục, các tác giả đã mượn sức mạnh siêu nhiên (rùa vàng, rồng vàng) đưa những người anh hùng bị dồn đuổi đến đường cùng như An Dương Vương, Triệu Việt Vương từ trần gian xuống thủy phủ, biến họ thành những vị thần bất tử. Người anh hùng không bao giờ chết, họ sẽ được “hiển thánh”, “phong thần”, đấy là motif chung trong truyền thuyết dân gian mà ở đây văn học viết đã hoàn toàn kế thừa.
Hai là phép thuật trừ yêu quái, trừ tà chữa bệnh. Trời, Phật, các thiền sư đại diện cho Phật giáo và đạo sĩ đại diện cho Đạo giáo có sức mạnh tiêu diệt ma quỷ, bệnh tật – nguyên nhân gieo rắc tai vạ, đau khổ và sợ hãi cho nhân gian. Quan Âm đại sĩ hiện lên giữa cõi trần với “cành dương tỉnh thủy” quen thuộc “rưới đầu rảy mặt”, chữa khỏi bệnh mù của thiền sư Ma Ha (Thiền sư Ma Ha – TUTA). Thiền sư Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông bằng cách “nấu nước để rửa”, “tay cọ đến đâu lông hết đến đấy, thân thể liền bình phục” (Minh Không thần dị – NÔML). Với những căn bệnh nan y hoặc kỳ lạ, người xưa chỉ còn biết cầu viện đến sự linh ứng của phép thần thông. Mặt khác, tuy dương gian là thế giới của người sống nhưng từ nơi rừng thiêng nước độc đến mảnh vườn, góc nhà đều có các loài ma quỷ, yêu quái ẩn nấp. Ngay trong chốn thâm nghiêm như cung vua đời Lý cũng có yêu quái quấy phá, danh tăng Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền phải dùng phép thuật mới trừ được:
“Giác Hải lấy mấy hạt châu gõ vào nóc nhà, tiếng kêu khóc liền im bặt. Thông Huyền dùng lệnh bài đập vào cột, bỗng thấy một bàn tay to tướng ló ra trên tường nhà, cầm một con rắn mối vứt xuống đất, yêu quái bèn hết.”
(Tăng Đạo thần thông – NÔML)
Hay khi An Dương Vương xây dựng Loa Thành, thành xây xong lại đổ, sau nhờ thần Rùa vàng báo có yêu quái ẩn nấp trong thành, vua mới rõ nguồn cơn:
Có yêu quái ở chốn này
Nó thì trêu gở chốn này vậy song.
Ông Quán hiệu là Ngô Không
Có đôi gà trắng nuôi trong thường lề.
Dầu vua giết được bạch kê
Làm bùa yểm dưới vậy thì thành nên.
(Việt sử diễn âm)
Ở câu chuyện trên, thần Rùa vàng vừa mách bảo cho vua căn nguyên của việc đổ thành vừa dặn dò cả việc làm “bùa yểm” – một phương thức thường được sử dụng cho việc diệt trừ yêu quái. Ngoài cách làm bùa yểm ấy ra, các thiền sư, đạo sĩ còn có thể lập đàn tràng như sư cụ Pháp Vân trong Đào thị nghiệp oan ký (TKML):
Bèn dựng một đàn tràng ngay ở trên núi, treo đèn bốn mặt và lấy bút son vẽ bùa dấu. Ước một trống canh thì có đám mây đen mười trượng vây xung quanh đàn, một cơn gió lạnh thổi làm cho người phải ghê rợn. Sư cụ cầm cây tích trượng chỉ huy tả hữu, có lúc lại ra khỏi đàn làm bộ quát mắng.
hoặc bắt quyết, phóng quyết, niệm chú như thầy phù thủy Trần Lộc trong Nội đạo tràng (TTNL):
Tổ sư tức lắm, phóng một cái quyết lật đổ núi. Yêu hóa làm con quạ bay vút lên trời. Tổ sư lại phóng mấy cái quyết trúng vào mình nó, nó phải sa xuống đất mà chết. […]. Tổ sư nghĩ vì cái yêu khí ở vùng tây nam mới yên, chưa dám đi ngay, liền cử đồ đệ là Pháp bộ Kim Cương đi thay, đấm vào ngực mà niệm chú.
Phép thuật chẳng những có thể trừ diệt yêu quái mà có khi điều khiển được cả hiện tượng thiên nhiên. Trong hệ thống các vị thần của người Việt, mỗi thần có trách nhiệm riêng, chẳng hạn thần Sấm tạo sấm sét, thần gió nổi gió, thổi mây, Long vương làm mưa… Nói tóm lại, thiên đình, thủy phủ, âm ty cai quản mọi việc của vũ trụ. Thế nên, khi bị thiên nhiên ngăn trở, con người liền cầu khấn đến các vị thần linh. Đấy là cách mà chúa Trịnh đã làm vào khoảng năm Cảnh Hưng khi thuyền tuần du của ông bị bãi cát nổi trên sông chặn lại. Sau lời cầu khấn của Chúa, phép thuật đã linh ứng. Từ lòng sông “bỗng có hai con rắn xuất hiện, dài hơn một thước, to bằng ống tre, bò ngoằn ngoèo qua cái bãi ấy”. “Rắn bò đến đâu, cát tan ra đến đấy, nước sông lại đầy lên như cũ” (Sông Độc – TTNL). Đôi lúc, thiền sư hay thầy phù thủy cũng thực hiện được phép thuật kỳ diệu này. Thiền uyển tập anh kể rằng Thiền sư Tịnh Giới “trong lúc đi các nơi quyên mộ để đúc chuông làm trống, có khi trời kéo mây đen sắp mưa, sư đứng giữa sân giơ gậy trừng mắt nhìn lên, chỉ trong chốc lát mây tan, mặt trời lại xuất hiện”. Tài phép chi phối các hiện tượng tự nhiên này càng bộc lộ rõ hơn mối dây nối kết giữa người, hay chính xác hơn, những người có phẩm chất thần linh, và trời.
Trong truyện trung đại, nhất là truyện truyền kỳ, biến hóa là loại phép thuật thường xuyên được nhắc đến. Cây cỏ, muông thú…, những sinh vật không phải người hoặc các vị thần với chân thân khác người thường, để đi lại chốn nhân gian, hưởng niềm vui nơi trần thế đều hóa thân thành người. Nguyễn Dữ đã để lại cho văn chương một cuộc đối đáp kỳ thú qua Đà Giang dạ ẩm ký (TKML). Kỳ thú ở chỗ nhân vật mà nhà văn sáng tạo nên để tranh biện cùng Hồ Quý Ly không phải người mà là vượn tinh và cáo tinh. Phép thuật biến hóa cũng rất dễ bị yêu ma quỷ quái lợi dụng để lừa gạt người đời. Thánh Tông di thảo kể rằng năm xưa có con chuột thành tinh nhân lúc người chồng vắng nhà, bèn hóa thành anh ta, sống chung cùng người vợ. Sự việc được phát giác, người chồng thật và người chồng giả do con chuột biến phép cùng đến trước điện rồng chờ vua phân xử nhưng kết quả là “hai người giống nhau như đúc, không thể phân biệt được ai thật ai giả” (truyệnCon chuột thành tinh). Nhưng dẫu biến hóa có tinh diệu đến đâu chăng nữa thì cuối cùng các sinh vật đều buộc phải trở về với hình dáng ban đầu. Nàng Liễu, nàng Đào trong Tây viên kỳ ngộ ký (TKML) xinh đẹp mê hoặc lòng người như thế thoáng chốc thác hóa cùng trận gió dông. Mấy chiếc hài hai nàng tặng, Hà sinh vừa cầm trên tay “đã thành ra những cánh hoa, bay vèo lên trên không mất”. Nàng Ngọa Vân trong Truyện lạ nhà thuyền chài (TTDT) vốn là nữ học sĩ ở Long Cung, dưới hình dáng người trần, chung sống cùng Thúc Ngư bốn năm song vì một lần tình thế nguy biến, nàng để lộ bản hình “hóa ra thành một con cá to, dài độ ngàn thước, mình lớn ước tới ba mươi quầng” nên đành vĩnh biệt chồng bay đi mất. Nếu sự hóa thân thành người là khởi đầu cho mối tình duyên tươi đẹp của Ngọa Vân, nàng Liễu, nàng Đào… thì việc trở lại bản hình buộc họ vĩnh viễn rời xa trần thế, cắt đứt sợi dây yêu thương cùng người phàm.
Có lúc, con người cũng hóa thân thành các sinh vật khác tuy biến hóa theo hướng này không phổ biến như việc thần hoặc các sinh vật hóa thành người. Đặc biệt, trong những truyện chúng tôi khảo sát, đến ba lần con người hóa thành cùng một loài vật: hóa hổ. Theo Việt điện u linh, “trong đời vua Lý Nhân Tông (1092 – 1127), quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một gia nô người Đại Lý (Vân Nam) có thuật lạ: đọc thần chú xong, biến hình thành hổ báo. Văn Thịnh cố dỗ y dạy mình thuật ấy” (Thái Úy Trung Tuệ Vũ Lượng Công). Vua Lý Thần Tông khi còn là thế tử, như Nam Ông mộng lục thuật lại, từng mọc lông khắp người chẳng khác loài hổ (truyện Minh Không thần dị). Tang thương ngẫu lục qua truyện Hóa hổ ghi chép lại một sự lạ ở Sơn Vi. Có người nọ vào rừng lạc đường, gặp một ông già cởi áo mặc cho và dặn đi sau. Một lúc sau, anh ta “ngứa ngáy” và “thấy mình hóa thành một con hổ”. Sự trùng hợp giữa ba câu chuyện trên chỉ mang tính ngẫu nhiên hay phía sau chúng còn ẩn giấu một thông điệp nào đấy chờ đợi chúng ta giải mã?
Cuối cùng không thể không kể đến những vật có phép thuật mà thần ban tặng cho loài người. Rồng vàng “tháo móng chân” cho Triệu Việt vương, chỉ cần mang móng chân đó cài lên mũ đâu mâu, quân giặc trông thấy, tự nhiên sẽ khiếp sợ (Triệu Việt vương và Lý Nam Đế – NÔML). Khi An Dương Vương bị giặc đuổi đến bờ biển, Rùa vàng đưa nhà vua “sừng tê bảy tấc”, giúp vua rẽ nước vào thủy cung (truyện An Dương Vương – LNCQ). Nàng Ngọa Vân trước lúc từ biệt chồng “nhả một điềm rãi trắng to”, đem nó “hòa với nước mặn mà uống thì xuống nước không chìm, không bao giờ bị nạn chết đuối” (Truyện lạ nhà thuyền chài – TTDT). Như vậy, khi nhận được vật báu mang phép thuật, con người sẽ sở hữu một số khả năng như thần linh. Và ngay cả khi thần linh không còn ở bên cạnh con người, vật báu ấy vẫn là bằng chứng xác thực nhất về phép mầu nhiệm của các vị thần.
2. Bói toán, xem tướng số
Thần linh bên cạnh việc có phép thuật vô cùng thần thông còn nắm giữ số mệnh của con người. Do đó, người ta thích bói toán, mang điều mình nghi ngờ mà hỏi quỷ thần để biết trước tương lai lành dữ. Với người dân thuở trước, bói toán là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày. Chuẩn bị làm một việc trọng đại, trước tiên phải bói xem ngày. Quang Trung dẫn quân ra Bắc nhưng chưa thể đến Thái miếu – nơi thờ cúng linh thiêng – mà phải lệnh cho Nguyễn Hữu Chỉnh chọn ngày tốt:
Sau lễ tiếp kiến vua Lê, vua Tây Sơn sai Chỉnh chọn ngày tốt để vào làm lễ ra mắt ở nhà Thái miếu. (Hoàng Lê nhất thống chí)
Người thân bị bệnh nặng, dân gian cũng mời thầy phù thủy hay thầy bói đến xem bệnh thay cho thầy thuốc:
Mời thầy chiếu kính bốn bề[3]
Những kẻ tài thì điểm đặng bốn mươi
Chiếu xem một buổi dâm trời
Chiếu kính ra rồi thêm sự xót xa
(Phạm Công Cúc Hoa)
Việc tương lai, đặc biệt là việc thi cử công danh, càng cần đoán số, hỏi mệnh bởi lẽ xưa nay “học tài thi phận”. Trước khi Vân Tiên lên kinh ứng thí, tôn sư của chàng đã đoán số biết trước kết quả không hay:
Tôn sư khi ấy luận bàn:
“Gẫm trong số hệ khoa tràng còn xa.”
(Lục Vân Tiên)
Hai anh em Mã Phụng, Mã Long văn tài ngang nhau, nhưng nhờ bắt xăm nên các vị đại sư trong chùa biết được ai sẽ chiếm bảng vàng trạng nguyên:
Hội trào bỏ toán bắt xăm
Bắt tên nào trúng ấy nhằm trạng nguyên
Vái cùng thượng giới hoàng thiên
Kích cổ triều tiền làm lễ triều nghi.
(Mã Phụng Xuân Hương)
Trước một linh cảm hay một hiện tượng lạ thường, người ta cũng dựa vào bói toán, xem đấy là phương thức giúp con người hiểu được ý trời. Nàng Bích Châu, cung phi của Trần Duệ Tông, trên đường theo vua đánh Chiêm Thành, một đêm “xem thiên tượng, thấy một đạo hắc khí từ phương đông lại, lấn vào ngôi sao thứ tư bắc cực rất kíp” (Hải khẩu linh từ – TKTP). Tối đến trằn trọc, không ngủ được, nàng lại bói một quẻ, kinh hãi nhận ra lần hành quân này sẽ đại bại. Nguyễn Trãi, vị quân sư đắc lực của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, theo lời kể của tác giả Việt Lam xuân thu, ngoài tài thao lược còn tinh thông thuật bói toán. Sau khi châu Trà Long hoàn toàn được bình định, “bỗng một cơn lốc cuốn đổ lá cờ vàng”. Nguyễn Trãi “bấm một quẻ,thất kinh gọi Đoàn Mãng lại bảo: Đại vương bị thất bại. Ông lập tức dẫn 1000 quân, cướp đường đến Diễn Châu giải cứu cho Đại vương”.
Tóm lại, bói toán là để người ta hỏi quá khứ, biết trước tương lai. Mọi việc lớn nhỏ trong đời sống đều có thể đoán biết bằng nhiều hình thức khác nhau. Có bói Kinh Dịch (hay bói Dịch), với việc lập quẻ dựa vào cách gieo đồng xu (lắc hào), xem mai rùa, sắp các cọng cỏ thi, bấm độn. Trong câu truyện Hải khẩu linh từ dẫn ở trên, cách mà nàng Bích Châu sử dụng chính là bói Kinh Dịch:
Nói xong, nàng liền đóng cửa sổ đi nằm, trằn trọc không yên giấc, chợt nghe chiến thuyền phía trước phía sau đã điểm trống canh tư rồi. Ngồi dậy bói một quẻ Kinh Dịch, trúng vào quẻ “phục” (chấn dưới khôn trên) biến sang quẻ “di” (chấn dưới càn trên) trong lòng tự đoán rằng: Trong quẻ “dụng đảng” nhiều, “thể đảng” ít, ngoại khí vượng, nội khí suy. Vả hào từ nói “mê lại dữ, có tai vạ” đi hành quân thế nào cũng đại bại. Có lẽ chuyến đi này bị cái nhục Nhu Cát[4] chăng!
Ở một tác phẩm khác, truyện thơ Lục Vân Tiên, thầy bói cũng bày ra phép bói Dịch bằng mai rùa, cỏ thi:
Thầy bèn gieo quẻ đặng linh:
“Chiêm tên tuổi ấy lộ trình mắc chi?”
Ứng vào rùa với cỏ thi
Rồi thầy coi quẻ một khi mới tường
Ngọc Hoa trong Phạm Tải Ngọc Hoa nghe lệnh vua truyền gọi chồng liền bấm quẻ và biết đó là điều chẳng lành:
Nàng nghe vua phán ân cần
Tay liền bấm độn vội vàng xem qua:
Sơn trạch quẻ động hào ba
Vợ chồng ân ái xót xa lòng vàng
Ngỡ là đồng tịch đồng sàng
Đồng sinh đồng tử lửa thương muôn đời
Hay đâu một phút biến dời
Ấy ai phân rẽ duyên tôi làm vầy?
Nếu bói Kinh Dịch người giải đoán căn cứ lời quẻ (thoán từ), lời hào (hào từ) trong Kinh Dịch để luận đoán thì bói chữ, bói thơ dựa trên cách chiết tự. Tang thương ngẫu lục khi ghi chép về cuộc đời Nguyễn Hãng, từng nhắc đến người thầy bói đoán chữ nổi tiếng lúc bấy giờ. Tương truyền, cuối đời Long Đức, vua Hiển Tông là con nối, nhưng không được lập làm vua, đến ẩn trốn trên gác chuông chùa Phật Tích, gặp vị thầy chiết tự này, nhờ xem hộ và viết một chữ “Cảnh”. Nhìn chữ, ông thầy phục xuống lạy mà nói: “Mặt trời rọi xuống kinh đô là biểu hiện của Thiên tử rồi” (Nguyễn Công Hãng). Chữ Cảnh (景) trên có chữ Nhật là mặt trời, dưới có chữ Kinh là Kinh đô. Cả chữ trên chữ dưới nghĩa là: mặt trời trên kinh đô, nên ông thầy đoán là mặt trời rọi xuống kinh đô, là điềm lên ngôi vua. Quả nhiên, sau vua Ý Tông nhường ngôi, Hiển Tông được lên ngôi vua, niên hiệu Cảnh Hưng.
Ngoài ra, ở nơi chùa miếu, hoạt động xin xăm diễn ra thường xuyên. Niềm tin mà mẹ và vợ Mã Ô dành cho việc vái Phật xin xăm trong truyện Mã Phụng Xuân Hương là một ví dụ điển hình cho tâm lý chung của người dân lúc bấy giờ:
Mẹ con nghị lượng hơn thua
Sắm sanh lễ vật lên chùa xin xăm
Lên chùa vái Phật mới xin
Sáu bảy năm này sao mất không tin
Vào chùa lễ Phật xin xăm
Xăm kia mới đoán bình an không gì.
Giữa thời tao loạn, bói toán càng được ưa chuộng. Những lời được xem như sấm ngữ lưu truyền khắp nơi. Chẳng hạn cuối đời Tiền Lê, giang sơn sắp đổi chủ, lời sấm của Thiền sư Vạn Hạnh lan truyền đến tận thôn cùng xóm vắng:
Tật lê chìm biển Bắc
Cây Lý mọc trời Nam
Bốn phương binh đao lặng
Tám hướng chúc bình an.
(Thiền sư Vạn Hạnh – TUTA)
Tật lê là tên một loài cây, ở đây chỉ mượn tiếng đồng âm để ám chỉ triều Tiền Lê, cũng như lý (cây mận) để chỉ triều Lý. Chú bác Lý Công Uẩn nghe xong lấy làm lo sợ, sai người ruổi gấp về Hoa Lư nghe ngóng, thì quả đúng như lời sư nói.
Xem tử vi, tướng số là một hình thức bói toán khác dựa trên ngày giờ sinh hoặc tướng mạo, hành vi của mỗi người. Nhờ tử vi, tướng số, người ta đoán biết được tương lai rạng rỡ của anh hàn sĩ nghèo khổ như Thị Hương đã nhận ra số Trạng nguyên của Lý Công: “Nguyên nàng số lí nghề nòi/ Dưới đất trên trời thuộc hết mọi phương/ Khoan khoan chân bước bên đường/Thấy chàng họ Lý ngồi đương ăn mày” (Lý Công), hay người khách từ phương Bắc đến dùng thuật tướng số đoán rằng hậu vận của Quận Tạo rất tốt, “phúc lộc không kể xiết” (Hoàng Lê nhất thống chí). Những bậc thiên tử qua sự miêu tả của văn học trung đại cũng phải có tướng mạo khác thường. Hoàng thượng Lê Hiển Tông thì “râu rồng, mũi cao, tóc hạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non”, hoàng tôn Lê Duy Kỳ thì “mày rồng mắt phượng, tiếng nói như chuông”. Dưới góc nhìn của dân chúng bấy giờ, hình dáng ấy chứng tỏ họ “thật đúng là bậc thiên tử” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Có lúc quá khứ, tương lai được thần linh trực tiếp chỉ dẫn cho người trần thông qua việc nhập đồng. Đọc truyện Sông Độc (TTNL), chúng ta sẽ phần nào hình dung được cách nhập đồng của các thầy phù thủy:
Trong tháng ấy, vị Quản Lĩnh Hầu Mỗ ở Kinh đô bị ốm nặng, thuốc thang cứu chữa mãi không công hiệu. Người nhà mời thầy phù thủy đến lập đàn thỉnh tướng. Tướng bốc đồng lên nói rằng: “Hầu ốm không cớ gì khác, chỉ tại tên Mỗ giết con thần sông mà nên. Kíp bảo nó đến đền chịu tội, nếu để thần sông quá giận, thì bệnh sẽ không thể khỏi được.
Nhìn chung, thuật bói toán tuy đa dạng nhưng vẫn phải dựa trên một số nguyên tắc nhất định như việc giải đoán quẻ bói thường phải căn cứ vào nguyên lý âm dương ngũ hành. Còn các nguyên tắc ấy được vận dụng hiệu nghiệm đến đâu là tùy thuộc ở người bói toán. Người bói toán, xem tướng số có thể là thầy bói, thầy phù thủy, thầy tu, đôi khi là tiên nhân giáng thế. Việc Bạch Long hầu trong Long đình đối tụng lục (TKML) nhân lúc nhàn rỗi biến thành ông thầy bói ngồi ở chợ Nam phải chăng chứng tỏ thần linh cũng thích thú với việc xem bói ở nhân gian?
Có thể nói, hầu hết việc bói toán, xem tướng số khi xuất hiện trong tác phẩm văn học trung đại đều được cả nhân vật trong truyện lẫn tác giả tin tưởng, coi trọng. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVIII, XIX, các truyện thơ Trinh thử, Lục Vân Tiên đã phần nào tái hiện một cách chân thật các trò bói toán bịp bợm diễn ra nhan nhản trong xã hội lúc bấy giờ. Này là lời lẽ của chuột Đực dùng các quẻ trong Kinh Dịch dụ dỗ chuột Bạch hòng thỏa mãn thói háo sắc của hắn:
Chàng rằng: “Nàng vẫn chấp nê
Chẳng hay lo trước ắt thì lụy sau
Hãy suy cho thấu cơ mầu
Trong khi tụy hoán[5] dễ hầu một ai…
(Trinh thử)
Này là những gì thầy bói khua môi múa mép lừa gạt Tiểu đồng đang nóng lòng lo lắng cho căn bệnh của cậu chủ Vân Tiên:
Tiểu đồng nghe nói đi liền
Gặp ông thầy bói đặt tiền mả coi
Bói rằng: “Ta bói hẳn hoi,
Bói hay đã dậy, người coi đã đầy.”
(Lục Vân Tiên)
Song đến đây cũng cần phải nói thêm rằng phê phán của tác giả khuyết danh trong Trinh thử, của Đồ Chiểu trong Lục Vân Tiên chưa phải hướng đến bản chất mê tín của thuật bói toán nói chung mà chủ yếu nhằm vào một nhóm người lợi dụng bói toán làm điều xằng bậy. Nhân vật tôn sư – thầy học của Vân Tiên tinh thông sách vở, đồng thời giỏi cả bói toán, pháp thuật. Con đường công danh trắc trở Vân Tiên trải qua trong tương lai đã chứng minh thuật đoán số của thầy chính xác vô cùng. Điều này càng cho thấy từ xưa niềm tin vào bói toán, thuật số đã bén rễ rất sâu trong đời sống tinh thần của dân tộc.
3. Phong thủy
Phong thủy là “học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người”. Về mặt từ nguyên, “風 phong có nghĩa là gió, là hiện tượng không khí chuyển động và 水 thủy có nghĩa là nước, là dòng nước, tượng trưng cho địa thế”[6].
Phong thủy chia thành hai lĩnh vực. Dương trạch là cuộc đất được dùng vào mục đích làm nhà cửa, đình chùa, miếu mạo, thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố. Một cuộc đất tốt sẽ mang đến điều may mắn cho chủ nhân. Trong Thiên đô chiếu, vua Lê Thái Tổ căn cứ vào địa thế, phong thủy của thành Đại La để quyết định dời đô:
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Phong thủy hài hòa, ở phương diện rộng, mang đến thịnh vượng cho đất nước. Ở phương diện hẹp, phong thủy nơi sinh sống ảnh hưởng đến vận mệnh của từng cá nhân, cho nên nhìn vào địa thế nhà cửa có thể đoán biết được điều lành dữ của chủ nhân. Tương truyền mẹ vua Lê Thánh Tông, “thuở còn hàn vi, ngụ tại phía tây nam nhà Quốc tử giám”. Theo các thầy tướng số “nơi đây nước hồ bao bọc chung quanh nhà”, “có khí vượng của thiên tử” (Vua Thánh Tông – TTNL).
Còn âm trạch là cuộc đất dùng để chôn người chết. Phong thủy cho rằng nếu tổ tiên được chôn vào một cuộc đất tốt thì sẽ truyền phúc đức cho con cháu đời sau. Các tác giả văn học trung đại lưu tâm đến âm trạch nhiều hơn dương trạch. Người Trung Hoa được xem như bậc thầy trong việc chọn đất đặt mộ huyệt. Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Tang thương ngẫu lục qua truyện Ngôi mộ bà mẹ của Đào Khản vẫn nhắc đến sách Địa kiểm của Cao Biền – viên tướng nhà Đường cai trị đất Giao Châu vào khoảng thế kỷ thứ IX. Hoàng Phúc – viên đại thần nhà Minh – rất giỏi phong thủy, “khi ở nước ta đã đi xem khắp các kiểu đất và có ghi cả”, để lại sách Kiểm ký (Ông Lê Trãi – TTNL). Nhiều người phương Bắc khác cũng thường sang phương Nam tìm huyệt đất tốt (truyện Đinh Tiên Hoàng – CDTK, Cho bạc được phúc – BTTKL) nhưng cuối cùng mạch đất bao giờ cũng về tay người Việt. Hơn nữa, nước ta cũng có những bậc thầy nổi tiếng về thuật phong thủy sánh ngang với người Trung Hoa như Tả Ao tiên sinh, người làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Tang thương ngẫu lục dành hẳn một thiên có tên Tả Ao tiên sinh kể về lai lịch, tài năng của nhân vật này. Khả năng phát hiện mạch đất của ông thần kỳ đến mức chỉ đi ngang gò đất bên đường một lần đã biết ngay đây là “ngôi đất huyết thực”, sau khi mất táng ở đấy sẽ thành Phúc thần. Song dẫu tài giỏi, con người vẫn bị chi phối bởi mệnh trời. Tiên sinh Tả Ao chọn được huyệt miệng rồng “năm trăm năm mới mở một lần mà mở chỉ trong một khắc” ngoài hải đảo, chuẩn bị mang hài cốt mẹ đến chôn ở đó, không may bị sóng gió cản trở, không thể ra chôn được. Tìm được thế đất tốt là dựa vào tài năng của thầy địa lý nhưng có chiếm được thế đất ấy không còn do một chữ duyên định đoạt. “Thật là số mệnh của ta”, tiếng than ấy của Tả Ao tiên sinh hẳn là lời chung của con người trung đại về lòng người và ý trời.
Việc đề cao thầy phong thủy của người xưa tỏ rõ chọn đất chôn cất tổ tiên là vấn đề hệ trọng bởi lẽ âm trạch liên quan đến sự hưng thịnh hay diệt vong của cả gia tộc. Sở dĩ vua Lê Thái Tổ nắm được quyền lớn là vì chỗ giếng cha ông chết chung quanh có rất nhiều gò “trông ra như chiếc hoa sen tám cánh”, gọi là “huyệt Đế vương thiên táng” (Sự tích vua Lý Thái Tổ – HVLHC). Gia đình Nguyễn Trãi mắc vạ lớn tru di, nguyên nhân ở chỗ vị trí mả tổ nhà ông nằm trúng vào nơi có hình thế “Tướng quân cụt đầu”. Về thế đất ấy, trong bản Kiểm ký của Hoàng Phúc nói rằng: “Nhị Khê mạch đoản, họa thảm tru di” (Ông Lê Trãi – TTNL). Giữa thời loạn sinh ra kẻ gian hùng như Nguyễn Hữu Chỉnh là do năm xưa ông Giám sinh họ Đỗ cắm lầm một cái huyệt cho cha Quận Bằng (Mả tổ Quận Bằng – TTNL). Long khí tỏa ra từ huyệt đất lớn đến mức tác động cả vào tự nhiên, vũ trụ. Mộ huyệt táng hài cốt cha Đinh Tiên Hoàng nằm trong đầm nước, từ đó vọt ra “một luồng khí sáng hồng”, “như một dải lụa chiếu thẳng vào sao Thiên Mã” (Đinh Tiên Hoàng – CDTK). Khi thầy Tả Ao tìm được mạch đất trên núi Hồng Lĩnh, tinh tượng biến đổi khác thường. “Bấy giờ người Minh trông thiên văn đều nói: Các ngôi sao đều chầu cả về phương Nam, nước An Nam họ được đất rồi” (Tả Ao tiên sinh – TTNL). Nhìn chung, Công dư tiệp ký, Hoàng Lê nhất thống chí, Tang thương ngẫu lục,v.v. , khi lý giải về sự thành bại trong cuộc đời các nhân vật lịch sử không chỉ căn cứ vào nhân phẩm, tài năng của nhân vật, mà còn thường xem xét đến mồ mả tổ tiên. Riêng ở Tang thương ngẫu lục 9/90 thiên truyện đã có nhắc đến thế đất huyệt mộ.
Tuy nhiên hình thế của huyệt mộ không phải tồn tại vĩnh viễn. Đã có phương pháp tìm ra ngôi huyệt tốt, ắt hẳn cũng có cách phá hoại. Huyệt mộ ngựa thần mà Đinh Tiên Hoàng lấy được từng giúp ông đánh đâu thắng đấy, gặp tai ương có “rồng vàng hiện lên che chở”. Nhưng về sau, theo lời người khách phương Bắc, Đinh Tiên Hoàng đặt gươm ở cổ ngựa khiến thế đất từ tốt chuyển thành xấu vì “đầu ngựa mang gươm thì bị giết cả cha và con” (Đinh Tiên Hoàng – TTNL). Trong truyện Tả Ao tiên sinh, vị thầy phong thủy tài giỏi này cắm được ngôi huyệt quý giúp con cháu có quyền nghiêng thiên hạ nhưng vua Trung Hoa sai người đến phá, đào trộm mả và lừa bắt con trai ông mang đi. Nhiều long mạch trên khắp nước Việt ta đã bị phá đi như thế.
Bao phủ lên những câu chuyện về mồ mả trong văn học trung đại là một không khí huyền bí. Sự huyền bí ấy khiến độc giả đôi lúc chỉ chú ý đến tầm quan trọng của mạch đất, thế đất mà quên đi vai trò của con người. Song xét đến cùng, chủ nhân của những mạch đất tốt phải có một số phẩm chất nhất định. Có người thông minh, gan dạ như Đinh Tiên Hoàng, dám lặn xuống đầm sâu tìm huyệt mộ (Đinh Tiên Hoàng – CDTK). Có người vì làm việc thiện nên được báo ơn như ông cụ ở huyện Phượng Nhãn làm phúc cho chàng trai nọ nén bạc, sau anh ta giúp ông mai táng hài cốt tổ tiên ở nơi đất tốt (Cho bạc được phúc – BTTKL). Đôi khi thầy địa lý còn cố ý thử thách người xin cắm mộ. Mẹ của ông Đàm Thận Huy từng đến xin thầy địa lý ở làng Tả Ao để hộ ngôi mả cho chồng. Ông già nhận lời để đất cho nhưng “cố ý trùng trình mãi”:
Mỗi khi đi đâu, tối đến vẫn về ở nhà họ Đàm. Một khi gặp mưa, ông già bắt phu nhân cõng mình, hai ông xin thay thì ông gạt đuổi đi. Phu nhân vui vẻ cõng. Đến đêm, ông già lẻn vào buồng ngủ thì phu nhân chống cự một cách nghiêm nghị. Ông già than rằng: “Đó thật là một người đàn bà tiết tháo, ta phải đền bồi mới được”.
Rồi ông già chọn chỗ đất tốt để mộ cho. Sau hai ông nối nhau thi đỗ.”
(Ông Đàm Thận Huy – TTNL)
Rõ ràng chính điều “nhân”, điều “thiện” mỗi người gieo trồng trong cuộc sống đã mang đến hạnh phúc cho bản thân họ. Tin vào sự thần kỳ của phong thủy, bói toán, phép thuật, nhưng cũng không thể xem nhẹ tài năng và phẩm chất đạo đức của con người, tấm lòng ấy, suy nghĩ ấy của người xưa chẳng phải vẫn rất xứng đáng để các thế hệ sau trân trọng sao?
Nhìn chung thế giới tâm linh thông qua các yếu tố phép thuật, tướng số, bói toán, phong thủy… rất phong phú và đa dạng. Những yếu tố này suy cho cùng đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi con người thời trung đại. Người ta ăn, ngủ, làm việc, phấn đấu cho tương lai và cả sau khi chết đều không thể thiếu bàn tay dẫn dắt của tâm linh. Nó như những ngọn đèn giúp con người soi tỏ mục đích sống, như những đôi cánh giúp con người thực hiện chân trời mơ ước, và đôi lúc nó như chiếc vòng kim cô kềm tỏa, thức tỉnh những đam mê vượt quá mức kiểm soát của con người. Nó là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra đường sinh đường tử mà con người đang ngụp lặn trong bể khổ của trần gian này phải dè chừng và kiêng sợ. Một khi mọi bí ẩn còn chưa có lời đáp thì nó vẫn còn có khả năng thả sức nâng bước con người cũng như có thể trong chừng mực nào đó cưỡng chế tham vọng của con người. Xét cho cùng, yếu tố tâm linh ít nhiều cũng giáo dục đường ngay lẽ phải giúp con người sống tốt hơn, thiện hơn. Tất nhiên chuyện “buôn thần bán thánh” mưu cầu lợi ích cá nhân cũng không thể tránh khỏi khi sự hiểu biết của con người còn quá hạn hẹp, thiển cận.
20-5-2012
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Những từ viết tắt:
LNCQ: Lĩnh Nam chích quái
VĐUL: Việt điện u linh
NOML: Nam Ông mộng lục
TTDT: Thánh Tông di thảo
TUTA: Thiền Uyển tập anh
TTNL: Tang thương ngẫu lục
HLNTC: Hoàng Lê nhất thống chí
CDTK: Công dư tiệp ký
TKML: Truyền kỳ mạn lục
TKTP: Truyền kỳ tân phả
HVLHC: Hoàng Việt hưng long chí
BTTKL: Bạc tâm truyền kính lục
- Văn hóa Việt Nam đỉnh cao Đại Việt – Nguyễn Đăng Duy, NXB Hà Nội, 2004
- Lịch sử văn hóa Việt Nam truyền thống giản yếu – Nguyễn Thừa Hỷ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001
- Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam – Mai Thanh Hải, NXB Văn hóa Thông tin, 2004
- Đôi điều về cái thiêng và văn hóa – Hồ Liên, NXB Văn hóa dân tộc, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002
- Những chuyện về thế giới tâm linh – Trần Ngọc Lân, NXB Văn hóa Thông tin, 2006
[1] Xin xem phần chú thích viết tắt ở cuối bài.
[2] Chinh phụ ngâm
[3] Theo người xưa, thầy phù thủy làm phép đánh đồng thiếp cho hồn xuống âm phủ, chiếu mặt gương xem hồn ấy đi đâu, gặp gỡ những gì. Cha mẹ Cúc Hoa mời thầy phù thủy chiếu kính xem Cúc Hoa có bị tà ma quấy nhiễu không.
[4] Chu Hoàn Vương đánh nhau với Trịnh Trang công ở Nhu Cát. Quân nhà Chu bị đại bại.
[5] Tụy hoán: tên hai quẻ trong Kinh Dịch chỉ sự hợp tan.
[6] http://vi.wikipedia.org/wiki/
Nguồn bài đăng