Phân tích bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ
(Văn mẫu lớp 11) – Anh (Chị) hãy của Hàn Mạc Tử trong sách văn học lớp 11. Đề bài: Phân tích bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mạc Tử BÀI LÀM Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút tài năng xuất sắc. Những tác phẩm của ông thường ít ...
(Văn mẫu lớp 11) – Anh (Chị) hãy của Hàn Mạc Tử trong sách văn học lớp 11.
Đề bài: Phân tích bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mạc Tử
BÀI LÀM
Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút tài năng xuất sắc. Những tác phẩm của ông thường ít tả và kể mà thường hướng tâm, hướng nội. “ Đây thôn Vĩ Dạ” – một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong trái tim của độc giả. Bài thơ được sáng tác trong thời gian Hàn Mặc Tử đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ không chỉ thể hiện nỗi nhớ, tình yêu đối với người con gái xứ Huế ông thầm thương, với mảnh đất đẹp nơi thôn Vĩ mà ẩn sâu trong đó còn có cả sự cô đơn, nuối tiếc và nỗi buồn chất chứa trong trái tim tác giả.
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ ẩn chứa nhiều ý nghĩa, đã tốn không ít giấy mực của các nhà các phê bình văn học:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”
Có ý kiến cho rằng, nhà thơ Hàn Mặc Tử khi đang nằm điều trị căn bệnh nan y, người con gái tên Hoàng Thị Kim Cúc mà ông thầm thương trộm nhớ đã gửi cho nhà thơ một tấm bưu ảnh với vài lời thăm hỏi trong đó có hỏi nhà thơ sao bấy lâu không về thăm thôn Vĩ. Nếu hiểu theo hoàn cảnh này, có lẽ nhà thơ đã mượn lời hỏi thăm ấy để mở đầu cho bài thơ của mình. Câu hỏi tu từ đầu tiên thể hiện một sự trách móc nhẹ nhàng của người con gái. Cũng có thể do nhà thơ tự phân thân hoặc tự vấn bản thân mình đã bấy lâu rồi không về thăm mảnh đất ấy với một niềm mong ước một lần được quay trở lại nơi đây.
Trong khổ thơ đầu, bài thơ cũng đã mang người đọc đến với một quê hương thôn Vĩ đẹp đẽ, thơ mộng:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Những hình ảnh thân thuộc bình dị và đặc trưng của thôn Vĩ như “hàng cau”, “vườn ai” đã được nhà thơ khéo léo tái hiện trong ba câu thơ. Trước mắt người đọc hiện lên là hình ảnh của những hàng cau tăm tắp vươn lên trước “nắng mới”, với khu vườn đã “mướt” lại “ xanh như ngọc”. Với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình trong hai từ “ nắng mới”, “mướt” , câu thơ thể hiện một khung cảnh thật tươi đẹp và đầy sức sống. Biện pháp tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng khéo léo trong câu thơ thứ ba “xanh như ngọc” cho thấy thôn Vĩ không chỉ hữu tình, nên thơ mà còn rất trù phú. Cảnh vật thiên nhiên trong bài thơ thì tuyệt vời đến thế, còn con người thì rất thật thà và đôn hậu qua hình ảnh “lá trúc” với “mặt chữ điền”. Chỉ hai hình ảnh ấy thôi cũng đủ để người đọc cảm nhận được điểu đó bởi người xưa thường ví cây trúc với người quân tử, còn gương mặt chữ điền thường là những người có tấm lòng nhân hậu. Không chỉ khắc họa hình ảnh tươi đẹp, con người đáng yêu của thôn Vĩ, bài thơ còn cho người đọc nhận thấy được sự ngợi ca, lòng yêu mếm của tác giả đối với con người và cảnh vật vùng đất yên bình đó.
Nếu như khổ thơ đầu mang đến một hình ảnh tươi vui, đẹp đẽ thì ở khổ thơ thứ hai lại mang ta đến với những hình ảnh chia lìa, một nỗi buồn trống trải chất chứa của nhà thơ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"
Người ta thường nói “gió thổi, mây bay” bởi gió và mây thường đi liền với nhau, gắn bó, hòa quện với nhau. Tuy nhiên trong câu thơ trên thì gió đi một lối, mây đi một đường. Kết hợp với nhịp thơ rứt khoát 4-3, câu thơ thể hiện một sư chia lìa, xa cách. Nhà thơ tiếp tục sử dụng biện pháp nhân hóa tài tình trong câu thơ tiếp theo với hình ảnh “dòng nước buồn thiu” kết hợp với hình ảnh “hoa bắp lay”. Điều đó dường như hé lộ một nỗi buồn mang mác của người thi sĩ lúc này bởi lẽ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Càng đọc những câu thơ tiếp, người đọc càng dần thấy được một Hàn Mặc Tử cô đơn, u sầu và hướng nội:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Trong thơ ca xưa nay, người ta thường thấy hình ảnh của trăng được rất nhiều thi nhân đưa vào trang viết của mình. Nếu nhà thơ Lý Bạch có “Ngẩng đầu ngắm trăng sang – Cúi đầu nhớ cố hương”, Bác Hồ có “trăng vào cửa sổ đòi thơ” thì Hàn Mặc Tử cũng góp vào nguồn cảm hứng vô tận ấy hình ấy một “bến sông trăng” và con thuyền “chở trăng”. Có lẽ hình ảnh ẩn dụ “sông trăng” và thuyền “chở trăng” là hai hình ảnh cực kỳ đắt giá và mang nhiều ý nghĩa nhất trong khổ thơ này. “Trăng” ở đây có thể hiểu như một người bạn tri kỷ mà lúc cô đơn này nhà thơ rất cần để giãi bày tâm sự. Nếu đặt vào hoàn cảnh sáng tác và kết hợp với nội dung khổ thơ đầu, người đọc cũng có thể hiểu rằng trăng chính là nhà thơ. Bởi lẽ ở khổ thơ đầu hình ảnh thôn Vĩ và con người đáng yêu đến thế thì hình ảnh thuyền “chở trăng về” chính là hình ảnh ẩn dụ một mong ước của thi nhân được trở về mảnh đất ấy. Hai từ “thuyền ai” cùng câu hỏi tu từ cuối khổ thơ dù thể hiện nỗi niềm đau đáu nhớ về thôn Vỹ, mong muốn về thăm nhưng dường như lại chất chứa cả một nỗi khác khoải, cô đơn của nhà thơ khi biết mình đang mang bệnh khó có thể trờ về.
Sau những hình ảnh buồn man mác và sự cô đơn trong nỗi lòng người thi sĩ thì bài thơ lại tiếp tục đưa ta đến với một cõi mộng ảo, hư hư thực thực với một sự chới với, vô vọng trong trái tim tác giả:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Aó em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Với điệp từ “khách đường xa” được nhấn mạnh hai lần, câu thơ thể hiện một sự xa cách vô cùng. Vậy vị ‘khách đường xa” ấy là ai? Có thể đó chính là nhà thơ – một vị khách đường xa muốn trờ về thăm xứ Huế. Khổ thơ không chỉ có vị khách mà còn có hình ảnh người em áo trắng. Trong một số tài liệu có viết rằng bà Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho ông một tấm bưu ảnh phong cảnh đẹp đẽ, một số tài liệu lại cho rằng đó là bức hình của bà mặc một chiếc áo dài. Và dù theo tài liệu nào thì người ta cũng vẫn ngầm hiểu rằng hình ảnh cô gái áo trắng trong bài thơ chính là Hoàng Cúc – người mà thi sĩ thầm thương bấy lâu. Hình ảnh “trắng” “ nhìn không ra” cùng “sương khói mờ nhân ảnh” đã đưa độc giả đến một cõi xa xôi nào đó, mờ mờ ảo ảo. Dường như niềm thương, nỗi nhớ và mong ước trở về thăm lại người xưa trốn cũ của nhà thơ với con thuyền chở trăng khó kịp nên ông đã vào tận trong cõi mơ để tìm kiếm. Nhưng có lẽ cuộc tìm kiếm ấy vẫn chới với, vô vọng khi thi sĩ thốt lên “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Lại một lần nữa nhà thơ tự hỏi lòng mình – một câu hỏi không biết có lời giải đáp ấy lại càng cho thấy rõ sự khắc khoải vô cùng của nhà thơ. Nếu khổ thơ đầu có “vườn ai”, khổ thơ thứ có “thuyền ai” thì khổ thơ thứ ba lại có “tình ai” nằm trong những câu hỏi tu từ ở mỗi khổ đều có sức truyền cảm lớn đến trái tim của người đọc và thể hiện tài năng sử dụng ngôn từ tài tình bậc thầy với lời ít nhưng ý nhiều của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Gấp lại trang thơ, hình ảnh miền quê tươi đẹp, trù phú và con người xứ Huế cùng tình yêu của nhà thơ với mảnh đất yên bình thôn Vĩ vẫn khắc sâu trong tâm trí độc giả. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ tài tình và các biện pháp tu từ một cách khéo léo, bài thơ cũng mang cho người đọc một sự thấu hiểu về sự cô đơn khắc khoải và mong ước trở về với mảnh đất đẹp đẽ cũng như mong ước trở về với cuộc sống đời thường của nhà thơ Hàn Mặc Tử. “Đây thôn Vĩ Dạ” sẽ mãi ghi dấu ấn trong trái tim bạn đọc, đóng góp một tác phẩm xuất sắc cho nền thi ca nước nhà.