Những cảm nghiệm về sứ mệnh tuổi trẻ qua đoạn trích Đất nước
() – (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm) Đề bài: BÀI LÀM Trong suy nghĩ của mỗi người, yêu nước thường là một tình cảm lớn lao, xa vời, khó cảm nhận. Nhưng qua bài Đất nước, bằng những câu thơ vừa dồn nén cảm xúc vừa trĩu nặng suy tư, nhà thơ Nguyễn ...
() – (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
Đề bài:
BÀI LÀM
Trong suy nghĩ của mỗi người, yêu nước thường là một tình cảm lớn lao, xa vời, khó cảm nhận. Nhưng qua bài Đất nước, bằng những câu thơ vừa dồn nén cảm xúc vừa trĩu nặng suy tư, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thầm nhắc bạn đọc – nhất là lớp người trẻ tuổi “Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ…” Đất Nước gắn bó, biểu hiện ngay bên cạnh chúng ta. Phải chăng lòng yêu nước bắt đầu từ những điều giản dị, gần gũi nhất, như yêu cha mẹ, gia đình, mái nhà ta ở, hạt gạo ta ăn, từ mỗi giọt máu, đốt xương của chính mình? Từ tình yêu nhỏ, tuổi trẻ hãy mở rộng tấm lòng để có tình yêu lớn. Từ tình yêu, chúng ta cần thức tỉnh sứ mệnh của mình trước lịch sử. Ngày xưa, sứ mệnh ấy là chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, còn ngày nay, sứ mệnh ấy là gì?
Chúng ta hãy trở lại những câu thơ tâm sự của đôi trai gái cuối phần một của bài thơ:
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”
Nối tiếp phần trên – Đất Nước có từ xưa, hiển hiện và gắn bó với những người ruột thịt, với những vật dụng thân thương, gần gũi – đến đây, chàng trai chiêm nghiệm một điều vừa giản dị vừa thiêng liêng: trong chính thân xác, tinh thần, cuộc sống của anh, của em có một phần của Đất Nước, trong tình yêu đôi lứa tuổi trẻ có sự hài hòa tình yêu Đất Nước…Trước Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết câu thơ xúc động về mối quan hệ tình yêu lớn và tình yêu nhỏ:
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng”
Với Chế Lan Viên, yêu Tổ quốc phải đằm thắm, da diết như yêu máu thịt mình, yêu cha mẹ, yêu vợ ( hoặc yêu chồng) của mình. Tình yêu lớn phải bắt đầu từ tình yêu nhỏ, phải cụ thể, gần gũi như tình yêu ruột thịt, như ân nghĩa lứa đôi. Còn với Nguyễn Khoa Điềm, từ tình yêu nhỏ, từ giây phút “hai đứa cầm tay nhau”, phải mở rộng để hài hòa với tình yêu lớn, yêu đất nước, yêu quê hương,…Hai nhà thơ có hai cách viết khác nhau nhưng đều chung một lời chia sẻ, nhắn gửi chúng ta về ý niệm: lòng yêu nước là gì, ở đâu trong tâm hồn mỗi người và cần được thể hiện như thế nào trong cuộc sống? Về lòng yêu nước, chúng ta đã được biết , được học trong một bài văn tùy bút nổi tiếng của nhà văn Nga I.Erenbua, giữa thế kỉ thứ XX: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu nước”. Nhiều, rất nhiều danh nhân, nghệ sĩ đã viết về lòng yêu nước. Song giờ đây đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta vẫn tiếp nhận ý niệm đó một cách thú vị vì nhà thơ không diễn đạt trực tiếp, kiểu văn xuôi, kiểu nghị luận mà kết hợp chính luận, suy tưởng với cảm xúc dồn nén, lắng sâu, bằng hình ảnh và ngôn ngữ thơ:
“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Rõ ràng, ý niệm về Đất Nước, về lòng yêu nước đã được gửi gắm trong một hình ảnh thơ “Đất Nước là máu xương của mình” hàm súc và mới mẻ. Lời nhắn gửi về sứ mệnh tuổi trẻ với Đất Nước cũng thật nhẹ nhàng, tế nhị và giàu hình ảnh “Phải biết gắn bó và san sẻ / Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Trước Nguyễn Khoa Điềm, năm 1968, nhà thơ Lê Anh Xuân ở giữa Sài Gòn đã viết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” ca ngợi người chiến sĩ xả thân chiến đấu, chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc, có những câu thơ thật đẹp về giây phút anh hy sinh:
“Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ
Ơi Anh Giải phóng quân
Từ dáng đứng của anh giữa đường bang Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên, bát ngát mùa xuân”
Trường ca Mặt đường khát vọng ra đời năm 1971-1974 tại chiến khu Trị Thiên, sau Dáng đứng Việt Nam một chiều dài thời gian ba, bốn năm, một chiều rộng không gian ở hai miền đất nước mà có những từ ngữ, hình ảnh thơ thật giống nhau: “Dáng đứng Việt Nam, Từ dáng đứng của Anh…Tổ quốc bay lên” (Lê Anh Xuân) và “hóa thân cho dáng hình xứ sở…Đất Nước muôn đời”(Nguyễn Khoa Điềm). Phải chăng những lớp người, những hồn thơ sống cùng thời đại thường khám phá được những thi liệu và có những chiêm nghiệm, những cảm xúc, suy tư gần giống nhau? Cuộc sống và cách sống của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước sôi động, quyết liệt đã thổi bùng lên cảm hứng, tứ thơ, đã chưng cất cho họ ngôn ngữ hình ảnh thơ giàu ý nghĩa như thế. Do đó, cả hai nhà thơ Lê Anh Xuân và Nguyễn Khoa Điềm và nhiều văn nghệ sĩ thuở ấy đều ghi nhận và gửi tới bạn đọc sự thức tỉnh sư mệnh của tuổi trẻ là hãy cầm vũ khí, xả thân cứu nước, hãy đem dáng hình, tư thế của mình, hãy hóa thân – sự sống và cái chết – để bảo vệ Đất Nước, tạo thêm sức sống để Tổ quốc bay lên, vươn lên mùa xuân tự do, độc lập,..Chính nhà thơ Chế Lan Viên, thế hệ trước Nguyễn Khoa Điềm trong khổ thơ đã dẫn ở đoạn trên cũng viết:
“Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi căn nhà, góc phố, dòng sông”
Vậy đấy, với lớp cha anh, những năm tháng chống ngoại xâm, sứ mệnh của tuổi trẻ là chiến đấu, nếu cần các anh vẫn chấp nhận hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữu từng căn nhà, góc phố của chính mình, tình yêu đôi lứa của chính mình…Ngày nay, sứ mệnh của tuổi trẻ là gì? Hãy trở lại thơ Nguyễn Khoa Điềm và tiếp tục thể nghiệm:
“Em ơi em…
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Biết “hóa thân” là tự nguyện cống hiến tất cả thể xác và tinh thần, góp phần làm giàu Đất Nước, xây dựng Đất Nước văn minh, tiên tiến, hùng mạnh, bền vững muôn đời,… Biết hóa thân là dám ném mình vào công cuộc lao động xây dựng nền kinh tế đổi mới, hội nhập, nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, là dám dấn thân vào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong cuộc sống và trong mỗi con người,…biết bao nội dung và hành động ẩn chứa trong sứ mệnh “hóa thân” ấy. Đấy là những điều mà mỗi thanh niên ngày nay có thể suy ngẫm để thể nghiệm. Còn mỗi học sinh THPT thì suy ngẫm và thể nghiệm thế nào?
Xin trả lời câu hỏi ấy và kết bài thể nghiệm này bằng lời của Bác Hồ dạy chúng ta “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”