Phân tích tinh thần nhân đạo trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
Đề bài: Phân tích tinh thần nhân đạo trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ Bài làm Tinh thần nhân đạo đã trở thành điểm chính, linh hồn của nhiều tác phẩm trong thời kỳ xưa. Với mỗi tác phẩm văn học tác giả thường thể hiện cái nhìn nhân sinh quan của ...
Đề bài: Phân tích tinh thần nhân đạo trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ
Bài làm
Tinh thần nhân đạo đã trở thành điểm chính, linh hồn của nhiều tác phẩm trong thời kỳ xưa. Với mỗi tác phẩm văn học tác giả thường thể hiện cái nhìn nhân sinh quan của mình trong đó, thể hiện tinh thần nhân đạo, tính nhân văn sâu sắc.
Chuyện người con gái Nam Xương của tác giả Nguyễn Dữ, muốn tố cáo tội ác của chế độ phong kiến, với những số phận người phụ nữ thủy chung, đức hạnh nhưng lại chịu nhiều cay đắng thiệt thòi, thể hiện sự đồng cảm của tác giả với những bất hạnh mà người phụ nữ xưa phải gánh chịu.
Truyện xoay quanh nhân vật người con gái tên là Vũ Nương, nàng là người con gái đoan trang nết na, đức hạnh và nổi tiếng xinh đẹp, khi tới tuổi trưởng thành nàng được Trương Sinh một chàng trai làng bên hỏi cưới với giá một trăm lạng vàng.
Từ ngày làm dâu, làm vợ chàng trai Trương Sinh, Vũ Nương vô cùng hiền thục, làm tròn bổn phận làm vợ, làm dâu hiền trong nhà vun vén sau trước, không có điều gì đáng chê trách.
Nàng luôn làm tròn khuôn phép của một người vợ trong gia đình chồng. Hiếu thuận, kính trọng mẹ chồng, vâng lời và chăm sóc chồng chu đáo, không để cho hàng xóm láng giềng lời ong tiếng ve một điều gì.
Nhưng niềm hạnh phúc của Vũ Nương chẳng được bao lâu, thì Trương Sinh phải tòng quân ra trận theo lời kêu gọi của quan viên. Lúc chàng Trương Sinh đi xa thì Vũ Nương đang mang thai đứa con của hai người được ít tuần. Trong giây phút chia ly Vũ Nương đã dặn dò chồng mình nhiều điều cần thiết, thể hiện bổn phận của một người vợ lo cho chồng.
Thời gian sau, do mong nhớ và lo lắng cho an nguy sinh tử của con trai mình là Trương Sinh nơi chiến trường, mà mẹ chàng lâm bệnh nặng. Mặc dù, Vũ Nương hết lòng chạy chữa thuốc thang. Nhưng mẹ chồng của nàng vẫn không qua khỏi, bà qua đời để lại hai mẹ con Vũ Nương côi cút nuôi nhau. Vũ Nương đã lo ma chay cho mẹ chồng một cách chu toàn.
Ngày tháng cứ thế trôi đi, nàng chăm sóc con nhỏ chờ chồng trở về. Hàng đêm, vì quá nhớ nhung chồng mình nơi biên ải Vũ Nương thường chỉ lên chiếc bóng của mình ở trên tường nhà nói với con trai rằng "Cha con đó".
Rồi ngày vui cũng tới, tin thắng trận đến, Trương Sinh được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Vũ Nương vui mừng khôn xiết. Nhưng vừa về tới nhà nghe tin mẹ mất Trương Sinh vô cùng đau khổ. Chàng vội vàng bế theo cậu con trai nhỏ đi ra viếng mộ mẹ, thông báo tin trở về để mẹ chàng ở dưới suối vàng yên lòng vì con.
Nhưng con trai không chịu nhận Trương Sinh là cha, trên đường đi nó cứ khóc mãi. Nó bảo với Trương Sinh ông không phải cha tôi, cha tôi đêm nào cũng tới.
Trương Sinh nổi giận đùng đùng, anh cho rằng Vũ Nương ăn ở hai lòng, không giữ trọn tiết hạnh của một người vợ, nên khi viếng mộ mẹ trở về Trương Sinh đã chửi bới, sỉ nhục Vũ Nương, rồi đuổi nàng ra khỏi nhà mình, không cho Vũ Nương cơ hội để thanh minh.
Trước nỗi oan tình quá lớn lại không được lên tiếng thanh minh, giãi bày vì Trương Sinh không hề nói vì sao mình nổi giận, vì sao chàng nghĩ Vũ Nương có người khác. Nếu Trương Sinh nói rõ rằng con trai bảo đêm nào cha nó cũng tới thì có lẽ Vũ Nương đã thanh minh được cho mình. Nhưng anh ta ghen tuông mù quáng, một mực đổ oan cho vợ thất tiết, không biết liêm sỉ, và đuổi nàng ra khỏi nhà.
Với một cô gái chung thủy, coi tiết hạnh, danh dự quan trọng hơn mạng sống của mình. Trong bối cảnh xã hội phong kiến lắm điều thị phi thì tội loạn luân, không thủ tiết chờ chồng quả là một án tình quá lớn. Chính vì vậy, Vũ Nương không còn cách nàng khác, nàng quá tuyệt vọng trước cuộc sống nên quyết định nhảy xuống sông Nhị Hà tự vẫn để minh oan sự trong sạch của mình.
Qua cái chết của Vũ Nương ta thấy thân phận bèo bọt, nhỏ bé của những người phụ nữ dưới thời chế độ phong kiến. Họ không hề được làm chủ cuộc sống của mình là luôn phải nghe theo sự sắp xếp của người khác. Số phận nghiệt ngã cay đắng biết bao.
Hành động nhảy xuống sông tự vẫn cho thấy lòng tự trọng của Vũ Nương khi danh dự, và phẩm hạnh bị bôi nhọ thì nàng cũng không thiết sống nữa. Nàng thà chết chứ không chịu nhục.
Chuyện người con gái Nam Xương ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ đồng thời đã thể hiện tinh thần nhân đạo của tác giả với những số phận phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trong cái xã hội thối nát đó những người con gái luôn phải gánh chịu nhiều nỗi đau, sự oan khuất bất hạnh, những tai họa có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào. Một xã hội đầy rẫy sự bất công với phái nữ, họ không có quyền hạnh phúc quyền bình đẳng của riêng mình, mà chỉ như phận bèo trôi luôn phải nghe theo sự chỉ bảo, của người khác, không bao giờ được làm chủ số phận của chính mình.
Cuộc hôn nhân do mai mối, không có tình yêu, không được lựa chọn chính là mở đầu cho mọi bất hạnh của Vũ Nương sau này. Đồng thời nó cũng tố cáo tội ác của chế độ xưa, người phụ nữ chỉ tồn tại như cái bóng họ thực chất chỉ là món hàng được trao đổi mua bán, Vũ Nương được Trương Sinh hỏi cưới giá một trăm lạng vàng thực chất anh ta mua cô với giá đó, vì vậy khi làm vợ anh ta Vũ Nương không có quyền lên tiếng mà chỉ biết phục tùng như nô lệ.
Ngay cả việc bị vu oan, cũng không được thanh mình mà chỉ còn biết tìm tới cái chết để chứng minh oan khuất của mình, thấy là một cuộc sống cơ cực cay đắng.
Thảo Nguyên