Phân tích truyện ngắn Hai Đứa Trẻ
(Văn mẫu lớp 11) – Anh (Chị) hãy của tác giả Thạch Lam trong sách văn học lớp 11. Đề bài: Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam BÀI LÀM Thạch Lam – nhà văn của những sáng tác nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng chứa đựng bao cảm xúc luyến lưu, bâng ...
(Văn mẫu lớp 11) – Anh (Chị) hãy của tác giả Thạch Lam trong sách văn học lớp 11.
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
BÀI LÀM
Thạch Lam – nhà văn của những sáng tác nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng chứa đựng bao cảm xúc luyến lưu, bâng khuâng khiến tâm hồn người ta dễ dàng xao xuyến. Truyện ngắn Hai đứa trẻ của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc dù nội dung chỉ xoay quanh tâm trạng buồn thương tiếc nuối của hai chị em Liên và An ở một phố huyện nghèo. Dù miêu tả cuộc sống rất bình dị, đơn sơ nhưng Thạch Lam lại rất thành công khi đã lấy được bao cảm xúc của người đọc bằng những hình ảnh rất giản dị, thân quen.
Không cần cốt truyện, không kịch tính gay go nhưng Hai đứa trẻ vẫn là một trong những tác phẩm có giá trị và ẩn chứa nhiều ý nghĩa mà Thạch Lam đã gửi gắm vào hai nhân vật chính là Liên và An. Do bố mất việc nên gia đình Liên chuyển từ thành phố về ở trong huyện nghèo này. Hàng ngày mẹ Liên đi làm, hai chị em ở nhà trông coi gian hàng xén nho nhỏ mà mẹ Liên đã mở từ ngày bắt đầu về đây. Vì thế, ngày nào chị em Liên cũng chứng kiến những cảnh sinh hoạt thân quen của mọi người xung quanh ở phố huyện. Nhưng điều đáng nói là Thạch Lam lại tái hiện cuộc sống ấy qua những khoảnh khoắc của ngày tàn, cái thời điểm dễ khiến con người ta nao lòng, xúc động.
Một buổi chiều thu buồn rười rượi với tiếng trống thu không, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi… Thạch Lam cố tình nhắc lại như vẫn còn luyến tiếc khi một ngày dài sắp khép lại. Những cảnh vật cũng được ông miêu tả một cách rời rạc, ảm đạm, đủ để thấy cái buồn não lòng của một buổi chiều vắng lặng. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn thơ ngây của chị ; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Thường thì khi trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời, con người ta mới dễ dàng xúc động như vậy. Một nỗi buồn không tên, một nỗi buồn lây lan sang cả cảnh vật xung quanh. Đúng như Nguyễn Du từng nói :
«Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ«
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Tâm trạng đang buồn, lại thêm cảnh chợ tàn, nỗi buồn càng thấm thía hơn. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này. Từng chi tiết đều được Thạch Lam miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ. Đó cũng chính là những đặc trưng của chợ quê, của nông thôn. Sẽ không có gì đặc biệt nếu hai chị em Liên đã sinh và lớn lên từ nhỏ tại nơi này. Bởi như thế, những hình ảnh đơn sơ, giản dị kia sẽ là điều rất bình thường, rất quen thuộc không có gì đáng nói. Nhưng trước đó, cuộc sống của hai chị em là thành thị đông đúc, là chốn phố xá xa hoa với đèn điện sáng chói, với những ô tô, xe máy…rải rác khắp đường. Ngược lại với nơi này, nếp sống chỉ loáng thoáng vài người với phiên chợ nghèo diễn ra hàng ngày. Mấy đứa trẻ con cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại. Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó. Liên thương bọn trẻ, nhưng chính hoàn cảnh của Liên lúc này cũng chẳng khá giả gì. Bởi những dư âm của một thời sung túc vẫn còn trong tâm trí Liên. Chắc hẳn lúc đó Liên cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc cuộc sống cơ cực như thế này.
Trời nhá nhem tối. Thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra, chị Tí mẹ nó theo sau, đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc. Ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng. Có lẽ trong ngày có bao nhiêu thời gian thì chị tận dụng bấy nhiêu để kiếm tiền. Bởi ở cái phố huyện nghèo này, chị bán hàng cho ai khi trời đã nhá nhem tối? Mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm, cao hứng hứng vào hàng chị uống bát nước chè tươi và hút điếu thuốc lào. Dù chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng khi cuộc sống khó khăn, ai cũng nhặt nhạnh từng đồng, chắt chiu từng li từng tí. Hai chị em Liên cũng vậy, họ dọn hàng từ sáng cho đến khi tàu đêm về. Chỉ cần biết có cơ hội kiếm tiền, dù ít hay nhiều, những con người nơi đây cũng cố gắng làm và đợi đến cùng.
Chiều tàn, đêm xuống, hai chị em cố thức đợi chuyến tàu cuối cùng để mong bán được thêm thứ gì đó. Có những hôm chẳng bán được gì nhưng ngày nào Liên cũng thức. Vì bán hàng kiếm sống và cũng vì muốn được chứng kiến hoạt động diễn ra cuối cùng trong ngày. Với lại, chuyến tàu ấy đi từ Hà Nội về, từ nơi mà trước đây Liên đã từng sống, đã từng có những ngày tháng rất tươi đẹp, rất bình yên. Có thể nào chuyến tàu chở được chút gì đó của Hà Nội, của kí ức đẹp đẽ về với Liên chăng? Liên không biết nhưng lòng man mác buồn khi tàu chưa đến. Và rồi tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi làm Liên tỉnh thức giữa những suy nghĩ miên man. Bà cụ hơi điên, bà đến mua riệu. Liên đã biết tính bà, chị lẳng lặng rót một cút rượu ti đầu đưa cho cụ ; chị không dám nhìn mặt cụ, và trong lòng hơi run sợ, chị mong cho cụ chóng đi. Rồi cụ cũng đi. Hai chị em Liên đứng sững nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng.
Bóng đêm đã bao trùm cả phố huyện. Chỉ còn một vài khe ánh sáng hắt ra từ những cửa hàng còn thức. Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ. Ngọn đèn nhỏ bé, leo lét của chị Tí cũng phần nào làm trời đêm đỡ tối. Gánh phở của bác Siêu cũng vừa tới. Lại thêm một người nữa thắp lên một ngọn lửa nhỏ bé. Ngọn lửa của niềm hi vọng mong manh sẽ đổi đời, sẽ khá giả. Nếu trước đây, những tô phở đầy thơm ngon là bữa sáng của hai chị em thì giờ đây nó lại trở nên xa xỉ mà hai chị em không bao giờ mua được. Nó làm Liên nhớ lại cuộc sống sung túc của mình trước đây. Liên nhớ những buổi được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ… Những kỉ niệm làm Liên không nhớ hết.
Cuộc sống thay đổi, ai cũng phải tập làm quen dần với những thăng trầm, sóng gió. Liên cũng vậy, chị không còn sợ những đêm tối của phố huyện nghèo nữa. Thạch Lam cũng đã miêu tả cái đêm tối rất dày đặc bằng những từ ngữ gợi hình gợi cảm: Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn. Nhưng trong cái đêm đen tĩnh mịch ấy, vẫn có những ánh đèn leo lét như những tia hi vọng của người dân phố huyện: ngọn đèn con của chị Tí, cái bếp lửa của bác Siêu, ngọn đèn nhỏ thưa thớt của Liên… Những ngọn đèn tuy nhỏ nhưng góp lại cũng đủ xua tan đi cái bóng đêm lạnh lùng, ảm đạm. Thạch Lam đã cố tình dùng những hình ảnh đối lập nhau như để khắc sâu thêm vào lòng người cái nghèo, cái buồn của phố huyện. Mỗi một hình ảnh tuy rất nhẹ nhàng nhưng cũng đủ đánh động lòng người.
Rồi chuyến tàu đêm mong đợi của chị em Liên cũng đến. Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Hai chị em không chờ lâu. Tiếng vòi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới. Các toa đèn sáng trưng, chiếu cả ánh xuống đường. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cáo chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre. Bằng những dòng văn ngắn ngủi miêu tả con tàu vụt đến chớp nhoáng rồi lướt qua, Thạch Lam đã làm bừng sáng lên cả đêm đen đang chìm trong bóng tối nơi phố huyện, làm rực lên những tia hi vọng sáng chói trong tâm hồn đang thổn thức của Liên. Hai chị em cũng chỉ chờ có thế rồi mới bước vào giấc ngủ một cách yên tâm, thỏa mãn được. Chuyến tàu đã chở bao kỷ niệm về với Liên, nhưng cạnh đó, Liên vẫn không quên chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Tàu qua, mọi hoạt động trong ngày cũng kết thúc. Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối.
Đi hết những dòng văn của Thạch Lam, người đọc tuy không có phản ứng dữ dội hay những bất ngờ bởi nhân vật, bởi sự kiện trong truyện nhưng những cảm giác miên man của chị em Liên, của những dòng tâm trạng nuối tiếc, buồn buồn cứ khắc khoải, chập chờn. Qua đó, Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía những xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ.