Phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh khủng hoảng tài chính công và suy thoái kinh tế ở Châu Âu hiện nay
1. Tiêu chí của Phát triển du lịch bền vững Trong tiến trình phát triển, mọi quốc gia đều đặt mục tiêu phát triển bền vững cho mọi chương trình hành động của mình. Đây là hướng đi đúng đắn và cần thiết, là yêu cầu tất yếu đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển, đang trong quá ...
1. Tiêu chí của Phát triển du lịch bền vững
Trong tiến trình phát triển, mọi quốc gia đều
đặt mục tiêu phát triển bền vững cho mọi chương trình hành động của mình. Đây
là hướng đi đúng đắn và cần thiết, là yêu cầu tất yếu đặc biệt là với các quốc
gia đang phát triển, đang trong quá trình CNH - HĐH đất nước trong đó có Việt Nam chúng ta. Phát triển bền vững
là mục tiêu và biện pháp của các cá nhân và tổ chức khi tham gia vào quá trình
kinh doanh tạo ra sự phát triển để đáp
ứng cho nhu cầu hiện tại mà không giảm bớt đi khả năng của các thế hệ mai sau
trong việc đáp ứng cho nhu cầu của họ. Điều 4 Luật Du lịch đã nói rõ: “Du lịch bền vững là sự phát triển du
lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp
ứng nhu cầu về du lịch của tương lai”[1].
Thuyền ca Huế trên sông đang chờ khách
Phát triển du lịch bền vững (Sustainable Tourism) được Tổ chức Du lịch thế giới (United National World Tourist Organization, viết tắt là UNWTO) định nghĩa như sau: "Sự phát triển bền vững của ngành du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và của địa phương du lịch, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy cơ hội phát triển cho tương lai. Sự quản lý của ngành phải cân bằng và đáp ứng được nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ mà vẫn duy trì được các giá trị của sinh thái, văn hóa và môi sinh". Hoặc: "Du lịch bền vững là các hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, ngành du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Du lịch khả thi về kinh tế nhưng không phá hủy tài nguyên mà tương lai của du lịch phụ thuộc vào đó, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương"[2].
Phát triển bền vững phải đạt được các nội dung căn bản sau đây:
- Góp phần bảo vệ môi sinh, môi cảnh.
- Xây dựng, phát triển kinh tế tăng trưởng không ngừng.
- Đảm bảo công bằng xã hội.
- Không xâm hại đến lợi ích nhiều mặt của các thế hệ trước mắt cũng như lâu dài.
- Tạo tiền đề phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội.
2. Khủng khoảng tài chính công châu Âu và sự suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng như thế nào tới du lịch Việt Nam?
Kinh tế thế giới năm vừa qua có những khủng hoảng trên toàn cầu ở tất cả các khu vực như sau:
- Châu Âu nợ công đang là một vấn đề nhức nhối (điển hình là Hy Lạp đang có nguy cơ vỡ nợ) dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến các nước thuộc EU và đồng tiền chung Châu Âu có nguy cơ bị loại bỏ khỏi danh sách các đồng tiền được giao dịch trên thế giới. Chưa bao giờ trong suốt 30 năm trở lại người thất nghiệp và những người vô gia cư tại Châu Âu lại nhiều như vậy ngay cả những nước được coi là phát triển như Đức, Bỉ, Pháp số người thất nghiệp cũng tăng lên một cách chóng mặt.
Khủng hoảng tài chính EU
- Thời tiết khí hậu Châu Âu và thế giới biến đổi khắc nghiệt, giá lạnh kéo dài tác động đến kinh tế- xã hội ở các quốc gia châu Âu. Những vấn đề về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dân nhập cư… tác động mạnh đến châu Âu và thế giới.
- Ở Châu Á, Nhật Bản năm 2011 là một năm gặp rất nhiều khó khăn với khủng hoảng kép, với động đất và sóng thần tác động mạnh đến kinh tế - xã hội nên họ thắt chặt chi tiêu để dành tiền cho việc tái thiết đất nước. Hơn nữa, các ngành sản xuất hàng hóa được coi là thế mạnh của Nhật cũng bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới.
- Mỹ bị khủng hoảng tài chính ngân hàng với phong trào cướp phố Wall đã ảnh hưởng nặng nề đến bất động sản và các ngành kinh tế khác.
- Trung Đông và thế giới Ảrập rơi vào khủng hoảng chính trị dẫn đến kinh tế khủng hoảng theo.Những biến động của Mùa xuân Arab đã tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị - quân sự toàn thế giới.
- Trung Quốc lĩnh vực bất động sản bị đóng băng do khủng hoảng tài chính. Những tranh chấp ở Biển Đông với những hành vi bá quyền của Trung Quốc cũng gây bất ổn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
- Lượng khách châu Âu đến Việt Nam giảm do khủng hoảng tài chính công châu Âu. Thất nghiệp gia tăng. Du lịch bị đình đốn, nhiều hãng du lịch quốc tế bị phá sản (trường hợp Công ty Lanta Tour (Nga) phá sản đầu năm 2012 ở Bình Thuận). Khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm trầm trọng do thắt chặt chi tiêu. Khách quốc tế đổ vào Việt Nam nhiều nhất là: Âu, Mỹ, Nhật, Trung, Hàn, Trung Đông… thì các nước này đang vật lộn với những khó khăn mà quốc gia của họ đang phải đương đầu. Không những du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng mà cả du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo (MICE Tours) cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
- Trong tình hình suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính châu Âu và thế giới làm suy giảm lượng khách quốc tế thì năm 2012 sẽ là năm “thăng hoa” của du lịch nội địa vì Việt Nam chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường của thế giới. Nhưng du lịch nội địa cũng đứng trước “trăm bề khó khăn”:
- Đặc thù của khách đoàn nội địa Việt Nam chủ yếu là do chế độ của người lao động được hưởng hàng năm trong quá trình làm việc. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn họ sẽ thắt chặt chi tiêu thì một số dịch vụ không cần thiết như du lịch sẽ bị cắt giảm đầu tiên.
Ga Huế mùa vắng khách
- Đối tượng khách lẻ Việt Nam bình thường đã ít ỏi lại cộng lạm phát tăng cao cần phải thắt chặt chi tiêu hơn nên sẽ giảm đi du lịch.
- Kinh tế đình đốn, các tập đoàn, Tổng công ty làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản hay phải tái cấu trúc… Khách Việt Nam được đánh giá là nguồn khách có chi trả cao trước đây chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực, ngân hàng, tài chính, bất động sản, xây dựng, xăng dầu, dịch vụ viễn thông (do thu nhập của họ cao nhất trong các ngành ở Việt Nam) thì hiện nay họ còn “than thở” hơn rất nhiều so với các đối tượng khác.
- Giá vé của hàng không tăng cao.
- Giá xăng dầu, nguyên liệu tăng cao.
- Nguy cơ “phí trùm phí” trong giao thông vận tải.
- Dịch bệnh phát triển nhiều trong nước: tay chân miệng, sốt dịch.v.v...
- Thực phẩm bẩn lan tràn khó kiểm soát
- Giá tour nội địa cao hơn tour nước ngoài dẫn đến bất cập trong phát triển kinh tế du lịch đồng bộ.
- Ngành du lịch chúng ta không có bất cứ một chương trình kích cầu nào ngoài những động thái tuyên truyền theo kiểu “Tôi có cái này” như trường hợp Festival Huế 2012 hiện nay.
- Giá tất cả các dịch vụ đều tăng đột biến, không có lộ trình thích hợp: vé tham quan các di sản, giá các dịch vụ đều tăng theo điệp khúc “măm – măm – măm!”. Tình trạng phổ biến hiện nay: sự kiện hấp dẫn du lịch thì ít nhưng ấn tượng tăng giá trong du lịch được coi là sự kiện du lịch thì nhiều!
- Trong kinh doanh có người dung thuật ngữ “thị trường là chiến trường” thì thị trường kinh doanh của du lịch Việt Nam xuất hiện rất nhiều “cứ điểm” trên “chiến trường” đó. Đó là tình trạng thiếu tính liên kết, phá vỡ tính hệ thống, không tạo ra sự đồng bộ; thể hiện như sự đầu cơ, găm hàng trục lợi thể hiện sự manh mún: “việc chú - chú làm; cơm anh - anh chén”. Người Việt Nam luôn ở trong tình trạng “Thấy Cây mà Không thấy Rừng”. Nguy cơ lợi ích nhóm bao trùm nên lợi ích ngành, lợi ích quốc gia, dân tộc.
3. Những định hướng cho phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn hiện nay
- Các doanh nghiệp cần áp dụng chiến thuật: “hòa để tiến” trong hoạt động du lịch hiện nay.
- Xây dựng và phát triển các Chương trình du lịch giá rẻ để thu hút khách. Đầu tư các khu du lịch giá rẻ, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ở các làng bản du lịch văn hóa để khai thác có hiệu quả loại hình homestay.
- Kết nối, mở rộng và khai thác hiệu quả các đường bay trực tiếp đến Việt Nam, điều phối, hợp tác giữa ngành Du lịch và hàng không để điều chỉnh mức giá vé phù hợp. Đặt lợi ích toàn cảnh của đất nước lên trên lợi ích của từng ngành, từng địa phương.
- Đánh giá và hệ thống lại chính sách đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch. Xúc tiến việc quảng bá có tính hệ thống thay vì xúc tiến điểm, thời vụ như hiện nay. Phải có chiến lược quảng bá đồng bộ: Nhà nước quảng bá hình ảnh quốc gia, các tỉnh quảng bá hình ảnh của địa phương mình, các doanh nghiệp bán sản phẩm của mình… tất cả đều cần phải có tầm nhìn dài hạn.
- Kiểm tra, xây dựng lại những cơ sở hạ tầng tối thiểu ở các khu du lịch, điểm du lịch, không gây khó khăn cho du khách.
- Tiếp tục cải tiến các thủ tục xuất nhập khẩu, đề nghị Chính phủ miễn visa du lịch cho một số khách thuộc một số các quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam trong thời hạn nhất định.
- Tập trung rà soát đánh giá lại toàn cảnh thực lực của các doanh nghiệp. Xốc lại tổ chức, đường hướng, chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù với từng địa phương, doanh nghiệp. Tạo ra những nét phong cách độc đáo, ấn tượng.v.v…
- Ưu tiên phát triển loại hình Outbound với các nước trong khu vực Đông Nam Á và từng bước mở rộng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Bắc Mỹ…
Tóm lại, muốn phải triển bền vững trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay thì cần đạt được những nét chính sau đây: Tồn tại ổn định – Xem xét đánh giá đúng thực lực của ngành và các doanh nghiệp – Xốc lại mọi công việc từ tổ chức đội hình đến xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù – Tiến chậm, tiến chắc là phương châm cần thiết hiện nay của ngành và các doanh nghiệp.
[1]. Luật Du lịch, NXB Chíunh trị quốc gia, H.2006, trang 11.
[2]. Antonio Machado: Du lịch và phát triển bền vững (Tourism and Sustainable Development) trong Dự án: "Xây dựng năng lực cho phát triển Du lịch ở Việt Nam". VNAT và FUNDESO, H.2003, trang 237.
Bài và Ảnh: TS. Dương Văn Sáu
----------------------------------