Huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi nguồn vốn rất to lớn . Do đó, mở rộng quy mô huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn là một điều kiện, tiền đề quan trọng để công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công. Vốn để công nghiệp hoá, hiện đại hoá có hai nguồn: nguồn vốn trong nước và nguồn ...
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi nguồn vốn rất to lớn. Do đó, mở rộng quy mô huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn là một điều kiện, tiền đề quan trọng để công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công.
Vốn để công nghiệp hoá, hiện đại hoá có hai nguồn: nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ngoài nước. Nguồn vốn trong nước được tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân dựa trên cơ sở hiệu quả sản xuất, là lao động thặng dư của người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Con đường cơ bản để giải quyết vấn đề tích luỹ vốn trong nước là tăng năng suất lao động xã hội trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hợp lý hoá sản xuất.
ở nước ta hiện nay, để tăng năng suất lao động xã hội tạo nên nguồn vốn cho tích luỹ, trước hết và chủ yếu là phải khai thác và sử dụng tốt quỹ lao động, tập trung sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu…
Nguồn vốn trong nước còn phụ thuộc vào tỷ lệ tiết kiệm. Với một khối lượng của cải nhất định, tỷ lệ tiết kiệm càng cao, nguồn vốn càng lớn. Do đó, để công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công, ta phải triệt để tiết kiệm, coi “tiết kiệm là quốc sách”, đấu tranh triệt để với nạn tham nhũng, lãng phí… Nguồn vốn trong nước còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế như: chính sách cơ cấu các thành phần kinh tế, chính sách thuế, chính sách lãi suất… Do đó, xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trong mỗi giai đoạn phát triển là yêu cầu khách quan. Nguồn vốn trong nước giữ vai trò quyết định vì đó là nhân tố bên trong bảo đảm cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; là tiền đề để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nước ngoài… Do đó, việc đề cao nội lực là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn.
Tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu làm cho việc tích luỹ vốn từ nội bộ nền kinh tế hết sức khó khăn, đặc biệt là trong thời kỳ đầu. Để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn: vì nghèo nên tích luỹ thấp; tích luỹ thấp thì tăng trưởng kinh tế chậm và khó thoát khỏi đói nghèo; cần phải tận dụng mọi khả năng để thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Đây là nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, không những giúp các nước nghèo khắc phục một phần khó khăn về vốn trong thời kỳ đầu mà còn góp phần nâng cao trình độ quản lý và công nghệ, tạo việc làm cho người lao động… Vì thế, tranh thủ nguồn vốn bên ngoài là một nhân tố đẩy nhanh thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, mặt trái của nguồn vốn nước ngoài cũng không nhỏ. Sử dụng nguồn vốn nước ngoài phải chấp nhận bị bóc lột, tài nguyên bị khai thác, nợ nước ngoài tăng lên… Do vậy, không thể kỳ vọng quá lớn vào nguồn vốn bên ngoài. Sử dụng nguồn vốn nước ngoài là rất cần thiết nhưng rất cần cân nhắc, lựa chọn.
Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, xây dựng và phát triển thị trường vốn là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Nhờ có thị trường vốn, người sở hữu vốn nếu nhượng quyền sử dụng vốn cho người khác sẽ có thu nhập. Đồng thời, khi có thị trường vốn, đồng vốn sẽ dễ dàng chuyển dịch từ nơi hiệu quả thấp đến nơi có hiệu quả cao. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển thị trường vốn ở nước ta là rất cần thiết.
Quy mô huy động và hiệu quả sử dụng vốn còn tuỳ thuộc vào môi trường vĩ mô. Môi trường vĩ mô càng thuận lợi thì quy mô huy động và hiệu quả sử dụng vốn càng cao. Do đó, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho các hoạt động đầu tư cũng là giải pháp kinh tế quan trọng. Xây dựng môi trường vĩ mô thuận lợi tức là giữ ổn định về chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, xây dựng môi trường pháp lý thông thoáng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế…
Vấn đề đặt ra cho đất nước ta hiện nay là phải nỗ lực vượt bậc, phấn đấu làm ăn có hiệu quả, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực tự cường, ra sức cần kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, khắc phục những yếu kém và tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân, dồn vốn cho đầu tư phát triển.